Kiến trúc Vietnam(1): Khó tìm tác phẩm tốt
* Tổ chức thi kiến trúc kiểu Việt Nam: Khó tìm tác phẩm tốt
KTS HỒ THIỆU TRỊ
Những năm gần đây, ở VN diễn ra nhiều cuộc thi tìm phương án kiến trúc cho các công trình lớn như tòa nhà Quốc hội, hội trường Ba Đình, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, sân vận động Mỹ Đình... Đó là dấu hiệu đáng mừng, nhưng từ cách tổ chức thi cho đến mục đích sử dụng các phương án dự thi đều đang làm nản lòng các kiến trúc sư (KTS) thực sự mong muốn cống hiến cho đất nước.
Nội dung của nhiều cuộc thi kiến trúc chưa được ban tổ chức làm bài bản, tính chuyên môn không cao, thường đưa ra một cách chung chung, gây tốn kém thời gian cho các KTS tham dự.
Thiếu đủ thứ
Thiếu quy định hướng dẫn tổ chức thi kiến trúc, VN cũng thiếu luôn quy định cho việc trả thù lao đối với những phương án đạt yêu cầu. Thế nên vấn đề trả thù lao cho các cuộc thi kiến trúc cũng là điều gây thất vọng đối với người tham dự: thù lao còn quá ít, thường mang tính tuyên truyền (đặt trong điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay hoàn toàn không phù hợp).
Ví dụ, nhiều cuộc thi trả thù lao cho phương án đạt yêu cầu chỉ năm bảy triệu đồng, nhưng ban tổ chức lại yêu cầu tác giả thiết kế phải làm đến 2 - 3 phương án, phải nộp thêm một mô hình. Để làm ra một phương án có chất lượng cao, chi phí thực tế lớn hơn nhiều số tiền thù lao của ban tổ chức.
Tôi cho rằng những điều như vậy thật phi lý. Ở Pháp, khi tổ chức cuộc thi kiến trúc với vốn là ngân sách nhà nước thì người ta quy định luôn việc trả thù lao cho các thí sinh, KTS dự thi chiếm khoảng 5% thiết kế phí của cả công trình (dù phương án không đoạt giải, chủ đầu tư không sử dụng).
Tổ chức thi chỉ để lợi dụng ý tưởng
Hiện nay, không ít chủ đầu tư dù chưa có quyết định đầu tư, chưa có ngân sách để thực hiện dự án nhưng vẫn tiến hành tổ chức cuộc thi tìm phương án kiến trúc.
Họ tổ chức như vậy để làm gì? Xin thưa, để họ dùng chính những phương án đó (chọn các phương án kiến trúc khả thi) để mời mọc, liên kết với nhà đầu tư khác. Thực chất các chủ đầu tư đã biến cuộc thi kiến trúc chỉ là cái cớ để giúp họ lợi dụng, thu hút đối tác kết hợp đầu tư chứ không phải nhằm mục đích tìm ra phương án kiến trúc tốt. Và chuyện thực thi phương án kiến trúc “đạt yêu cầu” chỉ là viễn cảnh xa xôi, thiếu thực tế.
Bên cạnh đó cũng không hiếm chuyện nhiều nhà đầu tư tổ chức cuộc thi kiến trúc một cách rộng rãi, nhưng ngay sau đó họ lấy các điểm hay của tác phẩm dự thi để giao cho đơn vị tư vấn thiết kế khác “xây dựng lại phương án”. Thế nên vai trò của tác giả thực sự thiết kế bị mờ nhạt, không được coi trọng.
Nói ra những điều phi lý ấy, tôi mong vấn đề đó cần được nhìn nhận thẳng thắn và nghiêm túc. Bởi chừng nào Nhà nước chưa có quy định về quy chế tổ chức thi kiến trúc, chừng đó KTS chưa được coi trọng đúng vai trò, công sức, và điều đó khiến kiến trúc VN không thu hút được người có tài tham gia, làm suy giảm nhiệt huyết của KTS trong việc đóng góp cho nền kiến trúc nước nhà.
Theo tạp chí Người đô thị - Đ.H. lược ghi (http://vietbao.vn/Nha-dat/To-chuc-thi-kien-truc-kieu-Viet-Nam-Kho-tim-tac-pham-tot/40259832/510/)
Kiến trúc Việt Nam đã có một thời kỳ “bùng nổ”. Bối cảnh xã hội “đổi mới” và “mở cửa” đã mang lại khá nhiều điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt nghệ thuật - từ chuyện sáng tác, đến “giao lưu”, “hội nhập” v.v… Trong một khoảng thời gian ngắn năm bảy năm mà số lượng KTS trên cả nước đã tăng lên rất nhiều. Diện mạo kiến trúc cũng thay đổi. “Đa sắc, đa hình, đa ý” hơn với nhiều xu hướng cả tây lẫn ta, cả cổ lẫn kim cùng tồn tại. Sự hồ hởi, phấn khởi, lạc quan lan tràn khắp nơi, kích thích thêm cho niềm tin về sự lớn mạnh và tương lai rạng rỡ của kiến trúc nước nhà…Tuy nhiên, khi niềm hứng khởi chóng qua, cho đến giờ nhìn lại, hầu như ai cũng thấy, sự “bùng nổ”, náo nức kia chỉ là chuyện phong trào, chuyện xã hội mang tính nhất thời. Nó mới chỉ là sản phẩm tự phát của một bối cảnh xã hội đổi mới, chứ chưa phải là sản phẩm của một hay những cách thức tư duy mới.
Giờ đây, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, các KTS có thể hoàn toàn “tự do” sáng tác. Nhưng xét đến cùng, “tự do” cũng là một thách thức, mà dường như các KTS Việt Nam, vẫn chưa được chuẩn bị kỹ về mọi mặt để có thể vượt qua. Tuy đã được cởi trói, nhưng dường như họ cũng không đóng góp được gì nhiều vào việc định ra những tiêu chuẩn, những giá trị mới để định hình một hệ thẩm mỹ thích nghi với thời đại, để đồng hóa được hai khái niệm kiến trúc Việt Nam thời “đổi mới” với kiến trúc “mới” Việt Nam. Trước tình trạng “manh mún, lộn xộn” của kiến trúc, nhiều người đã qui kết nguyên nhân cho sự ngưng trệ của môi trường sáng tác kiến trúc, cho sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, thông tin, đào tạo và tuyên truyền nghệ thuật, của phê bình kiến trúc v.v… Nhưng, thực ra, vấn đề còn là ở ý thức, ở nội lực của từng KTS. Không được dẫn dắt bởi một cách thức tư duy mới, các KTS, sẽ không biết khai thác năng lượng ở đâu cho sự sáng tạo, cũng như không biết làm thế nào để bảo toàn và phát triển nguồn năng lượng vốn có.
Bỏ qua những hiện tượng không lành mạnh trong các hoạt động sáng tác kiến trúc gần đây với những mục đích khác nhau bên ngoài nghệ thuật của khá đông KTS, thì ngay ở phần “nghiêm chỉnh” nhất, kiến trúc “mới” Việt Nam, vẫn đang “chấp chới” giữa các khuynh hướng kiến trúc ngoại nhập của phương Tây với nghệ thuật dân gian. Nói “chấp chới”, bởi không thấy gốc rễ, không có dấu hiệu của sự chuyển hóa thích ứng, sự thống nhất mang tính nội tại. Chỉ cần đặt những cuốn giải thưởng kiến trúc Việt Nam bên cạnh bất cứ cuốn sách nào điểm lại nghệ thuật kiến trúc phương Tây thế kỷ XX, và chỉ cần xem phần hình ảnh minh họa, ai cũng dễ dàng nhận thấy, kiến trúc “mới” Việt Nam cứ như một phiên bản mờ nhạt. Có lẽ, hoàn toàn không quá khi nói, trong một diện mạo như thế, kiến trúc “mới” Việt Nam nói chung, vẫn chỉ là một vùng ngoại vi của kiến trúc thế giới. Tất cả những cái được gọi là “Biểu hiện”, là “Trừu tượng”, “Phi cấu tạo” v.v… mà các KTS đang tự hào cho là “mới” và áp dụng vào thực tế, chỉ tô đậm thêm cho tính chất ngoại vi của kiến trúc “mới” Việt Nam mà thôi - đi sau quá xa là một, nhưng quan trọng hơn, là kém thực chất: cách vẽ mới đã không mang ý nghĩa của một cách nhìn mới, và đi kèm với nó là của khoa học công nghệ và vật liệu mới, nên tuy làm theo những hình thức rất mới của thiên hạ nhưng khi diễn giải, các KTS vẫn không có mấy sự khai phá, tự thể hiện, chỉ có sự đi theo, lặp lại…Còn trong những nỗ lực khác để tìm về với truyền thống dân tộc, để khai thác những hình ảnh biểu trưng của cái được gọi là “văn hóa làng”, “văn hóa tâm linh”v.v… thì hầu hết các tác phẩm mới chỉ dừng lại ở mức làm thỏa mãn sự hiếu kì văn hóa của một số người, của khách nước ngoài nói chung, chứ chưa làm nên giá trị và vị thế cho kiến trúc Việt Nam xét trên phương diện nghệ thuật.
Đến lúc này, dường như, đã có thể nói về một sự đứt đoạn trong các quan hệ văn hóa kiến trúc. Hầu như ai cũng cảm thấy nghệ thuật của kiến trúc là thứ thật cần thiết như một nguồn năng lượng làm gia tăng chất lượng cuộc sống, làm gia tăng các khả năng thích nghi với cuộc sống đương đại…nhưng đồng thời, lại chẳng có mấy ai thực sự quan tâm, tiếp cận, tìm hiểu mỹ thuật kiến trúc trong một ý hướng chủ động, tích cực, cặn kẽ, và bài bản. Phần lớn các KTS vẫn chỉ chạy theo nhu cầu của thị trường, còn với số đông công chúng những người tạo nên thị trường thì nghệ thuật là thứ “kính mà không dám đến gần” biết là hay đấy nhưng không hiểu, không biết nên không tiếp cận, hoặc chỉ tiếp cận một cách sơ sài, cẩu thả; về phía các cơ quan quản lý, dường như cũng mới chỉ quan tâm đến khía cạnh pháp lý, những tiêu chuẩn về an toàn nói chung, tác phẩm không vi phạm luật pháp, chính trị là được chứ chưa thật sự quan tâm đến chất lượng nghệ thuật và thẩm mỹ của kiến trúc, giới phê bình kiến trúc thì hầu như không tồn tại, nếu có thì cũng im hơi lặng tiếng một cách khó hiểu v.v…
Có thể giải thích một phần nguyên nhân thực trạng này, bằng những phân tích về sự yếu kém của hoạt động phê bình và thông tin tuyên truyền kiến trúc. Phê bình kiến trúc đã không đảm nhiệm được vai trò của nó, không kích thích được nhu cầu và khai mở ý thức sáng tạo nơi các KTS, không có khả năng làm cho công chúng yêu thích và hiểu biết sâu hơn về nghệ thuật, không thuyết phục được các nhà quản lý trong việc định hướng v.v… Sinh hoạt lý luận, học thuật rất ít, hình thức lại không phong phú, và thường chỉ dừng lại trong khuôn khổ của một vài hội thảo, diễn đàn xong rồi thôi, ít tạo được hiệu quả. Trong bối cảnh ấy, đa số các chủ đầu tư lại không hiểu hết cái đặc thù của công việc sáng tạo nghệ thuật. Họ thiếu hiểu biết về mỹ thuật, trong công việc còn mang nặng tính ngẫu hứng, nên nhiều khi đã can thiệp khá thô bạo vào công việc sáng tạo của KTS. Phần lớn thích bắt chước người khác mà làm chứ hiếm khi có “triết lý”, có “gu” riêng trong nghệ thuật…Trong một môi trường hành nghề như vậy, nên tuy số lượng KTS của chúng ta khá đông đảo, công trình mọc lên nhiều nhưng dường như chẳng có mấy tác phẩm có tiếng nói riêng, có khả năng đại diện cho nền kiến trúc Việt Nam để hòa nhập một cách hữu cơ vào đời sống xã hội và tạo được phong cách. Rất hiếm KTS sáng tạo “như một cuộc phiêu lưu”, thử nghiệm. Đa số, thường tìm đến những giải pháp an toàn với sự thoả hiệp và cuối cùng là chiều chủ đầu tư để “phục vụ” cho cái này, hoặc cho cái kia...
Nhiều người cho rằng: đừng nên sốt ruột, thời gian sẽ tự điều chỉnh v.v. Nhưng thời gian cũng sẽ vô ích nếu không có sự vận động của ý thức và ý chí con người. Đúng là kiến trúc đương đại Việt Nam đang cần có phê bình, đang cần được nhìn lại. Nhưng, sẽ không có phê bình thực sự nếu không có căn cứ học thuật. Và sẽ không thể xây dựng cơ sở học thuật thực sự nếu không bắt đầu bằng thay đổi cách nhìn về văn hóa kiến trúc…Có lẽ không cần phải viện dẫn sách “Tây”, sách “Tàu” để biện giải cho khái niệm văn hóa kiến trúc. Bất cứ ai, suy nghĩ một cách thực tế, tiếp cận kiến trúc từ cơ sở tồn tại và phát triển của nó, từ các yếu tố chi phối, tác động đến sự vận động đổi mới của nó, từ nhận thức về ý nghĩa và giá trị của nó v.v…, đều dễ dàng nhận thấy sự tồn tại khái niệm văn hóa kiến trúc là đương nhiên và cần thiết. Không có gì mới mẻ hay đáng ngờ. Đương nhiên tồn tại và cần thiết được ý thức, nhưng cho đến nay, trong thực tế, khái niệm văn hóa kiến trúc chưa bao giờ được gọi tên với một nội hàm xác định, và đây là điều đáng phải suy nghĩ!?
Trong thực tế, cách tiếp cận kiến trúc của chúng ta, từ trước đến nay về thực chất vẫn còn nhiều bất cập. Điều này có nhiều biểu hiện. Một, trong khâu đào tạo và đầu tư cho sáng tác, chúng ta quan tâm đến yếu tố kỹ thuật nhiều hơn là nghệ thuật, thời gian và số môn ngoài nghệ thụât vẫn chiếm một tỷ trọng quá lớn trong chương trình đào tạo KTS, và ở nhiều nơi cách hiểu về công trình kiến trúc cũng không hơn một công trình xây dựng thuần tuý. Hai, trong khâu đánh giá và bình chọn tác phẩm chúng ta thường chỉ quan tâm đến những giá trị cũ ít nhiều đã ổn định, thích cái vừa phải, chừng mực, và thuận mắt hơn là khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo mới về mặt hình thức nghệ thuật (đây cũng là một đặc tính của dân tộc khó thay đổi). Ba, trong khâu tổ chức hoạt động phong trào, chúng ta nhấn mạnh đến ý nghĩa quần chúng, chính trị (của nó) với phương châm “vui là chính” nhiều hơn là ý nghĩa nâng cao chất lượng chuyên môn, học thuật. Bốn, trong định hướng sáng tác, chúng ta có khuynh hướng quay về các giá trị truyền thống với những ám ảnh về “bản sắc” không dứt ra được; chúng ta quan tâm đến vấn đề làm sao cho công chúng hiểu tác phẩm nhiều hơn là đề cao cái mới, cái tiền phong. Và, năm, như một hệ quả, chúng ta buông lỏng công tác phổ cập kiến thức nghệ thuật. Cách tiếp cận này có thể chấp nhận được trong điều kiện thời chiến. Nhưng nếu kéo dài, thì thực tế, ở một khía cạnh, nó trở thành sức ì cản trở sự phát triển bình thường của cả nền văn hóa mỹ thuật nói chung và văn hóa kiến trúc nói riêng, và ở khía cạnh khác, nó tự vô hiệu hóa, khiến cho cả nền kiến trúc rơi vào tình cảnh có định hướng, có tổ chức nhưng vẫn cứ như không…
Một thực tế khác: trước các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại phương Tây lan tràn, cả một thời gian dài, bởi đồng nhất tất cả chúng trong cái gọi là “nghệ thuật tư sản - suy đồi”, nên về mặt học thuật, chúng ta chưa bao giờ tiếp cận chúng một cách có hệ thống với thái độ phân tích khách quan để tìm cái hay, cái dở. Kết quả, cho đến nay, hầu như chẳng có mấy KTS Việt Nam thực sự am tường các khuynh hướng nghệ thuật đang hấp dẫn họ. Mơ hồ, nên họ không biết khai thác năng lượng ở đâu cho sự tiếp thu, sáng tạo. Ngay cả với giới phê bình cũng vậy, không được tiếp cận lý thuyết một cách đầy đủ, họ không biết căn cứ trên tiêu chuẩn nào để phê bình. Còn căn cứ trên các tiêu chuẩn quen thuộc, cũ kỹ tiếng nói của họ rất dễ trở nên lạc điệu, thậm chí vô duyên trước một thực tế kiến trúc nhiều biến đổi. Trước thực tế này, nhiều người đã đặt lại vấn đề về vai trò và trách nhiệm của phê bình kiến trúc. Nhưng thực ra, phê bình kiến trúc cũng “vậy thôi”. Thậm chí còn “tệ” hơn. Hầu như chưa có trường lớp nào đào tạo chuyên ngành phê bình kiến trúc, chưa có ai được chuẩn bị chu đáo cho công việc phê bình. Trên cả nước, cũng chẳng thấy ai đủ sức đi làm cái công việc cắt nghĩa, phân biệt các giá trị nghệ thuật một cách bài bản và có hệ thống. Rất nhiều bài viết gọi là phê bình kiến trúc trên báo chí, nếu không phải là những bài mang tính chất giới thiệu, đưa tin thì cũng sa vào lối tán tụng hoặc phê phán một cách cảm tính. Nhiều bài viết đã nhầm lẫn trong việc đồng hóa cái đẹp trong nghệ thuật với cái đèm đẹp trong cuộc sống, hay đồng hóa các giá trị thẩm mỹ với các giá trị đạo đức, luân lý v.v… Những bài viết này càng nhiều chỉ càng làm nản lòng những người muốn sống hết mình cho nghệ thuật, muốn đổi mới thực sự, và chỉ đẩy các KTS “yếu bản lĩnh” vào mê lộ, với những ham mê đầy ảo tưởng, và đẩy công chúng vào những ngộ nhận không biết đâu là nghệ thuật, đâu là phi nghệ thuật nữa… Th.S.KTS. Lê Hữu Trúc
* Tin ngắn kiến trúc Vietnam:
10-04-2008 Thi thiết kế mẫu biểu tượng về địa đạo Củ Chi
02-05-2008 Triển lãm Quy hoạch cơ bản phát triển hai bên sông Hồng
24-05-2008 Cuộc thi thiết kế ý tưởng: “ Kiến trúc Cổng cửa khẩu Việt Nam”
25-06-2008 Hội chợ đồ dùng gia đình và quà tặng quốc tế - 2008
25-06-2008 Triển lãm quốc tế xây dựng và kiến trúc
25-06-2008 Triển lãm quốc tế xây dựng và kiến trúc
03-07-2008 Hội chợ, triển lãm chuyên ngành xây dựng
18-07-2008 Triển lãm quốc tế Vietspa
31-07-2008 Triển lãm xây dựng và trang trí nội thất trung quốc lần thứ I tại việt nam nă
27-08-2008 Hội chợ quốc tế phát triển đô thị và ngôi nhà của bạn
03-09-2008 Hội chợ VietBuild 2008 - TP HCM
12-09-2008 Hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề chuyền thống XNK
17-09-2008 Triển lãm quốc tế về trang trí nội thất và thiết bị gia đình
17-09-2008 Triển lãm quốc tế xây dựng - VLXD - nhà ở và trang trí nội ngngoại thất
30-09-2008 Hạn nộp giải thưởng Kiến trúc 2008
10-10-2008 Cuộc thi:Kiến trúc Xây dựng nâng cấp Cung văn hoá thể thao thanh niên Hà Nội.
22-10-2008 Triển lãm quốc tế chuyên ngành điện tử - truyền thông - công nghệ thông tin
12-11-2008 triển lãm sản phẩm 3d - tin học truyền thông
20-11-2008 Triển lãm quốc tế công nghệ, thiết bị, dịch vụ ngành xây dựng châu á năm 20
* Đà Nẵng: khởi công tòa tháp đôi 37 tầng
Ngày 30-5, Công ty Đầu tư và Phát triển Hàn Quốc (Korea Investment & Development Co., Ltd) đã khởi công dự án True Friends Park - Blooming Tower Danang cao 37 tầng tại Đà Nẵng.
Hai tòa tháp nằm trên khu đất rộng 10.773m2 thuộc khu đô thị Đa Phước, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích sàn xây dựng 12.000m2, bao gồm các văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, công trình giải trí, thể thao, hầm để xe... Dự án có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, dự kiến đưa vào sử dụng khoảng năm 2010.(theo Việt Báo)
* Ý kiến:
Đọc bài viết của anh Trị, không biết các bác Kiến bên nhà nghĩ sao? Hình như cuộc thi kiến trúc năm nào cũng lọt về tay các "đại gia" như anh Tất, dĩ nhiên "lò" của các anh ấy tập trung quá nhiều "cao thủ" và có điều kiện để "luyện công" tốt hơn các anh chị em khác nhưng cũng phải biết tập quán "áo thụng vái nhau" kiểu Việt Namnên cũng khó có cơ hội cho "đàn em" vươn lên.
* Link đến các sân chơi/ websites của dân Kiến:
http://www.kientrucdep.com.vn/
http://www.kientrucdothi.vn/
http://www.hau.edu.vn/
http://www.hcmuarc.edu.vn/
http://www.kientruc.org/
http://www.kien-truc.org/
http://www.kientrucdoisong.com/
http://www.4dkt.com/SMF/index.php?board=18.0
http://diendankientruc.com/
http://www.kientruc.com/
http://www.kientruconline.net/index.php/kien-truc.html
http://www.kienviet.net/
http://www.kientrucdep.com/
http://www.khoakientruchcm.com/
http://www.ktsvn.net/
http://sanchoikientruc.vn/
http://www.kientrucvietnam.org.vn/Web/Default.aspx?lang=vi-VN
http://www.4dkt.com/
http://archtrangroup.com/en/
http://www.hau.edu.vn/faculties-Arch-2.htm
http://www.incywincy.com/default?catid=944725&cached=www.hau.edu.vn/
http://www.qhkt.hanoi.gov.vn/
http://asia.groups.yahoo.com/group/tvkts/
http://daitangkinhvietnam.org/van-hoc-va-nghe-thuat/kien-truc-phat-giao.html
http://kiensang.com/maunha.php
http://forum.sanchoikientruc.vn/
Kiến trúc Vietnam(2): cần có phương pháp quy hoạch hiện đại
* "Kiến trúc sư VN cần có phương pháp quy hoạch hiện đại"
Đó là ý kiến của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, từng đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi kiến trúc quốc tế năm 1994 (với dự án quy hoạch và cải tạo làng gốm Bát Tràng). Bởi theo anh, các kiến trúc sư VN chỉ có khả năng thiết kế các quần thể thấp mang tính cộng đồng.
- Anh đánh giá thế nào về tình trạng đô thị hoá ở VN hiện nay?
