Thursday, December 24, 2009

Tê giác VN

Tê giác VN

Dong lai
Tê giác là các loài động vật nằm trong số 5 chi còn sống sót của động vật guốc lẻtrong họ Rhinocerotidae. Tất cả 5 chi nói trên đều có nguồn gốc ở châu Phi haychâu Á. Đặc trưng nổi bật của động vật có sừng này là lớp da bảo vệ của chúng được tạo thành từ các lớp chất keo với độ dày tối ưu khoảng 4 inch được sắp xếp theo cấu trúc mắt lưới.
Những con tê giác cuối cùng

Cạo bột “sừng tê” làm thuốc - Ảnh: Nguyễn Bình(TTOL)

Trong khi chiếc sừng tê giác trên thị trường đỏ đen được rao bán với giá cao hơn vàng để phục vụ cho “bản lĩnh đàn ông”, thì ở một cánh rừng phương Nam, những con tê giác VN cuối cùng đang kêu cứu. Một lần nữa, các nhà khoa học “sốt” lên vì loài thú đang được sách đỏ xếp bậc cực kỳ nguy cấp. Gần mười năm qua, không có con tê giác nào chào đời ở VN.Tê giác là loài thú đã có mặt trên Trái đất 60 triệu năm. Loài tê giác cổ đại có lông từng sống trong suốt thời kỳ băng hà ở lục địa châu Âu và châu Á đã sớm bị tuyệt chủng.
Trên thế giới có năm loài tê giác khác nhau. Hai loài (tê giác đen và tê giác trắng) phân bố ở châu Phi và ba loài (tê giác Java, tê giác Sumatra và tê giác Ấn Độ) ở châu Á. Cả năm loài đều có nguy cơ tuyệt chủng và đã được đưa vào sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Chiếc sừng được giới thiệu là sừng tê giác VN, được “hét” giá 1,8 tỉ đồng! - Ảnh: Nguyễn Bình

Quí hiếm nhất là tê giác nhỏ một sừng Java, chỉ khoảng 50 cá thể còn sống sót. Chúng sống ở vùng rừng núi rậm rạp. Hiện nay chỉ còn ở vườn quốc gia Ujung Kulon (Indonesia) và Việt Nam.
Dong laiTê giác ở Việt Nam là phân loài (loài phụ) của tê giác Java. Nhiều người gọi là tê giác VN (Rhinoceros sondaicus annamiticus). Đây có thể là những con tê giác VN cuối cùng của VN và thế giới với khoảng 5-7 con sinh sống tại khu vực Cát Lộc (thuộc vườn quốc gia Cát Tiên). Sách đỏ VN đang xếp bậc E (đang bị đe dọa tuyệt chủng), sách đỏ IUCN xếp bậc CR (cực kỳ nguy cấp).
Tê giác ở VN chỉ bằng 60-70% trọng lượng so với đồng loại một sừng của chúng ở Indonesia. Tê giác VN nặng khoảng 800-1.000 kg.
(Nguồn: tài liệu nghiên cứu của ông Gert Polet và thạc sĩ Trần Văn Mùi)

Công ước về thương mại quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (còn gọi là công ước CITES, ký tại Washington, Mỹ năm 1973) đang kiểm soát việc mua bán động vật hoang dã nguy cấp và các bộ phận của chúng. Nhiều quốc gia, trong đó có VN, đã ký kết công ước này vào ngày 20-1-1994. Tất cả các loài tê giác đều được đưa vào phụ lục 1 của công ước, nghĩa là nghiêm cấm buôn bán. Ở VN, tê giác có tên trong nghị định 32 ngày 30-3-2006 của Chính phủ về quản lý các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quí hiếm.
1: Đi tìm “thần dược”
Nhung con te giac cuoi cung Ky 2 Theo dau chan te giac Điểu K"Trang chỉ về khu bảo tồn tê giác: “Hồi xưa khu vực này có trên 30 con. Giờ chỉ còn mấy con” - Ảnh: Y.T.
Mỗi lần “lâm trận”, tê giác đực và cái “ân ái” 2-4 giờ. Nhờ ăn dược thảo quí trong rừng, chúng có sự dũng mãnh đáng bái phục ấy. Thứ thuốc kỳ diệu được chưng cất từ cơ thể tụ lại trên sừng. Vì vậy, sừng tê giác giúp các quí ông “khỏe” như tê giác húc…
Xung quanh loài thú hoang đã có mặt trên trái đất từ 60 triệu năm nay, dân gian thêu dệt bao câu chuyện đầy huyền bí như thế.
“160 lượng vàng. Không thêm không bớt”
Qua vài người trung gian, chúng tôi biết một tay chuyên săn đồ cổ. Sau khi trao đổi qua điện thoại, anh ta hứa sẽ cho chúng tôi sờ tận tay một chiếc sừng tê giác. Khá bất ngờ, điểm hẹn xem báu vật là một căn nhà lụp xụp tại xóm lao động nghèo ở Q. Bình Thạnh (TP.HCM). Sau gần cả giờ chờ đợi, một thanh niên tay xách giỏ len nữ xuất hiện. Anh ta tên Ác. Sau vài câu chào hỏi, Ác lôi một chiếc sừng từ túi ra. Sừng được bọc sơ sài trong chiếc áo sơmi cũ. Chiếc sừng màu vàng đậm, phía trên sừng có khối u lồi rất kỳ quặc, gốc sừng có những cụm lông tua tủa.
Như đọc được thắc mắc của chúng tôi, Ác giải thích: “Đây là sừng tê giác VN. Không giống sừng nhập lậu từ nước ngoài hiện có trên thị trường. Một người quen gửi tôi bán giùm. Nặng 450g. Giá 160 lượng vàng, tương đương 1,8 tỉ đồng, không thêm không bớt!”. Thấy khách vẫn còn há hốc mồm trước cái giá rất sốc như vậy, Ác tiếp: “Sừng này đã được giám định ở Viện Pasteur. Thật 100%. Sừng VN đắt hơn sừng châu Phi tí xíu. Cứ yên tâm. Ba tháng trước đã có người trả 120 lượng, tôi không bán”.
Tuy nhiên, khi được hỏi cách phân biệt sừng thật và sừng giả thì anh này ú ớ: “Cái này thì chịu! Nếu nó là giả thì em tội gì “hét” với anh chị giá 160 lượng cho khó bán. Nói vài chục hay vài trăm triệu là được rồi”. Ác đồng ý cho chụp ảnh chiếc sừng để tham khảo ý kiến gia đình. Tất nhiên là không được để thấy mặt người bán! Trong khi chúng tôi loay hoay với chiếc camera, anh ta “bật mí” thêm: “Thật tình sừng này do một già làng ở Đắc Lắc săn được. Trong chuyến công tác ở Tây nguyên, nghe kể về “báu vật”, bạn tôi tìm mua ngay”.

Chúng tôi tiếp tục vòng sang khu phố đông y ở Q.5 để cầu may, ghé một cửa hàng đông y. Không ngờ nghe hỏi sừng tê giác, bà chủ gật đầu cái rụp, chỉ vào dãy sừng khoảng 30 cái trong tủ kính. Các sừng đều không giống sừng mà Ác đã cho chúng tôi xem. Khi chúng tôi cho biết mua sừng tê giác để trị bệnh ung thư, bà xởi lởi hẳn: “Chưng trên đó là hàng giả, làm kiểng chơi cho vui. Trị ung thư là cái này nè”. Nói rồi bà mở hộc tủ, kéo ra một bịch nilông. Trong bịch có mấy mẩu sừng chẻ nhỏ màu trắng ngà. Một vài mẩu còn có lông cứng tua tủa trông như rễ gốc măng tre già. Được dịp, bà huyên thuyên kể về công dụng trị bá bệnh kỳ diệu của sừng tê. Cuối cùng, bà chốt giá: “30 triệu đồng/lạng”!
Tại một cửa hàng đông y khác trên đường Hải Thượng Lãn Ông, ông chủ lắc đầu khi biết chúng tôi tìm mua sừng tê giác trị ung thư dạ dày: “Hổng hết đâu. Sừng tê chỉ có tác dụng cường dương, thanh nhiệt thôi”. Ông còn nhiệt tình mời: “Nếu yếu cái khoản kia, tui bán cho một ít bột sừng. Chỉ cần một lạng là “lên mây” luôn. Tính theo giá vàng là 1,1 triệu đồng/chỉ. Không kiếm ra nguyên chiếc loại hàng quốc cấm này đâu. Nếu có thì người ta bịp đó!”.
Thấy mặt chúng tôi có vẻ chưa hiểu, ông giải thích: “Họ lấy sừng trâu tiện ra, ép lại bằng khuôn nhiệt. Vì vậy, nhìn sớ sừng giả dễ lầm với sừng thật. Thậm chí họ còn có kỹ thuật pha màu, nhìn như trong sừng còn những tia máu. Khác với sừng trâu bò, dưới gốc sừng tê có lớp lông. Do đặc điểm này, nhiều tay đại bịp còn dán lông giả bằng keo dán sắt! Khách mua về sử dụng thấy có tác dụng hạ nhiệt, tưởng là sừng tê giác thiệt. Nhưng không phải, sừng trâu bò cũng là vị thuốc có tác dụng tương tự”.
Nhung con te giac cuoi cung Ky 2 Theo dau chan te giac

Bức ảnh đầu tiên của tê giác VN được chụp tại vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh tư liệu vườn quốc gia Cát Tiên

Bộ phận nào cũng quí?
Khi tiếp khách, nhiều “đại gia” ở Sài Gòn luôn có khúc sừng tê cùng bàn mài để bên cạnh chai rượu. Vừa mài sừng vừa uống rượu cũng là thú tiêu tiền cho cái khoản “bản lĩnh đàn ông” của nhiều vị giàu có theo kiểu “tiền nhiều quá tiêu không hết”.

Còn ở rừng, đem bạc tỉ ra uống là chuyện xa xỉ. Tuy nhiên, có một loại rượu mà mới nhìn thấy, tóc tai nhiều bợm nhậu ở thành phố phải dựng đứng. Chúng tôi từng phì cười khi nghe một người bạn quê Tây nguyên kể rằng dân quê anh rất “mê” món phân tê giác! Bất kể tươi hay khô, cứ gặp đống nào giống phân tê giác là hốt về. Lúc ướt còn thum thủm, nhưng đem về phơi khô, sao lên, ngâm rượu là thơm phức hết! Anh giải thích: khác với chất thải của trâu bò, “của hậu trường” tê giác “hoành tráng” hơn. Phân tê giác như xác trà, trong đó lẫn những mảnh lá cây chưa kịp tiêu hóa. Sự kỳ diệu nằm chính ở những cái lá này.
Tê giác rất khôn, có lẽ chúng ăn toàn lá thuốc nên phân chúng trị được chứng đau dạ dày, đau khớp, kể cả suy thận... Ngoài ra, lớp da dày như tấm khiên của loài thú hoang này còn hút được nọc rắn độc, chó cắn. Nhiều người kể: khi áp miếng da tê giác vào chỗ bị cắn, miếng da sẽ hít chặt như nam châm. Do đó, dân làng khi săn được tê giác thường mở tiệc ăn mừng. Dũng sĩ săn tê giác thường cắt chia cho mỗi bếp một miếng da để “lận lưng” khi đi rừng. Có người còn cho rằng máu tê giác hòa với rượu uống chữa được bệnh tiểu đường!...
Tất cả cũng chỉ là lời đồn. Cho đến nay, chưa có tài liệu khoa học nào công bố về giá trị thần dược chữa bá bệnh và cường dương của sừng cũng như các bộ phận khác của tê giác. Một số tài liệu ghi lại rằng đây là một thành phần trong phương thuốc trường thọ của y học Trung Hoa. Theo tài liệu của ông Gert Polet và thạc sĩ Trần Văn Mùi (1999): “Chỉ tê giác đực mới có sừng. Sừng tê giác mọc ngay trên mũi, được hình thành do các lông cứng kết lại với nhau.
Sừng là sản phẩm của da, không gắn liền với xương sọ”. Có người cho rằng chất tạo nên sừng tê giác cũng chỉ giống như chất tạo nên móng tay. Vì vậy, ngoài những công dụng giống như sừng của các loài khác, “thần dược” sừng tê giác chỉ là đồn thổi. Chính sự đồn thổi đã tạo nên một thị trường buôn bán các bộ phận tê giác siêu lợi nhuận. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy loài thú quí hiếm bậc nhất trên thế giới đến gần hơn bờ vực tuyệt chủng.
Còn hình ảnh chiếc sừng được cho là tê giác VN giá 1,8 tỉ đồng trên đã được chúng tôi gửi đến ông Phạm Hữu Khánh - phó giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên. Sau khi xem xét và tham khảo nhiều chuyên gia, ông Khánh khẳng định: “Lần đầu tiên tôi thấy một cái sừng tê giác kỳ quặc như vậy. Nhiều khả năng đây là sừng giả”!

