Vài suy nghĩ về Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng vớinhiều ca khúc bất hủ. Trong sự nghiệp âm nhạc, ông đã sáng tác trên 600 tác phẩm, phần lớn là tình ca. Nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản chiến trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và do đó đã chịu sự cấm đoán, hạn chế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và ngay cả của chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhạc của Trịnh Công Sơn được rất nhiều ca sĩ thể hiện nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly.
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 và mất ngày 1 tháng 4 năm 2001. Cuộc đời Trịnh Công Sơn trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chế độ cũng như giai đoạn sáng tác. Ông sinh tại cao nguyên Lạc Giao (xã Lạc Giao-hiện nay là phường Thống Nhất, Ban Mê Thuột), tỉnh Đắk Lắk. Ông lớn lên tại Huế, tốt nghiệp Đại học Sư phạm (khoa Triết học) tại Qui Nhơn. Sau đó ông trốn lính, vào Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng và làm nghề dạy học.
Trịnh Công Sơn (TCS) bắt đầu viết nhạc năm 1958. Tác phẩm đầu tiên của ông làƯớt mi, được xuất bản năm 1959. Từ đó tên tuổi của ông được nhiều người biết đến. Trong những năm sau đó, nhạc của ông được phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là Khánh Ly. Vì lời lẽ trong nhiều bài hát của ông có tính chất phản chiến, nhà cầm quyền miền Nam đã cấm lưu hành nhiều tác phẩm của ông. Ngay cả Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, vốn đối lập, cũng không tán thành việc ông gọi Chiến tranh Việt Nam là "nội chiến" trong bài Gia tài của mẹ vì quan điểm của họ cho rằng đây là cuộc chiến tranh chống xâm lược và thống nhất đất nước. Tuy nhiên, nhiều bài hát của ông lại rất thịnh hành trong công chúng cho đến hôm nay. Một số bài hát của Trịnh Công Sơn đã đến với công chúng Nhật Bản năm 1970 như Diễm Xưa (do Khánh Ly biểu diễn bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt), Ca dao Mẹ.
Theo BBC, sau khi chiến tranh kết thúc, gia đình ông di tản sang Mỹ và ông đã phải sống 4 năm trong trại cải tạo. Nhưng cũng có những nguồn tin theo tác giả Bùi Đức Lạc thì TCS chỉ là đi kinh tế mới vài năm chứ không hề có cải tạo. Một thời gian dài sau 1975, nhạc của ông bị cấm đoán hay ngấm ngầm tẩy chay tại Việt Nam và cả ở hải ngoại.
Những năm sau 1975, ông làm việc tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, tạp chíSóng nhạc. Từ thập niên 1980, Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác lại, và có viết một số bài có nội dung ca ngợi chế độ mới như Thành phố Mùa Xuân, Em ở nông trường em ra biên giới, Huyền thoại Mẹ... Sau đó nhà nước Việt Nam đã nới lỏng quản lý văn nghệ, ông lại tiếp tục đóng góp nhiều bản tình ca có giá trị.
Trịnh Công Sơn là người có quan hệ xã hội rất rộng, bạn bè và người quen của ông sống nhiều nơi trên thế giới, kể cả người Việt và người nước ngoài. Ông có nhiều người bạn hoạt động trong các lãnh vực khác nhau, dĩ nhiên những người mà ông gần gũi nhất là những người hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, hội họa và văn chương. Trịnh Công Sơn là thành viên trong nhóm "Những người bạn" (bao gồm nhạc sĩ Thanh Tùng, Từ Huy, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện...). Ông rất thích uống "rượu Tây", thích học ngoại ngữ, do đó ông nói tiếng Anh và tiếng Pháp khá trôi chảy. Trong môi trường thân mật, mỗi khi ngẫu hứng, Trịnh Công Sơn thường nói hai ngoại ngữ này với bạn bè, thậm chí nói với cả người sơ giao nếu cảm thấy "vui vẻ" vì đồng điệu. Điều này có thể kiểm chứng qua rất nhiều người, trong đó phải kể đến họa sĩ Nguyễn Trung, ca sĩ Hồng Nhung và nhà văn Vương Trung Hiếu (người đã dịch và tặng ông quyển "Giây phút khôn ngoan" (Minute of Wisdom) - một quyển sách về thiền học và triết lý Phật giáo mà ông rất thích, vì quyển này hợp với tạng tinh thần của ông).
Ông bị bệnh gan, thận và tiểu đường. Ông mất tại Thành phố Hồ Chí Minh vì bệnh tiểu đường.
Sau 1975, đã có hai lần ông định lập gia đình. Lần đầu vào năm 1983, với một thiếu phụ tên là C.N.N., sinh năm 1944. Từ quận 18, Paris, bà C.N.N. đã bay về Việt Nam trong dự định sẽ tổ chức đám cưới với ông, nhưng rồi sau đó đám cưới ấy lại vĩnh viễn không được tổ chức. Lần thứ hai, ông định cưới một cô gái thua ông 30 tuổi, là Vân Anh, Á hậu báo Tiền Phong năm 1990.
Những năm cuối cùng của cuộc đời, niềm say mê lớn nhất, TCS gần như dành hết cho ca sĩ Hồng Nhung mà theo ông là "Một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai!"... Với Hồng Nhung, tâm hồn Trịnh gần như trẻ lại, khiến bước chân ông trở nên bối rối, ngập ngừng với buổi hẹn ban đầu. Ca sĩ Hồng Nhung kể lại tình cảm của cô giành cho Trịnh Công Sơn và của Trịnh giành cho cô lần đầu gặp mặt: "Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh quá... già!"
Hoàng Anh, một người tình khác của Trịnh nói về tình yêu đối với ông: "Hiện tôi vẫn để ảnh tưởng nhớ Trịnh Công Sơn trong phòng ngủ, nhưng chồng tôi không bao giờ thắc mắc, mà luôn tôn trọng thế giới riêng của tôi".
Khánh Ly đã thể hiện hầu hết những ca khúc của Trịnh Công Sơn và được cho là thành công nhất. Nhưng Khánh Ly không phải người đầu tiên hát nhạc này, trước đó đã có Thanh Thúy, Hà Thanh giới thiệu những sáng tác đầu tay của Trịnh Công Sơn ra công chúng.