- Quá ồ ạt. Và đáng buồn là sự phát triển đó không tuân theo một hình thái rõ rệt nào, cũng chẳng gắn kết gì với môi trường. Ở phương Tây, hình thái đô thị gắn bó mật thiết với những điểm nhấn thị giác, những gác chuông cao, những ngọn tháp nhọn, nhà chọc trời... Thành phố của chúng ta có những điểm nhấn tâm linh, chẳng hạn không gian hồ Gươm ở Hà Nội. Khối tích và kích cỡ thường không giữ vai trò quan trọng trong không gian đô thị, thế nhưng các nhà quy hoạch của chúng ta dường như chưa quan tâm đúng mức tới chuyện này. Chúng ta chỉ có khả năng thiết kế các quần thể thấp mang tính cộng đồng. Còn những phương pháp quy hoạch hiện đại, những kiến trúc cao tầng nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, kiến trúc sư của ta chưa được chuẩn bị đầy đủ và chưa có thực tế. Vì thế, hiện nay, các tập đoàn và công ty ngoại quốc khi đầu tư xây dựng vào VN thường phải thuê kiến trúc sư nước ngoài.
- Vậy theo anh, chúng ta phải làm gì?
- Phải xây dựng cho được một lý luận về hình thái kiến trúc và đô thị của riêng VN, đồng thời hướng tới những phương pháp lập luận mới nhằm kiểm soát chất lượng môi trường tại các trung tâm đô thị. Đã từ lâu, chúng ta thiếu hẳn một bộ khung pháp lý hoàn chỉnh và những thông tin liên quan tới lĩnh vực thiết kế đô thị và kiến trúc, nhất là thiếu vắng những công cụ hiệu quả có khả năng kiểm soát các quá trình quy hoạch và xây dựng, trong đó có sự quan tâm tới chất lượng môi trường.
- Hiện VN vẫn chưa chú ý nhiều tới các khía cạnh có tầm quan trọng quyết định cho một thiết kế, ví như hình ảnh môi trường và các tham số liên quan tới khu đất xây dựng. Theo anh, cần xử lý vấn đề trên thế nào?
- Noberg Schulz cho rằng môi trường là "nơi chốn", là một tập hợp những thứ dính kết về chất liệu, hình thái, cấu trúc, màu sắc... Con người thích ứng với môi trường xung quanh, đồng thời gây ra những biến đổi lên chính môi trường, nhằm đem lại sự thuận tiện hơn cho cuộc sống. Mặt khác, sự phụ thuộc của cuộc sống vào môi trường là tuyệt đối và nó biểu lộ thông qua những yếu tố tác động trực tiếp lên cơ thể người thông qua hệ thống giác quan. Theo tôi, đây là những vấn đề căn bản mà chúng ta phải tính đến khi xây dựng các khu đô thị mới trong tương lai.(Theo Thể Thao & Văn Hoá)
Những “vết sẹo khó tẩy"
Có người đã từng ví Hà Nội với nàng công chúa Lọ Lem. Nhưng có lẽ, ý kiến đó chỉ đúng với Hà Nội cách đây... 20 năm. Ngày nay, liệu Hà Nội có còn là một Lọ Lem đợi hoàng tử đến phát lộ vẻ đẹp? Cơn lốc kinh tế thị trường, sự bùng nổ đô thị và dân số cùng những yếu kém trong quản lý đã biến những vết lọ lem xưa của Hà Nội thành vô vàn vết sẹo hằn sâu khó tẩy. Thử cùng điểm lại 7 “vết sẹo” chính trên cơ thể đô thị Hà Nội:
Cấu trúc tổng thể đô thị đang rạn vỡ
Cách đây 20 năm, dân đô thị của Hà Nội xấp xỉ 2 triệu, chưa xuất hiện cái gọi là “khu đô thị mới”, hệ thống hồ ao, mặt nước đan xen khắp nơi, trung tâm thành phố lác đác vài nhà cao tầng, cấu trúc khu phố Cổ, khu phố Pháp chưa bị phá vỡ quá mức, dịch kiến trúc nhại cổ thực dân mới manh nha thời kỳ đầu… Năm 2008, Thăng Long sắp 1000 tuổi, dân số đã tăng gấp 3, ôtô xe máy ngập phố, hệ thống hạ tầng trở nên quá tải. Hàng trăm, hàng nghìn dự án từ vài nghìn m2 đến vài chục ha đã và đang xâu xé cơ thể đô thị theo kiểu mạnh ai nấy làm. Mỗi dự án đều nhất quán phương châm: tối thiểu chi phí đầu tư hạ tầng nhằm tối đa tư lợi. Hệ quả là hệ thống hạ tầng chung của đô thị lãnh đủ. Nhìn cảnh phố xá tắc nghẽn và ngập úng sau mỗi trận mưa cỡ trung bình tất rõ.
Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, quy hoạch xây dựng đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch giao thông của Hà Nội hiện nay rõ rang thiếu đồng bộ, thường trật khớp. Nguyên nhân từ lối “tư duy nhiệm kỳ”, manh mún, “chỉ biết mình, được việc mình”, đồng hành với vấn nạn tham nhũng chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng từ lâu một chủ thuyết quy hoạch dẫn đường đã khiến chúng ta không thể xây dựng được công nghệ quy hoạch đúng tầm. Hệ quả là người dân không những không được hưởng lợi từ cấu trúc đô thị mạch lạc, khoa học, mà họ lại phải sống, tồn tại trong mạng cấu trúc đô thị lộn xộn, đứt gãy và ô nhiễm. Liên tiếp phát sinh những bực bội, stress, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng cũng như sự phát triển kinh tế - văn hoá của thủ đô.
Các tuyến phố nhà ống tràn lan
Là hệ quả của quy hoạch chia lô thô thiển, những ngôi nhà bề ngang 3-4m, dài mươi mười lăm mét, cấu trúc bao diêm dựng đứng, với hình thức Pháp rởm, dễ dàng thấy ở mọi nơi, mọi lúc không riêng Hà Nội.
Cái gọi là “khu đô thị mới” mọc lên như nấm
Với mục tiêu trên hết là làm sao mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất “càng nhiều càng ít”, giảm thiểu tối đa không gian công cộng, cây xanh, mặt nước và bê tông hoá mặt phố bằng chung cư cao tầng. Đó là “triết lí phát triển” chung của tất cả những cái gọi là “khu đô thị mới” này. Toàn bộ hình thức kiến trúc của khu vực hoặc giả cổ (như Ciputra, The Manor…) hoặc nặng nề, đơn điệu theo kiểu Xô viết (như Trung Hoà Nhân Chính, Định Công, Đại Kim).
Sự hỗn tạp trong khu phố Cổ, phố Pháp và Thành Hà Nội
Trong những khu vực này mọc lên nhan nhản những kiến trúc giả cổ. Tâm điểm bùng phát virus kiến trúc nhại thực dân là khu vực các cơ quan công quyền. Chưa có một kịch bản quy hoạch sáng sủa cho hệ thống các công trình cao tầng trong khu cổ. Chiến lược bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc khu vực này quá yếu ớt, thiếu kiên quyết và hiệu quả, khiến những đặc sản kiến trúc của Hà Nội đang ngày một nhạt nhòa.
Hệ thống mặt nước bị thu hẹp
Hàng trăm, hàng nghìn dự án từ vài nghìn m2 đến vài chục ha đã và đang xâu xé cơ thể đô thị theo kiểu mạnh ai nấy làm. Mỗi dự án đều nhất quán phương châm: tối thiểu chi phí đầu tư hạ tầng nhằm tối đa tư lợi.
Hà Nội vốn tự hào về hệ thống hồ ao và sông ngòi trong lòng đô thị. Trái tim Thủ Đô là hồ Gươm, hồ Tây giữ vai trò lá phổi lớn, sông Hồng uốn khúc đầy tiềm năng. Song, trên thực tế, vô số hồ ao đã bị các dự án vụ lợi tấn công, dân cư tha hồ “nhảy dù” ra mặt nước trước sự thỏa hiệp, buông xuôi của các cấp quản lý. Cảnh quan xung quanh hồ hết sức lộn xộn, nhà cửa khập khiễng, vô lối. Hiệu quả thoát nước tự nhiên, điều hòa vi khí hậu của hệ thống hồ ao bị hạn chế đáng kể. Vai trò độc đáo của yếu tố mặt nước trong cảnh quan chung của đô thị không được phát huy.
Thiếu vắng không gian công cộng
Hầu hết quảng trường ở Hà Nội chỉ là nút giao thông, không có chỗ cho con người lưu lại vui đùa, đối thoại. Tuyệt nhiên không có tuyến phố đi bộ đúng nghĩa. Tranh cãi mấy chục năm nay về việc biến Tràng Tiền thành phố đi bộ đến giờ vẫn chỉ là tranh cãi suông. Hệ thống công viên, cây xanh ngày càng bị thu hẹp, chưa kể nguy cơ bị các dự án đầu tư nuốt chửng. Ta tự hào Hà Nội là thành phố xanh, nhưng chỉ cần nhìn sang công viên trung tâm bạt ngàn giữa Manhattan (New York, Mỹ) hay cánh rừng lớn trong lòng Moscow (Nga) thì mới thấy khoảng xanh của Hà Nội còn khiêm tốn lắm.
Sự biến mất của các làng trong đô thị
Những làng truyền thống như Ngọc Hà, Kim Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân…, cũng không thoát khỏi sự tấn công của dịch chia lô, giả cổ. Cấu trúc và thế cân bằng sinh thái bị phá vỡ nghiêm trọng. Còn đâu những ốc đảo xanh, những lễ hội nghề tưng bừng, những không gian của Alibaba… Tất cả đều bị sức ép kinh tế thị trường cuốn phăng.
"Lộ trình thoát ra khủng hoảng"
Điểm qua bảy vết sẹo lớn để thấy Thăng Long - Hà Nội còn rất nhiều bề bộn. Kỷ niệm 1000 năm tuổi không chỉ là những lễ hội, những cuộc mít tinh, những dự án vội vàng mà cái cần hơn, thiết thực hơn là từ nhận thức về thực trạng trầm kha của quy hoạch kiến trúc, chúng ta chủ động kiến tạo một lộ trình thoát ra khủng hoảng. Chỉ khi dám đối diện với những sự thật ấy, Thăng Long mới có cơ may dần trở thành... nàng công chúa xinh đẹp. Để làm được điều đó, đòi hỏi trước nhất là một giải pháp đồng bộ, đa ngành nhằm chấn chỉnh toàn diện cấu trúc tổng thể đô thị. Muốn vậy, cần nghiên cứu đổi mới công nghệ quy hoạch vốn lạc hậu và xơ cứng lâu nay. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: chúng ta đã có một chủ thuyết quy hoạch dẫn đường tạo tiền đề cho một công nghệ quy hoạch thích hợp; một phương pháp luận cải tạo, mở rộng và phát triển đô thị; một bản kế hoạch hành động thiết thực dựa trên những luận cứ xác đáng? Trách nhiệm trả lời những vấn đề này thuộc về Bộ Xây Dựng và UBND thành phố Hà Nội, đúng hơn, phụ thuộc vào khả năng tập hợp, thu hút và mạnh dạn tạo cơ chế cho đội ngũ chuyên gia đầu đàn, đa ngành của lãnh đạo Bộ và thành phố.
Song song với tiến trình lập kế hoạch, nhất thiết phải củng cố, tăng cường năng lực quản lý đô thị. Để bộ mặt đô thị nhếch nhác, nhiều nơi hỗn độn có nguyên nhân không nhỏ từ những yếu kém, tham nhũng trong quản lý đô thị và đầu tư xây dựng. Đã đến lúc cần biện pháp mạnh, không khoan nhượng tránh nguy cơ căn bệnh hỗn loạn trong kiến trúc quy hoạch di căn.
Một điểm nữa là giới chuyên môn, những người trực tiếp làm ra sản phẩm kiến trúc quy hoạch vẫn chưa được Nhà nước chính thức công nhận quyền sáng tạo và chịu trách nhiệm tối cao trước xã hội. Hội KTS đã soạn thảo Pháp lệnh hành nghề KTS công phu từ nhiều năm, đã làm việc với Bộ Xây Dựng và có kiến nghị áp dụng thí điểm tại TP HCM song đến nay vẫn dừng trên giấy. Thiếu quyền hành nghề, quá trình sáng tạo của KTS luôn bị can thiệp thô bạo bởi chủ đầu tư đến cả những người quá ít kiến thức về kiến trúc, quy hoạch.
Qua những đồ án kiến trúc quy hoạch của kiến trúc sư trẻ cùng một số dự án do nước ngoài thực hiện, có thế thấy nạn dịch kiến trúc nhại cổ, nhại thực dân và nhà ống rồi tất yếu bị đẩy lùi. Vấn đề là khi nào, bởi lẽ những nhân tố tích cực nói trên vẫn chỉ như những đốm sáng hiếm trong bức tranh tổng thể.
Cuối cùng, lãnh đạo Bộ Xây Dựng và Ủy Ban NDTPHN có là những hoàng tử đúng tầm? Cô Lọ Lem Hà Nội có thành công chúa xinh đẹp hay không? Cả nước đang trông đợi và hy vọng vào các vị.
Thức nhận lại những điều hiển nhiên
(Tia Sáng:http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=70&CategoryID=11&News=2385)
Phóng viên (PV): Xin anh cho biết đặc điểm của kiến trúc Hà Nội (KTHN) hiện tại?
Kiến trúc sư (KTS): Rất riêng.
Riêng?
Đúng, có thủ đô nào trên thế giới nhiều hồ ao, nhiều nhà ống chia lô, nhiều các kiểu loại kiến trúc như “Pháp rởm”, củ hành củ tỏi điện Kremlin, mái cong kiểu Tàu, kiểu Hồi giáo, bê tông đá rửa XHCN, rồi kiểu Ciputra… cùng tồn tại như ở HN?
Vâng, giống lẩu thập cẩm. Sao chính quyền không bỏ nhà lô đi xây chung cư như bên Tàu, bên Tây, giải phóng đất đai cho cây xanh, công viên, mặt nước?
Chịu, cách làm riêng của VN mà.
Dân mình đa số mê kiến trúc Pháp, như bị nhiễm virus ấy (cười). Các anh không có vắc xin ư?
Đang nghiên cứu chế tạo. Không chỉ người dân mà hầu hết trụ sở, cơ quan công quyền trung ương và địa phương cũng lây dịch kiến trúc Pháp rởm. Quan trí và dân trí trong kiến trúc giống hệt nhau.
Hóa ra bản sắc mấy chục năm qua của KTHN chính là kiến trúc Pháp rởm và nhà chia lô?
Đấy là anh nói nhé.
Thôi vậy, hỏi anh chuyện khác. Ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Singapore… đường phố không bao giờ úng ngập, ngược hẳn với Hà Nội, tại sao?
Anh phải hỏi Sở Giao thông Công chính.
Chính quyền thành phố đã đầu tư hàng tỉ tỉ đồng cho hệ thống thoát nước?
Đúng, và Sở Giao thông Công chính đã rất cố gắng…
Thế chẳng nhẽ do thế đất Hà Nội quá trũng hay vua Lý Công Uẩn ngày xưa chọn sai vị trí Thủ đô?
Anh phạm húy rồi.
Gần đây Trung Quốc xây sân vận đông (SVĐ) Tổ chim, nhà thi đấu dưới nước, sân bay Bắc Kinh, nhà hát Opera…Việt Nam có SVĐ Mỹ Đình, nhà ga Nội Bài, Trung tâm hội nghị Quốc gia…Anh thấy sao?
Thì như bóng đá Việt Nam so với bóng đá Châu Âu thôi. Vả lại, Hà Nội nếu có công trình cỡ SVĐ Tổ chim hay nhà hát Bắc Kinh cũng phí quá, sẽ rất lạc lõng.
Được biết, Chính phủ Trung Quốc không chọn KTS người Trung Quốc thiết kế, họ thuê toàn KTS “number one” của thế giới. Sao Việt Nam không làm như vậy?
Vì thiết kế phí của KTS hàng sao cao khủng khiếp. Việt Nam chọn giải pháp tiết kiệm. Ví như nhà thầu thiết kế và xây dựng SVĐ Mỹ Đình đều đến từ Trung Quốc, sân bay Nội Bài thì hoàn toàn do ta thiết kế xây dựng. Và cả hai công trình này đều đã rất tiết kiệm chỗ để xe máy, ôtô…(cười)
Nhưng sân bay Nội Bài vừa xây xong đã dột, nứt. Giải pháp tiết kiệm không phải bao giờ cũng tiết kiệm???
Anh có thể hỏi thêm Chính phủ.
Được biết những cuộc đấu thầu, thi thiết kế nhà Quốc hội, trung tâm hội nghị Quốc gia, SVĐ, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng lịch sử Quốc gia…, 100% KTS nước ngoài thắng thầu, thế KTS nội các anh không tham dự?
Chúng tôi bị cớm nắng, liên tục knock out trên sân nhà.
Bao giờ các anh đủ sức?
Còn phải chấp nhận dài dài KTS ngoại “đánh con mẫu” và “chốt hạ”.
Nhưng đã có công trình nào được như SVĐ Tổ chim hay tháp truyền hình của Trung Quốc đâu?
Tất nhiên, vì đến thời điểm này chỉ toàn KTS thế giới hạng “number two” vào Việt Nam.
Ra thế, KTS các anh không làm được gì à? Thời chiến, khó khăn thiếu thốn muôn vàn, chúng ta vẫn thắng Pháp, Mỹ. Cạnh tranh với KTS ngoại khó hơn sao?
Đúng là đấu trực diện KTS Việt tạm thời thua, buộc nhường thế chủ động cho KTS ngoại. KTS trẻ thì chuyển sang làm những công trình nhỏ, tranh thủ xây dựng lực lượng.
Anh nói rõ hơn đi.
Để VN làm được công trình như SVĐ Tổ chim hay tháp truyền hình CCTV cũng gian nan như bóng đá VN vượt qua vòng loại World Cup. Và để hình thái đô thị Hà Nội trở nên mạch lạc, khoa học đồng thời vẫn lãng mạn tầm cỡ Paris, Rome, Bắc Kinh, Thượng Hải…khó khăn càng gấp bội. Khó như cơ hội thắng Đức, Braxin của đội tuyển VN. Chúng ta cần chuẩn bị nhiều thế hệ KTS tiếp nối, sang Mỹ, Anh, Nhật học công nghệ quy hoạch hiện đại, học kiến trúc hi-tech, kiến trúc tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Học xong vào làm 5 đến 7 năm tại các văn phòng kiến trúc của Norman Foster, Renzo Piano, Calatrava… Phải chữa trị căn bệnh cố hữu, muôn thuở của người Việt nói chung và KTS nói riêng là tư duy kĩ thuật kém. KTS trẻ phải học, làm chủ bằng được kiến trúc kĩ thuật cao và công nghệ quy hoạch hiện đại ngay tại chính nước có nền kiến trúc quy hoạch phát triển. Thế hệ tôi đã quá đát cho những mục tiêu này.
Anh định về hưu?
Chưa, từ vài năm nay tôi tập trung vào “kiến trúc du kích”.
“Kiến trúc du kích”?
Kiến trúc không chỉ là những công trình đồ sộ. Còn mảng nhà ở xã hội, những không gian công cộng, kiến trúc nông thôn…Những kiến trúc này không đòi hỏi kĩ thuật quá cao siêu, then chốt là hiện đại hóa những tri thức văn hóa bản địa, là sự nhạy cảm nhân văn.
Cụ thể anh sẽ làm gì?
Thức nhận lại những điều hiển nhiên.
Khó hiểu quá?
Như nói đến kiến trúc bằng đất, đá, tre, lá, người ta lập tức nghĩ nó là tạm bợ, không sang trọng. Nhưng các resort 5 sao vẫn sử dụng đất, tre, nứa, lá đấy thôi. Chúng rất gần gũi, thích ứng với tự nhiên và tiết kiệm năng lượng. Nghĩ đến đình làng, ta hình dung ra một kiến trúc nặng với mái to, xòe rộng. Ông cha ta làm vậy để chống mưa, gió bão. Song có thể mái đình sẽ khác nếu người xưa năng lực kĩ thuật cao hơn, có thể lắm chứ? Hay đề cập đến cấu trúc nhà 5 gian vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, ta luôn biết đó là kiến trúc mở, song ít ai nghĩ cái đóng quy định cái mở và ngược lại, đồng thời tính mở - đóng hoàn toàn có thể phát huy trong không gian đa chiều của kiến trúc hiện đại chứ không chỉ bó hẹp ở không gian hai chiều của kiến trúc xưa.
Tức là thức nhận lại truyền thống?
Chính xác, chúng tôi cần một truyền thống mới thuyết phục hơn. Thậm chí nhiều điểm có thể ngược với truyền thống cũ.
Xin cảm ơn anh và chúc truyền thống mới nở hoa!
Kiến trúc Việt Nam đang bị "ô nhiễm"
Ngay từ đầu, phải nói rằng thuật ngữ “ô nhiễm kiến trúc” dễ gây ấn tượng về một cách nói có phần nhấn mạnh khía cạnh ẩn dụ cho vấn đề hình thức kiến trúc xấu. Nhưng cần phải nhìn việc “ô nhiễm” này ở mức độ có thống kê khoa học. Nói đến ô nhiễm kiến trúc nghĩa là phải xét tới ô nhiễm về bốn phương diện: công năng, kinh tế, vật liệu và thẩm mỹ. Bộ mặt kiến trúc Việt Nam đang mang nét lộn xộn của loại hình cư trú chạy theo lượng, dẫn đến tình trạng "ô nhiễm" - một thuật ngữ nhấn mạnh hình thức kiến trúc xấu, xét trên 4 phương diện gồm công năng, kinh tế, vật liệu và thẩm mỹ.
Công năng của những ngôi nhà được xây ở Việt Nam thoạt tiên có vẻ "ổn". Từng ngôi nhà đều được tính toán sao cho mỗi m2 sinh lời. Nhưng xét về các tiêu chuẩn như khả năng linh hoạt, độ chiếu sáng, thông khí hay giải quyết vi khí hậu lại rất kém. Ví dụ những nhà lô và mặt phố phổ biến trong các đô thị hiện nay chỉ có một mặt tiền, những tiêu chuẩn trên cố gắng lắm cũng chỉ được giải quyết một cách gián tiếp. Những căn nhà này thường không bỏ phí một m2 nào và gần như đều xây hết đất. Song khi thiếu những xử lý tương tác với môi trường thì phải dùng các hình thức bổ trợ năng lượng như máy lạnh, chiếu sáng nhân tạo… Khi việc này diễn ra ở tần suất cao và trên một diện rộng, bài toán công năng chỉ được giải quyết rất kém, kéo theo là ô nhiễm môi trường như khí thải nhà kính, tiêu hao năng lượng...
Hình thức kiến trúc hay thẩm mỹ cũng đang bị ô nhiễm nặng. Thành phố xấu, đường phố lộn xộn, mặt tiền và nhà không đẹp do không được thiết kế đồng bộ là một cấp ô nhiễm dễ đập vào mắt nhất, phản ánh một xã hội phát triển không bền vững. Không ở đâu trên thế giới nhà dân tự xây lại nhiều kiểu mẫu như ở Việt Nam. Khái niệm quy hoạch kiểu chia lô cũng đang làm giảm giá trị sử dụng đất đô thị. Những mặt nhà lổn nhổn cao thấp không đều hay mỗi mặt tiền sơn một màu lòe loẹt, cho đến kiểu dáng vay mượn là cấp căn bản của từng đơn vị. Những khu đô thị cũ mới đan xen nhau, thiếu mạng lưới giao thông và hạ tầng cơ sở phân cấp đến nơi đến chốn, lấn đất ngoại thành để xây nhà ở là mảnh đất màu mỡ cho những ô nhiễm nảy nở. Tâm lý ăn xổi tạo nên một tốc độ không kiếm soát, đến mức mọi bản quy hoạch đều “nhỡ thì” so với thực trạng kiến trúc xây dựng đang có.
(Theo SGTT)
* Ô nhiễm kiến trúc
Làm gì để chống Ô nhiễm kiến trúc?
