Wednesday, December 23, 2009

Cần xây dựng một thành phố mới

Cần xây dựng một thành phố mới?

Bây giờ thì không còn hoài nghi gì nữa khi nói rằng không gian sống của TP.HCM, đô thị lớn nhất nước, đã quá ngột ngạt và đang được báo động về môi trường.


Hơn 30 năm về trước, Sài Gòn đã quá chật chội cho 3,5 triệu người, nay thì cái không gian sống ấy không thể nào đáp ứng cho một số dân cư gấp đôi cùng với lượng khách vãng lai cả triệu người, cho dù đã có những cố gắng chỉnh trang, cải tạo hạ tầng mang tính đối phó. Điều đó cũng dễ hiểu khi nội thành chỉ chiếm 30% diện tích mà phải gánh đến 85% dân số. Ở những khu dân cư nghèo, mật độ dân số càng dày đặc, khoảng 11.000 người/km2.


Từ hai năm trước, tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM diễn ra vào tháng 12-2005, khi bàn về tình hình quản lý đô thị, đã có nhiều ý kiến cảnh báo về một sự phát triển đô thị rối loạn. Và mới đây, công ty tư vấn nguồn nhân lực Mercer của Mỹ đã công bố một kết quả khảo sát chất lượng cuộc sống năm 2006 đối với 215 thành phố lớn trên thế giới, trong đó TP.HCM xếp thứ… 148 với 61,9 điểm.


Cần một không gian sống hiện đại

Những thông tin trên cho thấy bức tranh toàn cảnh ảm đạm của TP.HCM hiện nay, mà nặng nề nhất là việc ngập lụt tràn lan vào mùa mưa, khổ nạn tắc nghẽn giao thông không chỉ trong giờ cao điểm và tình hình ô nhiễm môi trường đang đe dọa sức khỏe người dân.


Bên hành lang Quốc hội đang họp vào đầu tháng 11-2007, khi trao đổi bài toán kinh phí giải quyết nạn kẹt xe, ngập đường, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM nói rằng phải cần đến khoảng 30 tỉ USD. Nhưng tìm đâu ra con số không tưởng ấy? Và cho dù có được chăng nữa thì cũng không ai dại gì đem sử dụng khoản tiền bằng nửa GDP của cả nước vào việc cải tạo hạ tầng rệu rã của một thành phố hơn 300 năm tuổi. Có một con số để tham khảo là kinh phí xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng được nói đến gần đây, cũng chỉ được dự trù ở mức 7 tỉ USD mà thôi.


Rõ ràng vấn đề bức xúc nhất hiện nay của người dân TP.HCM là một không gian sống hiện đại. Không gian sống ấy là quyền thoát khỏi sự nghèo đói, được sinh sống trong một môi trường hòa hợp với thiên nhiên, là quyền có nhà cửa, có nơi ở thỏa đáng, có được sự di chuyển dễ dàng từ nhà đến nơi làm việc với những phương tiện chuyên chở công cộng thuận tiện, được sống một cách yên lành với gia đình, láng giềng và thân hữu.


Đây chính là các tiêu chí được 3.000 nhà quy hoạch hàng đầu của thế giới đưa ra trong một hội nghị bàn về quản lý đô thị họp tại Berlin (Đức) hồi đầu thiên niên kỷ, mà tầm ngắm của họ là 100 đô thị trên thế giới có dân cư vượt con số năm triệu người. TP.HCM là đô thị duy nhất của nước ta nằm trong tầm ngắm ấy, với 2.059km2mà cơ sở hạ tầng đã quá tải.




Al Rayyan Road & Residential Development(SOM)


Đã có không ít ý kiến cho rằng, cái tâm lý “nhiệm kỳ” đã hạn chế tầm nhìn của những người hữu trách về một đô thị hiện đại vào chục năm sau. Trong khi xu hướng quy hoạch không gian sống tương lai trên thế giới là xây dựng các thành phố mới nối dài hoặc biệt lập với thành phố cũ mà hạ tầng đã không còn đáp ứng được chất lượng cuộc sống thị dân, thì nhiều năm qua chúng ta cứ lẩn quẩn với việc chỉnh trang đô thị, mở rộng con đường này, nối dài con đường khác bằng những khoản kinh phí khổng lồ. Chẳng hạn việc mở rộng chỉ một đoạn ngắn từ sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Điện Biện Phủ - chưa đầy ba cây số - đã ngốn hơn 700 tỉ đồng! Rồi những khu dân cư kín người được cải tạo đắp vá, với nguồn vốn ngân sách cứ như đổ vào những chiếc thùng không đáy.


