CÔNG VIÊN VĂN HÓA VIỆT NAM
Vào cuối năm 1991, tôi có ý định phác họa một điểm hành hương cho “thuyền nhân” Việt Nam ngay trên một hòn đảo thuộc Côn Sơn hay Phú Quốc trong vùng biển Đông, sau khi nước Việt Nam không còn cộng sản. Nhiều người cho đó là điều “không tưởng” nhưng tôi vẫn cứ mơ ước như dân Do Thái đã mơ về Jerusalem ngày nào. Một anh bạn ở San Jose đưa tôi đi ngắm tháp TransAmerica ở San Francisco và bảo trên đó còn cất giữ một Di Chúc của những người Việt đầu tiên đến định cư tại Bắc California gửi cho thế hệ con cháu. Tiếp đó, bác sĩ Ngô Thế Vinh khuyến khích tôi thử nghĩ về một đài kỷ niệm cho những Di Dân gốc Việt tại Mỹ. Do đó, hôm nay tôi xin được trình bày một phác họa mới về một “Công Viên Văn Hóa Việt Nam” ngay trên đất Mỹ như đánh dấu cho sự hiện diện của người Việt trên đất Hợp Chủng Quốc này vào một giai đoạn đen tối của lịch sử dân tộc Việt Nam mà nhiều thế hệ sẽ tiếp nối nhau thực hiện và hoàn thành dần trong nhiều năm.
Ý niệm chính của mô hình vẫn hướng về “động” hơn là “tĩnh,” do lịch sử dân tộc Việt là chuỗi đấu tranh liên tục suốt ngàn năm dựng & giữ nước. Bên cạnh việc bảo tồn truyền thống văn hóa & lịch sử dân tộc, công viên này sẽ khuyến khích những cái mới thật sự tiến bộ, hữu dụng và phù hợp dân tộc tính qua việc áp dụng & trang bị kỹ thuật cao trong thiết kế kiến trúc và xây dựng. Phí tổn có thể lên trên 30 triệu Mỹ kim cho một khu đất rộng khoảng 100 mẫu Anh nằm ven biển Thái Bình Dương, với không gian tổng thể có dáng như một con tàu vừa cặp bờ mà đầu sẽ gối lên một gò đất cao và thoải dần ra biển. Phần giữa mô hình thoải dàân trên bãi sẽ là khu trung tâm với hai khối chính:
1. Khối Vuông: tượng trưng cho Đất theo sự tích Bánh Chưng, ở ngay trung tâm công viên. Mỗi cạnh là 4000 feet x 4 mặt = 16,000 feet vuông. Tường cao từ 16 đến 25 feet, phía ngoài lát đá cẩm thạch nâu sẫm, có khắc tên họ những người Việt mất tích trên đường vượt biên, xen kẻ là tranh ảnh các anh hùng và danh nhân dân tộc từ thời Hùng Vương đến nay, hay các câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn Việt Nam (bằng 2 thứ tiếng Anh - Việt) . Đầu tường viền hoa văn dân tộc với đàn chim Lạc Việt. Bốn ngõ chính nằm chính giữa mỗi mặt, hướng về 4 hướng chính (Bắc - Nam - Đông - Tây). Mái ngói đỏ uốn cong theo dạng mái truyền thống với kèo - cột - đòn - hoa văn kiểu cổ truyền Việt Nam mà chính giữa là một khối trụ tròn vươn cao như một đóa sen. Khối vuông này sẽ có một tầng hầm làm hội trường đủ sức chứa khoảng 5000 người, dùng cho các sinh hoạt cộng đồng (như hội nghị, đại nhạc hội, đại hội thể dục thể thao,v.v...) và tầng trên là khu hành chánh, thư viện, nhà bảo tàng, lớp Việt ngữ và cũng là nơi sinh hoạt cho đủ lứa tuổi, thành phần.
Hội Trường (Tầng hầm): nằm âm sâu vào lòng gò đồi. Tường· cách âm bao kín với 4 cửa chính và nhiều cửa phụ thoát hiểm (emergency exit), thoải xuống dần từ ngoài cửa vào đến chính giữa hội trường là một sân khấu quay quanh khối trụ tròn. Sân khấu hình vành khuyên và trên trần trang trí bằng hình mặt trống đồng Ngọc Lũ ôm gọn khối trụ tròn trung tâm. Các hàng ghế nằm xen kẻ các lối đi trải thảm đỏ.