Tham vọng của chúng ta là xây dựng được nền kiến trúc hiện đại của Việt Nam, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá 8 và kết luận của Trung ương 10 khoá 9. Muốn vậy, không thể chỉ bàn thảo trên các Tạp chí chuyên ngành, trong các hội thảo.
Ô nhiễm kiến trúc nhiều phần trách nhiệm ở các nhà đầu tư, các nhà quản lý, các nhà cầm quyền. Hiển nhiên là vậy. Lịch sử đã chứng minh, kiến trúc là sản phẩm của nhà đầu tư, nhà cầm quyền. Nhà sáng tạo, kiến trúc sư có thể ở thế thượng phong, nhưng thường thì rớt xuống áp chót. Cửu trùng đài của Vũ Như Tô thời Lê - Trịnh, là kiệt tác nhưng cuối cùng chẳng để lại dấu vết gì. Lịch sử kiến trúc Pháp mãi mãi ghi nhớ Tổng thống Francois Mitterand với những đóng góp của ông làm rạng danh Cộng hoà Pháp.
Ô nhiễm kiến trúc ở Việt Nam không thể coi thường. Một thí dụ chứng minh: Hồ Gươm, di tích lịch sử, thắng cảnh, không gian đầy ắp huyền thoại, thẩm mỹ tuyệt vời, thế giới ít nơi sánh kịp. Quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ uỷ nhiệm Bộ Xây dựng duyệt từ 10 năm nay. Kinh tế thị trường phát triển, 25 dự án lăm le gặm nhấm Hồ Gươm, có cái đã được dẹp bỏ ngay từ trong trứng, có cái đang chờ thời cơ. Gần đây bung ra dự án “Anh cả” của Tập đoàn điện lực: Trung tâm thương mại, tài chính khối tích đồ sộ 14 tầng cao 54 m dài 105m, 5 tầng hầm, kính phủ đầy các mặt nhà. Kết quả phương án được giải cao qua thi tuyển thiết kế với các thông số hướng dẫn do Bộ Xây dựng ban hành. Báo nói, báo hình, báo viết chẳng bảo nhau mà đồng loạt lên tiếng. Văn nghệ số 21 ngày 22/12/2007, Nguyễn Huệ Chi viết: “Nếu cái tập đoàn EVN làm được việc sai trái, xây nhà cao 54 m thì lập tức xung quanh mấy con đường Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay sẽ quây kín bởi vô số lô cốt cao tầng ngay, vì loại người vô văn hoá mà nhiều tiền, mắt loá vì tiền, luôn luôn toan tính chữ lợi hiện nay không phải là hiếm. Họ đang ngày đêm dõi mắt nhằm các khu vực quanh Hồ Gươm. Mai mốt Hồ Gươm bị xâm phạm thì còn nơi nào mà người ta không xâm phạm được nữaư Văn hoá môi trường cả nước sẽ bị đe doạ, như một ảnh hưởng dây chuyền, kỷ cương phép nước cũng trở thành hài hước bị đồng tiền khuất phục”.
Bộ Xây dựng cần kiểm điểm nghiêm túc việc công khai “hướng dẫn” đang gây công phẫn trong giới kiến trúc và văn hoá.
Hãy thử đi từ một hiện tượng xã hội. Bệnh dịch bùng nổ, trước hết trách nhiệm ngành y tế. Dân trí thấp là thuận lợi cho dịch bệnh lan rộng cho nên có khoa y tế cộng đồng, có mạng lưới phòng bệnh, tuyên truyền chống dịch. Một sự thật đáng buồn, không ít các KTS lớn, vừa dứt lời phê phán kiến trúc ngoại lai, lố lăng thì ngay sau đó lại ký thông qua những bản thiết kế lố lăng vì doanh thu. Vậy thì nạn ô nhiễm kiến trúc hiện nay, sao có thể rũ bỏ trách nhiệm KTS.
Phương thức hoạt động, Hội KTSVN đã đề ra:
- Kiến trúc Việt Nam thoát khỏi tình trạng lạc hậu, ràng buộc của chũ nghĩa hình thức;
- Kiến trúc Việt Nam phải hấp thụ tiếp nối văn hoá truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng xã hội mới, con người mới, nền văn hoá, nghệ thuật Việt Nam.
Nạn ô nhiễm kiến trúc hiện nay có thể coi là tất yếu, nó bắt nguồn từ quá trình tích tụ những thứ tuy lạ nhưng lâu ngày thành quen, ăn sâu vào tiềm thức, chẳng dễ gì xoá bỏ, càng không thể dùng mệnh lệnh hay cơ chế trói buộc, bởi vì bản chất kiến trúc là sáng tạo, là cảm xúc thẩm mỹ.
Cho nên cần nghiên cứu xây dựng chương trình “Xây và chống”. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam và chống ô nhiễm kiến trúc. Có thể phân thành hai lĩnh vực: Trong giới nghề nghiệp, chủ yếu là KTS, những chủ thể sáng tạo và trong xã hội, bao gồm những người ở thế thượng phong của kiến trúc và những người hưởng (hoặc chịu đựng) thành quả kiến trúc.
Cần nghiên cứu và tìm hiểu kỹ kiến trúc cổ điển Việt Nam, kiến trúc cổ điển Châu Âu, kiến trúc các nước trong khu vực. Hiểu rõ nguyên lý sẽ giảm bớt hiện tượng cóp nhặt, chắp vá. Khuyến khích hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, toạ đàm, hội thảo… tại cơ sở (không phải quy mô lớn như Hội KTS Trung ương làm ở ba miền vừa qua). Chỉ từng địa phương nhỏ, có sự tham gia của các bộ môn văn hoá anh em. Có thể từ những công trình, những tác phẩm cụ thể làm đề tài “bình” kiến trúc. Tạp chí KTVN đã tổ chức những buổi bình nhỏ và giới thiệu trên tạp chí, nghĩ là thiết thực và hiệu quả. Không nhất thiết phải là hội thảo trống rong cờ mở, để báo cáo dẫn luận và lời chào mừng của các quan chức đã chiếm tới nửa thời gian! Cũng cần đóng góp vào giáo trình giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao tại các trường chính trị, quản lý hành chính, để có một số giờ nhất định nhằm cung cấp kiến thức về kiến trúc đô thị. Việc này nên phối hợp với Hiệp Hội các Đô thị Việt Nam, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam. Vấn đề này chưa thấy đề cập đến trong nhiệm vụ công tác của Hội, của Bộ Xây dựng, nên đặt thành nhiệm vụ chống ô nhiễm kiến trúc để tìm đăng những bài viết đơn giản mà thiết thực.
Nghe nói trong chương trình tranh cử tổng thống Pháp thường có ít dòng nói về kiến trúc đô thị. Tưởng cũng là điều có thể xem xét vận dụng.
Nên nghiên cứu đề nghị thành lập hội đồng QH-KT các địa phương (cấp tỉnh, cấp thành phố) với điều lệ hoạt động rõ ràng, để tư vấn cho chính quyền những vấn đề then chốt của kiến trúc địa phương. Sự giải tán hội đồng QH-KT thời gian qua, nên coi là thất bại của ngành kiến trúc trong hoạt động tư vấn. Một phần cũng vì do không có quy chế rõ ràng.
Với quảng đại nhân dân, bao gồm nhiều nhà văn hoá, nhiều nhà trí thức, chính trị, nên có kế hoạch phù hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, phương tiện truyền thông để thường xuyên đề cập đến kiến trúc đô thị.
Các tạp chí, các báo nói, báo viết, hầu như đều có ít trang, ít dòng nói đến kiến trúc. Nhưng lại tự phát và thiên về đối tượng trung lưu, đề tài là không gian hẹp trong căn hộ, trong tường rào, đôi khi nhằm mục đích thương mại, quảng cáo nội thất. Chưa hướng tới mục tiêu đưa kiến trúc tới tầm cao mới.
Nên chăng đưa vào kế hoạch, yêu cầu cụ thể cho công tác tuyên truyền phổ cập kiến trúc rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, những triển lãm kiến trúc cũng là hình thức giáo dục thẩm mỹ kiến trúc có hiệu quả, nhưng chưa được tận dụng.
Không thụ động tuyên truyền, phổ cập kiến trúc đô thị lâu nay thường làm mà nên thực hiện như một trong những công tác chính của Hội trong nhiệm kỳ này.(Theo THXDVN)
Vậy hướng giải quyết cho tình trạng "ô nhiễm" là gì? kiến trúc Việt Nam cần phải làm gì để hạn chế tình trạng "ô nhiễm" này? Ai chịu trách nhiệm cho tình trạng "ô nhiễm" này? Tôi đã viết bài về vấn đề này từ năm 1994 và gửi đăng trên báo SGGP(VN) lẫn Người Việt & VBKT (Mỹ) nhưng từ đó đến nay... lại thấy bên nhà "báo động" và "la làng" y như tôi đã làm 14 năm về trước qua bài viết này(http://xaydungqh.blogspot.com/2007/04/vai-y-kien-ve-kien-truc-saigon.html). VN đã có Codes & Regulations (UBC, Ordinances & Regulations, etc...) nhưng việc thực hiện, áp dụng ra sao? Phải có lời giải từ nhiều phiá: giới chức thẩm quyền & Hội KTS VN lẫn nhà thầu & người dân. Không dễ dàng nhưng không phải là không có lời giải !(23-6-2008)
Kiến trúc Việt Nam sau 20 năm đổi mới
Sau năm 1986, tình hình kinh tế xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi với những chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ phù hợp quy luật kinh tế thị trường thế giới. Tuy vậy, đây mới chỉ là giai đoạn quá độ, bởi trước đó đất nước gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh với cơ chế bao cấp, nền kinh tế Việt Nam chỉ dừng lại ở cấp độ với những nỗ lực đáp ứng nhu cầu tối thiểu mà trước đó chưa đạt được.
I. Bức tranh chung
Kiến trúc nhà ở: Là thể loại xây dựng nhanh và nhiều hơn cả, đặc biệt nhà ở dân tự xây. Thời gian 10 năm trở lại đây đã phát triển nhà ở chung cư cao tầng xây dựng tại các khu đô thị mới.
Kiến trúc nhà ở nhỏ được xây dựng với sự đa dạng về hình thức trang trí, số lượng đạt giá trị về kiến trúc còn rất hạn chế. Bản thân quy hoạch phục vụ công tác quản lý kết hợp xử lý pháp luật không có chế tài cụ thể, đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu kém đã tạo nên bộ mặt đô thị phát triển không theo trật tự, mà ở trong đó mảng nhà dân chiếm ưu thế (trên 70%). Nhà ở nhỏ chỉ có thể đạt được giá trị tốt trong đô thị có sự quản lý tốt về quy hoạch. Đã có những tuyến phố hình thành trên cơ sở từ những ngôi nhà có hình thức khác nhau hoặc có chung ngôn ngữ (về mái, chiều cao, vật liệu…) mang giá trị kiến trúc và nhân văn rất cao. Rất tiếc điều này chưa xuất hiện phổ biến ở đô thị Việt Nam.
Thời gian gần đây có một số ít đô thị do người nước ngoài đầu tư như Ciputra (ở Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (Tp HCM) đã bước đầu có dấu hiệu tốt về quản lý quy hoạch.
Kiến trúc công cộng: Một thể loại kiến trúc xây dựng khá phổ biến là kiến trúc các công trình công sở; văn hóa, thể thao, bệnh viện, trường học… Nhóm các công trình này được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, được nhận diện khá phổ biến tại các thành phố lớn, nhỏ, thị xã, thị trấn, được xây dựng trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 - 1995). Nhìn chung kiến trúc các công trình này còn đơn điệu, ảnh hưởng thẩm mỹ của thời kỳ khó khăn trong chiến tranh. Do đó, chúng ta khó có thể tìm thấy những công trình mang phong cách kiến trúc mới. Chỉ có một số công trình như khách sạn, công trình văn hóa do số ít KTS được tiếp xúc với kiến trúc nước ngoài hay công tác tại một số công ty thiết kế lớn là có những tìm tòi sáng tạo riêng cho mình.
Những kết quả về thể loại kiến trúc công cộng ở thời kỳ đầu còn ở mức khiêm tốn về chất lượng kiến trúc có thể giải thích bằng sự khó khăn về đồng vốn đầu tư nhưng có thể nhận thấy rằng sự nhận thức của chủ đầu tư và vai trò của KTS còn hạn chế.
Bước sang giai đoạn 2 của thời kỳ đổi mới, đặc biệt sau năm 2000 đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng kiến trúc, mảng nhà dân tự xây đã được khoanh vùng lại và giảm dần do chính quyền Tp Hà Nội và Tp HCM đã hạn chế việc cấp đất xây dựng nhà chia lô. Mức độ đầu tư chung cư và khu đô thị mới tại các thành phố lớn tăng lên. Chúng ta có điều kiện kiểm soát tốt hơn về quy hoạch.
Kiến trúc các công trình có nguồn vốn nước ngoài và tư nhân đã làm đa dạng hóa các hình thức đầu tư ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các công trình văn phòng khách sạn, Resort… với những hình thức kiến trúc mới làm thay đổi nhận thức về kiến trúc của không ít người. Từ đó, các công trình công cộng cũng được nâng lên một bước từ sự hiểu biết hơn của các chủ đầu tư. Các KTS trong nước cũng có nhiều điều kiện hơn để tiếp xúc với tư liệu, kiến trúc các nước khác để nâng cao tay nghề. Song kiến trúc nhà ở lộn xộn đã là vấn đề nhức nhối tại các đô thị.
Những công trình kiến trúc có giá trị được chia ra làm hai xu hướng kiến trúc chính:
- Xu hướng khai thác yếu tố tự nhiên, văn hóa bản địa vào các thành phần kiến trúc, xử lý hình khối, màu sắc và sử dụng vật liệu truyền thống.
- Xu hướng kiến trúc hiện đại: hình khối đơn giản vật liệu mới gần với kiến trúc thế giới.
Các khu nghỉ mát, khách sạn, nhà nghỉ ở các tỉnh ven biển miền Trung do nước ngoài đầu tư đã thành công theo xu hướng thứ nhất. Có thể kể ra như: KS Furama, The Nam Hai, Victoria,… dọc bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam. Các công trình này đã khai thác tốt yếu tố truyền thống kết hợp giữa kiến trúc và cảnh quan. Ngoài ra, mỗi công trình có phong cách kiến trúc riêng rẽ mang lại hiệu quả cao về đầu tư và thẩm mỹ.
Xu hướng thứ hai tập trung vào kiến trúc văn phòng, khách sạn, công trình thể thao, (Khu liên hiệp TT Mỹ Đình, trường đua Phú Thọ) đã mang lại luồng sinh khí mới cho kiến trúc Việt Nam đương đại.
Kiến trúc công cộng Việt Nam trong 20 năm đổi mới đã có những biến đổi theo chiều hướng hiện đại hóa. Những hình khối đơn giản, vật liệu mới được khai thác hiệu quả đang trở thành một xu hướng tích cực. Điều quan trọng và đáng mừng là các KTS Việt Nam có nhiều điều kiện hơn để tiếp thu nền kiến trúc quốc tế, do đó đã nâng tầm sáng tạo lên nhiều hơn. Điều này không phải dễ dàng có được ở thời kỳ trước đó.
Kiến trúc cảnh quan và các khu vui chơi giải trí: Mảng kiến trúc này được phát triển khá mạnh tại khu vực phía nam. Do đặc điểm khí hậu nắng nóng, đa số người dân sống trong những căn nhà chật chội nên nhu cầu tận hưởng không khí thiên nhiên và du lịch ngày nghỉ cuối tuần đã phát triển mạnh tại Tp HCM và khu vực phụ cận. Kiến trúc các khu du lịch: Đầm Sen, Suối Tiên, Bửu Long, đã kết hợp tốt giữa cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo với kiến trúc tạo sức hấp dẫn tốt đến nhiều lượt du khách.
Kiến trúc sinh thái là xu hướng chính tại các khu nghỉ: Các công trình kiến trúc dân tộc, kiến trúc từ các hang đá nhân tạo, cảnh quan hồ nước, cây xanh đã nuôi dưỡng cho môi trường các khu du lịch luôn hấp dẫn du khách.
Kiến trúc nông thôn: Tình hình kiến trúc xây dựng 20 năm đổi mới đã mang lại sự hấp dẫn đối với các vùng nông thôn. Các công trình dân sinh chịu ảnh hưởng nhiều hơn của kiến trúc đô thị. Đây là một đặc điểm thú vị của người Việt: quá trình giao thoa văn hóa, tiếp nhận có/ hoặc không/ mang tính chọn lọc, chưa thể hình thành một xu hướng kiến trúc mới ở các vùng nông thôn Việt Nam.
Bây giờ người ta chỉ có thể tìm thấy bản sắc kiến trúc nông thôn ở các vùng sâu, vùng xa, những nơi còn thiếu các điều kiện giao thông và còn khó khăn về kinh tế.
II. Những tồn tại cần khắc phục
Bức tranh toàn cảnh kiến trúc Việt Nam trong 20 năm đổi mới đã để lại những vui buồn mà trong thời gian gần đây giới KTS, các nhà văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập đến. Những vấn đề tồn tại cần khắc phục để nâng cao chất lượng kiến trúc hơn nữa là:
- Hệ thống quản lý đô thị từ chính quyền TW đến địa phương, sự phân cấp quản lý cho chính quyền các cấp quận, huyện, xã, phường,trong những năm gần đây còn rất hạn chế. Hệ thống cán bộ quản lý đô thị và nông thôn ở các cấp còn thiếu và yếu.
- Hệ thống văn bản pháp luật còn rộng, thiếu chiều sâu dẫn tới việc nhiều bộ ngành đang tham gia vào phát triển xây dựng - kiến trúc. Chính phủ cần tập trung đầu mối vào ngành Xây dựng, các ngành khác chỉ tham gia phối hợp...
- Vai trò của chủ đầu tư trong việc quyết định lựa chọn kiến trúc. Hiện nay nhiều công trình kiến trúc đã qua thi tuyển nhưng quá trình thực hiện còn tỏ ra nhiều bất cập, làm cho chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn khi đưa đến quyết định lựa chọn cuối cùng. Điều này đòi hỏi cần nâng cao chất lượng của thành viên hội đồng và cần có những thay đổi về quy chế từ các cơ quan quản lý xây dựng. Những nước có nền kinh tế phát triển đã đi trước chúng ta và có nhiều kinh nghiệm về chấm thi kiến trúc. Hội đồng bao gồm những thành viên chuyên sâu về thể loại công trình đô thị, có kinh nghiệm thực tế, không nhất thiết phải là người có chức vụ cao hay có tên tuổi lâu năm trong nghề. Số lượng thành viên cần phải đủ lớn để tránh tiêu cực trong quá trình chấm thi. ý kiến đa số sẽ quyết định kết quả cuối cùng chứ không phải chỉ riêng ý kiến của cá nhân chủ tịch hội đồng…Chủ đầu tư cần thuê tư vấn biên soạn nhiệm vụ thiết kế, mức độ kinh phí đầu tư, ra đầu bài cho phù hợp sát với yêu cầu của công trình. Trong khuôn khổ chuyên môn chủ đầu tư cần tôn trọng ý kiến của tác giả thiết kế.
- Vai trò của KTS : Công trình là đứa con tinh thần của mỗi KTS. ở Việt Nam chỉ 70% ý đồ của KTS được thực hiện đã là hạnh phúc cho mỗi KTS. Kiến trúc là loại hình nghệ thuật luôn có sự biến đổi theo công nghệ, kỹ thuật, vật liệu và nền kinh tế - văn hóa mỗi đất nước. Ngày nay, trước xu thế hội nhập, sự bùng nổ về thông tin thì sự trau dồi, học hỏi cái mới luôn thúc đẩy sự sáng tạo cho các KTS. Những công trình ở đâu đó còn chưa đạt thẩm mỹ kiến trúc, chưa mang lại sự hưởng thụ cho người dân thì đó chính là trách nhiệm rất lớn của các KTS. Để nâng cao hơn nữa và kiểm soát tốt hơn nữa về chất lượng KTS đang hành nghề, chúng ta cần có chế tài, cơ chế quản lý hiệu quả, khoa học. Những bài học quản lý hành nghề từ những nền kiến trúc thế giới phát triển từ lâu đời ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… rất đáng tham khảo và áp dụng cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.
- Chất lượng về quy hoạch cũng là vấn đề còn tồn tại ở các đô thị Việt Nam. Những đồ án mang tính khả thi cao sẽ đóng góp rất lớn cho sự thành công về kiến trúc. Quá trình phê duyệt quy hoạch hiện nay còn do nhiều cấp độ, trình độ người có thẩm quyền không đồng đều; vai trò chính quyền địa phương là rất lớn nhưng khi phê duyệt xong mà hiệu quả thấp hoặc trong quá trình thực thi đồ án quy hoạch bị chết yểu thì không cá nhân nào chịu trách nhiệm.
Kiến trúc nông thôn đang bị biến dạng do thiếu kiểm soát về quy hoạch. Hiện nay chỉ có 20% số xã có quy hoạch. Các chế tài quản lý cấp chính quyền địa phương còn lỏng lẻo, chưa nói đến những vấn đề về trình độ quản lý tại những nơi này. Sự cố gắng của các KTS đến mức nào đi chăng nữa mà thiếu những đồ án quy hoạch tốt thì rất khó mang lại những công trình kiến trúc có chất lượng. Tại các khu đô thị mới ở các thành phố lớn hiện nay đang có nhiều tồn tại về quy hoạch. Trong đó phải kể đến: mật độ, khoảng cách giữa các công trình, định hướng về ngôn ngữ kiến trúc; không gian cảnh quan, dịch vụ công cộng… Các công trình kiến trúc trong các khu đô thị này mới chỉ đạt về số lượng, trong khi chất lượng kiến trúc đang còn là thứ xa xỉ mà các chủ đầu tư chưa chú trọng.
Tp HCM đang đẩy mạnh việc xây dựng các khu đô thị mới cao cấp, các chung cư cao cấp. Thực tế đang cho thấy, ở thành phố này càng đầu tư cao cấp càng dễ bán và lợi nhuận cao. Đó cũng là tín hiệu mừng cho thị trường kiến trúc có điều kiện để phát triển tốt lên.
Kiến trúc Việt Nam trong những năm tới sẽ còn tiếp tục phát triển theo sự đi lên của kinh tế xã hội. Chất lượng kiến trúc sẽ được cải thiện theo quy luật cung cầu của thị trường. Những vấn đề tồn tại nêu trên cũng là khó khăn thường gặp ở các nước phát triển ở thời kỳ quá độ như chúng ta. Tuy nhiên, Việt Nam là nước phát triển muộn so với các nước trong khu vực và các nước tiên tiến thì nhữg kinh nghiệm của bạn sẽ mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội để thay đổi mình. Chúng ta cần mạnh dạn thay đổi nếp cũ cách làm cũ để giảm thiểu sự lãng phí về tiền của và thời gian để tiến tới sự hội nhập cho nền kiến trúc theo kịp, đi truớc một bước trong quá trình đổi mới của nền kinh tế đất nước.
KTS Trần Quốc Hà(Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 4 năm 2008)
Thi ý tưởng thiết kế đô thị
* Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2008: 9 KTS trẻ được vinh danh
“Giải thưởng năm nay đã thu hút được rất đông đảo các KTS trẻ tham gia. Họ mang đến giải thưởng nhiều tác phẩm có giá trị, những suy nghĩ trẻ trung và táo bạo. Đây có thể xem là một nét mới của giải thưởng năm nay” – đó là nhận định của KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc (GTKT) Quốc gia tại Lễ trao giải diễn ra vào tối qua, 18/2.