Quy hoạch bị phá vỡ




Rockwell Center (S.OM.)


Gần đây dư luận nói nhiều đến thực trạng quy hoạch của hai khu đô thị lớn đã và đang bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, gây bức xúc và cần thiết phải đặt lại vấn đề trách nhiệm.


Một là quy hoạch Khu đô thị Nam TP.HCM, được xem là mở con đường phía Nam tiến ra biển Đông, do Công ty Skidmore, Owings and Merrill (Mỹ) thực hiện trên một diện tích 2.000 hecta đã bị phá nát. Theo quy hoạch này thì trên một vùng đất sình lầy quanh năm ngập mặn, 20 phân khu chức năng cấu thành một đô thị hiện đại trải dài từ Khu chế xuất Tân Thuận xuyên qua quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh, nối liền quốc lộ 1 hướng về Đồng bằng sông Cửu Long. Bản quy hoạch chi tiết và rất công phu ấy được thuê với giá hơn 1,5 triệu USD đã đoạt Giải thưởng xuất sắc của Tạp chí Kiến trúc Hoa Kỳ năm 1995 và tiếp đó là Giải thưởng Danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ năm 1997.


Đáng tiếc là trong số 2.000 hecta được quy hoạch ấy chỉ có hơn 800 hecta giao cho Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, nay đã là một đô thị hiện đại được xem là kiểu mẫu cho cả nước. Hầu hết phần đất còn lại đã bị xé nát thành những dự án nhỏ lẻ, bị chia chác thành những nền nhà và đang được xây dựng dở dang, hỗn độn.




Hong Kong International Airport - SkyCity Master Plan(SOM)


Thế là một đô thị Nam Sài Gòn có khả năng thu hút 300.000 người sinh sống để giảm thiểu áp lực về dân cư và thị trường bất động sản cho nội đô TP.HCM đã không thể trở thành hiện thực, chỉ vì sự yếu kém trong triển khai các dự án lớn, những toan tính có tính cục bộ và không loại trừ một vài lợi ích cá nhân.


Quy hoạch thứ hai là Khu đô thị mới Thủ Thiêm 700 hecta, một thời được người dân kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị hiện đại như Phố Đông của Thượng Hải, sau nhiều năm ì ạch triển khai nay vừa bị phát hiện việc triển khai quy hoạch đang trong tình trạng “giật gấu vá vai”.


Theo tin các báo, bản đồ quy hoạch sử dụng đất do Công ty Sasaki (Nhật) xác lập đã bị vẽ lại với một con đường gập ghềnh theo ranh giới của các dự án tư nhân, làm thay đổi khu tái định cư của người dân.


Quy hoạch, rồi phá quy hoạch như vậy, chẳng những làm hao tốn tiền của mà còn làm mất thời cơ, không tạo được niềm tin trong dân cũng như với những nhà đầu tư nước ngoài.


Một thành phố mới, tại sao không




The New Beijing Poly Plaza(S.OM.)


Qua những bài học về quy hoạch và quản lý đô thị, chúng ta có thể nhận ra một điều, bao nhiêu công sức tiền của đổ ra cho việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh mấy chục năm qua cũng đã đủ để xây dựng một thành phố hoàn toàn mới, hiện đại. Bây giờ mới nghĩ đến điều này, tuy quá muộn nhưng vẫn còn hơn không.


Một thành phố mới có thể là nơi tập trung các cơ quan hành chính, các hoạt động dịch vụ cao cấp, các trường đại học, dành thành phố hiện nay cho khu vực dân cư và thương mại.


Chính thành phố tương lai với hạ tầng hiện đại ấy sẽ cho phép chúng ta dịch chuyển vài ba triệu người dân đến sinh sống, không chỉ giải tỏa áp lực dân số của TP.HCM mà còn tạo ra một quỹ đất đáng kể tác động vào thị trường địa ốc vốn hội tụ nhiều bất hợp lý lâu nay. Việc chỉnh trang đô thị cho thành phố cũ khi đó sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn nhờ giá đất xuống thấp làm giảm nhẹ chi phí đền bù giải tỏa.


Trong tình hình hiện nay, vùng đất bên kia sông Sài Gòn bao gồm quận 2, quận 9 và huyện Thủ Đức rộng 221km2, với ba dòng sông chảy qua là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè, hiện chỉ có 500.000 người sinh sống là một trong những địa điểm thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố mới như vậy.