Thôn 3 xã Phước Cát nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên bên bờ sông Đồng Nai
2: Theo dấu chân tê giác
Chúng tôi trở lại rừng Cát Lộc (Lâm Đồng). Đây là khu rừng cuối cùng còn thấp thoáng bóng dáng những con tê giác VN. Ở đó, những câu chuyện kể về loài thú quí hiếm cứ rưng rưng giữa cánh rừng bị băm nát.
Tê giác đi kiếm ăn
Người thợ săn và tấm da tê giác
Nhà Điểu K"Trang lọt thỏm giữa vườn quốc gia Cát Tiên, ngôi nhà tựa lưng vào khu rừng bảo tồn tê giác Cát Lộc, cách trụ sở vườn khoảng 70km đường rừng, thuộc thôn 3, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Theo lời đồn, người đàn ông dân tộc S"Tiêng này từng săn được tê giác.
Chúng tôi đến thôn 3 khi trời nhá nhem tối. K"Trang đang say khướt bên bàn nhậu. Ông đón khách bằng câu chào: “Ơ, hai đứa mình mới uống có 3 lít rượu đế hà! Chưa có say. Ngồi đây uống rượu với mình!”. Sau vài ly rượu đế cay xé họng, chúng tôi nhắc đến tê giác, K"Trang lắc đầu nguầy nguậy: "Không biết! Mình không biết con tê giác là con gì hết!”.
Đội mưa về trạm kiểm lâm Bến Cầu trong nỗi thất vọng. Hôm sau, khi gà rừng vừa gáy sáng, chúng tôi trở dậy, tranh thủ đến nhà K"Trang lần hai khi ông chưa kịp lên rẫy. Dù chúng tôi phân trần chỉ có ý định nghiên cứu, không phải là người đến bắt ông, nhưng ông vẫn dè dặt lắc đầu. Sau vài tuần trà và mấy câu chuyện tán gẫu, tôi bất chợt hỏi: “Không biết tê giác cái khác tê giác đực thế nào nhỉ?!”, K"Trang giải thích: “Con tê giác đực có cái sừng ở mũi, còn con tê giác cái chỉ có mụt ruồi thôi à!”. “Thế tê giác ăn gì?”, “Cái gì nó cũng ăn hết, nhưng thích nhất là lá sâm cau”. “K Trang nói rất rõ về tê giác rồi nhé. Đừng giấu nhé!”, nghe chúng tôi nói, người đàn ông trên 50 tuổi luống cuống, mỉm cười: “Ừ. Nói thiệt là mình có bắn. Lâu rồi”.
K"Trang kể rằng vào nửa đêm một ngày năm 1989, khi đến gần khu Hang Dơi, K"Trang thấy lù lù con vật to bằng trâu rừng, không rõ con gì. K"Trang giương súng carbine bắn trúng lưng, con vật oằn oại hồi lâu rồi nằm luôn. “Nó nặng quá, làm sao đây! Không khiêng về nổi. Mình cắt cái sừng, lột da đem về. Còn thịt để ở rừng luôn vì đắng lắm, ăn không được!”, ông kể. Dạo ấy, nhiều người từ thành phố lên rừng tìm mua thú quí và sừng tê. Qua một người làm mối, K"Trang bán cái sừng được 50 triệu đồng, còn tấm da phơi khô để dành. Chuyện tưởng đâu êm xuôi, ai ngờ trong lần nướng da tê nhậu, thông tin ông bắn tê giác lọt ra ngoài. Ông nhớ: “Sau vụ đó cán bộ bắt giam mình mấy tuần”. Chúng tôi đùa: “Bây giờ còn miếng da tê giác nào không?”, ông lắc đầu cười: “Không còn! Chỉ còn phân của nó thôi. Thỉnh thoảng đi rừng gặp bãi phân. Hốt về ngâm rượu uống, trị đau cái bụng tốt lắm!”.
Câu chuyện chưa dứt thì mặt trời đã lên. Ông chỉ tay về khu rừng bảo tồn tê giác: “Hồi xưa khu vực này có trên 30 con. Giờ chỉ còn có mấy con hà. Vì vậy, đến phân tê giác cũng hiếm”. Nói rồi ông chào chúng tôi để đi lên rẫy. Rẫy điều của ông nằm gọn trên khu rừng cấm chỉ dành riêng cho loài thú quí hiếm bậc nhất này.
Một trong số ít những con tê giác cuối cùng ở Việt Nam ( Ảnh chụp tại Vườn Quốc gia Phước Cát Lâm Đồng)
Khoảnh khắc giá 8.000 USD
Theo tài liệu nghiên cứu của ông Gert Polet và thạc sĩ Trần Văn Mùi (1999), các tài liệu công bố bằng tiếng Pháp và tiếng Việt cho thấy tê giác Sumatra (tê giác châu Á hai sừng) lẫn tê giác một sừng đã từng có nhiều ở VN. Tê giác Sumatra đã tuyệt chủng ở VN khoảng đầu thế kỷ 20. Vào những năm đầu thế kỷ 20, người ta vẫn còn nhìn thấy tê giác một sừng ở những khu vực thuộc Tây Bắc và Tây Nam VN. Đến năm 1960, người ta tin cả tê giác một sừng cũng tuyệt chủng. Năm 1969, ông Van Peenen viết: “Có lẽ không còn con tê giác nào sống ở VN. Mặc dù chỉ vào khoảng những năm 1920, người ta còn săn được tê giác không xa Sài Gòn là bao”.
Từ năm 1984-1985, người dân đồn có mấy vụ bắn chết tê giác ở khu vực Cát Lộc. Đến năm 1988, một thợ săn đã bắn chết con tê giác gần sông Đồng Nai thuộc huyện Cát Tiên và bị bắt khi đem bán sừng và da tê giác ở chợ.
Sự cố này đã làm sống dậy mối quan tâm của cộng đồng cùng các nhà khoa học. Đầu năm 1991, Bộ Lâm nghiệp quyết định lập đoàn khảo sát về tê giác ở rừng Cát Tiên. Đoàn đã phát hiện luồng di chuyển, chụp được dấu chân và tìm được phân của tê giác. Tin vui về tê giác VN được báo cáo tại hội nghị quốc tế về sinh học và bảo tồn tê giác ở Mỹ vào giữa năm 1991 đã gây xôn xao giới khoa học.
Đằng đẵng nhiều năm, các nhà khoa học chỉ có thể nghiên cứu dấu chân, xét nghiệm ADN từng chút phân, những lá cây bị ăn dở dang. Họ chưa tận mắt thấy con tê giác bằng da bằng thịt ở Cát Tiên.
Chiếc sừng tê giác giả
Mãi đến tháng 4-1999, vườn quốc gia Cát Tiên đã “cắn răng” thuê một chuyên gia “bẫy ảnh” nước ngoài với giá 8.000 USD/tháng. Cài camera tự động tại khu tê giác hay ra uống nước gần một tháng trôi qua mà hình ảnh tê giác chẳng thấy đâu.
Ngày đặt bẫy thứ 28, khi vị chuyên gia nọ chuẩn bị khăn gói về nước thì điều kỳ diệu xảy ra: khoảnh khắc về chú tê giác quí hiếm đã được ghi lại. Kết quả đầy khích lệ này đã trở thành cơ sở giúp các nhà khoa học khẳng định rõ hơn về cơ cấu giới tính và độ tuổi của những con tê giác.
Sau tấm ảnh đầu tiên đến bảy năm, những thước phim đầu tiên về chú tê giác mới được ghi giữa rừng vào ngày 22-1-2006. Thanh, một chàng trai trẻ tình nguyện về làm việc trong đội “đặc nhiệm” tê giác, nhớ lại: Khi đang tuần tra trong rừng cùng ba kiểm lâm, anh nghe tiếng thở phì phò. Chắc chắn đó là loài thú lớn, anh đứng lặng yên. Khi tiếng động ấy dần rõ thì mọi người dường như muốn nghẹt thở.
Tê giác! Con vật đen trùi trũi y chang hình vẽ trong sách đang đứng trước mặt họ. Sợ bị tấn công, Thanh bò vào bụi rậm gần đó núp, mở chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ mang theo. Vừa nhấn nút quay, đôi tay vừa run lập cập. Cũng may sau khi làm “diễn viên” cho Thanh quay hơn 6 phút, chú tê giác “làm ngơ” với các chàng trai và chạy thẳng vào rừng sâu.

Cánh rừng dầu bị con người chặt phá
3.Tê giác “khóc”! Những con tê giác cuối cùng. Đang trong độ tuổi sung mãn, nhưng sau gần 10 năm, những con tê giác VN vẫn chưa có dấu hiệu “khai hoa nở nhụy”. Dường như chúng chẳng còn “yêu đương, tình tự”! Vì sao?Tê giác sẽ sống được ở rừng này bao lâu? Liệu loài thú quí hiếm này có sống nổi, sinh con đẻ cháu nổi khi trước mắt chúng tôi là những căn nhà kiên cố? Trên đường vào nhà, chúng tôi nhìn thấy một tấm bảng to bị đạp đổ, đốt cháy lẫn với cây cỏ. Người kiểm lâm dựng lại tấm bảng, nói như mếu: “Dựng lên biết bao lần, những người thiếu ý thức lại đạp xuống!”. Khi anh phủi đám tro ra, chúng tôi thấy những dòng chữ mờ mờ: trích các điều khoản qui định về công tác quản lý, bảo vệ rừng!
Tê giác bị stress!
Đến năm 2008, số lượng tê giác VN sẽ tăng gấp đôi. Đó là mục tiêu trong kế hoạch của vườn quốc gia Cát Tiên gần 10 năm trước. Thời ấy, các nhà khoa học còn rất lạc quan đưa ra mục tiêu: đến năm 2048, VN sẽ có ít nhất 100 con tê giác! Theo các tài liệu khoa học, nếu trong độ tuổi sinh sản, trong vòng gần 10 năm ấy mỗi con tê giác cái có thể sinh hai con. Nhưng trên thực tế, con người chỉ tìm thấy những dấu vết đơn độc của tê giác trong rừng thẳm. Các nhà khoa học VN và thế giới đành đau lòng tuyên bố: đến nay số lượng tê giác vẫn giậm chân tại chỗ: 5-7 con! Nếu duy trì con số này, chỉ cần 3-5 năm nữa là tê giác VN sẽ tuyệt chủng!
Tại sao tê giác VN chẳng “hứng thú” gì với nhau? Tại sao chúng không sinh con? Câu hỏi hóc búa đó làm đau đầu nhiều nhà khoa học. Sau hàng tháng trời lặn lội nghiên cứu về vùng tê giác đang sống, tiến sĩ Nico Van Strien - điều phối viên Tổ chức Bảo tồn tê giác thế giới, đồng chủ tịch nhóm chuyên gia về tê giác châu Á - đưa ra giả thuyết: tê giác bị stress! Tiến sĩ Nico Van Strien cho rằng tê giác VN luôn sống trong tâm trạng hồi hộp, lo sợ do con người sống quá gần khu bảo tồn tê giác. Chúng bị bao vây tứ phía bởi việc săn bắn bẫy thú, phá rừng lấn chiếm vùng sống của tê giác để làm rẫy, tiếng ồn từ máy cắt cỏ, ôtô, xe máy, chăn thả gia súc bừa bãi, người dân đi lại, mở nhiều đường nối trong khu vực...
Gần đây, anh Sửu, một nhân viên kiểm lâm, còn bị một con tê giác nổi giận đuổi chạy một mạch từ rừng về tới khu dân cư. Giả thuyết tê giác bị stress được củng cố bởi tê giác rất ít khi tấn công người.
Giữa khu bảo tồn, tê giác đang "khóc"! - Ảnh tư liệu vườn quốc gia Cát TiênKinh động khu bảo tồn