Giải thưởng năm nay đã thu hút được rất đông đảo các KTS trẻ hưởng ứng, tham gia. KTS Nguyễn Tấn Vạn nhận định: “Họ - các KTS trẻ đã mang đến giải thưởng nhiều tác phẩm có giá trị, mang đến những gam mầu đa dạng, tươi tắn, những suy nghĩ trẻ trung và táo bạo. Đây có thể xem là một nét mới của giải thưởng năm nay. Nó cho thấy tài năng và tâm huyết của thế hệ trẻ đối với nghề, cho thấy tầm quan trọng cùng sức lan tỏa ngày càng sâu rộng của GTKT đến mọi mặt của đời sống xã hội… Chưa thật nhiều những thành tựu nổi bật, chưa có nhiều các tác phẩm đồ sộ, hoành tráng, nhưng rõ ràng một cái nhìn mới, một xu hướng sáng tạo mới đã bộc lộ”
Trải qua 15 năm với 8 kỳ giải thưởng, đã có 1239 tác phẩm tham dự và Hội đồng GTKT Quốc gia đã trao tặng 06 giải Nhất, 47 giải Nhì, 115 giải Ba và 145 giải của Hội đồng. |
Đặc biệt, KTS Nguyễn Văn Tất đã đoạt “cú đúp” với 2 giải Nhì: Một là công trình Trường mầm non Nhơn Nghĩa (Phú Hội, Nhơn Trạch, Đồng Nai) thực hiện cùng với KTS Nguyễn Viết Nhật Quang. Hai là: Công trình Đền Tưởng niệm Bình Thành (Khu di tích lịch sử cách mạng Long An, xã Bình Hòa Hưng, Đức Huệ, Long An) thực hiện cùng với các cộng sự.
Cuộc thi “Ý tưởng thiết kế đô thị khu Trung tâm hiện hữu mở rộng TP.HCM”
Ban tổ chức đã trao giải cho 3 đơn vị có phương án đạt điểm cao nhất; trong đó Giải Ba thuộc về phương án của Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (nay là Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng) là đơn vị Việt Nam duy nhất nằm trong danh sách đoạt giải (Công ty Nikken Sekkei Ltd đoạt giải Nhất và giải Nhì thuộc về Công ty RTLK International).
Đồ án của Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn được thực hiện bởi các nhà thiết kế đô thị của hai nước Việt Nam và Australia, bao gồm : Trung tâm Thiết kế đô thị - Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn - Bộ Xây dựng và Công ty Quy hoạch - Thiết kế đô thị Hansen Partnership – Australia. Danh sách bao gồm:
- Ngô Trung Hải, ThS. Quản lý Đô thị, KTS, Chuyên gia Quy hoạch đô thị
- Lưu Quang Huy, ThS. KTS. Chuyên gia Quy hoạch Đô thị
- Nguyễn Trúc Anh, TS, MUDD - Thiết kế đô thị, ME, B. KTS/ Chuyên gia Thiết kế cảnh quan
- Nguyễn Thị Hồng Diệp, ThS. KTS. Chuyên gia Thiết kế cảnh quan
- Craig Czarny, BTRP ML, KTS. Chuyên gia Thiết kế Đô thị/ KTS. Cảnh quan
- Bronen Hamilton, B.Larch MUD Chuyên gia Thiết kế Đô thị/ KTS Cảnh quan
- Marc Basilio, Bsc Chuyên gia Thiết kế Quy hoạch Đô thị
Ban cố vấn: PGS. TS. Lưu Đức Hải, ThS. KTS. Lã Thị Kim Ngân, KS. Phạm Xuân Tứ
PGS. TS. Nguyễn Trọng Hoà – Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, Phó Ban Tổ chức cuộc thi, cho biết, cả 7 đồ án là 7 “sắc màu” thể hiện sự hoàn thiện về mặt thiết kế, thân thiện với con người và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Ông Hoà nhận định, so với các đề bài thiết kế Thủ Thiêm, quy hoạch giao thông thành phố trước đây, cuộc thi Ý tưởng thiết kế khu trung tâm hiện hữu mở rộng TP HCM phức tạp hơn. Khó khăn lớn nhất là có quá nhiều trường phái và ý tưởng hay, nhưng chỉ được chọn một đáp án khả thi nhất.
Nội dung và ý tưởng đồ án của Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn:
Ý tưởng chung của đồ án thiết kế đô thị khu trung tâm hiện hữu là sự đơn giản, tính khả thi và mang tính thẩm mỹ cao. Đồ án sẽ góp phần biến TP HCM thành một thành phố:
· Một thành phố mang bản sắc đặc trưng về lịch sử, văn hoá cũng như đặc thù về điều kiện tự nhiên
· Một thành phố phát triêể với môi trường đầu tư hấp dẫn
· Một thành phố với các không gian công cộng và kiến trúc đẹp vì con người.
· Một thành phố đầy đủ tiện ích và sạch sẽ về môi trường cho người dân thành phố cũng như khách du lịch.
Để thực hiện những mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 5 nguyên tắc thiết kế cơ bản bao gồm: Nước – Công viên - Đại lộ - Con người - Kiến trúc. Các tác giả sử dụng 5 ý tưởng nền tảng này giống như 5 nhạc cụ chính trong dàn nhạc đang thể hiện bản giao hưởng của một thành phố.
Vấn đề của thành phố HCM là làm sao giải quyết toàn bộ các lợi ích đưa ra cùng 1 lúc. Đồ án đưa ra 5 hướng giải quyết chủ đạo rất đơn giản, có thể thực hiện được trong giai đoạn ngắn, 5 hướng giải quyết này cần được hỗ trợ về mặt tài chính và luật pháp.
Những ý tưởng trên được các tác giả lấy từ nền tảng sau:
Tập thể tìm tòi và dẫn dắt ý tưởng bởi rất nhiều kinh nghiệm của các thành phố trên thế giới. Cụ thể, tập thể nhóm đã bị hấp dẫn bởi sự năng động và vẻ đẹp riêng của thành phố HCM. Sự song song tồn tại cái cũ và cái mới, sự tồn tại của các mẫu dạng tuyến phố được phủ lấp bởi các hoạt động trên các tuyến phố văn hoá Sài Gòn; những bản sắc tạo nên một trong những thành phố mẫu mực trên thế giới. Bởi vậy, ý tưởng có thể đến từ: Tokyo, Paris, Bangkok, Sydney, Santiago, Singapore, Cusco, Thượng Hải, Rome, London, NewYork…
Với những ý tưởng của mình, các kiến trúc sư Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn đã dựng lên hình ảnh của một thành phố HCM trong tương lai sẽ thể hiện tất cả những nét ưu việt trên nhiều khía cạnh và góc độ. Thành phố này sẽ trở thành thành phố tuyệt vời riêng biệt, cạnh tranh với các thành phố trên thế giới. Ngoài ra, TP HCM sẽ còn trở thành thành phố vĩ đại với các khu bờ sông hiện đại. Thành phố phải giữ được những bản sắc riêng của thành phố không chỉ về góc nhìn bên ngoài mà còn cả về âm thanh hương vị. Thành phố sẽ như một bản giao hưởng vĩ đại.
* Giải Nhất cuộc thi thuộc về PA thiết kế của Công ty NIKEN SEKKEI (Nhật Bản): Phương án nhằm hướng tới xây dựng một TP HCM xứng danh là “Hòn ngọc Viễn Đông tỏa sáng cùng bản sắc riêng, tiện nghi và sinh thái”
Với các tiêu chí chính:
-Duy trì và nâng cao bản sắc bằng cách xây dựng một thành phố năng động và đa dạng trên cơ sở các di sản vô giá do lịch sử để lại.
-Đảm bảo điều kiện sống và làm việc tiện nghi cho cư dân và du khách.
-Nghiên cứu sinh thái trong phát triển đô thị ở các khía cạnh như sức khỏe, môi trường an toàn, hài hòa với môi trường tự nhiên, bảo tồn cây xanh và mặt nước.
1. Chức năng
- Tạo các mảng không gian chọn lọc cho các hoạt động đô thị.
- Phân tách không gian khách bộ hành với lưu thông cơ giới.
- Hình thành mạng lưới không gian ngầm.
2. Cảnh quan
- Hình thành mạng lưới lối đi có phủ xanh và không gian mở.
- Bảo tồn và tái tạo cảnh quan đô thị lịch sử.
- Kết nối vành đai sinh thái thành mạng lưới với nhiều diện tích cây xanh mặt nước.
3. Người dân / Du khách
-Tạo không gian an toàn cho người dân, du khách và phát triển các dịch vụ giao thông công cộng.
-Tạo môi trường sống trong lành và tiện nghi cho người dân, du khách.
- Cải thiện không khí đô thị.
Xác định hệ số FAR và BCR phù hợp để hiện thực hóa quan điểm phát triển.
Để có thể xác định FAR và BCR cụ thể cho từng khu đất công trình đơn lẻ, cần nghiên cứu chi tiết hơn về điều kiện giao thông và quy hoạch cảnh quan đô thị (các yếu tố như khoảng lùi, không gian để bảo tồn tầm nhìn) trên từng tuyến đường.
Có thể cho phép hệ số FAR cao cho các khu vực dọc sông Sài Gòn với điều kiện là các tuyến đường ở các khu vực này được mở rộng.
Có thể cho phép hệ số FAR hơn 500% cho các khu đất có diện tích không dưới 2.000m2 và có vị trí hướng trực tiếp ra đường trục chính có lộ giới không dưới 25m.
Tái thiết các ô phố đã phát triển hiện hữu
1. Xây lại từng hạng mục đơn lẻ (các khu đất bị chia nhỏ)
Cảnh quan đô thị bị ảnh hưởng do có các công trình cao khác thường hay có quy mô lớn quá mức.
Chia nhỏ các khu đất sao cho vẫn đảm bảo đủ diện tích không gian mở bằng cách chuyển quyền sở hữu nhà / đất và tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn và hướng dẫn về xây dựng / phát triển (FAR, BCR, tầng cao xây dựng, mặt tiền đường, ...)
2. Kết hợp xây dựng với hệ số FAR bổ sung thấp để bù vào diện tích đất phát triển không gian mở (một phần là xây lại các hạng mục đơn lẻ).
Các khu đất bị chia nhỏ manh mún bất hợp lý, kéo theo các vấn đề về môi trường khu dân cư và phòng chống thảm họa
Cảnh quan đô thị bị ảnh hưởng do có các công trình cao khác thường hay có quy mô lớn quá mức.
Xây lại một phần các ngôi nhà ở khu vực phía trong để kết hợp phát triển loại hình nhà phố hay kết hợp nhiều loại hình nhà ở trung tầng với đường khu vực, không gian mở và không gian xanh trong ô phố.
Cho phép bổ sung thêm hệ số FAR để bù vào phần diện tích đất dành phát triển các không gian chung vừa nêu.
Chỉnh trang các ngôi nhà hiện hữu ven đường, nhưng phải tuân thủ nghiêmngặt các quy chuẩn, hướng dẫn trong xây dựng / phát triển (FAR, BCR, tầng cao công trình, mặt tiền đường, ...) để tạo cảnh quan đô thị đẹp mắt.
Phát triển nhà cao tầng với hệ số FAR tăng thêm để bù vào diện tích đất phát triển không gian mở lớn.
Tiến hành xây lại một số ngôi nhà ở ven đường và ở khu vực phía trong để có thể phát triển nhà phố hay tổ hợp nhiều loại hình nhà trung tầng. Quy định hệ số FAR cao hơn nếu phải phát triển diện tích không gian mở lớn hơn.Kết hợp giữa các loại hình nhà ở trung tầng và nhà phố.
Khu kinh tế Vũng áng nằm ở phía Nam tỉnh Hà Tĩnh là khu vực có tiềm năng tương đối nổi trội về phát triển cảng nước sâu, công nghiệp cũng như du lịch so với các khu vực khác của vùng Bắc Trung Bộ. Cụm cảng biển nước sâu Vũng áng - Sơn Dương và tổ hợp công nghiệp luyện cán thép được xác định là hạt nhân chính của Khu kinh tế.
Ý tưởng quy hoạch chính
Phát triển khu kinh tế Vũng áng là đô thị công nghiệp của thế kỷ 21 - sự kết hợp hiệu quả giữa các mục tiêu công nghiệp hóa và các mục tiêu phát triển hậu công nghiệp, sự song hành giữa môi trường sống tốt và môi trường sản xuất công nghiệp.Chú trọng khai thác các giá trị sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, tạo cấu trúc đô thị thuận lợi cho việc sử dụng đa chức năng, đặc biệt là các không gian du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch đô thị.
Ðịnh hướng phát triển không gian khu kinh tế
Cấu trúc hoạt động và các khu chức năng chính của Khu kinh tế
1.Phân khu chức năng
·Tổ chức tốt và khai thác khung liên kết giữa trong và ngoài khu kinh tế thông qua hệ thống giao thông đối ngoại (cảng biển, đường sắt, quốc lộ 1A, quốc lộ ven biển, tuyến truyền tải quặng từ mỏ sắt Thạch Khê về khu công nghiệp...) và các trục chính đô thị.
- Tổ chức hành lang kỹ thuật gồm quốc lộ ven biển và tuyến truyền tải quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê đi song song với QL1A đến khu công nghiệp nặng và cảng Sơn Dương, trong hành lang kỹ thuật này có thể đồng thời bố trí cả đường sắt kết nối khu công nghiệp với hệ thống đường sắt của Khu kinh tế nối với hệ thống đường sắt quốc gia.
- Quy hoạch hệ thống đường sắt kết nối cảng Vũng áng và cảng Sơn Dương với đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc.
- Quy hoạch chuyển tuyến QL1A hiện nay về phía Nam, đi song song về phía Bắc đường điện 220KV hiện hữu.
· ưu tiên khu vực phía Ðông Bắc QL1A cho phát triển cảng - công nghiệp:
- Khu vực cảng Vũng áng là cảng tổng hợp, được quy hoạch gắn với khu dịch vụ hậu cảng, kết nối với hành lang quốc lộ ven biển, đường sắt.
- Bờ biển phía Ðông có tiềm năng khai thác cảng được quy hoạch bao gồm: Khu phi thuế quan (bao gồm: một phần cảng Sơn Dương là cảng container, các dịch vụ hậu cảng, khu trung tâm dịch vụ thương mại - tài chính); các loại hình công nghiệp cần gắn với cảng biển; Khu vực công nghiệp thép và công nghiệp nặng gắn với cảng thép (Trong tổ hợp công nghiệp thép, nhà máy luyện thép được bố trí gần khu vực cảng, các nhà máy công nghiệp hậu thép ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường hơn được bố trí tại các khu vực giáp với các khu chức năng khác về phía Tây và phía Ðông, đảm bảo tối đa khoảng cách an toàn về môi trường cho các khu chức năng khác).
- Cụm công nghiệp nằm phía Bắc QL1A hiện nay tại Kỳ Liên, giữa khu công nghiệp thép và các khu dân cư là các loại hình công nghiệp sạch.
- Khu đất nằm phía Ðông đường vào cảng và nằm phía Ðông khu CN Vũng áng 1 hiện nay được quy hoạch thành khu công nghiệp đa ngành, khai thác lợi thế giao lưu với tuyến đường vào cảng và QL1A.Thiết kế đô thị khu đô thị khu công nghiệp
· Tổ chức trục trung tâm thương mại - tài chính quốc tế (ngoài khu phi thuế quan) kề cận với trung tâm dịch vụ cảng biển Sơn Dương và không gian sinh thái hồ, kết nối với trục trung tâm khu đô thị Kỳ Long.
· Một số khu dân cư nằm phía Nam QL1A thuộc các xã Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long được quy hoạch giữ lại cải tạo, nâng cấp. Tổ chức các hành lang cây xanh cách ly giữa các khu vực công nghiệp và các khu dân cư.
· Các khu dân cư nằm trong vùng ngập sâu của các xã Kỳ Thịnh và Kỳ Long, toàn bộ khu vực xã Kỳ Lợi và một phần khu dân cư xã Kỳ Phương cần được giải toả tạo điều kiện phát triển tổ hợp công nghiệp đồng bộ và tránh các tác động xấu của KCN.
· Khu vực hồ Tàu Voi được quy hoạch thành khu công viên vui chơi giải trí, cải tạo vi khí hậu và tạo cảnh quan trong lòng đô thị. Khu vực hồ Mộc Hương được quy hoạch thành khu trung tâm TDTT và khu lâm viên. Các khu cây xanh này là vùng đệm giảm thiểu tác động của gió Lào đối với các khu đô thị nằm phía Nam QL1A hiện nay.
· Các khu giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề và nghiên cứu chuyển giao công nghệ được ưu tiên tổ chức tại:
- Khu vực giữa Khu công nghiệp Vũng áng và sông Quyền, là không gian chuyển tiếp giữa khu đô thị và Khu công nghiệp Vũng áng;
- Trên trục cảnh quan kết nối khu đô thị Kỳ Long với khu trung tâm thương mại tài chính và công viên hồ trung tâm.
- Các khu trường chuyên nghiệp cũng có thể bố trí đan xen trong các khu đô thị.
· Khu công nghệ cao – các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ được tổ chức tại Khu vực Nam Kỳ Trinh (phía Nam QL1A hiện nay), giữa khu công viên hồ Tàu Voi và công viên - trung tâm TDTT hồ Mộc Hương, khai thác vị trí thuận lợi về môi trướng và cảnh quan.
· Khu đô thị mới được phát triển về phía Nam QL1A, kết hợp với cải tạo các khu dân cư được giữ lại ven QL1A.
· Khu vực phía Bắc xã Kỳ Trinh được tổ chức thành khu đô thị hiện đại. Trung tâm hành chính của Khu kinh tế được quy hoạch tại khu đô thị mới Bắc Kỳ Trinh. Khu đô thị này được quy hoạch đảm bảo khả năng gắn kết hợp lý với khu vực thị trấn Kỳ Anh thành một trung tâm đô thị mới phục vụ cho khu kinh tế Vũng áng trong tương lai.
· Khu vực các xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà và Kỳ Nam được tổ chức thành trung tâm du lịch sinh thái biển, sinh thái đầm vịnh và các khu ở mật độ thấp.
Trồng rừng ngập mặn, tổ chức hệ thống kênh rạch phục vụ cho khai thác dịch vụ du lịch sinh thái tại khu vực vịnh Cửa Khẩu.Thiết kế đô thị khu đô thị du lịch Kỳ Ninh2. Tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan - Khung thiết kế đô thị tổng thể
a)Các không gian chủ đạo trong Khu kinh tế:
· Các khu vực trung tâm:
Là các khu vực đóng góp quan trọng và tạo dựng cảnh quan khu kinh tế bao gồm:
· Bố trí các khu tái định cư cho các khu dân cư ven biển phải di dời vào các khu đất ven sông Quyền thuộc xã Kỳ Hà và khu vực ven núi Bàn Ðộ (xã Kỳ Ninh).
Thiết kế đô thị khu đô thị du lịch Kỳ Ninh
b) ý tưởng chính:- Khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên (biển, núi, sông suối, hồ...) kết hợp với hệ thống cây xanh, mặt nước nhân tạo để tạo khung liên kết mềm - hệ thống không gian mở đô thị, kết nối đồng thời làm ranh rõ không gian các khu chức năng trong khu kinh tế. Tạo các điểm nhìn, hướng nhìn khai thác được tối đa giá trị cảnh quan của hệ thống không gian mở, của khung cảnh quan thiên nhiên.
- Các khu chức năng chính của khu kinh tế (cảng, công nghiệp, các khu trung tâm, các khu đô thị…) được quy hoạch với hình thái đô thị hiện đại, tối ưu hóa công năng sử dụng, tiết kiệm năng lượng và chi phí sử dụng, tạo dựng các không gian trung tâm đặc trưng, điểm nhấn không gian chính cho mỗi khu chức năng, kết nối với hệ thống không gian mở chính, tạo dựng không gian đô thị khang trang, sinh động và phong phú.
- Các khu dịch vụ du lịch được quy hoạch với hình thái đô thị du lịch sinh thái, không gian thay đổi linh hoạt, mềm mại, giữ lại tỷ lệ lớn các khu sinh thái nông nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản kết hợp làm du lịch. Tổ chức các hướng mở rõ nét khai thác được các giá trị cảnh quan thiên nhiên, tổ chức các sản phẩm du lịch phong phú, tạo cảm giác thư giãn và hấp dẫn đối với du khách.
- Các khu tái định cư được tổ chức theo hai mô hình:
+ Các khu tái định cư dành cho các hộ có nhu cầu hoạt động ngư nghiệp: đan xen trong khu vực Kỳ Ninh, Kỳ Hà theo cấu trúc quy hoạch của các khu vực này;
Các khu tái định cư dành cho các hộ có nhu cầu sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại: bố trí tại khu vực chân núi Hoành Sơn. Tạo cảnh quan nông nghiệp có giá trị du lịch thông qua các mô hình cấu trúc phân bố dân cư phù hợp với địa hình trung du rất đặc trưng của khu vực này.
- Các khu cảng;
- Khu trung tâm hành chính, văn hóa của toàn khu kinh tế được bố trí tại khu đô thị Bắc Kỳ Trinh;
- Các khu trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tổng hợp gắn với không gian công viên hồ;
- Các khu trung tâm giao lưu thương mại, quảng bá sản phẩm dọc theo QL1A hiện nay;
- Trung tâm giáo dục chuyên nghiệp gắn với không gian quảng trường
- Các quảng trường và trung tâm dịch vụ du lịch ven biển, ven sông
- Các khu trung tâm gắn với các trục chính đô thị
Các khu trung tâm được bố trí tại những vị trí kết nối thuận lợi với các khu chức năng đô thị khác, khai thác các yếu tố cảnh quan tự nhiên và thuận lợi trong việc đóng góp vào không gian kiến trúc cảnh quan chung của toàn khu kinh tế. Các khu trung tâm cần có không gian kiến trúc đặc trưng thông qua bố cục các tổ hợp và kiểu mẫu kiến trúc công trình. Ngoài ra cần tạo không gian dẫn hướng đến các khu vực trung tâm, tạo tầm nhìn cho các công trình và tổ hợp công trình trong các khu trung tâm.
Khu đô thị trung tâm Kỳ Trinh·
Trục cảnh quan ven biển phía Ðông: được tổ chức với các không gian nhộn nhịp của các hoạt động dịch vụ cảng cũng như cảng đóng tàu, cảng thép...
-Trục cảnh quan ven biển phía Bắc: là không gian phong phú của khu du lịch tại Kỳ Ninh và khu dịch vụ cảng tại Vũng áng, gắn với hình ảnh cầu qua vịnh Cửa Khẩu;
- Trục không gian dọc đường từ QL1A vào trung tâm thương mại - tài chính và trung tâm dịch vụ cảng Sơn Dương: tạo dựng bởi không gian của các trung tâm dịch vụ kết hợp với không gian quảng trường, cây xanh - mặt nước.
-Trục không gian nối trung tâm các khu du lịch và đô thị phía Tây: tạo dựng bởi các điểm nhấn là các không gian trung tâm của các khu chức năng, đan xen với không gian mở của hệ thống cây xanh - mặt nước sông Vinh, sông Trí, đi qua các khu ở mang sắc thái đặc trưng hiện đại tại khu đô thị Kỳ Trinh và đặc trưng sinh thái tại Kỳ Hà và Kỳ Ninh.
-Các trục không gian Ðông - Tây kết nối khu đô thị phía Tây với khu công nghiệp phía Ðông, bao gồm không gian phong phú tại khu trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại chung của toàn khu kinh tế tại Bắc Kỳ Trinh, thay đổi bởi không gian cây xanh mặt nước sông Quyền, khu trung tâm giáo dục chuyên nghiệp và các không gian trung tâm các khu công nghiệp, kết thúc tại khu tổ hợp công nghiệp thép.