Bài toán kinh phí có lẽ không phải là vấn đề cốt lõi trong điều kiện hội nhập và tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài như hiện nay. Quá trình xây dựng thành phố là cơ hội để phát triển, sẽ tạo ra vô số việc làm có khả năng giải quyết vấn đề thất nghiệp.


Thành phố tương lai này sẽ cải thiện không gian sống cho người dân cả hai nơi cũ và mới, là điều kiện để hình thành một phương thức quản lý đô thị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, vừa là mô hình xây dựng các đô thị mới về sau. Chính thành phố này sẽ tạo nên những giá trị mới thúc đẩy kinh tế phát triển.


Rút kinh nghiệm từ những vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án lớn, việc xây dựng thành phố mới nên giao toàn bộ cho một tập đoàn quốc tế có đủ năng lực qua hình thức đấu thầu trọn gói. Phương châm “tư hữu hóa rủi ro, xã hội hóa cơ hội” đã được nhiều nước nghèo áp dụng khi muốn xây dựng những thành phố lớn cho mình trong điều kiện không đủ kinh phí.


Vấn đề còn lại là công việc của nhà quy hoạch và tầm nhìn của người có trách nhiệm.


(TRẦN TRỌNG THỨC/
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)


Ý kiến:

Thành thật mà nói là tôi rất vui khi đọc được bài viết này của anh Thức (tác giả).
Năm 1996, tôi có dịp trao đổi thẳng thắn với anh T. về đề tài này khi chúng tôi nói chuyện về kiến trúc và xây dựng ở Saigon sau khi anh đọc mấy bài viết của tôi "VỀ TÌNH HÌNH QUY HOẠCH, QUẢN LÝ & PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ Ở SÀIGÒN", về môi sinh, về cơ sở hạ tầng... của Saigon lúc bấy giờ, khi Saigon vừa mở cửa được 10 năm. Từ chuyện rác, khói, bụi, tiếng ồn, nước, ô nhiễm... qua chuyện kẹt xe, ngập lụt, tai nạn giao thông, luật lệ ... r
ồi chuyện thiết kế, quy hoạch, xây dựng. Với tư cách là nhà báo (lúc ấy anh đang làm cho Tuổi Trẻ Chủ Nhật), anh "tận tình" khai thác và "quay" tôi ...tới bến một cách rất thân tình. Lúc ấy, tôi say mê trình bày với anh về ước mơ của tôi: một thành phố mới, một phi trường mới (thay cho TSN), một làng đại học mới, một khu hành chánh (Civic center)mới rất ư ..."lý tưởng" ! Tôi cũng mạnh dạn đưa ra nhận định của tôi về mô hình phát triển mà Skidmore, Owings and Merrill (Mỹ, gọi & viết tắt là S.O.M.) đã giới thiệu và trình bày cho giới chức Saigon và Việt Nam, những góp ý thẳng thắn của tôi về sự phát triển "tự phát" của Saigon lúc bấy giờ và những biện pháp cấp thiết mà Saigon cần làm ngay để kịp chấn chỉnh để Saigon tốt hơn, Trật Tự + Vệ Sinh + Thẩm Mỹ (nói nôm na: Gọn, Sạch, Đẹp) hơn. Hơn 11 năm về trước, tôi đã đưa ý kiến cảnh báo về một sự phát triển đô thị rối loạn và những tác hại của chúng; nhất là về mặt xã hội. Tôi cũng đã than phiền với anh về chuyện "cải tạo đắp vá, với nguồn vốn ngân sách cứ như đổ vào những chiếc thùng không đáy". (xin xem bài viết: "Kiến trúc và xây dựng ở Saigon hiện nay", "VÀI Ý KIẾN VỀ TÌNH HÌNH QUY HOẠCH, QUẢN LÝ & PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ Ở SÀIGÒN HIỆN NAY", "Vài ý kiến về vấn đề môi sinh ở Saigon"). Khi anh đưa tôi đi Thủ Ðứức rồi qua Cát Lái,Thủ Thiêm, chúng tôi cũng đã nói về chuyện "quy hoạch Khu đô thị Nam TP.HCM, được xem là mở con đường phía Nam tiến ra biển Đông, do Công ty Skidmore, Owings and Merrill (Mỹ) thực hiện trên một diện tích 2.000 hecta" mà nay anh cho biết là "đã bị phá nát." Về "Quy hoạch thứ hai là Khu đô thị mới Thủ Thiêm," mà anh và tôi đều "kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị hiện đại như Phố Đông của Thượng Hải;" nay thì anh đã phải thốt lên:"sau nhiều năm ì ạch triển khai nay vừa bị phát hiện việc triển khai quy hoạch đang trong tình trạng “giật gấu vá vai”. Tôi cảm nhận được lòng anh và những gì người dân Saigon mong muốn sau 11 năm học hỏi, thử nghiệm: "Qua những bài học về quy hoạch và quản lý đô thị, chúng ta có thể nhận ra một điều, bao nhiêu công sức tiền của đổ ra cho việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh mấy chục năm qua cũng đã đủ để xây dựng một thành phố hoàn toàn mới, hiện đại. Bây giờ mới nghĩ đến điều này, tuy quá muộn nhưng vẫn còn hơn không."