Ba thanh niên nhảy lên một chiếc xe máy phóng ào tới. Anh Phạm Hồng Thái - trưởng Trạm kiểm lâm Phước Sơn - nhanh chóng chạy vào bụi cây ven đường. Nếu không, xe chúng tôi đã gặp tai nạn. Đó là ấn tượng đầu tiên trên con đường xuyên rừng vào khu bảo tồn tê giác Cát Lộc thuộc vườn quốc gia Cát Tiên.
Vừa chở tôi, anh Thái vừa kể: Đất sống của tê giác đang bị thu hẹp dần. Diện tích khu bảo tồn Cát Lộc trên 30.000ha. Giao khoán cho dân vườn quản lý khoảng 27.000ha. Thực chất, tê giác chỉ còn lại 4.000-5.000ha rừng để sống. Trong khi đó, theo các nhà nghiên cứu, mỗi con tê giác cần khoảng 1.000ha để hoạt động. Như vậy, rừng cho loài động vật hiếm hoi này còn thiếu, nói gì đến chuyện phát triển ra hàng trăm con như mục tiêu lạc quan. Nhưng vùng đất ít ỏi còn lại này cũng đang “kêu cứu”. Anh Thái nói đến đây thì từ trên những dãy đồi bỗng vang lên tiếng hú. “Mấy người phá rừng báo động đấy” - anh Thái giải thích, mắt hướng về tiểu khu 511. Nơi ấy, một người phụ nữ vẫn còn cầm dao, đứng trơ trơ giữa ngọn đồi cháy nham nhở. Anh Thái thừ người nhìn những gốc cây chỉ còn là miếng than đen: “Có khi họ đốn cả những cây hàng trăm năm tuổi. Xót không chịu được!”.
Chẳng những lấn rừng, nhiều người còn chống người thi hành công vụ. Anh Thái nhớ lần một số người dân thôn 4 đốn 12m3 gỗ sao trong khu bảo tồn tê giác. Người chặt cây quí bị bắt về Trạm kiểm lâm Bến Cầu. Chưa kịp xử lý, hàng chục thanh niên đã cầm roi, thòng lọng kéo nhau xông vào trạm. Ba nhân viên kiểm lâm không đối phó nổi với hơn chục người hung hăng, một anh kiểm lâm bị họ chụp thòng lọng, trói lại, kéo về thôn. Sau đó, họ ra yêu sách đổi người.
Anh Phạm Hồng Thái, trạm trưởng kiểm lâm Phước Sơn, chỉ tay về những ngọn đồi bị phá trọc - Ảnh: Y.T.Mới nhất là cuối tháng 3-2007, một số người dân ở thôn 4 đã phá, đốt rừng ngay trong khu bảo tồn. Tuyên truyền không hiệu quả, kiểm lâm đành cưỡng chế nhổ bỏ số cây bắp đã trồng trên đất rừng. Sau sự việc đó, những người phá rừng tuyên bố đã mài dao, vót cây nhọn, thấy kiểm lâm là họ chém! Cuộc chiến đấu để giữ rừng còn nhọc nhằn bởi người dân hai thôn 3 và 4 sống cách rừng cấm của tê giác có mấy bước chân. Tháng 3-2006, nhiều người dân thôn 3 và 4 đã phát trắng 50ha rừng để lấy đất sản xuất. Điều đáng nói, trong danh sách phá rừng, nhiều hộ đã có trên 10ha điều! Có hộ cứ phá rừng trồng cây để bán. Bán xong, họ vác rựa lên rừng chặt tiếp!
Chúng tôi dừng chân ở thôn 3 thuộc khu vực kiểm tra của Trạm kiểm lâm Bến Cầu. Phía sau trạm kiểm lâm là đồi K"Du. “K"Du là tên người đầu tiên đã phá rừng, lập vườn điều rộng 10ha giữa rừng cấm. Vài người trong thôn cũng có vườn trên ấy. Họ khai phá từ khi chưa lập khu bảo tồn.Chưa có chính sách nên mình không làm gì họ được” - anh Dương Văn Thường, trưởng trạm Bến Cầu, giải thích. Những vườn điều, những thửa ruộng nằm trong vùng lõi khiến bức tranh của rừng bị đứt đoạn, chắp vá. Không loại trừ khả năng thuốc trừ sâu từ vườn, ruộng chảy loang ra các dòng suối khoáng tự nhiên. Theo thạc sĩ Trần Văn Mùi - giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, các điểm muối khoáng tự nhiên là các vùng sình lầy hoặc các dòng suối tự nhiên giàu K, Ca, Mag… rất cần thiết để tê giác bổ sung đều đặn một lượng chất khoáng vào cơ thể. Nếu thiếu các điểm khoáng này, tê giác sẽ chết.
Trong rừng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một thửa đất rộng vẽ hình số 8 có lẽ để tập thi bằng lái xe máy. Sẽ ra sao nếu ngay trong địa phận của mình, tê giác không còn yên tĩnh nghe tiếng gió đùa với lá rừng, không nghe tiếng róc rách của suối chảy? Thay vào đó là tiếng xe máy, tiếng máy cắt cỏ, tiếng karaoke chói lói? Hạt phó Hạt kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên Lưu Văn Hào nửa buồn nửa vui thông báo: Nghe nói đang có dự án làm đường và kéo điện về thôn, bên vùng tê giác. Sẽ ra sao khi mỗi gia đình ở đây có tới 10 đứa con? Những đứa con ấy sẽ lại sinh sôi mãi ở nơi này theo cấp số nhân? Vùng tê giác sẽ còn được bao nhiêu? Rừng sẽ còn được bao nhiêu?... Anh Hào bức xúc: “Chính sách là chính sách. Bảo tồn là bảo tồn! Không khéo đất cũng mất mà tê giác cũng mất!”.

4.Trả rừng cho tê giác
Làm sao để tê giác VN chịu sinh con đẻ cháu: Thụ tinh nhân tạo? Di dân? Hay “bồng bế” tê giác sang rừng khác?... Những dự án bảo tồn tê giác cứ bàn tới bàn lui gần 10 năm qua. Được biết cuối tháng 4-2007, một hội thảo quốc tế sẽ diễn ra tại VN để bàn thêm về chuyện “chửa đẻ” của loài tê giác đang nguy cấp.
Đi không được, ở không xong!
Bị các thôn dân cư bao vây nên quần thể tê giác VN chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp, sinh cảnh chất lượng thấp. Năm 1998, xã Đồng Nai Thượng được qui hoạch với diện tích trên 1.800ha, tách ra khỏi diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên, nhưng nằm ở vị trí cắt đôi khu bảo tồn tê giác Cát Lộc. Do vậy, tê giác không thể mở rộng vùng phân bố về phía Lộc Bắc, nơi có sinh cảnh tốt hơn.
Việc kết hợp giữa công tác bảo tồn và phát triển luôn là bài toán khó đối với Vườn quốc gia Cát Tiên và các khu bảo tồn thiên nhiên khác. Ở Cát Lộc, bài toán này càng khó gấp bội. Nhiều người đã nghĩ đến chuyện gây lại quần thể tê giác một sừng VN bằng cách nhập tê giác từ Vườn quốc gia Ujung Kulon (Indonesia). Tuy nhiên, phương án này được cho là không khả thi, vấn đề không chỉ là chi phí quá lớn mà do hai loài tê giác này có những khác biệt về thể chất nên có lẽ không thể phối giống. Điều này cũng có nghĩa là nếu tê giác Cát Tiên tuyệt chủng, toàn bộ loài này cũng sẽ tuyệt chủng trên thế giới.
Phương án khác cũng được tính đến là di dời tê giác về khu Nam Cát Tiên. Ông Phạm Hữu Khánh, phó giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, cân nhắc: “Cách này giúp tăng giá trị khu rừng được tái thả tê giác. Loài thú quí hiếm này sẽ được tung tăng trong một không gian an toàn hơn. Tuy nhiên, ngôi nhà cũ của tê giác - rừng Cát Lộc - có nguy cơ bị xóa sổ. Điều đáng ngại nhất là tính rủi ro cao trong việc bắt giữ, nuôi nhốt và tái thả trong điều kiện sinh thái mới. Việc di dời đã làm chết những con voi Tánh Linh trước đây là bài học xót lòng”. Theo ông Khánh, “sống chung với tê giác” chưa phải là một giải pháp khả thi, mặc dù một số người cho rằng khi giáo dục ý thức bảo vệ tê giác tốt, đời sống ổn định, người và thú hoang dã có thể “chung sống hòa bình”, cách để đời sống người dân được cải thiện là thông qua du lịch sinh thái!?
Có một thực tế là những người phá rừng tại khu vực này không phải vì thiếu đất. Ở Indonesia giữ được tê giác vì người dân rất ít sống trong rừng. Nepal nghèo hơn VN nhưng người dân rất có ý thức và luật pháp rất nghiêm khắc. Còn ở VN, những ngọn đồi trong khu bảo tồn đã và đang bị băm nát là lời cảnh báo nghiêm khắc. Ngoài ra, mỗi gia đình người dân ở đây có khoảng 10 đứa con. Ai dám tin rằng với dân số tăng theo cấp số nhân giữa rừng, họ lại không đi đốt rừng lấy đất? Đó là chưa kể khi có giấy chủ quyền, họ có quyền sang nhượng, buôn bán đất cho di dân tự do đến.
"Sống chung với tê giác" và bảo tồn tê giác: phải chọn một! - Ảnh: Y.T.Dự án “treo” rồi sửa
Sau khi các những phương án được sàng qua sàng lại, tháng 3-2003, các nhà bảo tồn “thở phào” khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt dự án đầu tư bố trí hợp lý dân cư ở Vườn quốc gia Cát Tiên đối với khu vực bảo tồn tê giác Cát Lộc. Theo đó, những thôn 3, thôn 4 (xã Phước Cát 2), thôn K Lo - K Ích (xã Gia Viễn), thôn Cọ và thôn K Lút (xã Tiên Hoàng) thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng trong diện phải di dời. Lúc ấy ước tính chi phí cho dự án gần 50 tỉ đồng. Như vậy, khu rừng này sẽ được trả hoàn toàn về cho tê giác. Sau ba năm, Vườn quốc gia Cát Tiên phối hợp UBND huyện Cát Tiên đã thực hiện thí điểm tái định cư cho hai thôn: K Lo - K Ích và Cọ. Kinh phí khoảng 18,2 tỉ đồng. Có thể nói việc làm này góp phần nâng cao đời sống người dân ở đây, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tê giác. Đây cũng khởi đầu cho việc di dời, tái định cư những thôn tiếp theo.
Tuy nhiên, đùng một cái, đầu năm 2007 Vườn quốc gia Cát Tiên nhận được quyết định: không di dời thôn 3, thôn 4 mà tổ chức cho dân định cư tại chỗ! Một lần nữa số phận con tê giác bị bỏ lên bàn cân. Phương án “sống chung với tê giác” lại được “khai quật”. Lý do không di dời được đưa ra là thiếu kinh phí. Những quyết định trái ngược nhau khiến ông Trần Văn Mùi, giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, bức xúc: “Sao chuyện bảo tồn mấy con tê giác đã bàn mười năm nay mà cứ ì ạch mãi?”. Ông Mùi phân tích lại điều nghịch lý mà ông đã nói từ nhiều năm trước: Kế hoạch phát triển dân sinh trong khu bảo tồn còn chưa được đồng bộ. Một mặt khu vực cần được bảo vệ chịu sự quản lý từ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn với mục đích chính là bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của vùng, mặt khác chính quyền các cấp (tỉnh, huyện, xã) lại lập và thực hiện những kế hoạch không chú ý đến chức năng chính của vùng là bảo tồn hệ sinh thái. Có một kế hoạch đang kéo đường dây điện, điện thoại cho các hộ sinh sống ở trong khu bảo tồn; một kế hoạch khác dự định nâng cấp đường; một nhà tài trợ nước ngoài muốn xây những chiếc cầu trong khu bảo tồn; một kế hoạch khác lại khuyến khích phát hoang rừng do khuyến khích phát triển nông nghiệp... Những chương trình dân sinh như thế khiến khu bảo tồn ngày càng thu hút người dân đến cư trú đông hơn.
Ông Mùi khẳng định: “Theo tôi, giải pháp tốt nhất là di dời dân đi nơi khác. Cánh rừng nguyên sinh này sẽ được trả về cho tê giác. Đời sống đồng bào cũng dễ nâng cao ở những khu vực xa rừng, có điều kiện đầu tư, phát triển tốt hơn”. Ông Khánh đã gắn bó gần chục năm với những con tê giác VN, kể về những chuyến đi nghiên cứu hàng tháng với mưa và vắt trong rừng của các nhà khoa học. Trong đó có những người đến từ nhiều đất nước xa xôi, có người trên 70 tuổi cũng từ Hà Nội lặn lội vác balô vào rừng, đấu tranh mãi để giành giật sự tồn tại và sinh trưởng của những con tê giác VN cuối cùng trong niềm tự hào. Vậy mà, ông Khánh kể: “Có một vị cán bộ còn nói (không biết vị này nói thật hay đùa): có mấy con tê giác thôi thì có gì mà ầm ĩ?! Có lúc tưởng chừng như chúng ta đang đấm vào không khí!”.
Rời khu bảo tồn tê giác Cát Lộc, bên đường thấy nhiều dãy rừng bị đốt cháy nham nhở, chúng tôi thấm thía nỗi băn khoăn của ông Mùi: “Không có chuyện vừa bảo tồn tê giác vừa phát triển dân cư ở rừng. Trong hai phải chọn một. Phải làm gấp họa may còn kịp. Nếu không, để mất tê giác rồi chúng ta có lỗi với thế hệ mai sau”.