Tình yêu là đề tài lớn nhất trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Những bản tình ca chiếm đa số trong danh mục nhạc phẩm. Bút lực viết nhạc tình của họ Trịnh rất hùng hậu, tưởng chừng không biết mai một theo năm tháng, theo thời đại: từ 1958 vớiƯớt mi đã nổi tiếng cho đến thập niên 1990 vẫn có những bản tình ca thấm thía: Như một lời chia tay, Xin trả nợ người... Nhạc tình của ông đa số là nhạc buồn, thường nói lên tâm trạng buồn chán, cô đơn như trong Sương đêm, Ướt mi, những khúc tình ngầm mang sầu ly biệt như Diễm xưa, Biển nhớ, hay tiếc nuối một cái gì đã qua: Tình xa, Tình sầu, Tình nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên, Hoa vàng mấy độ... Ngoài ra còn những bài triết lý tình, mang một bóng dáng ngậm ngùi, lặng lẽ của người tình từng trải: Cỏ xót xa đưa, Gọi tên bốn mùa, Mưa hồng... Những bài hát này có giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát, thường được viết với tiết tấu chậm, thích hợp với điệu Slow, Blues hay Boston. Phần lời được đánh giá cao nhờ đậm chất thơ, bề ngoài trông mộc mạc nhưng rất thâm trầm sâu sắc, đôi khi mang những yếu tố tượng trưng, siêu thực. Nhạc tình của Trịnh Công Sơn rất phổ biến tại Việt Nam, nhạc sĩ Thanh Tùng từng gọi Trịnh Công Sơn là "người Việt viết tình ca hay nhất thế kỷ".
Tên tuổi của Trịnh Công Sơn còn gắn liền với một loại nhạc mang tính chất chống lại chiến tranh, ca ngợi hòa bình mà người ta thường gọi là nhạc phản chiến, sau này tài tử hơn và để tránh nhầm lẫn với những ca khúc phản chiến của tác giả khác, người ta gọi là Ca khúc da vàng.
Ngoài các bản nhạc tình và nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn còn để lại những tác phẩm viết về quê hương: Chiều trên quê hương tôi, viết cho trẻ em: Em là hoa hồng nhỏ, Mẹ đi vắng, và cả những bài có thể xếp vào loại nhạc đỏ (CS): Huyền thoại mẹ, Em ở nông trường em ra biên giới. Trong đó những bản viết cho thiếu nhi nổi tiếng hơn cả.
Vinh dự dành cho ông:
- Năm 1972, ông đoạt giải thưởng Đĩa Vàng ở Nhật Bản với bài "Ngủ Đi Con” (trong Ca Khúc Da Vàng) qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly. Năm 1979, hãng đĩa Nippon Columbia mời Khánh Ly thu băng lần thứ nhì các nhạc phẩm của ông, cũng vào năm này ca khúc Ngủ Đi Con trở thành 1 hit ở Nhật Bản.
- Giải thưởng cho Bài hát hay nhất trong phim "Tội Lỗi Cuối Cùng"
- Giải Nhất của cuộc thi "Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh" với bài "Em Ở Nông Trường, Em Ra Biên Giới"
Giải Nhất cuộc thi "Hai mươi năm sau" với bài "Hai Mươi Mùa Nắng Lạ" - Năm 1997 ông đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhạc Sĩ cho một chuỗi bài hát: "Xin Trả Nợ Người", "Sóng Về Đâu", "Em Đi Bỏ Lại Con Đường"
- Trịnh Công Sơn có tên trong tự điển bách khoa Pháp Encyclopédie de tous les pays du monde (Coll. Les Millions).
Khi nghe nhạc Trịnh, 2 điều khiến tôi thích thú nhất là lắng nghe ca từ trong từng bài hát vì hình như có tính triết lý và điệu nhạc nào cũng dễ hát vì dường như anh ấy muốn tất cả mọi người đều có thể nghêu ngao bài hát của anh. Sống ở hải ngoại bấy lâu nay, tôi đã phải khó chịu dùm cho anh khi nghe nhiều người lên án anh quá khắt khe; lắm lúc đâm ra lố bịch đến buồn cười vì tưởng chừng chỉ có VC mới có những luận điệu cuồng tín cực đoan đến như vậy. Lỗi lầm đáng trách nhất của TCS mà nhiều người vẫn lên án là chuyện anh "trở cờ" sau ngày VC chiếm miền Nam. Có lẽ TCS cũng "ngây thơ" như đa số người dân miền Nam không hiểu biết gì nhiều về CSVN, cứ nghĩ VC "chống Mỹ cứu nước" là "chính nghĩa" nên "có cảm tình" và (ít nhiều) "ủng hộ" mà TCS không hề biết mình đã bị lợi dụng cho mục tiêu chính trị của CSVN để rồi khi thấy mình bị "vắt chanh bỏ vỏ" thì ....ô hô, quá muộn màng ! Ai cũng có những sai lầm trong cuộc đời và TCS cũng là "con người" rất bình thường như mọi người - vậy thôi. Có lẽ nhiều người "ái mộ" TCS quá nên cứ muốn TCS phải thật ..."tuyệt vời"(perfect); cho nên khi thấy TCS không được như ý họ mong muốn thì họ đâm ra ghét ông ta chăng? Dù cho anh ấy đã nằm xuống nhưng vẫn có nhiều người gay gắt nhục mạ anh chỉ vì họ không muốn cho ai hát hay nghe nhạc Trịnh. Suy cho cùng thì TCS là một người Việt tiêu biểu khi lỡ sinh ra vào thời kỳ "huynh đệ tương tàn" nên đành phải sống giữa 2 làn đạn Quốc Gia - Cộng Sản để rồi phe nào cũng có thể chụp mũ, nhiếc mắng, hành hạ vô tội vạ cho sướng miệng để thoả mãn sự cuồng tín, ngu muội, điên rồ và cả sự hèn hạ... Tội nghiệp làm sao cho một thiên tài âm nhạc mà chính đồng bào của anh lại có những người không biết nghe, không chịu hiểu nên không biết trân trọng những gì anh đã cống hiến cho cuộc đời này. Tôi viết những dòng này về TCS nhân ngày giỗ của anh sau khi phải nghe những người điên cuồng đấu tố anh trên một diễn đàn Paltalk. Dường như họ muốn trút tất cả trách nhiệm về việc miền Nam VN rơi vào tay CSVN vào ngày 30-4-1975 là do anh "trở cờ", vì nhạc của anh "ru ngủ", họ "đấu tố" anh kịch liệt vì anh là con dê tế thần nên tôi đã không kiềm chế được nữa mà phải lên tiếng bênh vực anh. 33 năm qua, có những người Cộng Sản và Quốc Gia đã nhân danh đủ thứ để chụp mũ, lên án anh về nhiều tội danh mà chẳng mấy ai dám bênh vực, giải thích cho anh. Bởi vậy, tôi mong sao sẽ có nhiều hơn