Trong dịp về thăm gia đình, tôi có nghe nói về đề tài xây dựng mô hình nhà ở cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Đề tài này đã được thảo luận và triển khai trên 3 năm nhưng vẫn chưa có được một mô hình nào khả dĩ tạm coi là "vừa ý’ nhất. Có một bác làm thầu xây dựng đề nghị "các anh ở nước ngoài thử có ý kiến về việc này xem sao." Thú thật, cá nhân tôi chưa dám "đụng" đến đề tài này bởi 2 lẽ:
1. Thứ nhất, tôi phải thật sự hiểu rõ về con người và hoàn cảnh ở địa phương này; nhất là nếp sống, phong tục tập quán, những nhu cầu thường ngày của người dân ở đây, những điểm đặc thù từ hoàn cảnh tự nhiên và xã hội. Mặc dù tôi sinh ra ở miền Tây Nam Việt nhưng tôi thật tình biết rất mù mờ về miền đất này. Tất cả hình ảnh và hiểu biết về miền đất quê hương này chỉ có từ những chuyến đi chơi ngắn ngày, qua sách báo hay lời kể của cha mẹ, thân quyến, bạn bè.
2. Thứ hai, Việt Nam đã có những kiến trúc sư mà "tên tuổi" đã lừng lẫy với những giải thưởng kiến trúc quốc tế nổi tiếng, ví dụ như ông Thụ, như anh Tất. Kinh nghiệm xử lý các vấn đề thuộc dạng này không thể không có ý kiến từ các tên tuổi đó.
Tôi không hiểu tại sao các nhà kiến trúc và xây dựng bên nhà không "thích thú" với đề tài này(?). Từ ngày ra đề tài này đến nay, hầu như chỉ lác đác vài mô hình được thực hiện một cách "…nghèo nàn," thiếu sáng tạo và chưa thu hút được “đối tượng” của họ. Vài mẫu nhà lắp ráp theo kiểu nhà tiền chế (tựa như mobile homes) với vật liệu chính là "tôn lá" và "tấm lợp fibro-cement", có căn như nhà sàn, có căn như trailer, từ màu sắc đến kiểu dáng thiết kế thật khó được nông dân ưa chuộng. Có vài Việt kiều (hình như từ Canada, Đức thì phải) cũng trình bày một số kiểu dáng mới mẻ với vật liệu ngoại nhập, khá đủ tiện nghi nhưng giá thành khá cao và cũng chưa phù hợp sở thích cũng như nhu cầu của nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Tôi không biết có phải vì ngoài 2 lý do như tôi vừa nêu trên, còn có lý do nào khác, chẳng hạn như đối tượng (nông dân) không phải là "mối bở" (vừa không có nhiều tiền, lại khó tính), hay vì bế tắc trong việc giải quyết cùng lúc 5 mối (nhu cầu + sở thích + rẻ + đẹp + bền). Cũng có thể vì nhiều lý do "thầm kín" khác mà không ai tiện nói ra. Chỉ biết một điều: đề tài này đã không thu hút giới kiến trúc và xây dựng trong nước, nhất là giới trẻ. Tôi có đề nghị với KTS. Nguyễn Quang Nhạc: Thử tổ chức một giải thưởng với đề tài này xem sao? Trước mắt, các sinh viên ngành kiến trúc và xây dựng có thể tham gia với tư cách cá nhân hay nhóm (có thể mở rộng cho sinh viên năm thứ hai tới năm cuối) thực hiện đề tài này như một bài thi, cũng có thể là tranh giải (competition / contest) ở tầm mức quốc gia mà kết quả không chỉ là hiện kim, tặng phẩm hay các phần thưởng giá trị hơn từ các công ty đa quốc gia (ngoại quốc) bảo trợ, quan trọng hơn là vinh dự đáng hãnh diện, là một hình ảnh kỷ niệm rất đẹp sẽ lưu lại trong album / porfolio và resume của họ sau này. Đáng kể hơn hết, nếu như đồ án trúng giải, mô hình sẽ trở thành kiểu mẫu được ưa chuộng nhất và sẽ nhanh chóng được xây dựng ồ ạt khắp vùng châu thổ sông Cửu Long trong chương trình quy hoạch và phát triển toàn vùng thì … hạnh phúc, sung sướng đến dường nào nhỉ? Các bạn trẻ thử nghĩ đến điều đó đi, bởi đó không chỉ là giấc mơ ấp ủ từ lâu nay của hàng triệu con người đã sinh ra và sống trên vùng đất phù sa châu thổ sông Cửu Long này. Giấc mơ này bao giờ mới trở thành sự thật, nếu như ngay thế hệ chúng ta vẫn còn ngoảnh mặt làm ngơ? Không lẽ lại đợi đến thế hệ con cháu chúng