· Khu Đa Dụng (tầng trên): cấu trúc tương tự tầng hầm, chỉ khác là ngăn thành nhiều phòng cho nhiều sinh hoạt khác nhau: Phòng Văn Hóa gồm một nhà bảo tàng nhỏ lưu trữ các tài liệu, di vật liên quan đến cộng đồng Việt tại Mỹ từ ngày 30/4/75 đến nay. Kế bên là một thư viện Lê Quý Đôn lưu trữ văn hóa phẩm liên quan đến người Việt tại Mỹ gồm sách báo và các sản phẩm văn hóa(CD, audio & video cassette Việt Ngữ,v.v...). Sau cùng là Trung tâm Sinh hoạt Phù Đổng với đủ loại trò chơi giải trí, thể dục thể thao cho mọi lứa tuổi. Phòng Văn Hóa còn tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa khác, như giới thiệu tác phẩm mới của văn nghệ sĩ Việt Nam, triển lãm tranh - ảnh - tượng và các loại nghệ thuật khác. Phòng Giáo Dục: với các lớp dạy tiếng Việt, tìm hiểu ngôn ngữ - văn học - địa lý - sử ký - tập quán Việt Nam, tổ chức Giải Khuyến Học hàng năm cho các lớp Việt Ngữ dưới sự bảo trợ tài chánh & tặng phẩm từ mạnh thường quân & thương gia gốc Việt. Chính 2 phòng Văn Hóa và Giáo Dục này sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc nối kết các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trên xứ người với cội nguồn lịch sử - văn hóa dân tộc, với hình ảnh quê hương Việt Nam. Những nhân viên làm việc tại đây cần thể hiện đầy đủ tinh thần, trách nhiệm và sự am tường của những người làm công tác văn hóa Việt Nam, nên được đào luyện và tổ chức thật bài bản, quy củ. Phòng Hành Chánh chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của CVVHVN. này, bao gồm khối hành chánh - quản trị / điều hành, khối bảo trì & sửa chữa, khối an ninh, khối tiếp tân,v.v...
2. Khối Tròn (tượng trưng cho Trời theo sự tích Bánh Dầy, cũng giống như ngọn hải đăng hay cột buồm chính của con tàu): đường kính 75 feet, cao khoảng 215 feet, gần đỉnh tháp là một khối tròn có thể quay 360 độ (mô phỏng Space Needle ở Seattle,WA.) để du khách có thể ngắm toàn cảnh. Có thể mở một nhà hàng bán thức ăn và các sản phẩm thủ công cổ truyền (áo dài, nón lá....) thuần túy Việt Nam tại đây. Về đêm, khi thắp sáng thì có thể giống như ngọn hải đăng soi đường cho tàu bè trên biển. Hai thang máy như hai con bọ nằm 2 bên thân trụ. Bên trong là thang xoắn ốc và hệ thống điện cơ vận hành.
Bao quanh khu trung tâm là một công viên xây dựng theo triết lý Thiền Học: Con Người là một bộ phận của Thiên Nhiên. Công viên được tạo lập bởi một thảm cỏ xanh, viền ngoài bởi rừng trúc và tre, phía trong là những cây liễu rủ (weeping willow), các loại eucalyptus, vài cây tùng, bách, thông xen với jacaranda, điệp,v.v... Vài tượng đài được đặt trân trọng trong công viên, trong đó không thể thiếu tượng “Thương Tiếc” của anh Nguyễn ThanhThu. Một nhóm tượng đài có tính biểu tượng được đặt ngay trong công viên với một bệ đá cẩm thạch hình tam giác cân cao 30 feet, đáy dài 50 feet, như một ngọn núi. Từ đỉnh núi, một dòng nước chảy xuống như thác đổ vào một con suối cạn (sâu 6 inches) uốn lượn hình chữ S để lượn quanh chân một Kim Tự Tháp bằng đá cẩm thạch đen trước khi rót vào con rạch viền quanh chân đồi mà không thấy chổ tận cùng. Bắc ngang rạch là cầu tre, cầu khỉ. Dưới rạch là một vài loại cá kiểng, vài loại sen, súng, thuỷ trúc (umbrella plant) quen thuộc ở Việt Nam. Viền quanh công viên, bên con rạch, còn là rừng tre, trúc và một số cây rừng nhiệt đới Việt nam khiến người ta liên tưởng những cánh rừng ở quê nhà. Cần lưu ý đến triết lý Thiền và cảnh quan Việt Nam phải được thể hiện rõ ràng, đậm nét và hài hòa trong công viên này như là biểu tượng chính của toàn bộ công trình.