những người can đảm lên tiếng nói dùm cho anh một lời "công đạo" như một nén nhang thắp cho anh. Khi nào người ta không còn thù hận nhau nữa thì hãy ngồi lại bên nhau mà nghe Cát Bụi, Diễm Xưa, Biển Nhớ, Cho một người vừa nằm xuống, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Có một giòng sông đã qua đời, Có một ngày như thế, Có những con đường, Cỏ xót xa đưa, Còn ai với ai, Còn tuổi nào cho em, Cuối cùng cho một tình yêu, Cúi xuống thật gần, Du mục, Dựng lại người dựng lại nhà, Đại bác ru đêm, Đi tìm quê hương, Đời gọi em biết bao lần, Đôi mắt nào mở ra, Em còn nhớ hay em đã quên, Hạ trắng, Hát cho tôi, Hãy sống giùm tôi, Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Lại gần với nhau, Lời buồn thánh, Một cõi đi về, Mưa hồng, Ngày dài trên quê hương, Nghe tiếng muôn trùng, Ngủ đi con, Ngụ ngôn mùa đông, Người con gái Việt Nam da vàng, Người về bỗng nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Nhớ mùa thu Hà Nội, Như cánh vạc bay, Như một lời chia tay, Nước mắt cho quê hương, Phôi Pha, Ru em từng ngón xuân nồng, Ru ta ngậm ngùi, Rừng xưa đã khép, Sao mắt mẹ chưa vui, Sóng về đâu, Ta thấy gì đêm nay, Tình ca người mất trí, Tình nhớ, Tôi ru em ngủ, Tuổi đá buồn, Ướt mi, Vết lăn trầm, Xin mặt trời ngủ yên, Xin trả nợ người.... Không ai có thể phủ nhận tài hoa của TCS qua những bài hát bất hủ này, cho dù họ lên án hay căm ghét anh, cho dù họ chống đối hay chụp mũ anh, cho dù họ chửi bới hay nguyền rủa anh thì những nhạc phẩm này vẫn bất tử trong lòng nhiều người Việt có cùng cảnh ngộ/ thân phận như anh. Tôi luôn nhớ đếnbài hát "Biển nhớ" (cùng với bài hát"Nghìn trùng xa cách" thường được nghe khi có"thông báo rời đảo") mà tôi đã nghe từ những ngày sống trong trại tị nạn Pulau Bidong, Malaysia. Hãy ngủ yên trong lòng đất mẹ, anh nhé - Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ của quê hương Việt Nam nhược tiểu. Tôi tin Mẹ Việt Nam luôn khoan dung tha thứ cho mọi lỗi lầm của con mình; cho dù anh hay bất kỳ ai không phải là con ngoan của mẹ đi chăng nữa; bởi vì dân tộc VN vốn dĩ rất khai phóng, nhân bản và bao dung. (4/2008)
Trịnh Công Sơn qua cái nhìn của một chỉ huy tình báo Việt Nam Cộng hoà
Năm 1979, trước sự việc hằng trăm ngàn người Việt phải đi tù cải tạo sau chiến tranh, ca sĩ Joan Baez cùng với một trăm người khác đã ký tên trong một thư ngỏ, đăng trên các báo lớn ở Mỹ vào tháng 5.1979, kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền. Khi đó phản ứng từ phía Việt Nam đưa ra những bài viết của Nguyễn Khắc Viện (“A Letter to Some American Friends”, Vietnam Courier, 7.79) và Lưu Quý Kỳ (“Ai đạo diễn cho nữ nghệ sĩ Gio-an Ba-ye”, Đại Đoàn Kết, 7.7.1979) để phản bác ca sĩ Baez đã thay đổi lập trường, phản bội lại nhân dân Việt Nam và việc làm của bà đang bị CIA lợi dụng. Trên báo của Việt kiều yêu nước xuất bản ở Canada, Trịnh Công Sơn cũng đã lên tiếng về bức thư ngỏ của Joan Baez như là một việc làm “tiếp tay cho tư bản thọc sâu lưỡi dao vào vết thương của dân tộc Việt Nam chưa được hàn gắn” (Đất Việt, 14.10.1979). Đó cũng là thời gian Trịnh Công Sơn ở Huế và sinh hoạt trong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế với Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ngày đó tôi có đặt dấu hỏi rằng tại sao một nhạc sĩ tài ba, rất bén nhậy trước nỗi đau, trước những chia lìa của con người đã viết nhiều ca khúc nói lên nỗi thống khổ của quê hương, vậy mà sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất mà con người Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục kinh qua đau khổ, mất mát nhưng ông lại không viết lên được một lời ca nào. Chuyện học tập cải tạo, chuyện vượt biên, vượt biển, những cái chết vì bom mìn mà thanh niên Việt phải tiếp tục hi sinh để làm nghĩa vụ quốc tế ở đất nước láng giềng không làm rung động được con tim của ông như thời chiến tranh nữa sao? Đầu thập niên 1980, một tình ca mới của Trịnh Công Sơn được truyền ra hải ngoại, bài “Em còn nhớ hay em đã quên” nhưng dưới bút danh Hồng Ngọc. Bài nhạc có sức thu hút ngay vì ai xa quê hương mà lòng không day dứt nhớ về chốn cũ: Em còn nhớ hay em đã quên nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân nhớ đèn đường từng đêm thao thức Sáng che em vòm lá me xanh Em còn nhớ hay em đã quên bên hàng xóm đôi khi ghé thăm có hai mùa vẫn đi về có con đường nằm nghe nắng mưa Em ra đi nơi này vẫn thế lá vẫn xanh trên con đường nhỏ vườn xưa vẫn có tiếng Mẹ ru có tiếng em thơ có chút nắng trong tiếng gà trưa Em còn nhớ hay em đã quên nhớ đường dài qua cầu lại nối nhớ những con kênh nối hai dòng sông nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng nỗi xôn xao hàng quán đêm đêm Em còn nhớ hay em đã quên trong lòng phố mưa đêm trói chân dưới hiên nhà nước dâng tràn phố bỗng là dòng sông uốn quanh Em còn nhớ hay em đã quên nhớ Sài Gòn những chiều ngợp gió lá hát như mưa suốt con đường đi có mặt đường vàng hoa như gấm có không gian màu áo bay lên Em còn nhớ hay em đã quên khi chiều xuống bên sông nước lên én nô đùa giữa phố nhà có nắng vàng lạc trên lối đi Em ra đi nơi này vẫn thế vẫn có em trong tim của mẹ thành phố vẫn có những ước mơ vẫn sống thiết tha vẫn lấp lánh hoa trên đường đi Em còn nhớ hay em đã quên nhớ Sài Gòn những chiều gặp gỡ nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng phố em qua gạch ngói quen tên Em còn nhớ hay em đã quên quê nhà đó bao năm có em có bóng dừa có câu hò có con đò chở mưa nắng đi