5.Sống cùng tê giác
Nghe chúng tôi có ý định đến với những người dân đang sống cùng tê giác ở vườn quốc gia Cát Tiên, ai cũng ngăn: “Chỉ có phương tiện duy nhất là cuốc bộ. Đường rừng dốc ghê lắm”. Thôn 4, đó là thôn xa nhất của xã Phước Cát 2, là xã xa nhất của huyện Cát Tiên và là huyện xa nhất của tỉnh Lâm Đồng, nằm lọt thỏm giữa rừng Cát Tiên.
Tê giác ở ngay cạnh thôn
Từ trụ sở vườn quốc gia đến bìa vùng tê giác phải mất nửa ngày chạy xe máy theo con đường tắt ngoằn ngoèo.
Con đường mòn liên thôn bề ngang chỉ đủ cho một chiếc xe máy chạy đến thôn Vĩnh Phú cũng tắc hẳn. Chúng tôi xuống xuồng, ngược dòng lên thượng nguồn sông Đồng Nai để đến trạm kiểm lâm Bến Cầu (ở thôn 3).
Dùng vội bữa cơm trưa với kiểm lâm, chúng tôi gấp rút chuẩn bị lên đường. Chuyển lọ thuốc Dep, trạm trưởng kiêm bạn đồng hành mới Dương Văn Thường hướng dẫn bí quyết chống vắt: nhét lai quần vào cổ vớ, bôi thuốc cho kỹ từ đế giày lên quần đến nửa ống quyển.
Mới đi được vài trăm mét đường bằng thì sừng sững trước mặt mấy quả đồi. Thường bảo: “Ngắn mà tức, còn dài thì thoải, bạn chọn đường nào?”.
Đúng là ngắn mà tức thật! Dốc dựng đứng 50-600 bám đầy rêu trơn trượt. Cứ leo chừng chục mét là muốn tức thở, phải dừng lại nghỉ lấy sức. Tiếng thở hổn hển của chúng tôi cứ hòa lẫn trong tiếng nổ lốp bốp của cây lồ ô và chim chóc hót véo von.Thường tiết lộ: “Mình cũng là dân Sài Gòn thứ thiệt. Từ ngày ra trường ĐH Nông lâm đến giờ toàn ăn tết ở rừng. Những ngày đầu leo dốc kiểm tra rừng cũng muốn đứt hơi, mất mấy tháng mới quen”.
Trời nhá nhem, thôn 4 hiện ra trước mặt. 16 nóc nhà của người S’Tiêng lọt thỏm giữa rừng già âm u vắng lặng. Ba vòi nước chính kéo từ thác Un Brac về đang chật kín đàn ông, đàn bà cả thôn quây quần tắm tập thể.
Trưởng thôn Điểu K’Kheng cũng vừa đi rẫy về; đón chúng tôi, ông gật gù: “Tê giác thường xuất hiện rất gần khu vực thôn để uống nước suối. Có bữa chúng còn đi vào tận rẫy điều để lại nhiều dấu chân to. Từ người lớn đến trẻ con trong thôn đều biết và có trách nhiệm bảo vệ loài tê giác quí hiếm”.
Ông K’Kheng đã từng tham dự khóa tập huấn đầu tiên về tê giác do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn của vườn tổ chức. Ông bảo: “Biết được thêm nhiều thứ hay lắm. Về kể lại hết cho cả thôn nghe”. Trong thôn, vách nhà nào cũng trang trí những tấm poster khá to về tê giác cùng những loài thú khác của vườn.
Đưa chúng tôi đi một vòng thăm các hộ gia đình, Điểu K’Ru (23 tuổi) - bí thư chi đoàn thôn - tiết lộ: “Thôn đang chuyển sang một bước ngoặt, dấu hiệu công nghiệp đã xuất hiện”.
Điều khiển chiếc máy chà gạo mới tinh chạy xình xịch, Điểu K’Nhai hào hứng khoe nhờ mới trúng mùa điều nên anh xuống huyện tậu nguyên bộ gồm máy xay lúa, chà gạo và máy nổ hơn 10 triệu đồng.
Chiếc máy của K’Nhai đã thay thế cho cái chày, cái cối giã gạo thủ công từ bao đời nay. K’Nhai cười át tiếng máy: “Chỉ cần các hộ đem dầu đến bao nhiêu lúa cũng xay hết”.
Hai tháng nay, gần 7 giờ tối, ánh đèn dầu leo lét được thay thế bằng ánh điện giữa rừng. Dù mỗi nhà chỉ được một bóng đèn tròn kéo về từ chiếc máy phát điện của nhà trưởng thôn nhưng niềm vui rạng trên biết bao khuôn mặt. Đêm ở rừng lạnh buốt, những đống lửa bừng cháy bập bùng xua đi thú dữ và thổi thêm hơi ấm vào nhà.
Già làng K’Băm khề khà: “Thôn đã định cư ở rừng được 29 đời, cũng là ngần ấy năm sống cùng loài tê giác quí hiếm. Trước đây cũng có tình trạng săn bắt thú rừng, trong đó có cả loài tê giác. Từ khi sáp nhập vào vườn quốc gia Cát Tiên (trước đây là khu bảo tồn Cát Lộc), bà con không còn đi bẫy thú và phá rừng làm rẫy nữa. Mới đây, để có cái ăn, mỗi hộ đào đất tạo 1-2 sào ruộng trồng lúa ở ngay trong khu vực thôn. Ngoài rau nhíp, đọt mây là thức ăn thường xuyên, nhiều hộ còn đào thêm ao sau nhà để nuôi cá”.
Một thế hệ đang xanh…
Buổi sáng người lớn kéo nhau đi rẫy điều, ra ruộng gặt lúa. Cả thôn vắng vẻ như tờ. Duy có trường làng là vang tiếng ê a học trò. Gọi là trường cho oai chứ đó chỉ là một phòng học tạm bợ trống trước hở sau. Mưa đến thì cả thầy trò cùng… chạy.
Cả thôn có 25 học trò - cũng là thế hệ đầu tiên biết chữ trọn vẹn. Phòng học đã tồn tại được bốn năm và đang học theo phương thức lớp ghép. Hai thầy giáo trẻ Trần Quang Huy và Nguyễn Văn Ngạn đều ở thị xã Pongour.
Dù trước đó cả hai thầy đã từng dạy ở vùng sâu vùng xa nhiều thiếu thốn của huyện, nhưng khi nhận lớp nhận trò ở rừng các thầy vẫn thấy ngỡ ngàng.
Mới đầu nói tiếng Kinh học trò không hiểu, thầy vừa dạy theo giáo án vừa phải dạy thêm những câu thoại thông dụng của tiếng Kinh. Cha mẹ không biết chữ nên trăm sự đều nhờ vào hai thầy.
Hai thầy cho biết: “Học trò ở vùng tê giác nên trong các giờ tự nhiên xã hội còn lồng ghép thêm một số kiến thức thực tế của rừng để giáo dục các em về tình yêu và ý thức môi trường thiên nhiên, các loài thú quí hiếm ở ngay bên cạnh mình”.
Chỉ còn một năm học nữa sẽ hết bậc tiểu học trong rừng. Trưởng thôn K’Kheng nói: “Sẽ gửi các em tiếp tục học ở trường dân tộc nội trú. Quyết tâm của thôn là “lứa” này sẽ có đứa vào đại học”.
Thế hệ của bí thư chi đoàn K’Ru cũng có giáo viên lên dạy nhưng chỉ được ba năm thì đứt đoạn. Năm năm trước, trăn trở trước vấn nạn mù chữ của thế hệ trẻ, K’Ru đã nhập vai làm thầy dạy chữ cho trẻ con trong thôn.
Dạy được 24 chữ cái và chín số đếm, K’Ru hết chữ, anh chàng bèn đánh liều đi “gõ cửa” phòng giáo dục huyện. Thế là Trường Phước Cát 2 có thêm một phân hiệu trong rừng.
K’Ru khoe với chúng tôi sáu bộ bàn ghế mới được trường chính trang bị đầu năm học này. Hôm ghe chở đến bến đò thôn 3, cả làng cùng nhau khuân về đầy phấn khởi. Kéo bàn lên dốc cứ như hò kéo pháo vậy.
Trẻ con học, K’Ru cũng học bằng cách được hai thầy kèm riêng ở nhà đến trình độ lớp 5. Những dịp được ra khỏi thôn, K’Ru còn mua sách Anh văn tự mày mò học.
Được đào tạo khóa y tế thôn bản của huyện, K’Ru trở thành người “cầm tay bắt mạch”, chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em cho cả thôn. “Mình cũng như thế hệ trẻ ở đây thèm học ghê lắm. Chỉ có con đường học vấn mới giúp thôn mình không thua kém người ta” - K’Ru bộc bạch.