-Trục không gian dọc quốc lộ 1A hiện hữu: được tạo dựng bởi các điểm nhấn là các không gian trung tâm - quảng trường quanh các điểm giao cắt với các tuyến đường trục chính - chuyển hướng vào các khu chức năng, không gian thay đổi sinh động qua các khu trung tâm dịch vụ, trung tâm giáo dục chuyên nghiệp, các khu ở hiện trạng cải tạo nâng cấp...
· Các vùng cảnh quan tự nhiên:
- Vùng cảnh quan biển phía Ðông và phía Bắc: Ðược khai thác và tôn tạo bởi các không gian hoạt động của con người được tổ chức trong môi trường cây xanh cảnh quan sinh thái tự nhiên và nhân tạo; Tận dụng tối đa các điều kiện phù hợp để tổ chức các trục cảnh quan đô thị khai thác không gian hướng biển; Các khu rừng phòng hộ được chú trọng bảo vệ và quy hoạch trồng thêm mới.
- Vùng cảnh quan dọc theo hệ thống sông, đặc biệt là dọc sông Vinh, sông Quyền, sông Trí và hệ thống suối, khe tụ thủy từ các lưu vực phía Nam đổ ra biển: Không gian hai bên sông được tổ chức thành hệ thống cây xanh - mặt nước liên hoàn, là khung kết nối mềm gắn kết không gian các khu chức năng trong khu kinh tế; Tận dụng tối đa các điều kiện để khai thác và kết nối không gian cây xanh ven sông với không gian các khu chức năng đô thị.
- Vùng cảnh quan tạo bởi dãy núi bao gồm núi Sang, núi Càn và núi Giòn: khai thác hình ảnh sinh thái tự nhiên, tạo các trục cảnh quan có điểm đón là không gian của các đỉnh núi, khai thác các triền núi làm phông nền sinh thái tự nhiên cho các khu chức năng lân cận.
- Vùng cảnh quan núi Hoành Sơn: Ðược khai thác làm phông nền chính trong tổ chức không gian khu kinh tế với hướng nhìn từ phía Ðông và phía Bắc.
- Các vùng cảnh quan tự nhiên được bảo tồn và phát huy giá trị ở mức tối đa, riêng sông Quyền có những đoạn đi qua khu công nghiệp nặng buộc phải nắn tuyến để tạo mặt bằng xây dựng, song các tuyến sông mới vẫn phải đảm bảo chức năng thoát lũ và có giá trị cảnh quan cao.
Khu trung tâm thương mại tài chính
·Các khu vực cửa ngõ:
Các khu vực cửa ngõ của Khu kinh tế bao gồm:
- Cửa ngõ quan trọng nhất đối với khu kinh tế Vũng áng là cửa ngõ giao lưu với quốc tế qua không gian cảng biển. Không gian hoạt động của cảng được tổ chức hợp lý về dây chuyền hoạt động, với hình ảnh của một cảng quốc tế, hiện đại. Trục trung tâm tài chính thương mại kề cận cảng được tổ chức cao tầng là điểm nhấn về chiều cao trong toàn khu vực cảng.
- Về phía Tây, không gian khu kinh tế gắn kết với không gian đô thị Kỳ Anh, tuy nhiên cửa ngõ phía Tây khu kinh tế có thể được xác định là không gian quanh các nút giao cắt, gồm:
+Khu vực nút giao cắt giữa QL1A hiện nay với tuyến đường du lịch cũng đồng thời là trục trung tâm nối các khu đô thị Kỳ Trinh, Kỳ Hà và Kỳ Ninh. Không gian quanh nút được tạo dựng bởi hệ thống quảng trường có hướng mở về phía tuyến trục du lịch và về phía khu trung tâm thể dục thể thao. Các công trình xây dựng quanh các quảng trường cần có quy mô tương đối lớn và đồng nhất, tạo cảnh quan khang trang.
+Khu vực nút giao cắt giữa QL1A mới (nắn tuyến về phía Nam) với tuyến đường trục trung tâm nối các khu đô thị Kỳ Trinh, Kỳ Hà và Kỳ Ninh. Không gian quanh nút được tổ chức khai thác không gian cây xanh cảnh quan với bố cục hợp lý, hài hòa giữa các hành lang kỹ thuật lớn như: đường sắt, đường điện 220KV, nút giao thông lập thể...
- Về phía Ðông, cửa ngõ khu kinh tế được xác định là không gian cửa ngõ tiếp giáp khu du lịch Kỳ Nam và chân đèo Ngang. Không gian cửa ngõ này được tạo dựng bởi hình ảnh của không gian sinh thái cảnh quan nông nghiệp, khai thác lợi thế về cảnh quan sơn thủy hữu tình giữa vùng cây xanh cảnh quan chân đèo Ngang và mặt nước tĩnh của dòng sông Bò uốn quanh chân đèo. Không gian này được làm sinh động hơn với hình ảnh của các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng thấp thóang trong các vùng cây xanh khai thác tầm nhìn từ phía cửa ngõ vào khu kinh tế. ấn tượng chung cần tạo ra được tại khu du lịch Kỳ Nam là ấn tượng sinh thái tự nhiên, thơ mộng, hoang sơ với sự can thiệp rất nhẹ, rất hài hòa của con người.
- Về phía Nam, cửa ngõ khu kinh tế được xác định là khônggian quanh các nút giao cắt giữa QL1A nắn tuyến và các trục chính đi xuống cảng Vũng áng và cảng Sơn Dương. Các nút giao cắt này được tổ chức với các hình thức đa dạng. Các công trình quanh các nút giao cắt này cần được quy hoạch với khoảng lùi lớn, có vùng đệm cây xanh quanh nút.
· Quy hoạch không gian chiều cao:
Không gian xây dựng Khu kinh tế Vũng áng kề cận với núi Bàn Ðộ ở phía Tây và núi Hoành Sơn ở phía Nam, bao bọc núi Sang, núi Càn và núi Giòn vào trong khu kinh tế, chiều cao các công trình xây dựng trong khu kinh tế được quy hoạch để khai thác yếu tố cảnh quan tự nhiên đồng thời tạo nên một số điểm và khu vực có chiều cao tầm nhìn nổi bật cho đô thị nhằm hình thành đường chân trời của đô thị có dáng dấp hiện đại và làm điểm nhấn nhìn từ trên cao xuống đô thị. Các khu đô thị được xây dựng theo các mô hình nhà ở khác nhau, nhưng cần bố cục hợp lý để tạo diện mạo đô thị đẹp, không manh mún và đặc trưng cho từng khu vực.
Dựa trên nguyên tắc kết hợp tuyến, điểm và diện, căn cứ hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất để xác định:
- Diện: Các diện được hình thành bởi các khu chức năng với tổ chức không gian theo chiều cao tương đối đồng nhất như: khu nhà vườn biệt thự và các trung tâm dịch vụ du lịch ven biển không quá cao tầng, ẩn hiện trong không gian xanh của vườn cây sinh thái tại Kỳ Trinh và Kỳ Hà; Khu đô thị mới Kỳ Trinh là hình ảnh quần thể khu đô thị cao tầng và có tầng cao thấp dần về phía Ðông giáp sông Quyền; Các khu đô thị phía Nam QL1A khai thác diện thoải dần từ phía núi Hoành Sơn ra phía bắc; Trung tâm thương mại tài chính kề cận với cảng trung chuyển là diện tạo bởi các tổ hợp cao tầng hiện đại nổi bật trên nền xanh của công viên và mặt nước hồ trung tâm; Khu vực sản xuất công nghiệp là không gian thấp tầng mang dáng dấp hiện đại, tầng cao xây dựng và mật độ xây dựng thấp, khối tích công trình lớn.
- Tuyến : Dọc theo các trục chính đô thị, khuyến khích tầng cao tối thiểu 5 tầng và tầng cao xây dựng trên 12 tầng; Dọc theo trục du lịch là không gian của các trung tâm dịch vụ du lịch sinh động, nhưng vẫn cần tạo không gian thoáng đãng với hình ảnh của các công trình nhà nghỉ - biệt thự thấp tầng ẩn hiện trong không gian cây xanh, tạo cảm giác thư giãn; Dọc theo hệ thống sông là các tuyến cây xanh - mặt nước, xa hơn là hình ảnh các khu đô thị được nhấn mạnh bởi các ’’cạnh’’ ngoài và hình bóng tổng thể của các khu đô thị; Các tuyến đường chính khu vực khai thác không gian sinh hoạt phong phú và tiện nghi cho người dân đô thị.
- Ðiểm: tạo các điểm nhấn về không gian chiều cao hoặc không gian mở đan xen trong các diện hoặc điểm xuyết trên các tuyến, khai thác các điểm nhìn là các đỉnh cao của núi tự nhiên hoặc các điểm nhìn thuận lợi đón hướng mở từ các khu chức năng về phía các triền núi.
- Các khu ở cao tầng: khuyến khích tầng cao xây dựng từ 9 tầng trở lên (tầng cao tối thiểu 5 tầng), khu vực kề cận với trục dịch vụ trung tâm khuyến khích xây dựng từ 12 tầng trở lên (tầng cao tối thiểu 9 tầng).
Ðối với các công trình hành chính: có thể đan xen với một số văn phòng doanh nghiệp; Không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực này cần được bố trí ngăn nắp, nghiêm túc, các công trình kiến trúc cần có khoảng lùi tối thiểu là 10m, bố trí không gian cây xanh cảnh quan, khuyến khích không dùng hàng rào cứng nhằm sử dụng không gian quảng trường trước trung tâm hành chính đô thị như một quảng trường công cộng trung tâm của đô thị, là điểm giao lưu văn hóa, nghỉ ngơi thư giãn của người dân và du khách.
- Các khu vực đào tạo nghề, khu công nghệ cao, nghiên cứu khoa học, y tế, tầng cao tối thiểu 3 tầng, tạo thành các khối công trình tương đối lớn.
- Các khu nhà vườn biệt thự và trong các khu dân cư làng xóm hiện hữu kề cận khu du lịch, không xây dựng nhà cao trên 3 tầng.
- Các khu vực khác, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể để xác định chiều cao của công trình kiến trúc cho phù hợp.
thiết kế đô thị Khu trang trại tái định cư :
Trong khu Kinh tế, vẫn giữ lại các không gian sinh thái nông nghiệp. Có chiến lược để dần dần biến các khu sinh thái nông nghiệp thành các khu nông nghiệp cảnh quan có thể kết hợp khai thác dịch vụ du lịch sinh thái.
Khu tái định cư cho các hộ gia đình có nhu cầu tiếp tục canh tác nông nghiệp được tổ chức dạng các trang trại tại khu vực chân núi Hoành Sơn với mô hình quy hoạch cho mỗi hộ khai thác đặc điểm địa hình của khu vực này:
+ Dọc theo các tuyến phân lưu bố trí các tuyến đường nội bộ;
+ Mỗi trang trại/hộ gia đình một mặt tiếp giáp với đường nội bộ, một mặt tiếp giáp khe tụ thủy/suối, có quy mô tối thiểu 0,5ha;
+ Các trang trại nối tiếp nhau dọc theo triền đồi tạo thành cảnh quan sinh thái nông nghiệp;
Dọc theo suối bố trí đường dạo kết hợp đường đi xe đạp, đi ngựa để du khách có thể thưởng ngoạn cảnh quan.
Sơ đồ định hướng phát triển không gian
3. Ðịnh hướng phát triển Giao thônga)Giao thông đối ngoại:
- Ðường thuỷ: Cảng Vũng áng, năng lực nhận tàu chở hàng tải trọng 50.000 DWT; Cảng Sơn Dương có khả năng tiếp nhận tàu 200.000 DWT, tiếp nhận và trung chuyển hàng hóa, đồng thời là cảng chuyên dùng phục vụ công nghiệp. Tổng công suất cụm cảng dự báo đến năm 2015 khoảng 8 - 12 triệu tấn/năm, đến năm 2025 khoảng 20 - 25 triệu tấn/năm.
- Ðường bộ: Xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1A về phía Nam; Xây dựng tuyến quốc lộ ven biển, trên tuyến bố trí hành lang vận tải chuyên dụng (phục vụ chuyển tải quặng sắt từ mỏ Thạch Khê về đến tổ hợp luyện thép) và một số hành lang hạ tầng kỹ thuật khác, hệ thống đường gom được thiết kế chạy dọc tuyến khi qua khu vực đô thị, tại các điểm giao cắt với các tuyến đường chính đô thị, tổ chức nút giao cắt lập thể.
- Ðường sắt: Xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng nối cảng Vũng áng và cảng Sơn Dương với tuyến đường sắt Bắc Nam.
b)Giao thông trong khu kinh tế
- Quy hoạch các hướng tuyến giao thông chính theo hướng Bắc – Nam, Ðông – Tây kết nối các khu chức năng đô thị, có làn đường riêng cho xe thô sơ, khuyến khích sử dụng xe đạp;
c) Công trình phục vụ giao thông:
- Ðầu mối giao thông: Tổ chức các nút giao thông khác mức kết nối liên thông giữa các cấp đường ôtô cao tốc, đường bộ đối ngoại, đường liên đô thị và đường đô thị.
-Bến, bãi đỗ xe: Quy hoạch 2 bến xe tại khu vực nút giao cắt giữa quốc lộ 1A và tuyến trục chính phía Tây và tại khu vực đô thị phía Nam với tổng diện tích khoảng 15ha; Các bãi đỗ xe công cộng tập trung được xây dựng tại các trung tâm công cộng, khu văn phòng, các khu công viên cây xanh, quy mô tuỳ thuộc vào quy mô công trình.
d) Tổ chức giao thông công cộng:
-Phương tiện được lựa chọn là xe buýt.
-Dự kiến bố trí 7 tuyến: 1 tuyến vòng, 6 tuyến thẳng kết nối các điểm tập trung, thu hút gao lưu trong khu kinh tế: Khu công nghiệp đa ngành, khu công nghiệp gắn với cụm cảng Sơn Dương, cảng Vũng áng, khu du lịch Bắc Kỳ Ninh, các khu trung tâm dịch vụ đô thị (Bắc Kỳ Trinh, Nam Kỳ Trinh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương).
e) Chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật hệ thống giao thông đến năm 2025:
-Tổng diện tích xây dựng khu kinh kế: 10.151 ha
- Tổng diện tích đất giao thông chính: 1.250 ha
- Tỷ lệ đất giao thông chính: 12,3%.
4. Ðịnh hướng chuẩn bị kỹ thuật:
a. San nền: Cao độ san nền xác định không bị ngập lụt với tần suất 1%, có tính đền chế độ thủy văn, chiều cao sóng.
b. Thoát nước mặt:
-Hệ thống thoát nước mưa riêng.
-Hướng thoát nước chính: ra lưu vực sông Quyền, Sông Trí và sông Vinh, sau đó ra cửa Khẩu và thoát ra Biển Ðông.
c. Các công tác CBKT khác :
- Nạo vét và kè các khu vực sông suối chính giữ lại trong khu vực dự kiến phát triển.
- Kè hồ tạo cảnh quan.
Kè chắn tại các khu vực có nguy cơ sạt lở.
5.Ðịnh hướng cấp nước
-Nhu cầu cấp nước: Năm 2015 là 49.000 m3/ngđ; Năm 2025 là 109.000 m3/ngđ.
Nguồn nước: Ðến năm 2015: Nước sạch cho khu đô thị, khu du lịch và công nghiệp cần nước sạch lấy từ hồ Kim Sơn, hồ Thượng Sông Trí. Xây dựng hệ thống cấp nước thô riêng cho nhà máy nhiệt điện và nhà máy cán thép. Yêu cầu thiết kế dây chuyền công nghệ đáp ứng việc sử dụng nước tuần hoàn. Ðến năm 2025: bổ sung thêm nguồn nước hồ Rào Trổ, hồ Sông Rác.
6.Ðịnh hướng cấp điện
- Tổng phụ tải điện yêu cầu của Khu kinh tế Vũng áng đến năm 2015 là khoảng 319mW và đến năm 2025 là khoảng 592mW.
-Nguồn điện: Xây dựng trung tâm điện lực Vũng áng có tổng công suất 2400MW. Ðược chia làm hai giai đoạn:
+Giai đoạn I: Công suất 1.200MW, xây dựng tại xã Kỳ Lợi.
+ Giai đoạn II: Công suất 1.200MW, bố trí tại phía Ðông Nam xã Kỳ Phương.
Các nhà máy điện này sẽ đấu nối với lưới điện Quốc gia qua trạm biến áp nâng áp theo từng dự án cùng các đường dây 220kV và 500kV.
- trạm 220kV riêng. Xây dựng 1 trạm biến áp 220KV- 2x125MVA, điểm đấu từ đường dây 220kV hiện có. Xây dựng các trạm 110kV phục vụ từng vùng phụ tải.
7. Ðịnh hướng thóat nước thải - vệ sinh môi trường
- Xử lý nước thải phân tán cho từng cụm công nghiệp và các khu dân cư đô thị.
- Hệ thống thoát nước bẩn riêng hoàn toàn. Có 2 hệ thống thoát nước: hệ thống thoát nước thải công nghiệp và hệ thống thoát nước thải khu đô thị.
- Nước thải công nghiệp cần được làm sạch theo hai bước:
+ Xử lý nước thải cục bộ trong nhà máy tới giới hạn C theo TCVN.
+ Làm sạch lần 2 tại trạm xử lý nước thải tập trung tới giới hạn B theo TCVN trước khi xả ra môi trường bên ngoài.
Công nghiệp thép và nhiệt điện cần tận dụng có quy trình tuần hoàn nước thải quy ước sạch, tái sử dụng tối đa để giảm thải ra môi trường.Nội dung chi tiết download tại đây: QHC-KhuKTVungAng.doc
*Đồ án của Viện KT, QH ĐT&NT đoạt giải Nhì cuộc thi “ý tưởng quy hoạch tổng thể khu đô thị Cảng Hiệp Phước”:
Kiến trúc xanh và những vấn đề đang tồn tại tại Việt Nam
Tôi đã ngồi viết bài tham luận này bằng tay trong một buổi trưa oi nóng vì cúp điện ở Hà nội. Tất nhiên, thư ký của tôi sẽ đánh máy lại khi văn phòng có điện. Việc năng lượng dần cạn kiệt đang đánh thẳng vào công việc và cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Và kiến trúc xanh sẽ là một giải pháp thiết thực và cấp bách. Không như mọi người vẫn hình dung về một hình ảnh các khu nghỉ mát sang trọng rợp bóng cây hay các toà nhà hi-tech cực kú hiện đại, kiến trúc xanh mang đến cái lợi trực tiếp: giá điện ngày càng cao và nếu tuân thủ thiết kế theo mô hình xanh, hoá đơn tiền điện sẽ giảm rất nhiều. Chi phí y tế cũng sẽ giảm nếu thiết kế xanh, môi trường ở và làm việc sẽ giảm thiểu bụi bặm và các hoá chất độc hại.
Tuy nhiên, trong thực tế tại Việt Nam, việc triển khai nhân rộng mô hình “kiến trúc xanh” vẫn còn kém hiệu quả. Chúng ta hãy bước đầu đi tìm một vài nguyên nhân để từ đó có thể đề ra biện pháp quảng bá, khuyến khích và nhân rộng mô hình này.
Về vật liệu xây dựng
Đây là một trong những “vướng mắc” hiện nay trong việc nhân rộng mô hình kiến trúc xanh. Một điều hiển nhiên không thể chối bỏ là: vật liệu xây dựng cho mô hình kiến trúc xanh thường có giá thành ban đầu cao vì phải đáp ứng được một số yêu cầu đặc biệt: Ví dụ như kính 2 lớp để giảm bức xạ nhiệt, tổ chức và tận dụng sự lưu chuyển năng lượng trong ngôi nhà; sử dụng cảm ứng để điều chỉnh ánh sáng đèn thích hợp, làm tường 2 lớp để ổn định và cách nhiệt…
Chúng ta đã biết, năng lượng được coi là mối quan tâm hàng đầu trong thiết kế nhà ở “kiến trúc xanh” ở hai khía cạnh. Thứ nhất, năng lượng tiêu hao để tạo ra sản phẩm sẽ phải được chọn ở mức thấp nhất. Ví dụ, một bức tường gạch có thể được đem so với bức tường kính xem cần bao nhiêu năng lượng (than, điện…), bao nhiêu vật liệu khai thác từ thiên nhiên để tạo ra bức tường gạch và kính đó. Cái nào tiêu dùng ít năng lượng hơn sẽ được chọn. Đây là vấn đề xuất phát từ ý thức của con người nhằm làm giảm tác động lên môi trường. Với xu hướng đó, trên thế giới người ta ngày càng dùng nhiều bê tông nhẹ chịu lực cao, gia tăng sử dụng các vật liệu mới. Công nghệ vật liệu mới cũng cho phép sử dụng kết cấu mới có kích cỡ nhỏ, ít chiếm chỗ hơn kết cấu bê tông cốt thép kiểu cũ. Điều này cho phép dành nhiều không gian hơn cho nhu cầu ở và sinh hoạt, khoảng trống, mảng xanh trong nhà... Và tất nhiên, suất đầu tư ban đầu sẽ lớn hơn hẳn với nhà thông thường cùng loại.
Thứ hai, năng lượng tiêu hao để vận hành sử dụng toà nhà cũng sẽ được xem xét từ trong quá trình thiết kế. Đây là vấn đề phức tạp trong việc giải quyết. Các thiết bị tận dụng năng lượng trực tiếp từ thiên nhiên như nắng, gió… trước đây gặp trở ngại vì giá thành thường cao. Tuy nhiên hiện nay, việc ứng dụng đã khả thi hơn nhờ công nghệ có bước đột phá, giá thành giảm. Chẳng hạn như pin mặt trời trước đây chỉ có hiệu suất 25% (biến 25% năng lượng mặt trời chiếu xuống một đơn vị diện tích tấm pin thành năng lượng hữu ích) thì nay có thể đạt hiệu suất 60%. Đó cũng là một tín hiệu mừng cần ghi nhận.
Về khung thể chế và pháp lý
Viện Kiến trúc Mỹ hàng năm đều có bình chọn sản phẩm trao giải Top 10 công trình xanh. “Xanh” cũng là một tiêu chí lớn trong 10 công trình kiến trúc nổi bật của năm 2007 do tạp chí Time bình chọn. Tiến sĩ Matthias Krups, Chủ tịch tập đoàn thông tin xây dựng BCI và tạp chí kiến trúc FuturArc cho rằng: “Đây là trách nhiệm của kiến trúc sư ngay từ khi bắt đầu bản vẽ. Phải cẩn trọng giúp giảm chi phí cho công trình trong suốt vòng đời của nó, qua đó giảm ảnh hưởng đến môi trường”.
Tại Trung Quốc, Skidmore, Owings & Merrill đã thiết kế dự án tòa nhà chọc trời không tiêu hao năng lượng đầu tiên ở Trung Quốc, dự kiến hoàn thành vào năm 2009. Mang tên “toà tháp Châu Giang” với 71 tầng, đây sẽ là toà nhà sạch đầu tiên ở Trung Quốc, bởi chỉ sử dụng nguồn năng lượng dựa vào sức gió và ánh nắng mặt trời. Thiết kế mới của Skidmore, Owings & Merrill được coi là động thái có tính khích lệ trong bối cảnh Trung Quốc có khoảng 50% ô nhiễm là từ các toà nhà. Và hiện các nhà chức trách ở các thành phố lớn nước này đang dần xúc tiến việc phát triển tốt cho môi trường bằng việc loại các dự án không thoả mãn các tiêu chuẩn sạch và hỗ trợ tài chính cho các công nghệ mới thân thiện môi trường.