Sau đó là bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui chọn những bông hoa và những nụ cười tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy để mắt em cười tựa lá bay Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi đường đến anh em đường đến bạn bè tôi đợi em về bàn chân quen quá thảm lá me vàng lại bước qua Và như thế tôi sống vui từng ngày và như thế tôi đến trong cuộc đời đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui cùng với anh em tìm đến mọi người tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát để thấy tiếng cười rộn rã bay Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới để lúa reo mừng tựa vẫy tay Và như thế tôi sống vui từng ngày và như thế tôi đến trong cuộc đời đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống vì đất nước cần một trái tim
*Trong di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn để lại, ca từ trong bài “Gia tài của Mẹ” có lẽ vẫn còn tiếp tục làm rung động con tim người Việt với hệ lụy chiến tranh và tương lai đất nước: Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu một trăm năm đô hộ giặc Tây hai mươi năm nội chiến từng ngày gia tài của mẹ, một rừng xương khô gia tài của mẹ, một núi đầy mồ Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu một trăm năm đô hộ giặc Tây hai mươi năm nội chiến từng ngày gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu một trăm năm đô hộ giặc Tây hai mươi năm nội chiến từng ngày gia tài của mẹ, một bọn lai căn gia tài của mẹ, một lũ bội tình. Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu Một trăm năm đô hộ giậc Tây Hai mươi năm nội chiến từng ngày Gia tài của mẹ để lại cho con Gia tài của mẹ là nước Việt buồn Dậy cho con tiếng nói thật thà Mẹ mong con chớ quên mầu da Con chớ quên mầu da nước Việt xưa Mẹ mong con mau bước về nhà Mẹ mong con lũ con đường xa Ôi lũ con cùng cha quên hận thù Lời ca này và nhiều ca khúc khác có trong một viết “Cuộc hành trình làm người Việt Nam qua Trịnh Công Sơn” của Thế Uyên in trong tập đoản văn Đoạn đường chiến binh (tr. 101-117) xuất bản năm 1970 ở Sài Gòn. Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, trong nước đăng lại bài này trong tuyển tập “Trịnh Công Sơn: cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội hoạ và suy tưởng” (tr. 193-200) nhưng cắt bỏ những câu đầu của bài hát, chỉ giữ 6 câu cuối, vì lãnh đạo Việt Nam không chấp nhận cuộc chiến đã qua là nội chiến, như Trịnh Công Sơn đã nhìn thế. Nhiều đoạn văn của Thế Uyên nhắc đến sự can dự cuả ngoại bang Nga-Mỹ-Tầu và bản chất phi lý của cuộc chiến cùng một số ca từ khác của Trịnh Công Sơn trong bản gốc cũng đã bị cắt bỏ, như “Ngày dài trên quê hương”, “Tình ca người mất trí”.
*Bàn về con người chính trị của Trịnh Công Sơn là một đề tài gây nhiều tranh cãi.Ở đây tôi chỉ muốn đưa ra nhận xét là nếu Trịnh Công Sơn không sống ở miền Nam thì những “Kinh Việt Nam”, “Ca khúc da vàng”, “Ta phải thấy mặt trời”, “Thần thoại quê hương – tình yêu và thân phận” và những băng nhạc Hát cho quê hương Việt Nam với tiếng hát Khánh Ly đã không được ra đời và tài năng của Trịnh Công Sơn nếu rơi vào chế độ miền Bắc thì cũng chung số phận như Văn Cao, như Trần Dần. Trong những năm cuối đời, Trịnh Công Sơn sáng tác bài “Tiến thoái lưỡng nan” mà theo nhiều người thân với ông kể lại đó là phản ánh đúng con người chính trị của Trịnh Công Sơn nhất, là phải chịu đau thương giữa hai lằn đạn. Gia tài âm nhạc Trịnh Công Sơn để lại, nhất là những bài ca cho hoà bình Việt Nam là những ca khúc đã làm nên tên tuổi Trịnh Công Sơn, chứ không phải những tình ca, đáng lí ra phải được tiếp tục hát lên, tiếp tục vinh danh vì nhờ có một xã hội tương đối tự do và có nhân bản mà những ca từ đó đã được khai sinh. Ngày nay trong nước vẫn còn cấm phổ biến nhiều ca khúc vì hoà bình, trong khi hải ngoại phản đối tổ chức hát nhạc Trịnh, cả hai việc đều không thể hiện lí tưởng tự do nhân bản mà con người Việt Nam đã hằng ấp ủ và theo đuổi.Bùi Văn Phú.
TRỊNH CÔNG SƠN & CẢNH SÁT ĐẶC BIỆT
Cảnh-Lực (Lực-Lượng Cảnh-Sát Quốc-Gia) là một tổ-chức lớn+mạnh thứ nhì, sau Quân-Lực, của Việt-Nam Cộng-Hoà.Sau ngày quốc-biến 30-4-1975, tính đến hôm nay, mới chỉ có 3 tác-giả (qua 4 cuốn sách) viết về Cảnh-Sát Quốc-Gia.Trước đó, phần đông đồng-bào nghĩ đến Cảnh-Sát là chỉ nghĩ đến việc kiểm-soát lưu-thông; bắt đĩ; bắt bạc; biên phạt xả rác, đái đường; can-thiệp các vụ đánh lộn; và cao hơn nữa là bài-trừ trộm cướp, buôn lậu; điều-tra án-mạng; giải-tán biểu-tình...
Lê Xuân Nhuận là người đầu tiên, xuất-bản 2 cuốn hồi-ký: Về Vùng Chiến-Tuyến (ISBN 1-886566-15- 1, Westminster, CA: Văn Nghệ, 1996, http://LeXuanNhuan.tripod.com/ VeVung.html); và Cảnh-Sát-Hoá, Quốc-Sách Yểu-Tử của Việt-Nam Cộng-Hoà (ISBN 0-9665293-8- 3, Alameda, CA: Xây-Dựng, 2002, tái-bản với tên Việt-Nam Cộng-Hoà: Cảnh-Sát-Hoá, Quốc-Sách Yểu-Tử, 2005 và 2006,http://LeXuanNhuan.tripod.com/ CanhSat.html) . Qua 2 cuốn ấy, thêm nhiều độc-giả biết thêm về một lãnh-vực hoạt-động khác của Cảnh-Sát Quốc-Gia: tình-báo, nhất là phản-tình-báo.