ta? Tôi xin phép các tên tuổi đã thành danh, dù còn ở trong nước hay đã bôn ba hải ngoại, để được nêu lên vài ý kiến về đề tài này như một trách nhiệm lương tâm chứ hoàn toàn không vì phách lối, kiêu ngạo mà phô trương, khoác lác nọ kia. Rất mong quý vị sẽ cho ý kiến, chỉ dạy và hướng dẫn thêm, nếu như bài viết có những điểm chủ quan, sai lầm. Với các bạn trẻ, tôi rất mong được tiếp tục chia sẻ vì một tương lai tốt đẹp của Việt Nam,hoàn toàn không phải vì cái "tôi" mà là vì quê hương của tất cả chúng ta, bởi tôi tin sự sáng tạo và chịu khó sẽ được đền bù xứng đáng.
Miền Tây Nam Việt, khi cố hình dung lại mảnh đất quê hương yêu dấu này của tôi thì con sông Cửu Long với chín cửa và hàng ngàn kilômét kinh rạch chằng chịt, với mùa nước nổi, với chiếc ghe tam bản/ chiếc xuồng ba lá… là hình ảnh nổi bật nhất luôn đọng lại trong tâm trí tôi. Y hệt mạng lưới xa lộ (freeway) ở California, hệ thống sông rạch này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, nhu cầu, cá tính, thói quen của nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói sông rạch là mạch máu luân lưu nuôi sống toàn miền. Xây dựng nhà ở trên miền đất này không thể không quan tâm đến con sông Cửu Long và mạng lưới sông rạch chằng chịt ở đây, huống hồ hầu như nhà nào ở đây cũng có một chiếc xuồng ba lá, ai cũng thích sống gần sông rạch bởi đó vừa là nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho cuộc sống, cho tưới tiêu, cung cấp thực phẩm (cá, tôm, tép…), vừa là nơi tắm rửa, giặt giũ, vừa là "xa lộ" êm mát và trữ tình nhất thế gian này. Gần sông rạch, không khí trong lành, thoáng mát và dường như thanh tịnh hơn. Tuy vậy, lụt lội và mùa nước nổi lại là một vấn đề "đau đầu" bởi không dễ khắc phục thiên tai này. Cho nên, đây là vấn đề mà bản thân tôi lưu ý trước hết, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết mọi vấn đề ở tầm mức quy mô hơn. Tuy sống gần sông rạch nhưng lúc nào nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long cũng coi nước như là một mối quan tâm hàng đầu bởi nước cũng là một nhu cầu quan trọng bậc nhất trong cuộc sống thường ngày, như cơm gạo và không khí vậy. Nhà nào cũng có ít nhất một lu nước uống, vài lu nước xài, cũng có khi đào một cái ao hay khá hơn thì xây luôn một hồ chứa nước (thường chỉ 5 hay 3 thước khối) ngay phía sau nhà. Cho đến tháng 7/94, tôi vẫn thấy hầu như nhà nào trong miệt vườn / ruộng cũng chỉ xài nước mưa hay nước từ ao hồ, sông rạch chứ chưa có được hệ thống dẫn nước từ Nhà Máy Nước Quận hay Tỉnh. Trước 1975, Nha Cấp Thủy (Bộ Công Chánh) có nhiều cố gắng trong việc đào giếng để cung cấp nước ngọt cho các vùng thôn quê hẻo lánh nhưng từ đó đến nay (1994), các hệ thống giếng, máy bơm và ống dẫn nước không được cải thiện (chỉ ưu tiên cho đô thị ?) mà cũng không thấy xây dựng thêm được là bao? Cho nên, khi xây dựng mô hình nhà ở cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta không thể quên vấn đề sông nước này, đồng thời cần tránh gây ô nhiễm môi sinh, nhất là cho hệ thống sông rạch vùng này. Nông dân gắn liền với mảnh đất, ruộng vườn, sông rạch như thế nào thì họ cũng yêu quý con trâu, cái cày, cái bừa, chiếc xuồng của họ như thế đó. Mất những thứ đó là mất chén cơm, manh áo, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình mình. Cho nên, chúng ta không thể không quan tâm đến một nơi cất giữ "gia tài" nhỏ nhoi này. Ở Mỹ, nếu không có nhà kho (storage) thì cũng có một tủ cất giữ dụng cụ trong nhà xe (garage). Nông dân Nam Việt cũng có nhu cầu không thể thiếu nhà kho (storage) nho nhỏ này.