Người mê... tê giác ở Nam Cát Tiên
Bằng chất giọng đắm đuối mê ly, anh xuýt xoa chỉ cho tôi một mảng màu trên màn hình. Tôi vẫn chưa hiểu là thứ gì thì giọng anh như run lên và cuối cùng như gắt lên Trời ơi nó đấy! Cái bím của tê giác đấy...
Ông Trần Hữu Khánh (áo đen) đang đo bước chân tê giác

Hóa ra vườn quốc gia Nam Cát Tiên (NCT) chỉ chiếm một góc của Đồng Nai thôi. Diện tích hơn 70.000 ha lẹm kha khá sang Lâm Đồng…
Thấy tôi cứ lẩn mẩn sờ sẫm mãi những gốc cổ thụ săng lẻ da mốc thếch vằn vện mà chưa từng thấy bao giờ tàn cây vút vòi vọi lên cao xanh dễ phải ba người cỡ tôi ôm không giáp, nhà văn Nguyễn Một, phóng viên thường trú của báo Tiền phong ở Đồng Nai hối tôi đi gặp gấp ông chủ vườn kẻo trễ.
Giám đốc Vườn quốc gia Nam Cát Tiên Trần Văn Mùi có mái tóc chải lật trên khuôn mặt màu đồng điếu ngó đã như khuôn hình của một sản phẩm điêu khắc hoàn hảo mắng Nguyễn Một là sao lâu không thấy mày tới. Bạn em ở Hà Nội vô đang muốn nghe chuyện tê giác... Ông Mùi cười, gặp thằng Khánh, nó còn rành hơn tao...
Trong lúc ngồi đợi PGĐ Phạm Hữu Khánh, cô nhân viên phòng bên cạnh vừa rót nước vừa nhìn chúng tôi, chất giọng Nam Bộ thanh ấm chắc mấy anh gặp anh Khánh chuyện tê giác? Tôi bật cười hỏi sao cô biết. Cô cũng cười, trời ơi khách nào tới anh Khánh mà không bàn chuyện tê giác?
Tình cờ nghe riết rồi quen. Cái ổng này thiệt lạ. Mê cái con tê giác có lẽ còn hơn vợ nữa. Chưa, em chưa thấy con tê giác ở Nam Cát Tiên nhưng nó tít trong rừng sâu chớ đâu có gần. Nhiều lần ổng bươn bả vào đó rình tê giác có khi đi năm sáu ngày lận.Khi về mặt mũi ốm sọm, quần áo thì nham nhở gai cào... Phó GĐ Khánh thâm niên gắn với Nam Cát Tiên từ lâm trường đến Vườn Quốc gia gần với GĐ Mùi.
Không biết ông Phó GĐ mê tê giác cỡ nào như cô nhân viên hồi nãy than nhưng ngó cung cách anh đang nhăn nhó khổ sở tiếc hùi hụi cho một bãi phân tê giác thì cũng thấy ngại.
Thì đích thị là phân tê giác, tôi rành nó quá mà. Chưa thấy tê giác bằng mắt thường nhưng phân của nó thì thấy luôn. Không hề có trong loài bốn chân cái thứ phân có những đoạn cây cỏ cỡ một hai đốt ngón tay chưa kịp tiêu hóa...
Phân tê giác thải ra như các nhà khoa học cho hay dưới 24 tiếng đồng hồ thì phần niêm mạc ruột còn dính trong đó. Từ niêm mạc ruột này, bằng phương pháp ADN mà người ta có thể xác định trọng lượng, đực hay cái, nặng bao nhiêu ký và cả tuổi của nó nữa.Đội khảo sát nghiên cứu tê giác mà anh phụ trách ở Nam Cát Tiên này đã may mắn kiếm được một bãi phân như thế. Mừng hú lên chứ. Bởi hiện tại bằng phương pháp bẫy ảnh cũng như khảo sát bằng mắt thường theo các tuyến cũng chỉ mang máng hiện nay ở Vườn QG NCT có từ 5 - 7 con tê giác (căn cứ vào các dấu chân và bẫy ảnh).
Trọng lượng? Mấy đực, mấy cái? Đều chưa biết! Có thể từ xét nghiệm này có thêm những thông số mà căn cứ vô đó, giới khoa học đưa ra những kết luận đại loại tại sao từ khi phát hiện gần 10 năm nay, tê giác Việt Nam ở NCT tại sao không sinh nở?
Mà phương tiện, thiết bị xét nghiệm nước mình cũng như khu vực lân cận không có phải cậy nhờ bên ĐH Columbia (Hoa Kỳ). Nhưng không hiểu do sơ suất nào mà mẫu phân gởi sang Mỹ bị trục trặc nên việc xét nghiệm nghiên cứu không thành. Có lẽ đành phải đợi dịp khác.
Tưởng như chuyện tê giác bị đặt ra ngoài lề khi ông PGĐ nói về cái vận hanh thông đất nước mình về sự kiện phát lộ Hoàng thành Thăng Long về Việt Nam vô WTO về những thứ này thứ khác...
Nhưng đồng thời mấy năm nay cũng phát lộ tê giác cặp mắt sáng rỡ của ông PGĐ đang đưa chúng tôi về một thế giới tâm linh. Rằng loài thú cổ đại tưởng như đã bị tuyệt diệt ở ĐNA nhưng nhiều năm trước đã xuất hiện ở Inđô, ở Mã Lai rồi đùng cái là Việt Nam.
Phải hội đủ những yếu tố chi chi đó về môi trường ở NCT thì tê giác mới phát lộ như thế. Anh Khánh kéo tôi tới bàn làm việc, trên đó chĩnh chiện một cái Laptop. Anh nhoay nhoáy mở File ảnh rồi chỉ cho tôi những tấm hình tê giác ở nhiều góc độ ghi được ở NCT bằng phương pháp bẫy ảnh (trapping camera).
Lúc loang loáng lúc rờ rỡ trên màn hình là giống tê giác NCT màu xám tro một sừng. Con thì nguyên thân, con thì một nửa, con thì chỉ có cái đầu hoặc khúc đuôi. Thấy chưa, thấy chưa... Giọng ông PGĐ thì thào ra chiều bí mật.
Bằng chất giọng đắm đuối mê ly, anh xuýt xoa chỉ cho tôi một mảng màu trên màn hình. Tôi vẫn chưa hiểu là thứ gì thì giọng anh như run lên và cuối cùng như gắt lên Trời ơi nó đấy! Cái bím của tê giác đấy...
Thì ra anh đang chỉ cho tôi cái ấy của một thiếu nữ tê giác mà hệ thống bẫy ảnh tình cờ ghi được. Dứt khoát con này còn là thiếu nữ vì từ khi phát hiện đến nay chưa thấy cặp nào đẻ đái gì. Anh hoan hỉ nói, chưa biết có mấy con cái nhưng có một em sờ sờ như thế kia là phúc cho mình lắm lắm!
Thú vị nữa là khi anh mở cho tôi thấy mấy tấm ảnh những chú tê giác đang tấn công thiết bị ghi ảnh tự động. Chắc chúng ngạc nhiên và khó chịu khi thấy ánh đèn chụp ảnh phát ra.
Câu chuyện chúng tôi lan man về những người mê tê giác cỡ ... PGĐ Khánh! Công việc của anh Khánh và đội giám sát tê giác ở NCT như là thứ tiền trạm là cơ quan thường trú cho những nhà khoa học tận Hà Nội, những người đã bao năm tận tụy với đàn tê giác phương Nam.
GS Cao Văn Sung - Viện trưởng Viện Sinh thái Tài nguyên rừng, nay đã là người thiên cổ, GSTS Đặng Huy Huỳnh, TS Nguyễn Xuân Đặng... từng mấy bận qua đêm ở NCT trong những lần vô khảo sát nghiên cứu tê giác.
Có anh Khánh và mấy anh em của đội giám sát ở đây nên nhất cử nhất động về đàn tê này, các nhà khoa học đều hay và họ chỉ vô đây trong những trường hợp cần thiết. Rồi chuyện anh Khánh sang Nepal mục sở thị tê giác ở Bardia ở Chitwan.
Tại xứ nhiệt đới vùng Tây Á ấy ngắm bầy thú xam xám tung tăng trong khu vườn QG của bạn mà thấy thèm. Có thời điểm bầy tê giác lồ lộ trên những trảng cỏ. Có chừng 60 con chứ không thưa thớt một cách bí hiểm như xứ Cát Tiên mình.
Người ta gắn chíp điện tử lên thân tê giác để theo dõi. Thời điểm anh sang trong môi trường tê giác sống lẫn dân cư như vậy mà đã sinh được 4 chú tê giác con. Đến đây giọng ông PGĐ chùng hẳn xuống... Trông người lại ngẫm đến ta.
Môi trường sống của tê giác NCT đang bị đe dọa! Bà con dân tộc dân STiêng, Châu Mạ bao đời nay ở trong khu vực tê giác sinh sống của xã Phước Cát, mức độ ảnh hưởng sẽ như thế nào?
Thức ăn chủ yếu của tê giác ngoài cây bụi, cỏ, tre nứa đặc biệt khoái khẩu là thứ lá bép (còn gọi là lá nhíp) bùi bùi chua chua pha ngọt lẫn đăng đắng. Thứ lá này cũng chính là loại rau rừng rất quý, món khoái khẩu của người STiêng, Châu Mạ.
Người phát hiện ra tê giác NCT chính bà con dân tộc trong những lần đi kiếm lá đã nhìn thấy tê giác phát lộ. Rồi máy cắt cỏ vườn điều, các loại động cơ xe ô tô, xe lam lên thu mua điều không thể không huyên náo xấu đến môi trường thong dong mấy trăm héc ta của tê giác mà hiện nay 45 hộ của dân Phước Cát đang định cư! Kh
u vực đầm lầy lý tưởng của tê giác đang dần hẹp lại vì bà con vẫn tiếp tục phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng mở rộng một số thứ cây con. Vùng sống của tê giác đang bị thu hẹp, tê giác bị dồn ép vào khu vực có sinh cảnh không thuận v.v...Có phải vì những nguyên nhân ấy là những cú stress khiến tê giác NCT non mươi năm nay hoảng sợ và trục trặc trong phận sự kế tổ tông chi nghiệp?! Di chuyển dân. Chuyển đưa tê giác sang khu vực khác. Khoanh khu vực riêng cho tê giác. Khoanh dân lại không cho phát triển thêm.
Trong 4 cái khó cái kẹt, phương án di chuyển dân xem ra có lẽ khả thi hơn cả. Vườn QG NCT đã có kinh nghiệm về việc đền bù và di chuyển dân rồi. Tôi thiển nghĩ, 17 tỷ cho việc di dời như Vườn QG NCT đã lập phương án không phải là bài toán hóc búa đối với Bộ NN&PTNTcũng như tỉnh Lâm Đồng?
Mong sao tê giác không còn là gánh nặng mà là niềm tự hào chung của chúng ta về môi trường sinh thái... PGĐ Phạm Hữu Khánh khi chia tay đã nói vậy.(Theo_Tien_Phong)