Nguyễn Mâu là người thứ hai, xuất-bản cuốn hồi-ký N.D.B. NGÀNH ĐẶC BIỆT (The Special Branch) Tập I (San Jose, CA: 2007).
Liên Thành là người thứ ba xuất-bản cuốn hồi-ký Biến Động Miền Trung (Westminster, CA: Tổng Hội Biệt Động Quân Quân Lực VNCH, 2008).
***Riêng về nhạc-sĩ Trịnh Công Sơn, tôi thấy trên Internet có 2 bài viết liên-quan: Một bài của Liên Thành, nhan đề Trịnh Công Sơn và Những Hoạt Động Nằm Vùng, ở địa-chỉ liên-mạng: http://daohieu. com/website/ ?pg=cs&id=731 Và một bài của Hoàng Phủ Ngọc Phan, nhan đề Nhân Đọc Bài “Trịnh Công Sơn và Những Hoạt Động Nằm Vùng”, ở địa-chỉ liên-mạng: http://daohieu.com/website/?pg=cs&id=732
*** Nhân đây, tôi xin giới-thiệu thêm một ý-kiến của ông Nguyễn Mâu về Trịnh Công Sơn.
**Ông Nguyễn Mâu là một cựu đại-tá, Trưởng Ngành Cảnh-Sát Đặc-Biệt của Tổng-Nha (sau này là Bộ Tư-Lệnh) Cảnh-Sát Quốc-Gia. Nhận-định và quyết-định của ông Nguyễn Mâu đối với Trịnh Công Sơn, chính là thái-độ và biện-pháp của Chính-Phủ Việt-Nam Cộng-Hoà đối với nhạc-sĩ ấy, ở cấp cao nhất trong toàn-quốc (VNCH), và trong thời-gian ông Nguyễn Mâu cầm đầu Ngành Tình-Báo & Phản-Gián này. Tôi xin đăng lại bài viết liên-hệ của ông Nguyễn Mâu, dưới đây, để rộng đường dư-luận. Tôi không có ý-kiến về vụ này.
TRƯỜNG HỢP NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN
Chúng tôi xin phép anh linh Trịnh Công Sơn được gọi anh bằng anh như thuở nào. Chúng tôi nói thẳng ở đây rằng giữa chúng tôi không có tình thâm giao nhưng rất hiểu nhau và kính trọng nhau. Thật dễ hiểu: làm sao là bạn thân được khi một người là nhân viên công an rình rập dòm ngó anh và anh lại là một nghệ sĩ có tâm hồn đang đau nhức với cái đau nhức của dân tộc và sáng tác vì cái đau nhức ấy. Một hôm vào cuối năm 1969, một đơn vị cảnh sát theo lệnh của một thượng cấp không tiện nêu danh đã bắt anh Trịnh Công Sơn và giải giao về Ngành Đặc Biệt (tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, Saigon). Chúng tôi gọi Trung Tâm Thẩm Vấn đưa anh ấy lên gặp chúng tôi. Anh chị em D6 (Trung Tâm Thẩm Vấn Trung Ương) ngạc nhiên không ít vì nội vụ chẳng có gì đáng để bận tâm trưởng ngành. Anh Sơn ngồi đối diện với chúng tôi bên kia bàn viết. Chúng tôi mời anh tách trà và xin lỗi vì trà đã nguội. Anh ấy nhìn chúng tôi như dè dặt không hiểu chúng tôi sẽ giở trò gian ác hay tiểu xảo gì chăng. Tôi vội phân minh: - Anh chớ nghĩ ngợi. Chúng tôi chẳng có ý định ranh mãnh gì hết. Chúng tôi thêm: - Anh viết nhạc phản chiến. Anh ta vẫn ngồi yên, mặt như bọc sáp không một nét thay đổi nào cho ta đọc được cảm tưởng hay ý nghĩ của anh ấy. Không phải để trấn an nhưng để cho anh ấy biết một sự thật khá hiển nhiên nhưng có thể anh ấy không nghĩ đến và cũng để đo đạt tinh thần thân Cộng của anh ta, tôi chậm rãi mở lời: - Anh biết đó nhân dân miền Nam, những người quốc gia, chính phủ quốc gia không hiếu chiến; tất cả cũng biết rõ chiến tranh tàn phá quê hương xứ sở; tất cả mọi người không ai thích chiến tranh. Chúng tôi không sợ nhạc phản chiến và các phong trào phản chiến. Anh Sơn ngước nhìn tôi, khẽ nhếch môi như muốn nói điều gì nhưng lại im lặng. Chúng tôi nói tiếp: - Nhân dân miền Nam không hiếu chiến. Chính quyền miền Nam không gồm những đồ tể chuyên nghiệp. Chúng tôi không sợ nhạc phản chiến của anh. Chính Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản là những kẻ sợ nhạc phản chiến của anh. Chính họ lo âu nhân dân miền Bắc vùng dậy phản chiến vì đã quá cơ cực lầm than. Đó là theo những tài liệu tối mật đối với họ mà thích thú đối với chúng ta. Chúng tôi đã tịch thu tài liệu này trong một cuộc hành quân. Anh Sơn như muốn nhân dịp phân bua: - Như vậy, tôi sẽ được đi về. Chúng tôi lập tức có nhận định rằng anh Sơn yêu nhạc nhưng không thích chính trị. Anh ấy dùng chữ “được đi về” thay vì trả tự do. Đa số cán bộ Cộng Sản ở mọi cấp bị bắt và được chúng tôi tiếp xúc trên đầu môi họ lúc nào cũng “tự do, độc lập, hoà bình, tranh đấu” rất công thức như bị nhồi sọ. Chúng tôi nói thêm: - Các không ảnh chụp từ một cao độ cho thấy ở phía Bắc vĩ tuyến 17 chỉ có đàn bà trên đồng ruộng và không thấy bóng đàn ông. Các cán binh Cộng Sản từ Bắc vào Nam hồi chánh hay bị bắt đều cho biết tang tóc kinh hoàng phủ trùm đất Bắc và thật khó gặp được một nam thanh niên 17 tuổi từ Bắc Quảng Trị cho đến tận Lạng Sơn, Cao Bằng. Kinh hãi vì chiến tranh là nhân dân miền Bắc. Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản sợ nhạc phản chiến tác động lòng bộ đội và nhân dân rồi phản loạn sẽ xảy ra. Anh Sơn đổi hẳn thái độ. Anh ấy không còn im lặng và lầm lì nữa mà nói chuyện rất cởi mở: - Tôi chẳng phản chiến và cũng chẳng hiếu chiến. Tôi sáng tác để nói lên một thực trạng đau thương của quê hương. Và duy chỉ có thế; không chính trị; không thiên hữu hay thiên tả. Chúng tôi tỏ ra chăm chú nghe để khuyến khích anh nói. Chúng tôi nghĩ có thể chăng đây dịp để hiểu biết một tâm hồn nghệ sĩ vốn được xem như khó hiểu đối với nhiều nhân vật trong hàng sĩ phu quốc gia có trách nhiệm vẫn hay nói chuyện với nhau “tại sao Trịnh Công Sơn hắn thế này lúc này và thế khác lúc khác, v.v...” Anh ấy tiếp tục: - Có người bảo tôi rằng tôi đã có những lời nhạc làm tổn thương Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam như “đại bác đêm đêm dội về thành phố”. Đạn rót vào thành phố không thể là đạn của quân đội Việt Nam Cộng Hoà mà chỉ là đạn của Giải Phóng đã gây nhiều tang thương và đổ nát. Chúng tôi biết anh ấy nói không phải để lấy điểm hay kể công. Chúng tôi cũng biết rằng nếu hỏi anh ai đã chỉ trích anh làm hại cho Mặt Trận Giải Phóng anh sẽ không nói và chỉ làm cho anh trở thành câm lặng. Để dò phản ứng, chúng tôi hỏi thẳng: - Anh có hoạt động cho trí vận Cộng Sản? Cho Hội Văn Nghệ Sĩ Yêu Nước Cộng Sản? Anh viết nhạc phản chiến theo chỉ thị của Cộng Sản? Có hay không? - Không. Anh ấy trả lời gọn ghẽ. Chúng tôi lật hẳn con bài tẩy: - Có thể anh đã nói đúng. Chúng tôi không tìm thấy được một bằng chứng nào về việc anh hoạt động hay tham gia một tổ chức Cộng Sản. Có thể vì quá ngạc nhiên, anh trố mắt nhìn chúng tôi như muốn thôi mien chúng tôi hay đang bị chúng tôi thôi miên. Chúng tôi đẩy sát anh vào chân tường: - Anh nghĩ sao nếu nhạc phản chiến của anh và giọng hát trầm ấm tuyệt vời của cô Khánh Ly được một tuần dương hạm phát thanh thẳng vào Bắc Việt bằng ăng ten định hướng (directional antenna) và dọc đường mòn Hồ Chí Minh bằng phi cơ trên cao độ. Ban Tuyên Huấn Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản sợ nhạc phản chiến của anh, cụ thể bản Gia Tài Của Mẹ với lời than oán “Hai mươi năm nội chiến từng ngày... gia tài của mẹ để lại cho con là nước Việt buồn... gia tài của mẹ... một rửng xương khô... gia tài của mẹ một núi đầy mồ...” Anh Sơn không trả lời thẳng câu hỏi nhưng nét mặt sáng rỡ, niềm vui không giấu giếm, mắt long lanh hàm chứa sự thích thú và hài lòng đến cùng độ. Chúng tôi không nghĩ rằng anh vui mừng vì có tinh thần chống Cộng cao độ. Chúng tôi cũng không nghĩ rằng anh giả vờ vui để tỏ ý chống Cộng trước một viên chức thuộc ngành công an. Anh đã vui vì tâm tư và ý tưởng đối với quê hương tang tóc, về một cuộc chiến tương tàn cần phải chấm dứt đã được gửi gấm đi xa, qua làn sóng điện đến với những người có trách nhiệm. Nhìn nét mặt của anh, chúng tôi chắc chắn đã hiểu anh hơn bao giờ và lòng không tránh khỏi xúc động. Để cho niềm vui của anh trở thành một chút gì cho anh nhớ và ghi lòng, chúng tôi cho anh biết thêm rằng việc phát thanh dường như đã đuợc thực hiện từ hơn năm qua. Anh tâm sự dạn dĩ hơn: - Tôi không kêu gọi họ buông súng hay mang súng trở về như Bộ Chiêu Hồi nhưng tôi đã làm việc ấy một cách tế nhị và rất thâm trầm như bài Lại Gần Với Nhau với lời nhạc “...đừng bỏ tôi... đừng bỏ tôi... đi hai mươi năm qua... còn gì cho anh... còn gì cho tôi... không còn gì... không còn gì... còn lại chiến tranh... hai mươi năm chinh chiến mẹ ngủ không yên...” Và còn nhiều nữa, tôi đã nói thẳng với họ hãy vượt mọi trấn áp, từ bỏ rừng núi... mà trở về cùng với dân tộc đang chịu quá nhiều đoạ đày thống khổ như bài Nối Vòng Tay Lớn với câu kết luận “Vượt thác cheo leo... hay ta vượt đèo... từ quê nghèo lên phố lớn... nắm tay nối liền biển xanh sông gấm... nối vòng tay lớn...” Tôi đã nói chuyện với họ như bằng hữu, như anh em chứ không phải như ông Bộ Trưởng Chiêu Hồi. Phương cách của tôi theo tôi nghĩ có thể thích hợp và được họ vui vẻ chấp nhận và lãnh hội hơn. Tôi thương yêu và kính trọng họ thật, với tình người thật, với tinh thần ruột thịt thật và muốn trải với họ chút tâm sự thật. Tôi có thể bị công an, bị chính ông kết tội nhưng đó là sự thật tôi không giấu giếm. Cũng bằng cách này, tôi đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho những giới chức chỉ đạo chiến tranh của bên này và cả bên kia. Nhưng, vẫn chữ “nhưng” quái ác, chính Cộng Sản tháng 4, 1975 khi vào Sài Gòn lại phát thanh, phổ biến cả bằng tranh với chim bồ câu hoà bình bản Nối Vòng Tay Lớn cùng với các bản nhạc khác của họ. Điều này trái với ý kiến của anh Sơn được trình bày tự trên. Khó hiểu? Phải chăng họ muốn nương dựa vào ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn trong lòng dân miền Nam để phát huy nhạc nặng căm hờn và tanh tưởi xương máu của họ. Dù sao, bản Nối Vòng Tay Lớn đã có ý khác khi anh Sơn vừa sáng tác hơn bảy năm trước và được họ muốn hiểu trệch đi hơn bảy năm sau. Đây chỉ là vấn đề diễn dịch và ý nghĩa thay đổi theo cảnh huống và thời gian. Hơn nữa, bọn chạy hiệu Ba Mươi Tháng Tư, đeo băng đỏ, lại hò hét phát thanh nhạc Trịnh Công Sơn mà