Kiểu nhà ở miền này phổ biến nhất cũng vẫn là kiểu nhà "ba gian hai chái", thường trên một nền đất cao hay là một loại nhà sàn với chuồng trâu, bò, heo, gà… phía dưới (chủ yếu ở vùng có mùa nước nổi hay dễ bị lũ lụt hàng năm). Cửa chính mở rộng ra ngay giữa gian chính – đó cũng là nơi thờ phượng, tập hợp gia đình và sinh hoạt chung (như living room ở Mỹ vậy). Trước tủ thờ là một bàn ăn hay bàn khách với 2 hay 4 ghế (tuỳ giàu hay nghèo mà số lượng và chất lượng bàn ghế thay đổi), đây là nơi ăn uống chung của gia đình, ngoại trừ các gia đình khá giả hơn thì có bàn ăn đàng hoàng hơn phiá sau, gần khu chái bếp. Chỗ ngủ thường là một bộ ván ngay phía sau tủ thờ hay ở 2 gian bên. Đầu bộ ván thường là tủ quần áo, mùng mền. Chái phải thường chứa thóc, lúa giống và các nông ngư cụ. Chái trái thường là nơi để ghe xuồng, với phòng tắm sát bên chái bếp phía sau. Góc bếp thường nằm sau chái hè, gần sàn nước và mấy cái lu hay hồ chứa nước. Dưới mấy cái bếp thường là mấy đụn rơm rạ, than củi hay mấy tàu lá khô - tôi muốn nói đến một nơi chứa "chất đốt". Khói bếp cứ mặc nhiên tỏa ra "thoải mái" theo các khe hở giữa mái lá (độ dốc thấp, thường là lợp lá dừa nước, trung bình 5 hay 3 năm thay lại một lần) và vách đất (hay vách lá / nhà nghèo). Mái ngói, tường gạch quét vôi chỉ có ở những nhà khá giả hơn, thường gần quận lỵ hay tỉnh lỵ, hoặc ở thị trấn hay các xã trù phú. Phòng tắm thường sát cạnh bếp, sàn nước và hồ chứa nước. Nhà vệ sinh thường là loại "cầu cá tra" nằm trên ao cá xa nhà một tí nhưng thoáng mát, tiện lợi và rất đơn giản. Các nhà khá hơn thì cất một phòng tắm chung với nhà cầu /vệ sinh ngay phía sau bếp, với một hồ chứa nước xài. Tuỳ địa phương, tuỳ điều kiện địa lý tự nhiên (là nơi đất giồng/ gò hay ngập nước/ nước nổi, là miệt vườn/ ruộng hay ven đô), tuỳ sở thích và khả năng tài chánh của gia chủ, nhà ở cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long có sự sắp xếp bên trong (interior) và kiểu cách bên ngoài (exterior), dù có "lai Tàu" hay "lai Tây" mà có thay đổi thêm chút đỉnh, bố cục không gian nhìn chung vẫn là vậy. Tóm lại, khái niệm về nhà ở cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long còn đọng lại trong ký ức tôi chỉ đơn giản và vỏn vẹn như vậy thôi. Mong rằng những người am tường hơn sẽ chỉ dẫn, giải thích đầy đủ hơn cho chúng tôi hầu tránh đi những sai lầm căn bản, hoàn chỉnh hơn trong thiết kế và xây dựng. Chính từ cái "sườn" (frame – outline, sketching) căn bản này, chúng ta có thể bắt đầu nghiên cứu "bình đồ" (floor plan) của một căn nhà tiêu biểu, với những nhu cầu, hoàn cảnh / điều kiện và tiện nghi căn bản như vậy. Sau đó là tìm cách sắp xếp lại "không gian" (space) – nói nôm na, chúng ta sẽ bắt đầu chơi với các Khối (Forms) và Không Gian, tìm ra các khoảng trống (open spaces) để có thể nối kết (connection) hợp lý và lưu thông (circulation) thuận tiện nhất. Sự sáng tạo của mỗi cá nhân được thể hiện độc đáo hay không