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng đã lập quỹ thưởng cho cá nhân, tập thể, công sở nào tận dụng diện tích mái nhà trồng thảm cỏ, cây xanh trên cao. Nhờ mức thưởng tăng theo diện tích “thảm xanh” tạo ra so với diện tích nhà xây mà thúc đẩy được tốc độ xã hội hóa tăng “diện tích xanh” để thay đổi vi khí hậu trong các tiểu khu đô thị, khắc phục ô nhiễm khói bụi, tăng ô xy tự nhiên. Các bể bơi lộ thiên cũng được xây ở mái bằng tòa nhà để tăng diện tích mặt nước, tận dụng đất trống giữa các nhà cao tầng để xây bể bơi, làm bồn phun nước, cải thiện vi khí hậu, tiết kiệm năng lượng cho các toà nhà.
Ở Việt Nam, ngày 3/9/2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2003/NĐ-CP về việc "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" trong đó có đề cập đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Hưởng ứng Nghị định này Bộ Xây dựng đã có kế hoạch biên soạn Quy chuẩn xây dựng- Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả và Quy chuẩn này đã được ban hành vào tháng 11/2005 (QCXDVN 05: 2005). Đây là văn bản pháp quy kỹ thuật quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế và sử dụng các thiết bị như thiết bị chiếu sáng, điều hoà không khí, thiết bị đun nước nóng hoặc các thiết bị khác sử dụng nhiều năng lượng trong các công trình thương mại, trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, nhà ở cao tầng, khách sạn... Ngày 14/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 79/2006/QĐ-CP về việc Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ Xây dựng là một trong các Bộ được giao chủ trì thực hiện nội dung "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu qủa trong toà nhà" .Bộ Xây dựng cũng đó ra nhiều tiờu chuẩn như “Nhà ở cao tầng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, “Nhà văn phòng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”,…
Tuy nhiên, chưa có một chế tài cụ thể cho việc khuyến khích các công trình được xây dựng theo mô hình kiến trúc xanh, cũng như các hướng dẫn chi tiết và đồng bộ. Bản thân công trình vốn đã không được sự “hưởng ứng” từ phía các nhà đầu tư (vì suất đầu tư ban đầu khá cao) lại không được khuyến khích và quảng bá một cách thiết thực từ các nhà quản lý xây dựng, từ chính quyền đô thị. Vì thế trong thực tế, các công trình “nhà ở thông minh”, “công trình tiết kiệm năng lượng”… vẫn tồn tại lẻ tẻ dưới dạng một dự án đơn lẻ mà không có bất cứ sự “tuyên dương”, giới thiệu hay quảng bá nào và được ít người biết đến để rút kinh nghiệm và học tập.
Hiểu biết chung về kiến trúc xanh: còn hạn chế
Số lượng các tài liệu về kiến trúc xanh lưu hành tại Việt Nam chưa nhiều và chưa được phổ cập rộng rãi. Một điều cần nhấn mạnh là đa phần các tài liệu có xuất xứ từ Châu Âu hay Bắc Mỹ, nơi người ta chủ yếu chống lạnh, trong khi tại Việt Nam, vấn đề chống nóng và thoát ẩm phải đặt lên hàng đầu (Thực tế, đây là hai nhiệm vụ khá mâu thuẫn gây khó khăn cho người thiết kế tại Việt Nam). Kiến trúc xanh không có một quy tắc chung mà vấn đề bối cảnh địa phương phải đặt lên hàng đầu, từ đó mới xem xét giải pháp nào là phù hợp, tức là cách ứng dụng nguyên lý thiết kế ở đâu, như thế nào… mới là kết quả cuối cùng cho một mô hình kiến trúc xanh.
Liên quan đến vấn đề này, ta có thể nghe câu chuyện của của tiến sĩ Goh Chong Chia, chủ tịch Uỷ ban tiêu chuẩn xây dựng của Quốc hội Singapore, nguyên chủ tịch Tổ chức kiến trúc sư Singapore SIA (Singapore Institute of Architects) về quan niệm và ứng dụng xanh của ông: Singapore dùng rất nhiều máy lạnh và rất nhiều người phương Tây khuyên chúng tôi đừng dùng nữa, tôi trả lời rằng: "Khi nào anh ngừng sưởi nhà anh vào mùa đông thì tôi sẽ ngừng máy lạnh". Câu hỏi thật ra phải là: "Làm thế nào để sử dụng năng lượng chạy máy lạnh hiệu quả nhất?". Khác với vùng ôn đới: mặt trời luôn ở phía bắc hay phía nam, tuỳ thuộc nhà ở nam hay bắc bán cầu nên phải mở cửa sổ về hướng đó để lấy nhiệt. Ở vùng nhiệt đới thì ngược lại, chúng tôi cần tránh nhiệt, mặt trời nằm ở phía đông và tây nên tường quay về phía đó và phải được che chắn cách nhiệt tốt. Mái nhà là nơi bị chiếu sáng suốt ngày nên phải chống nóng cho mái và tôi thường dùng mái có nước, nước cản nóng rất tốt. Dĩ nhiên nó sẽ sinh nhiều vấn đề như muỗi chẳng hạn. Cho nên tuỳ theo vị trí mái có chăm sóc, bảo trì dễ hay không để khắc phục: Thả cá được không? Làm vườn cảnh được không?…
Một số nghiên cứu của các kiến trúc sư, nhà hoạt động môi trường trong khu vực… cần phải được quảng bá và phổ cập rộng rãi cho những người làm nghề cũng như người sử dụng. Tại Viện nghiên cứu kiến trúc quốc gia, trong buổi nói chuyện của một chuyên gia hàng đầu về kiến trúc xanh tại Đài Loan: Giáo sư Lâm Thế Đức - giảng dạy tại khoa Kiến trúc của trường Đại học Thành Công – Đài Loan đồng thời là cố vấn của Chính phủ Đài Loan về kiến trúc Xanh và tiết kiệm năng lượng, cũng đã nhấn mạnh về vấn đề này mà Đài Loan, và hiện thời là Việt Nam, đã và đang mắc phải. Ông cũng đề cập đến hệ thống kiến trúc xanh ở Đài Loan với 9 tiêu chí tóm gọn lại là EEWH (Ecology – Energy saving – Waste reduction – Health) trong đó tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm nước là 2 tiêu chí quan trọng nhất. Các kinh nghiệm của Đài Loan, Thái Lan, Malaysia hay Singapore… rất đáng để chúng ta tham khảo và học tập.
Tóm lại, trước khi muốn ứng dụng rộng rãi mô hình kiến trúc xanh trong tiết kiệm năng lượng, chúng ta cần có những bước khảo sát, chuẩn bị, nghiên cứu lý thuyết… để có thể ứng dụng một cách hiệu quả nhất và đặc biệt cần thiết phải đưa ra được một mô hình hợp lý để năng lượng được sử dụng hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển bền vững tại Việt Nam./.
TS.KTS.Lê Thị Bích Thuận
* Ý kiến:
14 năm trước(1994), tôi đã đề cập đến vấn đề kiến trúc cảnh quan(landscape architecture) và vấn đề hôm nay mà chị Bích Thuận gọi là "kiến trúc xanh". Bàn đến"kiến trúc xanh" mà xem nhẹ kiến trúc cảnh quan thì hình như ...khập khiễng, không nắm được tầm quan trọng của kiến trúc cảnh quan; thậm chí các KTS đang kiêm luôn công việc kiến trúc cảnh quan mà không cần biết căn bản của bộ môn này là gì. Các trường đại học ở California đã đưa vào giảng dạy các môn "kiến trúc xanh"(sustainable & regenerative studies,saving energies, etc...); các SV kiến trúc có thể lấy các lớp này như là "nhiệm ý"(support courses). Vả lại, nếu thích, ai cũng có thể truy cập thông tin về "kiến trúc xanh" từ internet dễ dàng, chị Bích Thuận đừng sợ thiếu tài liệu tham khảo; chỉ lo là không ai chịu tìm hiểu, nghiên cứu mà thôi.
Mong sao VN sẽ không chỉ xây dựng bộ môn kiến trúc cảnh quan(landscape architecture) này thành một phân khoa mà còn đưa nó lên thành một nghệ thuật như người Nhật và người Hoa đã thành công khi cả TG phải học hỏi về môn Japanese - Chinese landscape architecture; trong đó có nghệ thuật chơi bonsai, vườn thiền(zen garden), không thua gì English hay France garden. Landscape architecture vừa là một nghệ thuật(art), vừa là một kỹ thuật( cho cả planning, design, management , preservation, rehabilitation,man-made construction và irrigation; chưa kể kỹ thuật nhà vườn bao gồm trồng, chiết, ghép, phân bón...). Công việc của landscape architectural design thường bao gồm luôn site planning, housing estate development, environmental restoration, town or urban planning, urban design, parks and recreation planning, regional planning, landscape urbanism, historic preservation) chứ không phải chỉ là làm vườn cho nhà ở(residential), khu kỹ nghệ(industrial) hay thương mại(commercial building), chung cư(apartment), hay công cộng(public park/ garden). Vì vậy, công việc đào tạo landscape architect phải đưa vào chính qui và đòi hỏi phải đáp ứng trình độ quốc tế. Suốt bao nhiêu năm qua, VN vẫn chưa coi trọng bộ môn này và rõ ràng vẫn chưa có đất dụng võ vì tất cả kTS đều làm thay cho KTS cảnh quan. Hy vọng rằng người VN chúng ta sẽ không coi nhẹ mảng này vì đây là một điểm mạnh của Á châu; nhất là khi người Hoa và người Nhật đã có một "bề dày" lịch sử phát triển một "trường phái"/ khuynh hướng riêng (Chinese & Japanese Landscape Architecture) mà cả TG phải học hỏi. Cần đào tạo chính qui hẳn hoi về cả tiết kiệm năng lượng(Energy conservation) trong thiết kế lẫn xây dựng(to reduce energy consumption and promote sustainable design and construction),bảo vệ môi sinh khi kết hợp thiết kế với nghiên cứu khoa học(link design and science) chứ không chỉ có Landscape Architecture mà thôi(không phải chỉ trồng cỏ mà còn có planting & irrigation, design- maintenance-construction) và cần có những cuộc thi sáng tạo để khuyến khích cho bộ môn này phát triển.
Một yếu tố khác mà chị đã nêu ra: vấn đề chống nóng và thoát ẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức; thậm chí cứ xây nhà kính rồi xài máy lạnh(hay quạt máy?) nhưng đến khi cúp điện thì sẽ biết mùi đau khổ. Còn nhiều vấn đề khác cần bàn thêm nữa, từ vấn đề thiết kế đến vật liệu, xem ra phải viết thành nhiều bài khác nhau để trình bày rõ ràng, cụ thể từng vấn đề... nhưng có lẽ cũng chỉ để nghe qua rồi ...bỏ (như 14 năm qua?). Kiến trúc nước ta cần làm quen với nhiều kỹ thuật, vật liệu và quan niệm thiết kế mới khi hội nhập; trong đó có sự kết hợp với nghiên cứu khoa học và giải quyết những bài toán của đời sống.
7 kỳ quan công nghệ xanh
1 Dự án có tên Lilypad được xem là giàu trí tưởng tượng nhất trong bảy kỳ quan. Ý tưởng chủ đạo của dự án Lilypad là tạo ra một loạt “hòn đảo - thành phố” đa dạng về sinh thái, có khả năng tự duy trì trên mặt đại dương với sức chứa 50.000 cư dân mỗi đảo. Tại trung tâm của đảo là những hồ thu và lọc nước để sử dụng trong sinh hoạt. Khi mực nước tăng lên, đe dọa nhiều hòn đảo tự nhiên và các nơi cư trú khác trên địa cầu thì quần thể đảo nhân tạo Lilypad chính là nơi tị nạn cho những cư dân thế giới bị mất chỗ ở.
2 Ấn tượng nhất của Trung tâm thương mại thế giới mới (WTC) đang xây dựng ở Bahrain chính là ba tuôcbin gió khổng lồ nằm giữa hai tòa tháp cấu thành tòa nhà chính. Mỗi tuôcbin sải cánh 24m này nhô ra khỏi cây cầu nối hai tháp. Hình dáng của tòa nhà tạo điều kiện tối đa cho gió đổ về và mạnh lên để biến thành năng lượng thắp sáng và sinh hoạt phục vụ tòa nhà. Đây cũng là công trình năng lượng gió lớn nhất gắn liền vào một tòa nhà trên thế giới.
3 Tuôcbin gió MagLev (MagLev wind turbine) là bước tiến vượt bậc của công nghệ năng lượng gió. Bằng cách dùng từ tính để làm chuyển động những cánh quạt, việc ma sát sẽ bị loại bỏ, năng lượng sản xuất sẽ nhiều hơn mà không cần bất cứ kích thích nào khác vì từ tính không đòi hỏi năng lượng để vận hành. Theo tính toán, một tuôcbin gió MagLev tương đương với 1.000 quạt gió tiêu chuẩn như trong ảnh. Về mặt lý thuyết, MagLev có thể tồn tại trong nhiều thế kỷ và có thể cung cấp năng lượng cho 750.000 ngôi nhà so với 500.000 ngôi nhà của hệ thống quạt gió 1.000 chiếc. Nó chỉ chiếm diện tích 100 acre so với 64.000 acre của hệ thống quạt gió 1.000. Dù đầu tư ban đầu có thể lên đến hàng trăm triệu USD nhưng hiệu quả tuôcbin gió MagLev mang lại là vô cùng lớn.
4 Ngọn tháp mặt trời lóng lánh này trông giống như có trong Thánh kinh nhưng lại nằm ở vùng nông thôn Tây Ban Nha đầy nắng. Nó mọc lên tại tâm điểm của một quần thể tấm thép thu ánh nắng mặt trời để phản xạ đến cỗ máy trao đổi nhiệt (heliostat) nằm ở đỉnh tháp. Cỗ máy này sẽ biến năng lượng mặt trời quần tụ về thành hơi nước chứa trong những chiếc bồn kín dùng để vận hành mạng tuôcbin đủ sức sản xuất điện sinh hoạt cho 6.000 ngôi nhà.
5 Dù ý tưởng về các nông trại kết hợp nhà chọc trời tại đô thị vẫn còn là lý thuyết, nhưng chẳng bao lâu nữa chúng sẽ trở thành hiện thực khi các đô thị lớn đông dân cần được cung cấp thực phẩm ngay tại chỗ. Những bản thiết kế nông trại trên cao này đều có hệ thống tái chế nước cùng các phương pháp tự duy trì khác nhằm giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng xấu đến môi trường và tối đa hóa hiệu năng của nông trại. Tuy nhiên, do kích cỡ khá lớn chúng sẽ tốn nhiều tiền để xây dựng. Chính trở ngại này đã khiến các dự án nông trại trên cao phải tạm hoãn lại thêm một thời gian.
6 Thành phố sinh thái Đông Than ở Trung Quốc không chỉ là thành phố sinh thái đầu tiên được thiết kế trên thế giới mà còn là thành phố có thể tự duy trì về văn hóa, xã hội và kinh tế. Chiếm diện tích hơn 50 dặm vuông gồm hai khu đô thị và nông nghiệp, thành phố trông cậy vào gió và năng lượng mặt trời riêng của nó cùng chiến thuật canh tác hữu cơ tiên tiến. Vận tải công cộng trong thành phố sẽ không cho ra khí thải độc hại. Có thể nói đây là phiên bản mẫu của một thành phố sinh thái lớn hơn trong tương lai gần.
7 Tòa nhà chọc trời có tên Ngọn hải đăng cao hơn 300m được thiết kế sao cho việc tiêu thụ nước và năng lượng chỉ bằng phân nửa những tòa nhà cao bằng nó. Mục tiêu này đạt được là nhờ cách thiết kế tận thu năng lượng mặt trời và sử dụng kỹ thuật thu gom gió tốt nhất. Khả năng thu hồi nước và năng lượng nội tại cũng được tăng cường. Khi xây dựng xong, tòa nhà này sẽ là phiên bản cho mô hình thiết kế xanh tương lai tại các đô thị có mật độ xây dựng cao. (Theo 7 modern wonders of green technology)Vườn thẳng đứng - xu hướng mới
Patrick Blank, một người từng làm việc tại các viện bảo tàng ở Paris, Istanbul, Madrid và bảo tàng Nghệ thuật đương đại thế kỷ 21 tại Kanazawa..., đã tạo dựng một khu vườn thẳng đứng rất đẹp. Khu vườn có rất nhiều loại cây len lỏi vào không gian nội thất và tường bao. Patrick không chỉ đơn giản là thêm thắt màu xanh trên tường, ông đã nghiên cứu rất nhiều phương cách để cây có thể thích nghi với điều kiện rất đặc biệt này tại Trung tâm nghiên cứu khoa học của Pháp CNRS, từ năm 1982.
Các công trình tiêu biểu của "Vườn thẳng đứng". |
Sau đó, ông từng bao phủ nội thất của cửa hàng Girbaud tại Paris với rêu và dương xỉ, và thiết kế cho những công ty như Samsung và Hypo Vereinsbank. Ông cũng đã từng đóng góp cho nhà thiết kế Jean Paul Gaultier bộ trang phục cưới đầy màu xanh tại fashion show của Gaultier năm 2002 với nhiều loại cây leo quanh những đường cong của người mẫu.
"Tác phẩm" ngẫu hứng của Patrick Blank. |
Để hoàn thành một tác phẩm này, các chuyên gia sẽ sử dụng phương pháp ẩn dấu, tường nhà khi đó sẽ gồm ba phần: một khung sắt, một lớp nhựa PVC và vải nỉ. Khung sắt được treo trên tường hoặc có thể tự đứng được. Nó cung cấp một lớp không khí đóng vai trò là một hệ thống cách nhiệt và âm hiệu quả.
Lớp nhựa PVC dày 1 cm được đóng lên khung sắt. Lớp nhựa này mang lại độ cứng chắc cho toàn bộ hệ thống và chống nước. Sau đó, lớp vải nỉ sẽ được tiếp tục gắn lên lớp PVC. Lớp nỉ này chống lại sự ăn mòn và khả năng dẫn nước cao, sẽ phân phối lượng nước một cách đồng đều. Rễ cây sẽ phát triển lên lớp nỉ này.
Thông thường, trọng lượng toàn bộ của vườn cây thẳng đứng này, gồm cả cây và khung sắt thấp hơn 30 kg mỗi m2. Vì vậy, vườn thẳng đứng có thể đựng trên bất cứ loại tường nào và không bị giới hạn bởi kích thước hay độ cao. Ngoài ra, theo các nghiên cứu, thực vật không nhất thiết phải cần đến đất trong bất kỳ hoàn cảnh nào bởi đất chỉ là một cách hỗ trợ mang tính máy móc. Chỉ có nước và khoáng chất hòa tan mới là thành phần thiết yếu cho thực vật, cộng với ánh sáng và khí CO2 để hô hấp quang hợp.
Quá trình chăm sóc không quá khó khăn. Việc tưới nước sẽ được thực hiện từ trên cao bằng vòi nước phụ, có bổ sung các chất dinh dưỡng, nhiều nơi hoàn toàn tự động.
Singapore Tower tại Dubai do Ong & Ong thiết kế. |
Những sáng tạo nghê thuật sắp đặt của Patrick Blank là tiên phong cho các kiến trúc sư và nhà thiết kế cảnh quan cho các công trình. Xin giới thiệu công trình Singapore Tower tại Dubai do Công ty Thiết kế Ong & Ong đã vận dụng nguyên lý của cây xanh để tạo nên một không gian sống gần gũi với môi trường cho nhà cao tầng. (Theo Đô Thị)
Thành phân tham gia cuộc thi:
Tác giả: ThS. KTS. Lã Thị Kim Ngân (Viện QHĐTNT-BXD)
TS.KTS. Kelly Shannon (OSA)
Ban cố vấn:
PGS.TS. Lưu Đức Hải
ThS. KTS. Ngô Trung Hải
TS. KTS. Trương Văn Quảng
Các cộng sự:
GS. TS.KTS. Bruno De Meulder (OSA)
KTS. Guido Geenen (WIT)
KTS. Phạm thị Nhâm
KTS. Cao Sĩ Niêm
TS.KTS. NguyễnTrúc Anh
TS.KTS. Trần Thị Lan Anh
TS.KTS. Hồ Bắc
TS.KS . Trần Văn Nhân
KS. Giao thông Đinh Quốc Thái
KTS. Trịnh Văn Lập
KTS. Nguyễn Bảo Ngọc
KTS. Nguyễn Lý Hồng
KTS. Nguyễn Thanh Tú
KTS. Vũ Vân Nga
KTS. Nguyễn Minh Phương
KTS Nguyễn Thị Thu Phương
Sầm Minh Tuấn
Trần Tuấn Anh
ThS.KS Kinh tế. Phạm Huệ Linh
ThS. Minh Huyền (dịch)
ThS.KTS. Hà An
KTS. Đỗ Xuân Anh Vũ
KTS. Hoàng Tấn Trúc
Có 8 đơn vị tham gia dự thi, trong đó có 3 đơn vị trong nước và 5 đơn vị nước ngoài.
1. Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (Việt Nam)
2. Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (Việt Nam)
3. Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam)
4. Ekistic Town & Planning (Canada)
5. GHP Pty.Ltd (úc)
6. Haskoll (Anh)
7. Nikken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản)
8. T.R.Hamzah&Yeang Sgn.Bhd (Malaysia)
Hội đồng chấm giải gồm các GS, TS, KTS hàng đầu trong nước và thế giới:
1. GS.TS.KTS. Liu Thai Ker (Nguyên Giám đốc Cơ quan tái thiết đô thị Singapore - Urban Redevelopment Authority).
2. GS.Jon Lang (School of Built Environment, Trường Đại học New South Wales – úc).
3. KTS.Bertrand Warnier (Tổng thư ký Xưởng Thiết kế quốc tế về quy họach đô thị Sergy – Pointoise).
4. GS.Marcus L. Spiller (Chủ tịch Hội Quy hoạch úc, GS. Ngành Quản lý đô thị trường Đại học Canberra, Giám đốc Công ty SGS Economics and Planning).
5. TS.KTS. Lê Văn Năm – Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, chuyên gia quy hoạch.
6. KTS. Khương Văn Mười (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM).
7. PGS.TS.KTS. Nguyễn Trọng Hòa - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM.
8. ThS. KTS. Trần Chí Dũng (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM).
Ngày 25/3/2008, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 1289/QĐ-UBND, công nhận kết quả chấm giải cuộc thi và ngày 6/6/2008 UBND TP.HCM đã tổ chức lễ trao giải thưởng cho các nhóm đoạt giải Nhất, Nhì, Ba, trong kỳ thi.
- Giải Nhất thuộc về Nikken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản).
- Giải Nhì thuộc về Viện Quy hoạch, Đô thị & Nông thôn - Bộ Xây dựng (nay là Viện KT, QH ĐT&NT) - Giải Ba là Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM (Việt Nam).
Với phương án của Viện QH ĐT-NT Hội đồng đánh giá rất cao ở các khía cạnh như: khai thác hiệu quả cảng, cảnh quan bờ sông, sử dụng hợp lý hệ thống sông rạch tự nhiên và bảo vệ môi trường, cảnh quan; Tổ chức giao thông và phân luồng giao thông hợp lý; Khu trung tâm tạo được hình ảnh rất ấn tượng cho một khu vực cửa ngõ phía Nam TP.HCM với hệ thống các công trình điểm nhấn tiêu biểu.Các nội dung chính của phương án đoạt giải nhì (phương án của Viện QH ĐT-NT- BXD)
Tầm nhìn
Hiệp Phước một đô thị hàng đầu trong thế kỷ XXI, đô thị có đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng và thịnh vượng của TP.HCM (TP. HCM) và khu vực.