họ tưởng được Cộng Sản những người chủ mới thích thú. Chúng tôi ít nhiều cảm khái và tin rằng anh Sơn vô tư trong chính trị, với lập trường không thiên vị, không theo những người quốc gia triệt để mà cũng chẳng theo bọn Cộng Sản. Qua những lời tâm sự, có thể anh đã phải tránh qua, né lại, lúc chường, lúc trốn, dù là bạn nhưng vẫn phải đối phó với Hoàng Phủ Ngọc Tường và vài người khác vốn là cơ sở trí vận Cộng Sản. Thi hành thiên chức của một nghệ sĩ, anh đã dùng lời ca và ý nhạc nói lên tình trạng quê hương rách nát, dân chúng lầm than, máu và xác người khắp nơi khắp chốn và sinh mệnh người rụng ngã mỗi ngày. Qua tài liệu, chúng tôi được biết do phản ứng tất yếu, dân chúng miền Bắc quá khốn khổ vì bọn đồ tể hiếu chiến Cộng Sản đã tiếp nhận nhạc Trịnh Công Sơn với tất cả thích thú và đam mê. Quả như thế, sau 1975, chúng tôi có dịp đọc Văn Cao viết về Trịnh Công Sơn “bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của tố quốc mẹ hiền... Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ. “Đêm ấy, lần đầu tiên, tôi nghe Trịnh Công Sơn. Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần như suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu) hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghi ta duy nhất có trong nhà.” Chúng ta hẳn ai cũng biết Văn Cao không bao giờ là đảng viên Cộng Sản mà còn là một nghệ sĩ hữu công với những sáng tác quí giá để đời nhưng bị Cộng Sản đày đoạ thiếu ăn thiếu mặc, cho đến ngày qua đời cũng hẩm hiu.Trong lúc toàn thể quân chính Việt Nam Cộng Hoà dốc toàn lực trong chiến tranh chống xâm lăng Cộng Sản, nhạc phản chiến hẳn nhiên bị lên án và Trịnh Công Sơn được nhìn như kẻ thân Cộng. Cộng Sản lại cổ võ hoà bình để che giấu dã tâm xâm lăng hiếu chiến. Không ít, số người nghĩ rằng Cộng Sản cổ võ hoà bình mà Trịnh Công Sơn lại phản chiến đúng anh ấy thân Cộng nếu không là Cộng Sản chính tông. Lối buộc tội này tuy quá đơn giản nhưng lại rất thông thường. Đã thế, sau tháng Tư năm 1975, Trịnh Công Sơn lại chịu ngón đòn thù độc ác của Trần Bạch Đằng, chính Uỷ Ban Quân Quản Sài Gòn Chợ Lớn, quyền uy nhất thống lúc bấy giờ. Trong lúc vài trăm nghìn người vừa chạy ra khỏi nước vẫn ngóng trông về quê mẹ theo dõi mọi diễn tiến, ông Đằng lại phong cho anh Sơn chức Thiếu Tá quân đội nhân dân (Cộng Sản) làm như anh ấy đã là tay chân hữu công của họ từ bao giờ. Anh Sơn còn bị phải mang trên áo quân hàm thiếu tá Cộng Sản. Với thành kiến sẵn có, đồng bào hải ngoại lại ghét bỏ và chê bai anh ấy bằng những thậm từ mà chúng tôi, với tất cả lương tâm, phải giải toả. Âu đây cũng là một trách nhiệm tinh thần đối với anh ấy đã nằm xuống cũng như đối với các văn nghệ sĩ chân chính khác. Mãi đến tháng 5 năm 2004, trên Nguồn số 2 và những số kế tiếp, Giáo Sư Nguyễn Thanh Ty đã viết rất trung thực và rất chi tiết về anh Sơn vì chẳng những là đồng khoá sư phạm, đồng liêu trong ngành giáo dục, cùng nhà trọ trong 5 năm liền và rút gọn là bạn vong niên không cùng sở đắc nhưng rất hiểu biết nhau. Tác giả Về Một Quãng Đời của Trịnh Công Sơn không hề biết anh ấy “có hay không là Cộng Sản hay thiên Cộng hoặc đi giữa... suốt những năm sống chung với Sơn, tôi không thấy Sơn có một hành động cụ thể nào khả dĩ gọi là có vẻ Việt Cộng...” Cũng trong loạt bài này, đoạn cuối “Giã Từ”, Giáo Sư Ty không nói rõ nhưng chúng ta thấy rất hiển nhiên là Trịnh Công Sơn bị “bảo vệ” bao vây gìn giữ chặt chẽ, bạn thân và bà con không đến gần thăm viếng được. Một câu hỏi nghiêm chỉnh và xác đáng: Là nhân vật quan yếu như thế nào để anh Sơn có “bảo vệ”??? Phải chăng anh Sơn đang chịu tù lỏng gọi là quản thúc, một biện pháp công an không còn là khó hiểu và đã trở thành khá phổ thông. Có thể, bề ngoài, trước mắt dân chúng anh ấy vẫn được Cộng Sản biệt đãi. Một cách công bằng, chúng tôi ghi nhận, cũng trong loạt bài này, Giáo Sư Ty đã nêu lên nghi vấn “trừ khoảng năm 1965, Sơn nhận được rất nhiều thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường và tiếp theo là những cuộc tiếp xúc bí mật tại một trang trại ở Phi Nôm gần Tùng Nghĩa, Đà Lạt.” Những cuộc tiếp xúc như thế nào không hề được chứng minh nhưng dù sao cũng đã xảy ra từ hơn bốn năm trước (1965-1969). Chúng tôi xin trở lại với buổi gặp gỡ anh Sơn tại văn phòng Ngành Đặc Biệt. Chúng tôi có thể xác định rằng anh Trịnh Công Sơn không tha thiết với chính trị, không tham muốn quyền chức. Anh ấy viết nhạc với tất cả tim và óc nhưng không đi tìm cho mình một chỗ đứng hay vị trí bản thân trong văn học sử, bộ môn nhạc. Anh ấy viết vì thiên chức nhằm truyền cảm, nhằm diêu phô những dòng tư tưởng đang đỏ rực hay đốt cháy tâm hồn của chính anh. Có thể, chúng tôi đã nhầm và đã huyền thoại hoá cuộc đời và sinh hoạt tư tưởng của anh ấy chăng? Cuộc đàm luận chính sự