là trong bước quan trọng này, trước khi đi tiếp giai đoạn kế: kết cấu và tạo dáng cho một tổng thể hoàn chỉnh. Vật liệu được sử dụng cho mô hình nhà ở cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long cùng lúc phải thỏa mãn 5 mối chính mà tôi đã nêu trên đây, trong đó phải chú ý đến việc đáp ứng điều kiện địa lý, khí hậu, thủy văn ở từng khu vực riêng biệt (nếu có được một mẫu mô hình có thể lắp ráp để có thể di chuyển và sử dụng thuận tiện cho nhiều điều kiện / hoàn cảnh khác nhau thì thật hay!). Bên cạnh đó, phí tổn cần thu hẹp trong con số từ 2,500 đến 5,000 Mỹ kim (Hai ngàn năm trăm đến năm ngàn Mỹ kim/ thời điểm 1994) cho mỗi căn nhà (không kể tiền đất). Do đó, sự kết hợp giữa giáo viên & sinh viên ngành kiến trúc, xây dựng với các khoa khác (lý, hóa, cơ, điện, thuỷ văn khí tượng, sức bền vật liệu …) thuộc các trường đại học (Bách Khoa, Tổng Hợp…) và chuyên nghiệp khác là điều cần thiết và bắt buộc phải có trong việc nghiên cứu, tìm tòi một vài loại chất liệu mới nhằm cung ứng cho việc sản xuất ra các loại vật liệu mới cho ngành xây dựng địa phương. Chẳng hạn, chúng ta thử nghiên cứu việc trộn các xơ dừa với thạch cao hay đất sét cùng với một vài loại hóa chất khác để làm ra một loại drywall /sheetrock mới bằng chính nguyên liệu tại chỗ / địa phương, vừa tận dụng tài nguyên đất nước, vừa giải quyết nguồn lao động và tiết kiệm rất nhiều, chưa kể có thể xuất khẩu sau này. Vách tường không thể chỉ dựa vào tôn kẽm hay kim loại nào khác bởi chúng không đáp ứng hoàn cảnh (khí hậu nóng – ẩm – mưa nhiều), nhu cầu (rẻ và bền) và sở thích của "thân chủ" của chúng ta. Với mái nhà cũng vậy, chúng ta không thể quanh quẩn mãi với tấm lợp fibro-cement hay tôn các loại (tôn lạnh, tôn lá…), cho dù đó là những loại vật liệu khá phù hợp và khả dĩ đáp ứng với 5 mối trên. Làm sao người sử dụng có thể tự làm hay thay thế dễ dàng (theo kiểu "Do – It – Yourself") thì quả là thành công đáng kể. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây vấn đề tạo nguồn vật liệu mới bằng chính nguyên vật liệu địa phương, vừa phù hợp với sự phát triển hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của cuộc sống chúng ta.
Quanh nhà ở không thể thiếu một mảnh vườn nho nhỏ để trồng hoa quả và cây kiểng hay các loại rau. Chính điều này sẽ góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ và kinh tế của căn nhà mà ông cha ta đã biết từ lâu. Một vườn cây ăn trái, một hàng dâm bụt, một dậu mồng tơi, vài bụi húng quế… sẽ làm căn nhà thêm tươi mát và vườn rau & cây ăn trái đó cũng là “nhu cầu” mà chúng ta không thể quên " khoảng xanh" rất cần thiết này. Một điều quan trọng không nên xem thường: tuyệt đối tránh phá vỡ cảnh quan thiên nhiên trong một không gian chưa hề bị ô nhiễm hay lai tạp. Chỉ cho phép củng cố (enhanced) chứ không được phá hại môi trường tự nhiên, dù vô tình hay cố ý đều cần được xử lý nghiêm ngặt, nhất là ở những "đặc khu" như Tràm Chim Tam Nông.