Lối vào trung tâm rộng 15 feet, với 2 lối phụ (mỗi lối phụ rộng 10 feet, từ quan niệm cũ: “nam tả, nữ hữu”), cách nhau bởi một vườn hoa (bedding plant xen với loại annual hay perennial, hay các loại accent plant nhưng cần hài hòa với cảnh quan tổng thể). Cổng chính có dạng Tam Quan, trải thành 30 bậc thềm, qua 4 phần dốc (slope), dẫn xuống bãi đậu xe (rộng trên 5 mẫu Anh, với nhiều tàng cây cau, cọ /palm, đào/pyrus, jacaranda, v.v... xen với những trụ đèn) nằm dọc theo xa lộ. Bảng chỉ đường, bảng hướng dẫn được đặt rải rác khắp công viên, bên cạnh là băng ghế, thùng rác hay vòi nước công cộng. Tên các anh hùng, danh nhân Việt Nam được đặt tên đường nhằm dễ đi lại, định hướng hơn. Hai bên bậc thềm là lan can chạm trổ hình rồng, lân, rùa, phụng và hàng đèn thắp sáng về đêm. Trước cổng chính có “Đài Tưởng Niệm Những Người Đã Chết Vì Tự Do” với dáng của mũi thuyền cất cao gối lên đỉnh đồi, bằng đá trắng, lát một bức phù điêu diễn tả một chiếc tàu vượt biển (hay một nội dung khác có ý nghĩa tượng trưng hơn, diễn tả hoành tránh hơn ?), trên có dòng chữ “Việt Nam” bằng đồng vàng. Dưới chân Đài là bệ đá xanh với “Ngọn Lửa Bất Diệt” ở giữa sẽ được thắp sáng liên tục. Vài chậu hồng, mai, vạn thọ, cúc, thược dược... được đặt quanh đây.
Phần quay ra biển sẽ là một nhà hàng với các bàn ăn đặt ngoài trời, lan can được thay bằng hồ nước cạn (6 inches) viền rìa ngoài nhằm không ngăn cách tầm nhìn của khách muốn ngắm biển nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn. Từ đây sẽ mở ra một cầu tàu nối dài ra biển mà du khách có thể tản bộ ngoạn cảnh, ngồi câu cá, làm chổ neo tàu bè (đáp ứng yêu cầu kỹ thuật & quy tắc an toàn khi xây dựng). Tôi xin nhấn mạnh: cần mở rộng tầm nhìn về phía biển như một cách hướng về Việt Nam, hướng về những người đã bỏ mình trên biển. Vì vậy, vị trí đặt các tượng đài cần được các điêu khắc gia lưu ý và nên sắp xếp tương xứng, hài hòa trong công viên để đạt mục đích giáo dục và có ý nghĩa trọn vẹn.
Trên đây là ý niệm chính có tính phác thảo cho một “Công Viên Văn Hóa Việt Nam” trên xứ người, xây dựng như một Đài Kỷ Niệm, một thắng tích lịch sử, một điểm hành hương cho người Việt hải ngoại. Mọi chi tiết kỹ thuật phải đáp ứng tất cả quy tắc an toàn, quy định về kết cấu, an toàn, vệ sinh, cấp cứu (phòng cháy chữa cháy, y tế), môi sinh, thẩm mỹ của tiểu bang và Hoa Kỳ. Rất mong đón nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn chỉnh dần dự án này trước khi lập mô hình (3D model). (9/94)
No comments:
Post a Comment