đã là quá dài đối với anh ấy. Để đổi không khí, chúng tôi quay qua nói chuyện về các chủ đề văn nghệ, các xu hướng văn nghệ có tính thời đại và các văn nghệ sĩ tiêu biểu.Chúng tôi điện thoại cho Thiếu Tướng (Trần Văn) Hai, tư lệnh để lãnh hội ý kiến và quyết định. Chúng tôi hỏi D6 các dữ kiện pháp lý có thể nêu ra trước toà án. Chúng tôi vui vẻ đùa với anh rằng “anh sẽ được đi về nhà” đúng như lời anh nói, ý anh muốn lúc bắt đầu nói chuyện. Anh ấy cười nửa miệng và quên cám ơn theo công thức và sáo ngữ. Chúng tôi ngỏ ý muốn gặp anh dăm ba tuần một lần để thăm viếng, nói chuyện, uống trà hay nhậu. Anh đã đến mỗi lần hẹn. Chúng tôi gặp nhau không bí mật nhưng kín đáo. Chúng tôi gặp nhau như hai người bạn dù có sự chênh lệch tuổi tác. Chúng tôi thường nghe anh ấy nói chuyện về xu thế văn học nghệ thuật. Chúng tôi không xem anh ấy như một cộng sự viên tình báo mà là người em khó tính cần được chiều đãi. Linh diệu vẫn mãi mãi là phương châm trong các hoạt động tình báo. Linh động để đạt diệu ứng: anh chị em trong Ngành Đặc Biệt chưa dễ đã ai quên. Chúng tôi đã tiếp xúc với Trịnh Công Sơn vì nghiệp vụ. Chúng tôi đã quí mến anh ấy vì sự nghiệp văn học (bộ môn nhạc) do anh ấy để lại cho đời. Chẳng kém Phạm Duy, anh ấy đã có hơn 150 tác phẩm với tình tự dân tộc thâm thuý, với tình yêu đôi lứa gắn liền với đồng lúa chín với mẹ già, không chút lãng mạn, nếu chúng ta hiểu từ lãng mạn một cách thông thường như một thành ngữ bình dân. Cho đến hôm nay, ở Mỹ hay các nơi khác trên thế giới, nhạc Trịnh Công Sơn vẫn được ái mộ. Chúng ta với quốc gia chủ nghĩa dù cực đoan đến thế nào vẫn không hiếu chiến, vẫn không muốn thấy khăn tang trên đầu trẻ thơ. Nhan nhản ở miền Bắc, trong chế độ Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa và cũng nhan nhản ở miền Nam trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà không thiếu giống ký sinh trùng phát triển trong chiến tranh, tạo dựng gia tài kếch xù nhờ chiến tranh và lừng lững ôm gọn nào bổng nào lộc, tiền rừng bạc biển do chiến tranh. Không có chiến tranh, họ chỉ là một lũ chuột hay bọn vô tài giương mắt ếch nhìn đời. Và chỉ bọn họ mù loà không nhìn thấy tất cả tang tóc đau thương chưa từng có từ thời lập quốc Hồng Bàng: hàng triệu gia đình mất ngưòi thân yêu, hàng triệu trẻ con mồ côi, hàng triệu thiếu phụ goá bụa, hàng triệu kẻ cụt tay chân, bò lê hay bò lết giữa phố chợ, làng mạc ruộng vườn thành tro thành khói. Chống chiến tranh là đúng, là không sai miễn là không dưới danh nghĩa và chỉ đạo của phong trào “hoà bình” xảo trá Cộng Sản. Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 đã nằm xuống ở tuổi ngoài 62 dường như vào năm 2001. Chúng tôi nghe và chưa phối kiểm được rằng trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh ấy đã tỏ ý từ chối không muốn được chôn cất trong Nghĩa Trang Liệt Sĩ của Cộng Sản. Nếu Cộng Sản chủ xướng cho anh một đám tang phù hoa, điều đó chẳng làm chúng ta ngạc nhiên. Tiểu xảo vẫn là sở trường của họ. Viết đến đây, chúng tôi được nói chuyện qua điện thoại với Giáo Sư Nhan T H... vừa đến Mỹ định cư ở quận Cam theo diện bảo lãnh. Giáo Sư H. cho biết chính giáo sư bị Cọng Sản trù vì niệm Phật trong giờ học tập sinh hoạt và chính Trịnh Công Sơn cũng bị kiểm thảo gay gằt và “trù’ nặng vì những ca khúc sáng tác sau 1975 ví dụ như bài “Những Con Mắt Trần Gian với lời hát “Những con mắt tình nhân nuôi ta biết nồng nàn. Những con mắt thù hận cho ta đời lặng câm. Những mắt biếc cỏ non xanh cây trái địa đàng. Những con mắt bạc tình cháy tan ngày thần tiên. Ngày ra đi với gió ta nghe tình đổi mùa. Rừng đông rơi chiếc lá, ta cười với âm u. Trên quê hương còn lại ta đi qua nửa đời, chưa thấy được ngày vui...” Cộng Sản đã nặng lời với anh Sơn rằng cách mạng vô sản thành công, tất cả đều huy hoàng tại sao Trịnh Công Sơn lại bảo “nửa đời chưa thấy ngày vui... ai bạc tình để cháy tan ngày thần tiên... để ta cười với âm u... cho ta đời lặng câm.” Dù sao, không ít người được hả dạ khi bằng hữu/thân nhân của anh ấy đã thực hiện được một ngôi mộ khang trang cho một tài năng đã đoạn tuyệt ra đi. Một ánh sao băng sáng rực nhưng vừa chợt tắt. Anh ấy đã ra đi nhưng bao vấn nạn còn để lại. Chúng tôi đã thực lòng viết ra đây về anh ấy, nhân danh một cựu nhân viên tình báo đã từng bới xới tìm hết tì vết của anh để truy tố. Anh ấy đã nằm xuống và trở thành vô hiệu hoá toà án, công tố, bị can, biện hộ. Tất cả nay trong quyền xét đoán vì văn học sử của mỗi độc giả. Chúng tôi giang tay và cúi đầu thật thấp cầu nguyện chỉ mong linh hồn anh tìm được sự an nghỉ chốn vĩnh hằng. NGUYỄN MÂU (Trích từ cuốn N.D.B. NGÀNH ĐẶC BIỆT [The Special Branch] của Nguyễn Mâu, xuất bản tại San Jose, năm 2007, trang 215-33)www.LeXuanNhuan. com
No comments:
Post a Comment