Tang vật sừng tê giác trong một vụ án
Chống lệnh Thủ tướng, cố tình giữ lại 9 sừng tê giác
Năm 2003, CA tỉnh Quảng Trị phát hiện các đối tượng buôn lậu 9 sừng tê giác. Để xử lý tang vật này, Thủ tướng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu tỉnh Quảng Trị phải chuyển cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Nhưng đã 3 năm qua, tỉnh vẫn không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng…Ngày 9/6/2003, chiếc xe mang biển số 37H-4708 của Trần Đình Hoành, nhập hàng từ Lào về, qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, khi kiểm tra hành chính, CA Quảng Trị phát hiện chiếc xe này chở 180 bánh heroin và 9 chiếc sừng tê giác (Chiếc lớn nhất có chu vi 62cm, chiều dài đường cong 58 cm; chiếc nhỏ nhất có chu vi 30,5 cm, chiều dài đường cong 16cm) có xuất xứ từ nước ngoài.
Để có cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi này, ngày 1/3/2004, công an có công văn gửi Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) để hỏi giá của số sừng tê giác trên.
Sau đó, phía Trung tâm trả lời: Không thể xác định được giá trị bằng tiền đối với sừng tê giác. Vì thế ngày 18/6/2004, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ CA có công văn đề xuất với Thủ tướng cho đấu giá 9 chiếc sừng trên để có cơ sở truy tố các bị can.
Ngày 15/9/2004, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Khoan rằng: 9 chiếc sừng tê giác trên thuộc phụ lục 1 Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã đang nguy cấp biến mất (Công ước này khuyến cáo các thành viên, trong đó có Việt Nam giám định, đánh giá, bảo toàn số lượng sừng tê giác hiện có, đồng thời không để cho sừng tê giác lưu thông trên thị trường).
Vì vậy không tổ chức đấu giá và định giá mà chuyển 9 sừng tê giác trên về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giáo dục và đào tạo về môi trường...
Không chấp hành ý kiến của Thủ tướng
Nhận thấy việc lưu giữ tang vật “vô giá” lâu sẽ không ổn, nên ngày 5/5/2005 điều tra viên Cục CSĐT tội phạm về ma tuý và cán bộ Bảo tàng Thiên nhiên VN vào CA tỉnh Quảng Trị để nhận bàn giao 9 chiếc sừng tê giác.
Ngay hôm đó, ông Lê Hữu Phúc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị có ngay một công văn chỉ đạo CA tỉnh chưa bàn giao ngay mà để tỉnh báo cáo xin Thủ tướng cho tịch thu, đấu giá 9 chiếc sừng tê giác đó.
Vậy là, đoàn công tác đành phải tay không trở về Hà Nội... Mặc dù trước đó Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có chỉ đạo phải bàn giao 9 sừng tê giác cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Ngày 18/10/2005, ông Lê Hữu Phúc còn ký tiếp một công văn gửi cấp trên trình bày: “Sừng tê giác là một loại dược phẩm dân gian, được nhiều người ưa dùng để chữa bệnh, vì vậy có giá trị trên thị trường…
Ngân sách tỉnh Quảng Trị còn nhiều khó khăn, nên sau khi xem xét đề nghị của CA tỉnh và Sở Y tế, UBND tỉnh kính đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh bàn giao cho Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường thuộc ĐHQG Hà Nội 1-2 chiếc sừng tê giác để phục vụ nghiên cứu và học tập.
Số còn lại giao cho tỉnh để chuyển giao cho ngành y tế tỉnh sử dụng vào mục đích chữa bệnh cho cán bộ nhân dân… Kinh phí thu được bổ sung vào ngân sách để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc Pa Cô - Vân Kiều và bù đắp chi phí điều tra phá án....”.
Ngày 24/10/2005, Văn phòng Chính phủ đã mời các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Quảng Trị họp bàn cách giải quyết. Tại cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ đã chính thức thông báo ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Chuyển số sừng tê giác trên về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Thế nhưng, đến thời điểm này 9 chiếc sừng tê giác vẫn chưa được đến nơi nó phải đến.
Ông Trần Quốc Lập và những chiếc sừng tê giác được phát hiện. Ảnh: C.T.V
Gần đây nhất, ngày 11/7/2006, Cơ quan CSĐT lại tiếp tục có công văn đề nghị Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Trị sớm bàn giao 9 chiếc sừng tê giác, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.Hôm 19/9, CA tỉnh Quảng Trị đã bàn giao một bao tải chứa 9 sừng tê giác cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Thế nhưng không ai chắc liệu bên trong chiếc bao tải được bàn giao ấy có phải có 9 chiếc sừng tê giác hay không?
Muốn biết sừng tê giác thật hay giả, bạn cần có một chén rượu 45 độ .Bạn nhúng miếng sừng vào chén rượu khoảng 5 phút, rượu trở thành nước lã.
_Nếu có ai đó sốt cao,bạn cà sừng trên một nắp lu bằng sành nhúng ướt rồi cà lấy nước uống sẽ hạ sốt ngay.
_trước khi vào tiệc rượu,bạn uống một lượng vừa phải sừng thì ssẽ không bị say dù uống rượu thật nhiều .
_Sừng thật khi cà ra sẽ có một mùi hơi tanh,dù nước từ sừng không có vị (lạt)và nước hơi đục(giống nước cơm vo).
Sừng tê giác có phải là thần dược?
Sừng tê giác trước nay luôn được xem là một thứ dược phẩm quý hiếm! Tê giác là loài động vật có tên trong "sách đỏ" cần được bảo vệ. Trong dân gian, người ta cho rằng sừng tê giác có tác dụng kích dục, giúp trường thọ và hạ sốt, chữa được ung thư và đái tháo đường. Trong bài viết này, chúng tôi tổng hợp tài liệu nước ngoài đề cập đến một số tác dụng của sừng tê giác để bạn đọc tham khảo. Việc sử dụng sừng tê giác vào mục đích chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cần phải căn cứ trên những cơ sở khoa học, không nên mù quáng chạy theo những lời mách bảo có tính chất vụ lợi vì mục đích thương mại.

TÊN KHOA HỌC

Tê giác có tên khoa học là Rhinoceros. Vào khoảng thế kỷ 14, tên "Rhinoceros" đã được đặt cho tê giác - một loài động vật quý hiếm dựa vào chính đặc điểm của nó, đó là một cái sừng lớn mọc ra từ mũi. Theo tiếng Hy Lạp, "rhis" có nghĩa là mũi và khi kết hợp với các từ khác "rhis" được viết thành "rhin"; còn "keras" có nghĩa là sừng. Vì thế tê giác, con vật có sừng ở mũi được gọi là "Rhinoceros" ("k" trong tiếng Hy Lạp, khi viết sang một thứ tiếng khác, sẽ trở thành "c").

SỰ QUÝ HIẾM CỦA SỪNG TÊ GIÁC

Không phải đến bây giờ sừng tê giác mới được xem là loại dược phẩm quý hiếm. Vào thời Hán ở Trung Quốc, do sự sát hại tê giác trong suốt thời Ðông Chu, sừng tê giác đã trở nên rất khan hiếm, đến nỗi chúng phải được nhập khẩu từ nước ngoài. Cuối thời Tây Hán, sừng tê giác được coi là một thứ trang sức quý giá, sau này người ta đã tìm thấy những cái chén làm bằng sừng tê giác được chôn theo chủ nhân của nó cùng nhiều sừng tê giác giả làm bằng gỗ và đất sét. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy những bộ xương hoàn chỉnh của loài tê giác một sừng Javan trong các lăng mộ thời Tây Hán.

Những bằng chứng khảo cổ này đã khẳng định lại những ghi chép lịch sử tìm thấy vào thời Thục Hán liên quan đến hoàng đế Wang Mang thời Hán hay triều Tần. Sau khi chiếm ngôi vua Hán, để củng cố thế lực, Wang Mang đã cử người sang các nước chư hầu để gợi ý cống nạp sừng tê giác cho triều đình của ông. "Trong suốt thời kỳ Hoàng thái hậu nắm quyền, quyền lợi của mọi người đều được gia tăng và một bầu không khí hòa bình trải dài khắp bốn phương, tới cả các vùng đất xa xôi với những phong tục tập quán khác nhau. Tất cả mọi người đều ngưỡng mộ sự công bằng của triều đại này. Yuetanzi đã gửi những con chim trắng vượt qua một quãng đường dài và không chỉ có vậy, Huangzhi còn gửi những con tê giác sống từ cách đó 30 dặm". Việc những con tê giác được gửi như vật cống phẩm từ thế kỷ I đã cho thấy một sự thật là tê giác cực kỳ hiếm ở vùng bắc và trung Trung Hoa vào thời này. Những con tê giác cống nạp là thú vui của hoàng đế nhà Hán và chúng được nuôi trong những khu rừng săn bắn của hoàng gia gần Tràng An.

Cũng vào thời kỳ này, triều đại nhà Hán giành được nhiều thắng lợi và biến phương nam thành thuộc địa của mình. Một sự thay đổi quan trọng đã diễn ra trong những chuyến hải hành trên biển Ả Rập, các thương gia vùng Ðịa Trung Hải đã lợi dụng gió mùa Tây nam để đi thẳng tới miền nam Ấn Ðộ. Việc giao dịch thương mại, đặc biệt là các mặt hàng gia vị và vải lụa được buôn bán rất mạnh giữa miền đông và miền tây bằng đường biển dọc theo châu Á, hình thành nên con đường tơ lụa nổi tiếng.

Xem xét trên bản đồ con đường tơ lụa trên biển ngày đó, ta có thể thấy những con tàu này đi từ biển nam Trung Hoa đến vịnh Bengal. Từ đó hàng hóa được chuyển tới các bán đảo từ Coimbatore Gap sang phía tây, hay từ bờ biển Malabar chuyển tới biển Hy Lạp rồi sang các nước phương Tây.

Bên cạnh đó, dựa vào tính chất của gió mậu dịch, hàng năm các thương gia phương Tây phải neo lại cảng Tamil (nam Ấn Ðộ) khoảng 3 tháng để chờ gió mùa. Trong thời gian này mối quan hệ thương mại giữa người Hán và người Roma đã phát triển. Việc buôn bán, trao đổi không chỉ dừng lại ở gia vị, tơ lụa mà còn gồm những hàng hóa có giá trị khác như sừng tê, ngà voi... Rồi những câu chuyện về con kỳ lân của Trung Hoa cũng đã dần dần thâm nhập vào văn hóa Ấn Ðộ. Hình ảnh của chúng xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật bằng đất nung của người Ấn Ðộ trong nền văn minh Indus. Không chỉ có vậy, cả những câu chuyện về con tê giác một sừng cũng đã xuất hiện vào thời gian này.

Mặc dù chưa có đầy đủ bằng chứng, nhưng có lẽ chính các thương gia từ Ấn Ðộ Dương tới biển Ðỏ là những người đầu tiên dùng sừng tê giác làm cán dao trong các buổi tế lễ quan trọng như Jiambiyya. Vào thời bấy giờ, những vũ khí thủ công ấy chính là một trong những phần không thể thiếu của trang phục truyền thống đàn ông nước Yemen, Oma hay Ả Rập, một đồ vật được coi là rất quý giá, chứng tỏ giá trị to lớn của sừng tê giác. Ðến nay, nhu cầu sử dụng sừng tê giác làm thuốc ngày càng cao và Ðài Loan là nơi tiêu thụ mạnh nhất.

CÔNG DỤNG CỦA SỪNG TÊ GIÁC

Tìm ra thuốc trường sinh luôn là sự quan tâm của y giới trong lịch sử nhân loại. Những tài liệu tham khảo sớm nhất về sừng tê giác cũng được phát hiện vào thời Thục Hán. Chúng đã đề cập đến Jiaosizhi như một thành phần trong phương thuốc trường thọ của y học Trung Hoa cổ đại. Một số y thư cổ ghi lại cách sử dụng sừng tê giác để làm thuốc trường thọ như sau: "Ðun não của một con sếu với mai rùa và sừng tê. Sau đó nhúng mầm cây vào nước đó, đem trồng và ăn hạt mọc từ cây, bạn sẽ trở nên bất tử". Thực hư của bài thuốc thế nào, đến nay chắc cũng còn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học đương đại.

Cũng trong suốt thời kỳ này, sừng tê giác được nhập từ Sumatra thông qua đường biển, có thể là thông qua cảng Quảng Châu để đáp ứng nhu cầu chế tạo thuốc chữa bệnh sốt nhiệt đới. Nguyên do là trong suốt thời kỳ Tây Hán, đế chế này đã mở rộng tới tận phía nam sông Trường Giang đến vùng Lĩnh Nam. Kết quả là một số lượng lớn người Trung Hoa lần đầu tiên bị nhiễm phải căn bệnh nhiệt đới này và sừng tê giác đã được sử dụng như một thứ thuốc hạ sốt nhiệm màu.

Cho đến nay, trong y văn của y học cổ truyền phương Ðông, người ta vẫn cho rằng sừng tê giác là một thứ dược phẩm có tác dụng hạ sốt tốt và đã được áp dụng trong các trường hợp sốt cao.

Còn đối với người phương Tây, họ nghĩ sừng tê giác được sử dụng ở Trung Hoa như một loại thuốc kích dục. Ý kiến này hoàn toàn không có căn cứ bởi đến nay vẫn chưa có tài liệu nào ở Trung Hoa đề cập đến việc sử dụng sừng tê giác để tăng khả năng tình dục. Vì vậy có lẽ những lời đồn về tác dụng kích thích tình dục của sừng tê giác là do những lái buôn tạo ra nhằm tiêu thụ loại hàng này ở các nước phương Tây. Và trong nhiều trường hợp chính những sự đồn thổi này đã mang lại một hiệu ứng tâm lý đối với những người sử dụng như một ma lực của phép thôi miên!