Có lẽ vấn đề không đơn giản như anh nghĩ. Không chỉ là "việc xây dựng thành phố mới nên giao toàn bộ cho một tập đoàn quốc tế có đủ năng lực qua hình thức đấu thầu trọn gói." Giao cho ai? Dễ thôi. Tổ chức một cuộc thi quốc tế và chọn ra giải pháp hay nhất. Ai sẽ đứng ra giao việc này? Sở Xây Dựng hay Quy Hoạch & Thiết Kế? Người đó có biết là dân Saigon muốn gì? phải làm gì? làm sao để có được ước muốn đó khi mà chưa hề có kinh nghiệm làm việc này? Ai cũng làm được nhưng làm cho đàng hoàng, tử tế như mong ước của Saigon thì ....không dễ ! Ai cũng đã nghe qua " Phương châm “tư hữu hóa rủi ro, xã hội hóa cơ hội” đã được nhiều nước nghèo áp dụng khi muốn xây dựng những thành phố lớn cho mình trong điều kiện không đủ kinh phí" nhưng "Vấn đề còn lại" không chỉ "là công việc của nhà quy hoạch và tầm nhìn của người có trách nhiệm." Nhiều vấn đề phải nghĩ tới lắm, anh ạ. Vả lại, muốn có được "tầm nhìn" mà anh đề cập, "người có trách nhiệm" phải chịu học hỏi, biết lắng nghe và có dịp đi qua nhiều nơi để mở rộng "tầm nhìn" của ...chính mình. Có những vấn đề rất đơn giản mà người Việt Nam chúng ta bàn luận nhiều quá nên khó thực hiện. Ngược lại, cũng có những lãnh đạo quá ư độc tài cứ muốn làm theo ý mình mà không cần hỏi ý ai hết (theo kiểu cái cày đặt trước con trâu) cho dù "tập thể lãnh đạo, cá nhân thừa hành" nhưng rốt cuộc chẳng ai đứng ra nhận trách nhiệm về những sai sót. Nước ta còn nghèo nhưng dân ta khoái xài sang nên nhiều khi lãng phí hết chỗ nói. Kinh nghiệm, khả năng và hiểu biết của mình còn nhiều hạn chế nhưng hễ ai nói tới vấn đề gì thì mình cũng có thể thao thao bất tuyệt mà làm thì không tới nơi lại ẩu khỏi chê ! 20 năm qua, chắc hẳn anh cũng đã đi qua nhiều nơi nên anh cũng thấy Việt Nam còn bề bộn nhiều việc phải làm cho ra hồn mà nhân tài thi hiếm cho dù nhân sự không thiếu. Mấy năm qua, rất nhiều kiến trúc sư và chuyên viên Việt Nam đã du học, tu nghiệp và làm việc với các công ty nước ngoài nhưng hình như vẫn thiếu tự tin, chưa làm nhiều projects lớn nên chỉ giỏi trên lý thuyết mà thiếu kinh nghiệm trận mạc, thiếu tầm nhìn vĩ mô, thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm xử lý/ ứng phó với những bất ngờ. 20 năm qua, ngân sách cũng không thiếu, chưa kể quốc tế sẳn sàng cho vay, miễn là quản lý minh bạch. Cơ chế trong nước hiện nay có cho phép các nhà quy hoạch làm theo đúng nguyên tắc kỹ thuật chuyên môn để thực hiện điều kỳ vọng của dân Saigon và ý tưởng sáng tạo của các nhà quy hoạch & thiết kế hay không? Có lẽ anh hiểu rõ Saigon hơn tôi nên tôi mong sớm nhận được câu trả lời của anh về vấn đề này.Có những điều khó hiểu:Tại sao các xa lộ mới không có underpass hay overpass? Làm sao để người sử dụng(users) giao thông đi qua các giao lộ, rẻ vào (entrance) hay thoát ra (exit) vì không có ramp(on & off), nhất là khu dân cư đông đúc? Trong quy hoạch di dân tái định cư, làm sao để người sử dụng(users) trong khu dân cư cho người có thu nhập thấp hay khu được bồi thường/ tái định cư mà quy hoạch có đủ phương tiện (giao thông, chuyện học hành, mua bán,v.v...) để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống mới, chứ không phải là những vùng kinh tế mới? Làm sao để người sử dụng cảm thấy hoàn toàn thoải mái và thú vị với sự chuyển tiếp từ một khu cũ kỹ, già nua qua khu trẻ trung, xinh đẹp và vui vẻ hơn.