Đây là một đề tài hay nhưng không dễ, không đơn giản, không thể giải quyết đơn lẻ mà cần phối hợp để từng bước gỡ 5 mối (nhu cầu + sở thích + rẻ + đẹp + bền) mà không phá vỡ không gian tổng thể (nhất là cảnh quan và môi trường tự nhiên) lẫn giá trị nhân văn truyền thống điạ phương, nhất là phải phù hợp với người dân địa phương. Trên một địa bàn còn mới nguyên sơ, dân số hãy còn ít, việc quy hoạch và phát triển có thể tiến hành dễ dàng, nên đi trước một bước (nhất là vùng ngập lụt hay có mùa nước nổi hàng năm, khu ven sông hay cửa sông) nhưng cần thận trọng trong mọi bước, dù là cải thiện, chỉnh trang, quy hoạch hay xây dựng trong miền đất này. Từ đây, chúng ta sẽ từng bước tìm kiếm những mô hình thích hợp với các địa phương khác mà vẫn tôn trọng những truyền thống tốt đẹp, những giá trị văn hóa, lịch sử, môi sinh, cảnh quan, những nhu cầu và tiện nghi của người sử dụng (users). Vì vậy, muốn thực hiện thành công một mẫu nhà đủ sức thuyết phục nông dân đồng bằng sông Cửu Long ( chưa nói đến việc thay đổi nếp sống, cách suy nghĩ và làm việc, những ấn tượng cùng những ước mơ đã in đậm trong tâm trí, tiềm thức của mỗi người), tôi nghĩ người thiết kế cần đến vùng đất này để ăn ở và sinh hoạt với người dân ở đây, hiểu rõ con người và hoàn cảnh thiên nhiên vùng này (research), thấm thía từng niềm vui và nỗi khổ của cuộc sống nơi đây (analysis), rồi thì may ra sẽ có thể “thai nghén” vài mẫu nhà "lý tưởng" (alternatives / synthesis) cho miền đất còn khá hoang sơ nhưng rất đỗi trù phú này. Vấn đề chính mà tôi thật sự quan tâm là làm sao tận dụng nguyên vật liệu sẳn có trong nước (địa phương / tại chỗ) để kết hợp với các kiểu dáng (mới mẻ mà không xa rời truyền thống dân tộc) cùng với cách bố cục không gian vừa sáng tạo, hợp lý, vừa thoáng và mạch lạc để hình thành những mô hình thật sự đáp ứng được những (5) yêu cầu nêu trên. Thử khởi sự bằng viên gạch, tấm vách… để từng bước tìm ra lời giải cho bài toán này xem sao? Có thể từ đó sẽ tạo lập, hình thành và củng cố dần một trường phái kiến trúc hoàn toàn mang sắc thái dân tộc Việt Nam chăng?