Buôn lậu sừng tê giác

Một đầu tê giác sau khi đã bị chặt lấy sừng - Một ký sừng tê giác tại thị trường Việt Nam dao động từ 17.000 đến 20.000 USD. Giới nhà nghề còn khẳng định tại các thị trường có truyền thống chuộng sừng tê giác và có nhu cầu rất cao như Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, thường được “hét” giá 50.000 USD.Trong vai một người cần mua hàng cho các thương gia Đài Loan, phóng viênThanh Niên tiếp cận được với bà Mai, người có thâm niên trong nghề buôn sừng tê giác. Dáng người phốp pháp, người đàn bà quê Thanh Hóa này có giọng sắc như dao: “Chị đã buôn mặt hàng này có đến hàng tạ. Hàng chị toàn hàng đẹp loại một, không có hàng mới cưa sừng xong đang ngâm nước còn bốc mùi thối mà vội đem bán đâu”.Bà Mai cho biết ba năm trước một ký sừng tê giác được bán tại Việt Nam với giá 50.000 đô la không hơn không kém. Sau này hàng về nhiều mới từ từ tụt giá xuống còn ba lăm, hai lăm và hiện nay đúng giá 20.000 đô la. Hàng giao tận tay mới nhận tiền. Dám lặn lội qua tận Myanmar lấy hàng trực tiếp, bà ta đi về như con thoi, bán hàng từ bắc vô nam. Nghe đâu bà vừa tậu được căn nhà mấy tầng lầu tại Hà Nội...Một dân buôn có cỡ khác nhỏ to giới thiệu Bình và Thanh, hai đại gia trong một đường dây cung cấp sừng tê giác cho các tỉnh phía Nam. Ở Hà Nội cũng có hai người khác nhận phân phối cho các tỉnh miền Bắc và giao cho cả khách hàng Trung Quốc. Hàng trong đường dây này được vận chuyển xuyên Lào đến Việt Nam, mọi tiếp xúc và giao nhận tại một địa điểm bí mật ở Nghệ An.

VNExpress:Nghi án buôn sừng tê giác trước sứ quán Việt Nam diễn ra thế nào?Một người đàn ông mang sừng tê giác tới trước cửa sứ quán Việt Nam ở Nam Phi. Hai người khác từ bên trong ra và kiểm tra hàng trước khi trao một túi, mà những người làm phóng sự điều tra đoán là bên trong đựng tiền.Jaap Pienaar là một quan chức thuộc cơ quan Các vấn đề kinh tế, Môi trường và Du lịch ở Easten Cape, Nam Phi. Trong hai năm qua, nhóm của ông chuyên điều tra các vụ buôn bán sừng tê giác trái phép tại nước này.

Nhiều tháng trước, khi được tin một người trong sứ quán Việt Nam muốn mua sừng, nhóm của Jaap bắt đầu tiến hành điều tra. Họ theo dõi một người đàn ông Nam Phi, được cho là tay trung gian trong vụ mua bán này, đi từ sân bay OR Tambo tới sứ quán Việt Nam.

Họ chờ một vài phút thì thấy một người ở trong sứ quán đi ra gặp tay buôn. Nhóm điều tra đứng cách đó vài mét và dùng máy quay ghi lại cảnh thỏa thuận. Sau một lúc trao đổi, người phụ nữ gọi một người đàn ông trong sứ quán ra ngoài. Hai người kiểm tra những chiếc sừng tê giác.

Hình ảnh trích từ băng của chương trình 50/50, cho thấy người phụ nữ áo xanh quần trắng, cán bộ sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, đứng cạnh một tay buôn sừng tê giác (người đứng bên phải, mờ mặt) bên ngoài cổng sứ quán.

Một lúc sau, người phụ nữ này vào bên trong rồi trở ra với một chiếc túi, được cho là tiền trả cho vụ mua bán này. Khi tiền được trao, sừng tê giác nhanh chóng được đưa vào túi đen và đưa vào bên trong sứ quán.

Sau khi xem xét số sừng tê giác, bà ta trở lại chỗ tay bán hàng, đem theo một túi. Nhóm làm phóng sự điều tra cho rằng trong túi đó là tiền trả cho chỗ sừng tê giác.

Dù chưa rõ liệu những chiếc sừng này có được phép bán hợp pháp hay không, việc chúng được bán cho công dân nước ngoài là trái pháp luật.Nhóm của Jaap sau đó tới sứ quán để hỏi về vụ mua bán này. Người phụ nữ ở quầy lễ tân, trông rất giống người đã mua sừng, tự giới thiệu là Dung. Người này bác bỏ thông tin rằng bà chính là người trong đoạn video mà nhóm điều tra ghi lại được. Tuy nhiên nhóm điều tra cho rằng hai người này là một.

Ảnh bên trái là một nhân viên sứ quán mà nhóm điều tra gặp trong tòa nhà. Bà tự xưng tên là Dung. Ảnh phải là người giao dịch sừng tê giác ở phía ngoài sứ quán.

Trước khi nghi án mua bán này bị phát giác, hồi tháng 4 năm nay, tại sòng bạc Kimberly ở Nam Phi, một công dân Việt Nam bị bắt vì sở hữu sừng tê giác. Hai người Việt Nam khác cũng từng bị bắt tại sân bay OR Tambo vào tháng 7/2007 với 4 chiếc sừng tê giác. Hồi đầu năm, 18 kg sừng tê giác từ Nam Phi bị thu giữ khi nó được đưa tới Hà Nội.

Một con tê giác xấu số ở Nam Phi. Ảnh: 50/50.
Xét xử một sinh viên Việt Nam du học nước ngoài buôn lậu sừng tê giác
Là một sinh viên du học tại Angola, nhưng Nguyễn Linh Tùng lại tận dụng cơ hội để buôn lậu sừng tê giác. Tùng đã bị bắt tại cửa khẩu Nội Bài với tang vật trị giá gần 3 tỷ đồng.Bị bắt ngay tại cửa khẩu sân bay Nội Bài cùng với tang vật là bộ sừng tê giác trị giá gần hai trăm nghìn đô-la Mỹ, cậu sinh viên với vẻ mặt "nai vàng" dường như không biết gì về cặp sừng loại động vật quý hiếm có tên trong danh sách đỏ của thế giới. Tuy nhiên vụ án bị phát giác khi một nhân vật buôn lậu động vật quý hiếm bị bắt trước đó cũng có trùng loại hàng đặc biệt này.
Một năm du học, xuất nhập cảnh... 16 lần!
Nguyễn Linh Tùng là con trai một vị nguyên là quan chức thuộc ngành đối ngoại nên việc Tùng được đi du học ở nước ngoài không phải là quá khó khăn. Tốt nghiệp cấp ba năm 2000, Tùng chuẩn bị học tiếng cho việc đi theo diện xuất khẩu lao động sang Angola cùng anh trai đang làm việc tại đất nước này. Sau hai năm lao động tại Angola, kế hoạch du học cho cậu út đã được gia đình Tùng tiến hành. Tháng 4/2003, Tùng được gia đình cho theo học tự túc tại Trường ĐH Fort Elizabert (UPE). Thời gian theo học tại Trường UPE, Tùng có quen với David - một người bạn quốc tịch Nam Phi làm việc tại một trang trại gần Johannesburg. Tùng đã mua của David hai chiếc sừng tê giác, mỗi chiếc nặng khoảng 5kg với giá 11.000 USD. Tháng 10/2004, Tùng lên máy bay về nước "thăm gia đình" lần thứ 16 trong năm cùng với cặp sừng tê giác vừa mua được. Tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài trên chuyến bay VN791 đường bay Hồng Công - Nội Bài, Tùng đã bị Hải quan cửa khẩu Nội Bài phát hiện, tạm giữ.
Sức hút của một mặt hàng siêu lợi nhuận
Tại Biên bản giám định số 404 ngày 9/12/2004 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận hai chiếc sừng tê giác mà Tùng mang về Việt Nam là loại sừng trước của tê giác trắng phía Nam Ceratotherinmsinrum. Chiếc thứ nhất có khối lượng 5,95kg, dài 47cm, chu vi gốc 67,2cm. Chiếc còn lại có khối lượng 4,8kg, dài 40cm, chu vi gốc 74,4cm. Theo phụ lục của Công ước quốc tế CITES phân loài tê giác này thuộc Phụ lục 11 (ký ngày 16/2/1995). Ngày 26/1/2005, tiến hành định giá tại Sở Tài chính Hà Nội, hai chiếc sừng trên có trọng lượng 10,55kg trị giá hơn 2,9 tỷ đồng (gần 200.000 USD). Như vậy, chỉ với hai chiếc sừng tê giác, nếu đem về trót lọt, Tùng có thể thu lãi suất gấp gần 20 lần số tiền gốc bỏ ra mua. Tính theo giá thị trường lậu, con số này có thể còn cao hơn rất nhiều. Đây là loại sừng động vật hoang dã quý hiếm, dân gian cho rằng nó có tác dụng chữa được rất nhiều bệnh, lãi suất cao ngất ngưởng khiến nhiều người nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Tùng vốn là một sinh viên có kinh nghiệm đi về giữa Việt Nam và một số nước Nam Phi, nơi tập trung khá phong phú thế giới động vật hoang dã quý hiếm. Hám siêu lợi nhuận từ những cặp sừng tê giác, Tùng đã phạm pháp khi con đường học vấn còn đang rộng mở phía trước.
Nghị định số 11/2002/NĐ-CP ngày 20/1/2002 của Chính phủ quy định về việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và quá cảnh các loài động vật, thực vật hoang dã quy định việc xuất nhập khẩu các loài động, thực vật hoang dã theo Công ước quốc tế CITES Việt Nam cấp. Nghị định số 48/CP ngày 22/4/2002, Nghị định số 139/CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ quy định những hành vi vi phạm hành chính là động vật, thực vật có tên trong phụ lục I, II của CITES nhưng không có tên trong danh mục Nghị định số 48/CP thì vẫn bị xử lý như hành vi vi phạm đối với động vật, thực vật hoang dã nhóm IIa, IIb của Nghị định 139/CP, có giá trị từ trên 5 triệu đồng thì chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc Nguyễn Linh Tùng nhập cảnh vào Việt Nam qua đường cửa khẩu quốc tế Nội Bài mang theo hai chiếc sừng tê giác không có giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật, bị xử lý theo quy định pháp luật hình sự.
Ngày 13/12/2005, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử vụ án này,

Thụ tinh nhân tạo cho tê giác
Ngày 23/1, một con tê giác con đã chào đời tại vườn thú thủ đô Budapest, Hung-ga-ri. Đây là con tê giác đầu tiên trên thế giới sinh ra từ thụ tinh nhân tạo.Sau 500 ngày mang thai, vào tối 23/1, chú tê giác con đã chào đời.
Chú tê giác con này là kết quả của sự thụ tinh nhân tạo do các nhà khoa học thuộc Viện Berliner Leibniz tiến hành vào tháng 9/2005.
Đây là công trình nghiên cứu độc đáo, kéo dài 7 năm, với sự cộng tác của nhiều viện nghiên cứu khoa học châu Âu.
Mẹ của chú tê giác con nói trên là con tê giác Lulu, loài tê giác mõm rộng, quý hiếm.
Trước đó, Lulu cũng đã được thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng của một loài tê giác bị tuyệt chủng nhưng "thai nhi" sinh ra đã tử vong.
Sau 4 tuần, các chuyên gia tiếp tục thực nghiệm lần thứ hai và đã thành công. Những hiểu biết và kinh nghiệm thu được qua thụ tinh nhân tạo cho tê giác sẽ góp phần bảo tồn loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.
* Liên quan đến việc bảo tồn loài tê giác, có tin Quốc hội Nepal vừa triệu Bộ trưởng Lâm nghiệp Dilendra Badu ra điều trần về việc ít nhất 12 con tê giác đã bị bắn chết ở nước này trong 6 tháng qua.
Tình trạng săn bắt trái phép tê giác ở Nepal ngày càng tăng, do buôn bán trái phép sừng tê giác làm thuốc chữa bệnh và đồ mỹ nghệ mang lại lợi nhuận quá cao.Thợ săn thường chỉ bán sừng tê giác, mỗi chiếc nặng khoảng 1 kg, với giá 1.500 USD, nhưng giá thị trường chợ đen cao gấp hàng chục lần, thậm chí lên tới 50.000 USD/ chiếc.Năm 2000, Nepal có 600 con tê giác, nay chỉ còn dưới 400 con, phần lớn đang được bảo tồn trong Vườn Quốc gia Chitwan, rộng 972 km2.(Theo TTXVN)

Một người Việt bị tố cáo giết thú hiếm trong ngôi nhà kinh hoàng

PRETORIA, Nam Phi (TH) - Một người đàn ông Việt Nam đang bị truy tố tội giết hại thú hiếm. Theo tin của News24 tại Nam Phi, cảnh sát từng đến nhà của Nguyễn Văn Hải sống tại Brooklyn, một khu vực sang trọng ở ngoại ô thành phố Pretoria. Họ khám phá Hải đã giết những thú hiếm như sư tử và tê giác.