Ý kiến cuối cùng là xin được chia sẻ với anh về những trăn trở và ủng hộ anh về mơ ước một thành phố mới - không chỉ cho Saigon mà Hà Nội nữa chứ? Hà Nội cần lắm chứ? Thử nghĩ, bên cạnh sân Mỹ Ðình sẽ là một Hà Nội mới. Tại sao không? Hãy mơ ước về những điều tốt đẹp hơn cho Việt Nam. (Thanksgiving, 20-11-2007)

Đầu Xuân, ngẫm về đồ án TP Văn Lang

Cuối năm 2008, khi vợ chồng họa sĩ Trần Văn Liêm, người Pháp gốc Việt về nước giới thiệu đồ án Kiến trúc - mỹ thuật Thành phố Văn Lang; đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về giá trị cũng như tính khả thi của nó. Nhân dịp đầu năm, hoạ sĩ cho biết, trong dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ông sẽ về VN tổ chức một cuộc triển lãm tại Hà Nội về đồ án, hy vọng đồ án sớm trở thành hiện thực.

TT&VH xin giới thiệu bài viết từ góc độ chuyên môn của KTS Đoàn Đức Thành.

TP hình bát quái và quảng trường 1 triệu người

Tác giả đồ án Thành phố Văn Lang đưa ra một mặt bằng tổng thể, nơi tiện đường hàng không, đường bộ. Đặc biệt yêu cầu phải gần sông để đưa du khách đến Thành phố Văn Lang bằng đường thuỷ thuận tiện. Tuy vậy, họa sĩ chưa có điều kiện làm việc với Nhà nước để đề xuất địa điểm, nên xây dựng ở đâu còn lệ thuộc vào nhu cầu cụ thể.
Toàn cảnh TP Văn Lang
Theo tổng mặt bằng, Thành phố Văn Lang bố cục theo hình tròn, dựa trên Tiên thiên Bát quái. Đường kính Thành phố dài 1800m, chung quanh có sông đào nối với sông chính gần đó, thuyền du lịch đi lại dễ dàng.

Chính giữa Thành phố là một quảng trường lớn biểu tượng trục Bát quái âm dương, có 8 đại lộ nối với 8 cổng, mỗi cổng có hình thức kiến trúc theo một quẻ khác nhau như Càn, Khôn, Khảm, Ly, Cấn, Chấn, Tốn, Đoài. Trong đó bốn trục chính có các công trình tiêu biểu là Thiên Tự Tháp (thờ Lạc Long Quân) đối diện với Hoàng Tự Tháp (thờ Mẫu Âu Cơ); đền thờ 18 triều đại Hùng Vương….

Quảng trường là hạt nhân của Thành phố Văn Lang. Nơi đây kết hợp với 8 đại lộ chung quanh có sức chứa đến một triệu người. Sân khấu hoành tráng, đặt ở trung tâm, thiết kế đặc biệt, tự quay và nâng lên hạ xuống, độc nhất vô nhị trên thế giới. Sân khấu được trình diễn hàng đêm bởi ban đại kịch vũ nhạc, có âm thanh và ánh sáng kỳ diệu, là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao nghệ thuật trình diễn dân tộc - hiện đại, độc đáo, thu hút du khách.
Đình Tổ nghề trong TP Văn Lang

Thiên Tự Tháp và Hoàng Tự Tháp biểu tượng Trời - Đất, Rồng - Tiên, Lạc Long Quân - Âu Cơ, dương - âm, bánh chưng – bánh giầy luôn gắn với nhau không tách rời nhau, là hạt nhân của đồ án. Cùng cao 9 tầng, mỗi tầng cao 10m, giữa có tầng lửng, giao thông bằng thang máy, có thang thoát hiểm an toàn. Mặt ngoài có 365 bậc thang, tượng trưng cho 365 ngày trong năm, hai bên có 45 cấp để đặt trống đồng trình diễn.