Hiệp Phước - một Đô thị Cảng năng động, đẹp và hấp dẫn của Đông Nam á. Nơi có các hoạt động vận tải, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các văn phòng điều vận quốc tế (trung tâm - Logistic) phát triển dựa trên tri thức và công nghệ truyền thông kỹ thuật cao.
Hiệp Phước là một nơi thu hút cộng đồng đến sinh sống, làm việc và đầu tư phát triển sản xuất. ở đây nơi ở, nơi làm việc và nơi nghỉ ngơi giải trí được tổ chức hoà quyện với tự nhiên trong một môi trường sinh thái bền vững.
Mục tiêu phát triển
Đáp ứng nhu cầu chuyển vị trí Cảng Sài Gòn ra phía sông Soài Rạp phù hợp với định hướng phát triển của TP.HCM.
Tạo điều kiện tốt nhất để mở rộng không gian đô thị của TP. HCM hướng ra phía biển.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP và Vùng thành phố.
Cách tiếp cận
Xem xét bối cảnh vùng TP.HCM, TP.HCM, huyện Nhà Bè, vùng sinh quyển Cần Giờ, khu cảng, công nghiệp Long An.
- Không phải là một bản quy hoạch bị chốt cứng về “Đất đai – Cấu trúc đường xá - Hạ tầng cơ sở – Cảnh quan bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật”.
- Đề xuất khung quy hoạch cấu trúc chiến lược thông minh, năng động.
- Khung chiến lược này được chuyển tải thành các dự án chiến lược tương ứng với các điều kiện phát triển năng động, dễ thích ứng nhất với các điều kiện chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường của từng giai đoạn.
- Tạo cấu trúc đặc thù cho Hiệp Phước trong các giai đoạn ngắn và dài hạn.
Các ý tưởng chủ đạo
- Hiện đại – bảo tồn: (mô hình ở hiện đại, mật độ cao, mô hình ở gắn với sông nước mật độ thấp; công viên, rừng ngập mặn; kênh nhân tạo, rạch tự nhiên; phát triển công trình công cộng và bảo tồn các công trình văn hoá, di tích hiện có...).
-Năng động linh hoạt: Tạo ra những khu đất có khả năng đầu tư năng động nhất; thích ứng với dự báo ngập úng và nước biển dâng.
- Tối thiểu về sử dụng đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng đô thị và đầu tư nhưng lại đáp ứng nhu cầu sử dụng và khả năng phát triển một cách tối đa...
- Cân bằng giữa tỉ lệ đào và đắp, giữa các yếu tố tự nhiên và nhân tạo, các yêu cầu đặt ra với khả năng khai thác quỹ đất; phát triển cảng - công nghiệp - đô thị với việc giữ lại không gian môi trường tự nhiên...
- Bền vững: Phòng chống lụt lội, tiêu thoát nước mưa tốt; Xử lý nước bẩn và chất thải rắn công nghiệp; Giảm sử dụng năng lượng; Tăng cường giao thông công cộng; Công nghiệp công nghệ cao; Đô thị cảng sinh thái.
- Cảm nhận về đô thị: Đặc trưng dễ nhận biết qua các làng gắn với cấu trúc kênh rạch phía Tây Hiệp Phước - Cảnh quan hiện trạng được tôn vinh; Chuyển tiếp các không gian chức năng sử dụng đất từ các quy mô XL (lớn) sang XS (nhỏ); Đa dạng về hình thái tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.
- Độc đáo: Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải gắn với đô thị kênh rạch và vùng đất yếu, tạo huớng gió Đông Nam vào đô thị.
- Hài hoà: về tổ chức không gian sử dụng đất.
- Hình ảnh đô thị: Hướng cửa sông, trung tâm sầm uất chung sống hài hoà với cảnh quan tự nhiên (rừng ngập mặn được bảo tồn; mô hình ở truyền thống gắn với kênh rạch, ...).
- Tiên phong: đưa các loại hình giao thông thủy, giao thông công cộng bằng tàu điện và công nghệ thông tin thông minh vào đô thị .
- Hấp dẫn: cơ hội đầu tư lớn và đa dạng. Không gặp khó khăn khi giải phóng mặt bằng và thu hồi đất; dễ dàng đầu tư đồng bộ, đồng thời.
- Khả thi: khai thác ngay chủ trương hình thành vành đai 2; Các cảng cập bờ trong điều kiện đầu tư hạn chế; Gắn kết hợp lí các dự án đã được phê duyệt; Hạn chế tối đa việc phá bỏ các yếu tố hiện trạng và yếu tố tự nhiên; Phân kì đầu tư và các dự án chiến lược phù hợp khả năng đầu tư.
Khung chiến lược về cảnh quan và hình thái đô thị
Cảnh quan A: Phát triển các dự án cảng, công nghiệp và dịch vụ vận tải logistic với quy mô sử dụng đất lớn.
Cảnh quan B: Khu đô thị tập trung - quy mô công trình vừa và lớn.
Cảnh quan C: Khu dân cư – Khu đô thị hoá với quy mô công trình nhỏ gắn với sinh thái rừng ngập mặn.
Cảnh quan D: Khu năng động – thích ứng với nhu cầu và khả năng đầu tư của khu A và B.
Cảnh quan E: Khu vực sinh thái rừng ngập mặn – Bảo vệ môi trường tự nhiên vùng cửa sông Kênh Hàng.
Nguyên tắc tổ chức không gian toàn đô thị
- Tiếp cận tối đa với hệ thống mặt nước.
- Xác lập những liên kết giữa khu vực sinh thái hiện hữu với cấu trúc đô thị.
- Cấu trúc đô thị được tạo lập dựa trên cơ sở xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật công cộng tối thiểu mà chất lượng của các không gian công cộng đô thị đạt được tối đa.
- Tạo khả năng linh hoạt, mềm dẻo dựa trên cấu trúc phân bố đất đai đô thị.
Yêu cầu kiến trúc, cảnh quan:
- Truyền thống và hiện đại.
- Bản địa và toàn cầu.
- Xâydựng tập trung mật độ cao và cảnh quan trên diện rộng.
Giải phảp quy hoạch chung:
Không gian kiến trúc cảnh quan rõ ràng, mạch lạc, phù hợp với hình thái đô thị sông nước và được chia thành 2 diện lớn: phía Đông sát với sông Soài Rạp là phần có tác động nhân tạo nhiều hơn, và phía Tây là khu vực ưu tiên tôn vinh những giá trị nhân văn và cảnh quan tự nhiên. Không gian này cũng được phân bố theo 2 hướng trục chính: Hướng Bắc-Nam là hướng giải quyết giao thông đối ngoại (các trung tâm phía Nam TPHCM, trung tâm đô thị, dịch vụ công cộng đô thị) và hướng Đông Tây giải quyết các liên kết đối nội (Các trung tâm công cộng khu ở, đơn vị ở).
Cảnh quan đặc thù cho đô thị cảng Hiệp Phước:
- Khu A: Khu cảng, Logistic, khu công nghiệp: ý tưởng tạo lập hình ảnh một “Xưởng Ba Son mới” với tàu thuyền ra vào tấp nập, các cần trục làm việc suốt ngày đêm và khu kho bãi container đầy ắp hàng hóa.
- Khu B: Khu trung tâm đô thị: ý tưởng xây dựng một khu vực có sức hút mạnh mẽ.
- Khu C: Khu dân cư: Viễn cảnh về cuộc sống mới trên kênh rạch để đáp ứng nhu cầu ở đa dạng của người dân tái định cư, cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp và trung bình; chuyên gia và người có thu nhập cao; người đến lưu trú, công tác ngắn ngày.
- Khu D: ý tưởng xây dựng một khu vực năng động dễ thích nghi, dễ phát triển.
- Khu E: Khu sinh thái dừa - đước và rừng ngập mặn. Khu vực sinh quyển Tây Vĩnh Thạnh của khu vực cảng đô thị là một dự án quan trọng để bảo vệ môi trường Hiệp Phước. Khu vực này có thể tổ chức một loạt các hoạt động về du lịch quy mô nhỏ và kết hợp với một trung tâm đào tạo. Hệ sinh thái ngập mặn với hệ thống sinh cảnh sẽ mang đến cho khu vực một bộ mặt mới.
Giải pháp quy hoạch giao thông
+ Xây dựng hệ thống cảng hành khách, du lịch và container phía Nam.
+ Hệ thống cảng tổng hợp phía Đông.
+ Hệ thống cảng chyên dùng phía Bắc.
+ Hình thành tuyến đường thủy trên sông Xoài Rạp đảm bảo cho tàu 20.000 – 30.000DWT vào được.
+ Thiết lập các tuyến đường thủy du lịch trên cơ sở tận dụng mạng lưới kênh rạch sẵn có.
+ Đường sắt: Hình thành hai tuyến đường sắt vận tải hàng hóa và vận tải hành khách.
+ Tuyến vận tải hàng hóa chạy dọc bờ sông Xoài Rạp phía Đông và kết thúc tại ga bố trí phía Nam khu vực nghiên cứu.
+ Tuyến vận tải hành khách bố trí chạy dọc theo trục đường Bắc Nam giao với đại lộ trung tâm khu vực.
+ Tuyến giao thông đô thị liên kết với các làng sinh thái.
Giải pháp xử lý nước thải Tách riêng hệ thống xử lý nước mưa và nước thải. Các trạm xử lý có thêm chức năng điều hoà và xử lý nước tại chỗ, bằng việc lắp đặt các van giữ và xả nước tự động. Hệ xử lý nước thải được đầu tư theo từng cụm nhỏ đảm bảo cung cấp đến tận chân công trình, phần còn lại do chủ hộ và các chủ doanh nghiệp xí nghiệp đảm nhận.
*PHƯƠNG ÁN KIẾN TRÚC ĐẠT GIẢI NHÌ CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU KIẾN TRÚC QUỐC GIA:Thư viện Đà Nẵng là một công trình văn hoá nằm ở vị trí Trung tâm của công viên Văn hoá thành phố. Tại đây đã có một số công trình văn hoá đã và đang chuẩn bị xây dựng. Do đặc điểm nằm ở vị trí bán đảo giao lưu giữa 2 nhánh sông có điểm nhìn thuận lợi cả 4 phía nên công trình đòi hỏi ý nghĩa về văn hoá cao.
- Công trình là một biểu tượng tiêu biểu về văn hoá cho thành phố Đà Nẵng.
- Không gian công trình nhìn tổng thể biểu hiện là không gian động, được thể hiện bằng giải pháp là những cánh hoa nở bung ra trên một khu đất uốn cong hình cánh cung trên bán đảo. Các tác giả đã nghiên cứu sự phù hợp của khu đất với tổng thể công trình.
- Nhìn trên các góc phối cảnh:
+ Trục chính vào sảnh thư viện là trang sách được mở ra giang rộng đón độc giả tiếp xúc với tri thức của nhân loại.
+ Các phối cảnh góc nhìn từ ngoài hồ và các nhánh sông, toà nhà như những con tàu lao ra biển khơi, thể hiện sự năng động của một thành phố trẻ có nhiều tiềm năng về cảng biển.2. Giải pháp về quy hoạch
Lối dẫn vào chính của công trình theo trục chính của quy hoạch tổng thể được duyệt. Các khối đọc xoè vươn ra hồ với lõi trung tâm là khối kho sách. Trong mỗi thư viện, kho sách chiếm diện tích khá lớn để lưu trữ cũng như phục vụ độc giả thường xuyên.
Các khối đọc được chuyển tiếp với độ cao dần từ trong ra ngoài phù hợp chức năng của mỗi khối đọc và hình khối kiến trúc. Với bố cục hình khối tương phản với khối đặc của kho, mái với các phần rỗng của độ cong khối kính ở sảnh và vách tường tạo nên sự sinh động cho công trình.
Hệ thống sân vườn, cây xanh được bố cục bám xung quanh nhà. Một số hồ nước, kênh nhỏ dẫn từ ngoài hồ vào, tăng thêm không gian xanh cho thư viện. Hệ thống bãi đỗ xe bố trí ở sân vườn ngoài nhà và một phần trong tầng 1 của công trình.
3. Giải pháp về môi trường
Do đặc điểm khí hậu Đà Nẵng có thời tiết khá nóng nắng về mùa hè nên trong phương án nhóm tác giả đưa ra giải pháp dùng hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời đặt trên các cánh mái. Giải pháp này đạt được hai mục đích:
+ Tận dụng nguồn năng lượng mặt trời sinh ra điện năng phục vụ cho toàn bộ thư viện và hệ thống điều hoà không khí, thông gió.
+ Làm giảm sức nóng từ mái xuống do hệ giàn pin mặt trời. Với công nghệ tiên tiến hấp thụ nhiệt năng sản sinh ra điện ở trên mái nhà thông qua hệ thống kỹ thuật xử lý ngay ở tầng áp mái. Hệ thống vách cửa kính dùng kính cách âm, cách nhiệt, đảm bảo tầm nhìn, chiếu sáng cho độc giả đến đọc sách. Tại các phòng đọc, độc giả đều có hiên giải lao rộng rãi, từ đây có thể nhìn rộng ra không gian thiên nhiên bên ngoài.4. Giải pháp về kiến trúc
Không gian kiến trúc thống nhất một ngôn ngữ hiện đại gắn với tổng thể chung các công trình văn hoá xung quanh. Công trình tạo điểm nhấn cho trung tâm văn hoá - giáo dục. Các khối đọc đều tương đối độc lập, tránh ồn ào, các mảng tường đặc che ánh nắng từ các hướng Đông - Tây nên các phòng đọc luôn được thoáng mát.
Độc giả trẻ sẽ chiếm tới 70% lượng bạn đọc. Họ khao khát tìm đến nguồn tri thức, tìm đến sự mới mẻ của khoa học và công nghệ. Do vậy, không gian kiến trúc cho độc giả cũng cần hết sức linh hoạt, thoáng nhẹ. Ứng dụng công nghệ thông tin mạng land phục vụ thư viện điện tử và các bộ phận khác.
Không gian sảnh thông suốt 3 tầng được bọc kính một nửa uốn cong ứng với khối kho trung tâm. Tại sảnh, mọi người có thể đi về các hướng phòng đọc, khu vực hội thảo, phòng hội trường… Hệ thống thang bộ và 2 thang cuốn dẫn độc giả lên tầng 2, lan toả ra các phòng đọc và không gian giải lao.
Các khối phòng đọc đều có cầu thang bộ từ tầng 2 dẫn xuống sân. Các phòng đọc đều có giá sách bố trí thành kệ ngay ở bên trong.
Khối kho lưu trữ được nghiên cứu thiết kế ngay sau các phòng đọc. Tầng kho được thiết kế cao 5 mét có tầng lửng để chứa đựng sách. Sách, báo, tạp chí được chuyển trực tiếp cho thủ thư ở mỗi phòng đọc bằng băng chuyền tự động, sử dụng hệ điều khiển bằng hệ thống máy tính và chế độ cảm ứng dùng thẻ điện tử do độc giả ghi vào phiếu yêu cầu và sách được chuyển đến độc giả nhanh nhất. Tại tầng 1, 2, 3 độc giả có thể đi xuyên qua tầng dưới của mỗi khối kho mà không ảnh hưởng đến dây chuyền vận chuyển sách.
Với chức năng chính của mỗi công trình là phục vụ độc giả, chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu để các khối đọc được tiếp xúc với thiên nhiên nhiều nhất (cả 3 mặt) và khối kho kế liền ngay để tiện phục vụ cho độc giả.
Với bố cục phân tán các khối nhà, nên việc thực hiện dự án có thể chia làm 2 đến 3 giai đoạn mà không ảnh hưởng đến quá trình sử dụng. Trước hết khối sảnh kho sách có thể làm ngay với 1-2 khối đọc. Các khối đọc có thể được tiếp tục xây dựng khi có điều kiện cho phép.
Nhóm tác giả đã tiếp thu góp ý sau vòng thi đầu tiên: Giảm bớt lượng kính, sắp xếp các kệ sách trong phòng đọc để độc giả trực tiếp lấy sách. Nền công trình được tôn cao 1,6m so với cốt tự nhiên tránh nước hồ dâng cao. Nhóm tác giả đề xuất những ý tưởng chỉ về quy hoạch và kiến trúc trên cơ sở nhiệm vụ thiết kế do Ban Chuẩn bị đầu tư Thành phố giao. Về chi tiết không gian, dây chuyền sử dụng, mặt đứng kiến trúc, sử dụng vật liệu… có thể tiếp tục gia công, nâng cấp để phù hợp hơn cho nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư và các cấp lãnh đạo Thành phố.
Tổng diện tích chiếm đất: 3.700 m2, cao 3,5 tầng
Tổng diện tích xây dựng: 10.050 m2
Dự trù kinh phí : 77 tỷ đồng
Trong đó:
+ Giá trị xây lắp:5 triệu x 10.050 m2 = 50 tỷ
+ Trang thiết bị : 13 tỷ
+ Điều hoà không khí + PCCC + nội thất + chi phí khác: 14 tỷ
Quản lý kiến trúc đô thị, những khía cạnh cần quan tâm
Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh tại Việt Nam, nhiều đô thị đã được nâng cấp cải tạo, phát triển rộng, dài, cao, to hơn, chất lượng cuộc sống trong các đô thị cũng có nhiều cải thiện hơn... Tuy nhiên, bên cạnh đó đô thị hóa cũng để lại nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội
Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh tại Việt Nam, nhiều đô thị đã được nâng cấp cải tạo, phát triển rộng, dài, cao, to hơn, chất lượng cuộc sống trong các đô thị cũng có nhiều cải thiện hơn... Tuy nhiên, bên cạnh đó đô thị hóa cũng để lại nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội như: lao động, việc làm, thu nhập, chất lượng không gian đô thị, kiến trúc công trình, cảnh quan môi trường… Nhất là bộ mặt kiến trúc đô thị đang để lại nhiều khoảng trống đáng buồn và dường như còn có xu hướng gia tăng. Sự “nhếch nhác, lộn xộn” trong các đô thị đã và đang chứng tỏ công tác quản lí, kiểm soát phát triển kiến trúc đô thị chưa có hiệu quả như mong muốn… Bởi vậy, đây cũng là một trong những vấn đề hết sức cần thiết, cấp bách và cần được quan tâm trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Trong khuôn khổ bài viết này, xin được đề cập đến một số vấn đề liên quan đến công tác quản lí kiến trúc đô thị mà ở đó mỗi người có lòng tự trọng với “gương mặt” đô thị, với ngôi nhà, góc phố nơi mình sống không thể thờ ơ, không thể không tự ái một khi sự lộn xộn, sự nhếch nhác… dường như là những hiện tượng phổ biến đang diễn ra hàng ngày trong từng đô thị. Vậy, quản lí kiến trúc đô thị được hiểu và nhìn nhận như thế nào? Dưới đây là một vài khía cạnh cần quan tâm trao đổi.
Một là, để quản lí kiến trúc đô thị tốt, trước hết cần nhìn kiến trúc đô thị dưới dạng tổng thể. Hiện nay, sự bức xúc của đô thị hóa nhằm giải quyết nhanh những vấn đề có liên quan đến xã hội đô thị buộc chúng ta phải quan tâm đến việc phát triển gấp quĩ nhà ở, công trình dịch vụ xã hội, kĩ thuật hạ tầng... đáp ứng kịp thời những nhu cầu cần thiết trước mắt cho người dân... Có lẽ cũng bởi vậy mà chúng ta chưa có thời gian để làm đẹp đô thị, để thiết kế đô thị cho đẹp hơn. Chính vì thế, phần lớn các đô thị khi xây dựng chúng ta đều nhận thấy còn thiếu trật tự, ngăn nắp, thiếu sự hoàn thiện, nhất là thiếu sự đồng bộ… Cái đẹp của đô thị không chỉ biểu hiện ở một công trình kiến trúc đơn lẻ, nói chính xác hơn, một công trình kiến trúc không thể làm nên một đô thị / một tổng thể đô thị. Bởi, một công trình kiến trúc có thể được coi là đẹp nhưng xây dựng không đúng chỗ, hoặc chúng được xây dựng đồng loạt (một cách nhân bản vô tính) dọc theo một tuyến phố cũng không thể tạo nên bộ mặt kiến trúc đô thị đẹp (chí ít là bộ mặt kiến trúc của một tuyến phố). Đây cũng là bài học khi phát triển đô thị, các khu chức năng đô thị (như du lịch, nghỉ dưỡng…) theo mô hình dự án thiếu sự kiểm soát của qui hoạch tổng thể. Nhìn vào từng dự án có thể là đẹp, nhưng khi gộp tất cả các dự án lại với nhau lại tạo nên sự manh mún, thiếu một tiếng nói chung, diện mạo kiến trúc đô thị lại có “vấn đề”… Do đó, kiến trúc đô thị hay cụ thể hơn là quản lí kiến trúc đô thị, trước hết phải được nhìn dưới góc độ tổng thể bởi, bản chất của quản lí kiến trúc đô thị chính là việc quản lí chất lượng không gian đô thị... Như vậy, về mặt lí luận hay thực tiễn, quản lí kiến trúc đô thị không thể không xem xét kiến trúc đô thị dưới dạng tổng thể... Có như vậy kiến trúc đô thị mới là một chỉnh thể, không bị khu biệt bởi những công trình kiến trúc đơn lẻ và chất lượng không gian đô thị mới đạt được theo mong muốn của các nhà thiết kế qui hoạch và quản lí kiến trúc đô thị.
Hai là, quản lí kiến trúc đô thị cần gắn với thiết kế đô thị tổng thể (TKĐT trong đồ án QHCXD đô thị) và thiết kế đô thị khu vực (TKĐT trong đồ án QHCT xây dựng đô thị). Trong qui trình trước đây, đối với qui hoạch chung (QHC) xây dựng đô thị, ngoài việc nghiên cứu định hướng phát triển không gian, qui hoạch sử dụng đất… còn nghiên cứu qui hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, ở khía cạnh kiến trúc cảnh quan đô thị, phần lớn ở các đồ án qui hoạch vẫn chưa được nghiên cứu sâu và vì thế khó trở thành công cụ hỗ trợ cho công tác quản lí kiến trúc đô thị sau này. Thực tế, những năm gần đây đã xuất hiện sự tranh luận về một loại công việc trong Qui trình lập qui hoạch xây dựng đô thị (Urban Planning) có liên quan đến chất lượng không gian đô thị nói chung, đến quản lí kiến trúc đô thị nói riêng. Đó là bộ môn “Thiết kế đô thị” (Urban Design), một lĩnh vực tạm gọi là mới so với qui trình qui hoạch xây dựng đô thị hiện nay của chúng ta.
Về mặt lí luận, đối tượng nghiên cứu của thiết kế đô thị (TKĐT) là hình thức, tiện ích, thẩm mĩ trong môi trường đô thị - môi trường gắn kết các kiến trúc vật thiên tạo và nhân tạo trong một trật tự chất lượng thẩm mĩ không gian nhất định. Đó cũng chính là sự sáng tạo trật tự không gian hoặc sự mở rộng của thiết kế kiến trúc trong một không gian 3 chiều và một “không gian ảo” có ý thức trong cảm nhận của con người gắn với cuộc sống tâm linh. “Không gian ảo” ấy chính là sự hoàn thiện của kiến trúc đô thị trong tương lai được tạo dựng bởi “chiều thứ tư”: thời gian (của không gian bốn chiều)…để tạo nên hình ảnh, tạo nên dấu ấn cho mỗi công trình nói riêng, cho tổng thể đô thị nói chung. Có ý kiến cho rằng (Eleanor Smith Morris) các nhà qui hoạch (Town Planner) quan tâm đến sử dụng đất... Những lô đất được phân chia dường như không chú trọng lắm đến những đặc tính của không gian 3 chiều hay hình dáng kiến trúc công trình được xây dựng trên lô đất ấy. Các kiến trúc sư (Architect) gắng sức tạo nên sự liên hệ không gian giữa công trình với môi trường xung quanh... Nhưng họ cũng lại không quan tâm lắm (hoặc không có trách nhiệm) quan tâm đến những vấn đề diễn ra bên ngoài công trình. Bởi vậy không gian đô thị thường bị thiếu đi sự hoàn thiện... Để kết nối giải quyết vấn đề này cần thiết phải có các nhà thiết kế đô thị (Urban Designer). Họ có trách nhiệm tạo nên những không gian 3 chiều nhằm diễn đạt những vấn đề trong nghệ thuật tổ chức cấu trúc không gian, tạo nên sự liên hệ giữa công trình đơn lẻ với cấu trúc không gian đô thị.