Vấn đề chính mà người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp cho mô hình này là góp phần tìm kiếm từ những kỹ thuật, kiểu cách, vật liệu của xứ người hầu ứng dụng chúng vào việc cung cấp phương tiện thực hiện & xây dựng mô hình nhà ở cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long với khá đủ tiện nghi hơn cho nông dân và tìm ra được lời giải chung cho cả 5 mối. Tôi muốn đề cập đến việc phổ cập thông tin kỹ thuật xây dựng và thiết kế (bao gồm các loại tạp chí, phim ảnh, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm qua Email / Internet, v.v…) cho người Việt trong nước, nhất là nguồn tư liệu tham khảo ở các thư viện (trước mắt là tập trung đầu tư cho các thư viện lớn của các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các thành phố lớn). Cần khuyến khích sự hợp tác trao đổi thông tin kỹ thuật trong giới chuyên viên, sinh viên và nhà buôn, nhà sản xuất; song chớ quên rằng cần sáng tạo sao cho phù hợp hoàn cảnh / điều kiện địa phương mới thật là quan yếu, tránh hiện tượng sao chép, lai tạp bừa bãi, cũng đừng "bê nguyên xi" từ xứ người về làm của mình. Ngay như khi thiết kế một nhà tắm / nhà vệ sinh hay một nhà bếp ngay trong nhà sao coi cho được cũng đã là "vấn đề", hoặc dùng vật liệu nào cho mái và vách sao vừa rẻ, vừa đẹp lại vừa bền? Những cái "mới" (trong cả kiểu cách thiết kế bên trong và bên ngoài lẫn nguyên vật liệu kết cấu) làm sao được "chấp nhận" mà không phá vỡ những cái "cũ" vốn dĩ đã thành cái "nếp". Khó là ở chỗ đó. Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu giữ một số cái "cũ" rất nên giữ, ví dụ như nên có cửa lưới ngăn ruồi muỗi thay vì dùng quá nhiều cửa kính, làm như vậy sẽ giữ được sự thoáng mát, vệ sinh và tiết kiệm. Cá nhân tôi cũng ưa thích việc dùng "gạch tàu" vừa mát, vừa sạch, dễ lau chùi, dễ thay, dễ lót. Tôi mong các loại ngói đỏ sẽ vẫn được dùng để lợp mái nhưng tôi hy vọng rằng các xưởng cưa gỗ sẽ được trang bị hiện đại hơn để không những việc cưa xẻ gỗ đúng tiêu chuẩn quốc tế hơn mà họ còn thuộc (treated) gỗ để chống ẩm mốc và mối mọt, tăng cường độ bền trong việc sử dụng gỗ trong xây dựng. Với vách tường thì tôi muốn dùng stucco cho vách ngoài (exterior) , còn vách trong (interior) thì có thể xài drywall chống ẩm mốc, thấm thấu bởi chúng ta không thể quên đặc điểm nóng – ẩm - mưa nhiều của khí hậu nhiệt đới gió mùa ở nước ta. Loại sườn metal stud (kích thước 2x4) có thể dùng tạm khi chúng ta chưa có gỗ thuộc và cưa xẻ đúng quy cách như hiện nay, cũng hạn chế được nạn phá rừng và môi sinh, lại có thể tha hồ sáng tạo thêm nhiều thứ rất hay khác trong việc trang trí nội thất. Chúng ta cũng nên tôn trọng lối bố cục vốn dĩ đáp ứng điều kiện tự nhiên và tập quán của người dân địa phương, nhất là nên tránh việc xây cất san sát, thiếu "khoảng xanh" (green spaces) và không thể phá vỡ cảnh quan thiên nhiên vốn dĩ còn rất "trinh nguyên" vô cùng xinh xắn. Trong ký ức, tôi luôn nhớ đến ngôi nhà ba gian hai chái vốn dĩ rất đỗi quen thuộc với nông dân Việt Nam mình; đó cũng là niềm mơ ước bấy lâu của họ. Cuối cùng, giải pháp mua nhà trả góp là cách tốt nhất mà hầu như ai nấy cũng đồng tình nhưng cái khó trước mắt là vận động để ai sẽ là kẻ xuất vốn đầu tư trước tiên cho một chương trình kinh doanh rất hay này : xây dựng mô hình nhà ở cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long? (World Bank? ADB ? UNDP ?) Sự thuyết phục còn nằm trên bản vẽ của một kiến trúc sư hay một nhà xây dựng nào đó.
Trên đây là một vài ý kiến có tính cách mời gọi các nhà kiến trúc, xây dựng, các kỹ sư còn ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại cùng tham gia vào việc tìm lời giải cho một bài toán của nông thôn Việt Nam: xây dựng mô hình nhà ở cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Rất mong chúng ta sẽ sớm có nhiều câu trả lời lý thú cho vấn đề này, nhất là với các bạn trẻ thì đề tài này rõ ràng sẽ là một cơ hội, ít ra là được "về nguồn" để hiểu rõ hơn về con người và đất nước thân yêu của chúng ta. (8-1994)
No comments:
Post a Comment