Không xây khách sạn, khách ngủ trên du thuyền

Theo họa sĩ Trần Văn Liêm, kỹ nghệ du lịch trên thế giới đang ngày một thờ ơ với những khách sạn xây dựng cố định, vì có nhiều trở ngại, nhất là các nước tổ chức đăng cai Thế vận hội. Những nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển dần sang khách sạn di chuyển theo kiểu đội du thuyền và phát triển ngày một nhiều, bởi dễ tập trung khi có nhu cầu lễ hội, sinh hoạt TDTT, hoặc phân tán khi đã hoàn thành công việc.

Đối với Thành phố Văn Lang không chủ trương xây dựng khách sạn cố định mà vận chuyển và du khách nghỉ ngơi bằng những đội du thuyền, nay đây mai đó theo kiểu khách sạn di động. Mỗi du thuyền có quy mô vừa và nhỏ, khoảng 12 - 24 phòng ngủ, đi lại nghỉ ngơi nay đây mai đó thuận tiện.

TP Văn Lang và khuynh hướng kiến trúc mỹ thuật - văn hoá

Nhằm quảng bá đất nước, thu hút du khách du lịch, từ lâu nhiều nước trên thế giới đã hết sức quan tâm đến vấn đề xây dựng những công trình có tầm cỡ đặc biệt, mới lạ. Có hai khuynh hướng đã thực hiện và áp dụng thành công:

- Khuynh hướng kiến trúc kỹ thuật, được áp dụng phần lớn ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông. Họ đua nhau xây cất những toà nhà chọc trời cao ngất ngưởng, thuộc hàng top 5, top 10 trên thế giới, được coi là biểu tượng của quốc gia, không ngoài mục đích thu hút sự tò mò của du khách. Khuynh hướng này (có cả tháp Eiffel, Paris) đến nay không còn được coi trọng nữa, bởi những kỷ lục luôn bị phá, dẫu sao thì cũng đã nhàm.

- Khuynh hướng kiến trúc mỹ thuật, thành công nhất là khách sạn 7 sao ở thành phố Dubai, một ý tưởng độc đáo của lãnh chúa Emirats Arabes Unis, do kiến trúc sư người Anh thực hiện. Công trình thứ hai cũng theo hình cánh buồm là Nhà hát Opera Sydney ở Australia, do KTS Joern Utzon người Đan Mạch thiết kế...

Khuynh hướng kiến trúc mỹ thuật - văn hóa, ý tưởng Thành phố Văn Lang, có tầm vóc quốc tế, nhưng vẫn đậm chất văn hóa Việt: con Rồng, cháu Tiên. Nếu Thành phố Văn Lang trở thành hiện thực, hy vọng sẽ là công trình biểu tượng cho Việt Nam, sẽ trở thành một động lực tâm lý chấn động dây chuyền trong tiến trình phát triển kỹ nghệ du lịch Việt Nam.

Sự chấn động này không chỉ ở trong nước mà còn lan tỏa trên thế giới. Có thể nói đây là lần đầu tiên theo khuynh hướng kiến trúc mỹ thuật văn hóa được đề xuất xây dựng ở Việt Nam, do họa sĩ Trần Văn Liêm - người từng khởi xướng trường phái mới trong nghệ thuật tạo hình thế kỷ 21 "không gian năm chiều" - thực hiện.
KTS Đoàn Đức Thành

No comments:

Blog Archive

About Me

An umbrella networking organization to further the interest of gays, Lesbians, bisexuals, transgender and friends of Vietnamese around the world. Its purpose is to create awareness, to develop a positive identity for the Vietnamese gay community, and to establish a network of gay Vietnamese and their friends. Tổ chức nói kết mạng cho người quan tâm đến người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính, chuyển đổi giới tính và bạn bè của người Việt Nam trên toàn thế giới. Mục đích của nó là để tạo ra nhận thức, để phát triển một bản sắc tích cực cho cộng đồng đồng tính Việt Nam, và thiết lập một mạng lưới của Việt Nam đồng tính và bạn bè khấp nơi.