Cảnh sát tại Tshwane cho biết Hải khoảng trên 20 tuổi, sống trong căn nhà nằm trên đường Nicolson Street. Ngoài sư tử và tê giác, cảnh sát nghi ngờ Hải còn giết những con thú khác ở trong nhà và ở ngoài sân.

Một bản tin của đài BBC ghi nhận nhà của Hải có ít nhất 13 bộ xương của sư tử và một số tê giác trong phòng bếp, hoặc trên sân của căn nhà.Hải bị bắt vào ngày 31 Tháng Ba. Khi nghe tin này vào ngày 1 Tháng Tư, theo lời của nữ Phát Ngôn Viên Colette Weilbach, các cảnh sát viên khác đến nhà để điều tra tưởng đây là một vụ tin đùa “Cá Tháng Tư.” Họ khám phá xương thú vật nằm khắp trong nhà, kể cả xương được giấu trong bao hoặc trong thùng.Nhà chức trách cho biết Hải sống bất hợp pháp tại Nam Phi vì chiếu khán đã hết hạn. Họ nghi ngờ anh ta nằm trong một đường dây buôn lậu thú hoang.Hải đã sống trong một căn nhà thuê. Bà chủ của căn nhà thỉnh thoảng ghé xem nhà. Trong một lần đến nhà, bà nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng, thịt và xương thú vật nằm ngổn ngang trong bếp và trên sân. Bà liền báo cho Hội Bảo Vệ Thú Vật của thành phố Pretoria, đưa đến cuộc điều tra của cảnh sát.“Thật là kỳ quái, không thể ngờ,” ông Console Tleane nói với News24. Ông là một viên chức thuộc Cơ Quan An Toàn Cộng Ðồng tại Tshwane.Ông mô tả bên trong ngôi nhà là một cảnh tượng kinh hoàng.

Ngoài xương thú, cảnh sát tìm thấy đô-la Mỹ và tiền rand của Nam Phi được giấu dưới gầm giường. Trị giá của tiền là khoảng $100,000 Mỹ kim. Hải đang bị buộc tội sở hữu thú vật có nguy cơ bị diệt chủng. Trong lúc còn điều tra, cảnh sát không cho biết sư tử, tê giác và những thú hoang khác được mang từ đâu đến căn nhà này.Họ không rõ là các thú dữ này có bị tiêm thuốc mê khi bị xử trảm hay không.Cảnh sát quận Tshwane nghi rằng ông Hải nằm trong đường dây buôn lậu thú quý hiếm giữa Nam Phi và một số nước ở Ðông Nam Á.

Việt Nam đang có những nguồn tiêu thụ cao hổ cốt, sừng tê giác, và nay là cao sư tử từ Phi Châu. Một sừng tê giác mua ở Nam Phi khoảng $40,000 đô-la có thể được bán ở Việt Nam với giá $100,000 đô-la.Trong năm qua, một phụ nữ làm việc tại Ðại Sứ Quán CSVN ở Pretoria đã bị triệu hồi về Việt Nam sau khi bị tình nghi tội chuyển lậu sừng tê giác từ Phi Châu đến Á Châu.

Sự thật về những con tê giác và sư tử trắng ẩn cư ở Bình Dương
Su that ve nhung con te giac va su tu trang an cu o Binh Duong
Trong khi tê giác hầu như không còn phát hiện thấy ở Việt Nam (dù các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước nỗ lực tìm kiếm suốt nhiều năm qua ở khu rừng Nam Cát Tiên) thì những con tê giác nuôi trong môi trường nhân tạo lại đang thảnh thơi gặm cỏ ở Bình Dương.

Su that ve nhung con te giac va su tu trang an cu o Binh Duong

Ngày 30.6.2007, chúng tôi đã tiếp cận với những con vật này tại Khu du lịch văn hóa lịch sử Đại Nam (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) - nơi đang nuôi dưỡng các động vật hoang dã vừa nói.
"Chúng tôi sắp mở cửa một vườn bách thú độc đáo tại Việt Nam" - ông Trần Đăng Trung, Giám đốc điều hành Vườn bách thú Khu du lịch (KDL) Đại Nam tiếp chúng tôi bằng lời mở đầu như thế. Ông Trung nói thêm: "Đó là vườn bách thú mở (Open Zoo) theo mô hình vườn thú của một số nước trên thế giới (Singapore, Thái Lan...). Điểm khác biệt của vườn thú mở là không có những chuồng sắt kiên cố để "cầm tù" mãnh thú. Chúng được tự do đi lại, nô giỡn, tìm mồi và... giao lưu với khách đến"."Diễn viên chính" của vườn bách thú mà tôi muốn tiếp cận ngay, chính là loài tê giác. Khu nuôi tê giác là một khu đất rộng hàng trăm m2 có núi giả, hồ nước, bãi đất trống để tê giác phơi mình lúc nắng ấm. Đặc biệt, phía trước trại là nơi "giao lưu" giữa tê giác và khách tham quan, có chứa sẵn cỏ để khách "mời" tê giác đến. Ông Trung nắm mớ cỏ voi vẫy vẫy, lập tức 2 con tê giác bỏ hồ nước lững thững bước tới. "Chúng rất hiền, chỉ ăn cỏ và lá cây rồi dạo chơi xung quanh hồ nước. Hồi mới về đây đến giờ chúng không một lần nào giận dữ hay khó chịu" - ông Trung nói. 2 con tê giác này (một đực, một cái) nhập về từ Nam Phi hồi tháng 10.2006 khi chúng được 3 tuổi. Ở châu Phi, khí hậu mùa hè rất nóng, đến mùa đông thì rất lạnh, còn ở nước ta khí hậu dễ chịu hơn nhiều nên tê giác có vẻ "khoái" hơn, chúng ăn nhiều lớn nhanh.

Su that ve nhung con te giac va su tu trang an cu o Binh Duong

Không xa trại tê giác là lãnh địa của sư tử trắng. Trái hẳn với sự chậm chạp của tê giác, 2 con sư tử trắng rất hiếu động. Chúng thoắt ẩn, thoắt hiện trong khu rừng có nhiều hang động, thác nước và cây cối. "Để tạo môi trường sống gần giống với thiên nhiên, ngay cả việc cho ăn uống, chúng tôi cũng bố trí giấu giếm trong các hốc đá, cành cây để chúng tìm kiếm" - ông Trung nói. Để ghi được tấm ảnh của 2 con sư tử trắng, chúng tôi phải "phục kích" gần 15 phút với sự "dỗ dành" hết sức của nhân viên phụ trách. Theo Ban giám đốc Vườn bách thú, 2 con sư tử này cũng nhập từ một trang trại ở Nam Phi lúc gần 3 tuổi. Chúng đã bay trên một chuyên cơ đặc biệt 18 tiếng đồng hồ mới về đến sân bay Tân Sơn Nhất với sự hộ tống của các chuyên gia thú y nước ngoài. Lúc đến nơi, tinh thần của chúng bị khủng hoảng, nhân viên thú y phải tiêm cho chúng một liều thuốc an thần mới đưa về đến nơi nuôi dưỡng được. Trong lãnh địa mang nét hoang dã rừng rú của sư tử trắng, chúng tôi nhìn thấy 2 sợi dây điện nhỏ chăng ngang cạnh hào nước. Theo ông Trung, đó là 2 sợi dây điện có tác dụng đề phòng sư tử ra ngoài. "Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến sự an toàn tuyệt đối cho người và thú. Ngoài hào nước cách ly đã được tính toán kỹ (sâu 4 mét, rộng 7 mét), chúng tôi có một hàng rào điện dự phòng. Đối với các loại thú dữ còn có 2 nhân viên được huấn luyện túc trực 24/24 để ngay lập tức ứng cứu khi có sự cố" - ông Trung nói.Để nhập những con tê giác và sư tử trắng này, sau khi đi khảo sát và đặt bút ký hợp đồng mua với 2 trang trại nuôi dưỡng tê giác và sư tử trắng ở Nam Phi, Công ty Đại Nam đã trải qua nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp. Đầu tiên là xác định các con thú mua không phải là loại cấm mua bán theo Công ước Cites về động vật hoang dã (động vật hoang dã nhóm 1 bị cấm mua bán). Nam Phi xếp sư tử trắng và tê giác thuộc nhóm 2 nên được phép bán nhưng bên mua phải thỏa mãn các điều kiện khắt khe: chỉ phục vụ mục đích giáo dục, nhân giống, trưng bày chứ không mua bán khai thác thương mại; điều kiện nuôi và sinh sản; đảm bảo an toàn cho người và thú nuôi; đội ngũ chuyên gia, nhân sự và nhân viên thú y có trình độ và kinh nghiệm... Các điều kiện này được cơ quan chức năng hai nước kiểm tra thực tế và cấp phép. Sau đó, các con thú được cách ly và thuần dưỡng tại nơi bán rồi xét nghiệm huyết thống (phải thỏa mãn thuộc thế hệ F2 có cha mẹ rõ ràng), kiểm tra thú y hai nước, làm thủ tục hải quan, nộp thuế và thuê chuyên cơ vận chuyển. Theo Ban giám đốc KDL Đại Nam, thời gian từ lúc đặt mua đến khi các con thú về đến Việt Nam là hơn 4 tháng, giá mua là 150.000 USD/2 con tê giác (khoảng 2,4 tỉ đồng) và 70.000 USD/2 con sư tử trắng (khoảng 1,2 tỉ đồng). Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương vẫn tổ chức kiểm tra định kỳ thường xuyên hằng tuần, hằng tháng để bảo đảm an toàn chuồng trại và sức khỏe những con thú quý này.Trên một diện tích khổng lồ của KDL Đại Nam (rộng 450 ha), vườn bách thú được dành 10 ha về phía bắc, thiết kế xây dựng hoành tráng. Đó đây, từng tốp công nhân đang thi công nốt phần chuồng trại và cây cối còn lại để kịp mở cửa đón khách vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, ngày 1.8.2007 tới, lô thú hoang dã thứ hai sẽ được nhập về với nhiều loại thú quý hiếm như: ngựa vằn, linh dương đầu bò, linh dương sừng kiếm, khỉ sói, chồn châu Phi...
http://vietbao.vn/Doi-song-Gia-dinh/Su-that-ve-nhung-con-te-giac-va-su-tu-trang-an-cu-o-Binh-Duong/45244841/111/

No comments:

Blog Archive

About Me

An umbrella networking organization to further the interest of gays, Lesbians, bisexuals, transgender and friends of Vietnamese around the world. Its purpose is to create awareness, to develop a positive identity for the Vietnamese gay community, and to establish a network of gay Vietnamese and their friends. Tổ chức nói kết mạng cho người quan tâm đến người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính, chuyển đổi giới tính và bạn bè của người Việt Nam trên toàn thế giới. Mục đích của nó là để tạo ra nhận thức, để phát triển một bản sắc tích cực cho cộng đồng đồng tính Việt Nam, và thiết lập một mạng lưới của Việt Nam đồng tính và bạn bè khấp nơi.