Hiện nay, theo một số nghiên cứu về đô thị thì trên thế giới TKĐT đang tồn tại 4 khuynh hướng chính:
(1) Đô thị mang tư tưởng triết học (Ideology): hình thành cấu trúc không gian thông qua những hình tượng mang tư tưởng nhân văn;
(2) Đô thị mang tính thẩm mĩ cao (City is beautiful): tạo không gian đô thị mang tính thẩm mĩ cao, cấu trúc thành phố, kiểu dáng các công trình, trục bố cục không gian tạo nên những điểm nhấn, hấp dẫn...;
(3) Đô thị vườn (Garden City) theo ý tưởng của Ebenezer Howard: cấu trúc không gian đô thị tạo nên sự cân bằng giữa không gian xanh và không gian xây dựng, hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững;
(4) Đô thị cách tân (Neo - Tradition): tổ chức không gian đô thị lấy cảm hứng từ sự cách tân nghệ thuật xây dựng đô thị truyền thống, sự kết hợp giữa kĩ thuật xây dựng hiện đại với giá trị nghệ thuật không gian truyền thống...
Như vậy, TKĐT cho những công cụ để chúng ta có thể cải thiện một cách có ý thức chất lượng đô thị và khu vực đô thị của chúng ta... Theo đề tài NCKH mã số RD 14 (Nghiên cứu TKĐT trong QHXD đô thị) thì TKĐT được phân làm hai loại: (1) TKĐT tổng thể và (2) TKĐT khu vực.
TKĐT tổng thể nhằm thiết kế tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cho tổng thể đô thị hoặc khu vực của đô thị nhằm thể hiện chi tiết về các yếu tố tạo nên hình ảnh chính của đô thị trên cơ sở những định hướng chủ đạo về không gian đã xác định trong đồ án QHCXD đô thị.
TKĐT khu vực nhằm cụ thể hóa thiết kế đô thị tổng thể, thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan chi tiết cho một khu vực, một khu chức năng của đô thị như trung tâm công cộng, quảng trường, trục phố, khu nhà ở hay công viên...
Đó là về mặt lí luận. Tuy nhiên, trong tư duy quản lí ngành, thời gian qua chúng ta đã nhận rõ: Bản chất của quản lí kiến trúc đô thị chính là việc quản lí chất lượng không gian đô thị. Chính vì thế trong qui hoạch xây dựng, TKĐT đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Tại điều 27, khoản a, mục 1, Luật Xây dựng 2003, điều 30, mục 1, Nghị định của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng (số 08/2005/NĐ-CP, ngày 24/01/2005) đã qui định về TKĐT trong qui hoạch chung xây dựng đô thị. Đây chính là nội hàm của TKĐT tổng thể, hay công cụ để quản lí kiến trúc đô thị ở dạng tổng thể. Theo đó:
- Điều 27, khoản a, mục 1 (Luật Xây dựng 2003) qui định: “Trong qui hoạch chung xây dựng đô thị, TKĐT phải qui định và thể hiện được không gian kiến trúc công trình, cảnh quan của từng khu phố, của toàn bộ đô thị, xác định được giới hạn chiều cao công trình của từng khu vực và của toàn bộ đô thị…”
- Điều 30, mục 1, Nghị định của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng qui định về Nội dung TKĐT trong qui hoạch chung xây dựng đô thị:
a) Nghiên cứu các vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị; đề xuất tổ chức không gian cho các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các tuyến phố chính, các trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh, mặt nước và các điểm nhấn trong đô thị;
b) Nghiên cứu xác định tầng cao tối đa, tầng cao tối thiểu của công trình xây dựng thuộc các khu chức năng và toàn đô thị.
- Điều 31, mục 1, Nghị định của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng qui định về Nội dung TKĐT trong qui hoạch chi tiết xây dựng đô thị:
a) Nghiên cứu, xác định các công trình điểm nhấn trong không gian khu vực qui hoạch theo các hướng, tầm nhìn khác nhau; tầng cao xây dựng công trình cho từng lô đất và cho toàn khu vực; khoảng lùi của công trình trên từng đường phố và các ngõ phố;
b) Nghiên cứu hình khối, màu sắc, ánh sáng, hình thức kiến trúc chủ đạo của công trình kiến trúc; hệ thống cây xanh, mặt nước, quảng trường; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, xác định cốt đường, cốt vỉa hè, cốt nền công trình, chiều cao khống chế công trình trên từng tuyến phố…
Như vậy, TKĐT tổng thể và TKĐT khu vực là một trong những công cụ để quản lí kiến trúc đô thị hữu hiệu (vì đây là cơ sở để xây dựng Qui chế quản lí đô thị)... Bởi vậy, quản lí kiến trúc đô thị cần gắn với TKĐT tổng thể và TKĐT khu vực, đồng thời cũng là việc thực hiện Luật Xây dựng 2003 và Nghị định số 08/2005/ NĐ - CP của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng một cách nghiêm túc có hiệu quả.
Ba là, quản lí kiến trúc đô thị cần quản lí từ công trình kiến trúc đơn lẻ đến tổng thể kiến trúc đô thị. Đô thị / kiến trúc đô thị được hình thành từ các công trình kiến trúc hoặc quần thể công trình kiến trúc… Chúng được kết nối với nhau bởi các tuyến đường, các hành lang lưu thông, các quảng trường, các vườn hoa, công viên… tạo thành các dãy phố, nhóm nhà ở, khu vực đô thị… Lẽ đương nhiên một công trình kiến trúc đơn lẻ không tạo nên tổng thể đô thị, nhưng đôi khi nó lại làm ảnh hưởng (tích cực hoặc tiêu cực) đến diện mạo chung của bộ mặt kiến trúc đô thị (ví dụ: Nhà hát lớn TP.Hà Nội -> ảnh hưởng tích cực; Khách sạn Hà Nội vàng -> ảnh hưởng tiêu cực…hoặc như toà nhà 54 tầng Saigon Park Tower dự kiến xây dựng ở công viên 23 tháng 9, TP. Hồ Chí Minh đang được dư luận cả nước quan tâm trong sự phát triển không gian kiến trúc của TP).
Việc quản lí kiến trúc đô thị nhất thiết phải quan tâm cả đến từng công trình cụ thể và là công việc hàng ngày của mọi người dân và chính quyền đô thị.
Bốn là, quản lí kiến trúc đô thị cần quản lí theo “Qui chế đô thị”
Trong quản lí kiến trúc đô thị chúng ta có thể khai thác mô hình “Qui chế Sa Pa”, “Qui chế quản lí kiến trúc xây dựng khu vực xung quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia”… các qui định trong TKĐT tổng thể và TKĐT khu vực để xây dựng “Qui chế quản lí kiến trúc đô thị” (gọi tắt là Qui chế đô thị). Theo đó, Qui chế đô thị cần bao quát được các nội dung cơ bản sau:
(1) Các qui định về quản lí qui hoạch xây dựng đô thị (QHCXD đô thị và QHCTXD đô thị…) nên thực hiện, áp dụng các điều khoản trong Luật Xây dựng 2003 và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng:
- Điều 18, Nghị định số 08/ 2005/NĐ-CP của Chính phủ qui định về quản lí QHCXD đô thị:
+ Qui định về bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc, khu danh lam thắng cảnh, khu di sản văn hóa, khu di tích lịch sử - văn hóa trong đô thị;
+ Qui định về phạm vi bảo vệ hành lang an toàn các công trình hạ tầng kĩ thuật của đô thị và các biện pháp bảo vệ môi trường;
+ Qui định chỉ giới đường đỏ của các tuyến phố chính, cốt xây dựng khống chế của đô thị, các khu vực cấm xây dựng;
+ Qui định các chỉ tiêu về diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và tầng cao tối đa, tối thiểu của công trình trong các khu chức năng đô thị.
- Điều 27, Nghị định số 08/ 2005/NĐ-CP của Chính phủ qui định về quản lí QHCTXD đô thị:
+ Qui định ranh giới, phạm vi lập qui hoạch chi tiết xây dựng;
+ Qui định về vị trí, ranh giới, tính chất, qui mô các khu chức năng trong khu vực thiết kế; các chỉ tiêu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao, cốt xây dựng đối với từng lô đất; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và các yêu cầu cụ thể về kĩ thuật đối với từng tuyến đường; phạm vi và hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kĩ thuật;
+ Qui định về vị trí, qui mô và phạm vi, hành lang bảo vệ đối với các công trình xây dựng ngầm, trên mặt đất và trên cao;
+ Qui định về bảo vệ, tôn tạo, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc, di tích lịch sử - văn hóa, địa điểm cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái;
(2) Các Qui định về quản lí kiến trúc, cảnh quan đô thị bao gồm qui định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng nền đường, cốt xây dựng vỉa hè cho tất cả các tuyến phố; qui định chiều cao công trình và chiều cao tầng một của công trình; qui định hình khối kiến trúc, mặt đứng, mái, mái hiên, ô văng, ban công của các công trình; qui định màu sắc, ánh sáng, vật liệu xây dựng công trình; các qui định về công trình tiện ích đô thị, tượng đài, tranh hoành tráng, biển quảng cáo, các bảng chỉ dẫn, bảng kí hiệu, cây xanh, sân vườn, hàng rào, lối đi cho người tàng tật, vỉa hè và qui định kiến trúc bao che các công trình hạ tầng kĩ thuật đô thị. (Nội dung các qui định về thiết kế đô thị theo điều 31, khoản c, Nghị định số 08/2005/NĐ-CP)
(3) Phân cấp và qui định trách nhiệm quản lí qui hoạch xây dựng và quản lí xây dựng theo qui hoạch chi tiết…
Năm là, quản lí kiến trúc đô thị không thể tách rời trách nhiệm của chính quyền đô thị
Chính quyền đô thị, chủ thể chịu trách nhiệm chính quản lí mọi mặt hoạt động phát triển (KT-XH), kiểm soát phát triển của đô thị trong đó có công tác qui hoạch xây dựng đô thị. Tổ chức, chỉ đạo lập qui hoạch, quản lí xây dựng theo qui hoạch, quản lí kiến trúc đô thị…là công việc, trách nhiệm của chính quyền đô thị. Việc xây dựng “Qui chế quản lí kiến trúc đô thị” cũng do chính quyền đô thị tổ chức, chỉ đạo thực hiện.
Sẽ là một thất bại, nếu như mỗi đô thị Việt Nam không tồn tại cái đẹp riêng của mình, nhất là không được phát triển theo hướng bền vững. Từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, từ Hà Nội đi Hải Phòng, lên Cao Bằng, Sapa... Từ TP. Hồ Chí Minh tới Nha Trang, lên Đà Lạt... đâu đó, đô thị (đôi khi chỉ có một lớp nhà) cứ kéo dài, lan toả, bám dọc các tuyến đường tưởng chừng “phố phường” như không có hồi kết (Mà đây có thể lại là sự nhầm lẫn của quan điểm cho rằng sự phát triển xây dựng dọc theo các tuyến đường chính là phát triển hành lang đô thị - ý kiến ông Kenji TANAKA, chuyên gia Nhật Bản); đâu đó, những ngôi nhà mái chóp “củ hành, củ tỏi” của phương Tây, những “cửa kính, khung nhôm” xa lạ với môi trường, khí hậu Việt Nam tràn lan như một “bệnh dịch” có mặt ở hầu khắp các đô thị Việt Nam..; đâu đó, các lớp nhà xộc xệch, cứ “túm năm, tụm ba” vây kín, phong toả các khu công nghiệp, các trường học, bệnh viện, các đầu cầu, nút giao thông góp phần tạo ra sự lộn xộn, thiếu thẩm mĩ, mất an toàn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... Tất cả những biểu hiện ấy, để công bằng, chúng ta không thể đơn thuần đổ lỗi mãi cho người dân thiếu hiểu biết, thiếu thẩm mĩ. Đó chẳng qua là sự yếu kém của công tác quản lí đủ tầm, thiếu sự hướng dẫn, điều tiết mang tính pháp qui mà chính quyền mỗi đô thị cần phải có.
Sáu là, quản lí kiến trúc đô thị cần quan tâm đến yếu tố đa ngành.
Trong hoạt động xây dựng đô thị, nhất là trong việc góp phần tạo dựng bộ mặt kiến trúc đô thị không phải chỉ có một người, một ngành, một công trình kiến trúc…tham gia. Mà ngược lại, ở đó là công sức của nhiều người, nhiều ngành, nhiều loại công trình (kiến trúc, kĩ thuật) tạo dựng mà thành. Một tuyến phố cứ đào lấp, rồi lại đào lấp để đặt cống, đi dây ngầm; một tuyến đường cứ “hồn nhiên” được nâng cao phần mặt đường so với cốt đã khống chế sau mỗi lần cải tạo, nâng cấp làm cho nhà dân hai bên đường “vô tình” trở lên bị ngập lụt; hệ thống dây điện, thông tin liên lạc cứ chằng chịt như “mê hồn trận” lơ lửng trên đầu dọc các tuyến phố không những là sự phản cảm mà còn là nguy cơ tiềm ẩn đối với vấn đề an toàn của đô thị… Tất cả đó là những biểu hiện của sự phối hợp thiếu tính đa ngành trong qui hoạch và quản lí xây dựng đô thị. Bởi vậy, yếu tố đa ngành trong công tác quản lí kiến trúc đô thị rất cần được quan tâm và không thể bị coi nhẹ. Sự đồng bộ, ngăn nắp của một tuyến phố không những tạo nên vẻ đẹp đô thị mà còn minh chứng cho sự thành công của công tác quản lí trong sự phối hợp đa ngành.
Bảy là, quản lí kiến trúc đô thị rất cần có sự tham gia của cộng đồng.
Tất nhiên, công tác quản lí kiến trúc đô thị ngoài trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về quản lí kiến trúc đô thị như: Trách nhiệm của nhà đầu tư; của nhà thầu xây dựng; của nhà tư vấn kiến trúc, tư vấn qui hoạch xây dựng; của chủ sở hữu; của các Hội nghề nghiệp; sự giám sát cộng đồng…thì cần phải tăng cường thêm trách nhiệm giám sát của các đoàn thể, tổ chức quần chúng như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… Vai trò của cộng đồng trong công tác tham gia quản lí kiến trúc đô thị cũng đồng nghĩa với việc nhận thức, trình độ, lối sống đô thị, trách nhiệm cộng đồng của người dân được nâng cao.
Trên đây là một số khía cạnh cần trao đổi trong bài viết này, chỉ mang tính gợi mở nhằm góp phần vào việc thiết lập một công cụ quản lí kiến trúc đô thị với một niềm tin đô thị Việt Nam nói chung, kiến trúc đô thị Việt Nam nói riêng ngày một trật tự, ngăn nắp, chất lượng và đẹp hơn.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Xây dựng năm 2003;
- Nghị định số 08/2005/NĐ - CP của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng;
- Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Quản lí kiến trúc đô thị;
- Ths.KTS. Ngô Trung Hải - Đề tài NCKH mã số RD 14, Nghiên cứu TKĐT trong QHXD đô thị.
- TS.KTS. Trương Văn Quảng - Thiết kế đô thị - Một số vấn đề cần trao đổi.
TS.KTS. Trương Văn Quảng
- Đây là lần đầu tiên vấn đề quản lý kiến trúc đô thị đã được luật hoá. Theo thông tư này, UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị cụ thể. Hiện cả nước có 729 đô thị các loại tính từ thị trấn thị tứ trở lên và từ nay, việc quản lý kiến trúc của tất cả các đô thị này sẽ được luật hoá, được kiểm soát theo tiêu chuẩn và có chế tài cụ thể với những trường hợp vi phạm.
- Đây là lần đầu tiên vấn đề quản lý kiến trúc đô thị đã được luật hoá. Theo thông tư này, UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị cụ thể. Hiện cả nước có 729 đô thị các loại tính từ thị trấn thị tứ trở lên và từ nay, việc quản lý kiến trúc của tất cả các đô thị này sẽ được luật hoá, được kiểm soát theo tiêu chuẩn và có chế tài cụ thể với những trường hợp vi phạm.Việc quản lý kiến trúc đô thị được luật hoá hơi muộn, song muộn vẫn cứ đáng mừng vì hy vọng bộ mặt đô thị sẽ không lem nhem, manh mún như hiện nay. Tuy nhiên, chỉ quản lý được các khu phố mới còn các khu cũ thì sao?
NGHỊ ĐỊNH Về quản lý kiến trúc đô thị
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
c) Hướng dẫn các địa phương thực hiện các văn bản của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị, thi tuyển phương án kiến trúc; trả lời các yêu cầu của địa phương, tổ chức, cá nhân về kiến trúc đô thị trong phạm vi chức năng;
TM. CHÍNH PHỦ -THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng - đã ký
UBND TPHCM vừa ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị đối với 4 ô phố trước Hội trường Thống Nhất (phường Bến Nghé, quận 1) nhằm bảo tồn các công trình có giá trị lịch sử lân cận như: Hội trường Thống Nhất, Công viên 30-4, nhà thờ Đức Bà...Với tổng diện tích 63.099 m², ở các ô phố này, hiện trạng kiến trúc chủ yếu là biệt thự thấp tầng. Sắp tới, bốn khu phố trên sẽ gồm các công trình dịch vụ, thương mại hay nhà ở với mật độ xây dựng tối đa 60%, góc giới hạn chiều cao công trình là 45 độ. Còn tầng cao phụ thuộc vào vị trí trên từng tuyến đường. Nhưng nhìn chung, các công trình giáp mặt đường được cao 3 tầng (đỉnh mái tối đa là 16,8 m). Bắt đầu từ ranh giới phía sau công trình giáp mặt đường đến giới hạn 23 m tính từ lộ giới, chiều cao là 5 tầng (đỉnh mái tối đa 23,6 m). Còn lại, các công trình nằm sâu bên trong 2 loại công trình trên được cao 8 tầng (đỉnh mái tối đa 33,8 m).
Truyền thống mới cho kiến trúc Việt?
Không kể những dự án kiến trúc quy hoạch (KTQH) do nước ngoài thực hiện thì dấu ấn nổi bật nhất của quy hoạch kiến trúc (QHKT) Việt đương đại là gì nếu không phải là “Kiến trúc giả cổ” và “Quy hoạch chia lô”? Lẽ tự nhiên chúng ta sẽ hỏi: Tại sao dịch bệnh “nhại cổ” và “chia lô” thô thiển chỉ nảy sinh và bùng phát trên mảnh đất kiến trúc quy hoạch VN? Sao nó không xảy ra ở Thailan, Singapore, Trung Quốc...? Và tại sao chúng ta không kịp chế ra những Vacxin đủ sức chặn đứng các đại dịch này?
Khủng hoảng hệ thống giá trị
Xét về bản chất, có lẽ bởi chúng ta thiếu một hệ chuẩn các giá trị KTQH đủ khả năng miễn dịch. Thông thường kiến trúc phát triển theo một tiến trình, thời sau kế thừa những thành tựu của thời trước mà đi tiếp. Vậy một hệ thống giá trị phải là tinh hoa đúc kết nhiều đời, có khả năng đương đầu trước những biến động thời cuộc và làm nền tảng cho quá trình điều tiết và định hướng các bước phát triển tiếp theo.Nhưng vì sao chúng ta đã chưa xây dựng được hệ thống các giá trị này?
Để trả lời cần một cái nhìn toàn cảnh. Phải nói trong lịch sử chúng ta từng có hệ thống giá trị KTQH. Tổng thể kiến trúc các làng đồng bằng Bắc bộ là minh chứng dễ thấy nhất: từ đường làng, cổng làng, luỹ tre, cây đa, đình làng, hệ thống hồ ao đến nhà ba gian hai chái, những gốc mít, khóm cau..., tất cả đều thống nhất kỳ lạ trong mối quan hệ về tỷ lệ, không gian, màu sắc, chất liệu. Đặc biệt một khía cạnh rất hiện đại là hệ sinh thái luôn duy trì được khả năng tự điều chỉnh và cân bằng. Song hệ giá trị đấy là sản phẩm của xã hội phong kiến phương Đông, của nền kinh tế tiểu nông, tự cung tự cấp. Nó ổn định suốt từ thời nhà Lý cho đến cuối thế kỷ mười chín, dù thiên tai địch họa liên miên. Tuy vậy, nó chỉ là hệ thống KTQH của nông thôn xưa, không phải và chưa bao giờ là hệ thống của đô thị.Có sự đứt đoạn khi thực dân Pháp xuất hiện ở Đông Dương. Hệ giá trị KTQH của ta đầy bỡ ngỡ trước các giá trị kiến trúc đô thị phương Tây, khác xa mình. Người Pháp vào mang theo tàu hỏa, công nghệ khai mỏ, những quan niệm về đô thị và công nghệ QH hiện đại..., toàn những thứ người Việt chưa từng biết. Rồi sau đấy là hàng thập kỷ đấu tranh giành độc lập, và từ năm 1954 miền Bắc bắt đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện kinh tế eo hẹp. Về KTQH chủ yếu áp dụng khuôn mẫu Xôviết và của phe XHCN, rồi đổi mới.Tóm lại, chúng ta chưa có đủ thời gian và điều kiện cần thiết để xác lập hệ giá trị KTQH riêng. Trước là do Pháp, sau ảnh hưởng Liên Xô (cũ), miền Nam đậm dấu ấn Mỹ. Đến thời kỳ đổi mới, các trào lưu KT tràn vào như lũ. Và vì gần như chưa có sự chuẩn bị và thiếu hẳn một hệ thống chuẩn các giá trị nên hệ quả tất yếu là đâu đâu cũng đầy rẫy những sản phẩm lai căng, nhại cổ, là bệnh chia lô..., là những nạn dịch. Cái gọi là “khu đô thị mới”, “khu du lịch sinh thái” thời gian gần đây đã và đang ẩn chứa những mầm dịch nguy hiểm. Câu chuyện các văn phòng kiến trúc nước ngoài chiếm thế thượng phong trong cạnh tranh với các văn phòng nội cũng thật hiển nhiên và dễ hiểu.
Hướng đến một truyền thống mới
Trước bối cảnh như vậy, KTQH Việt đương đại có khả năng kiến tạo một lộ trình nhằm thoát ra khủng hoảng?Có khả năng tận dụng tối đa những cơ hội cạnh tranh để củng cố nội lực và từng bước xây dựng được nền móng riêng - vững chắc hay không?Lịch sử kiến trúc đô thị thế giới ghi nhận truyền thống kiến trúc của Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, kiến trúc các thành phố thời Phục hưng: Florence, Pisa, Venice. Rồi quy hoạch kiến trúc Paris cận hiện đại, đến các thành phố đương đại của Mỹ và Châu Âu như New York, Chicago, Barcelona, Amsterdam, Berlin... Châu Á với Bắc Kinh, Tokyo, Thâm Quyến, Hông Kông, Thượng Hải..., Đông Nam Á có Kuala Lumpur, Singapore. Tất cả những thành phố có truyền thống kiến trúc nêu trên đều tồn tại một điểm chung bất biến: đó là sự cộng sinh hoàn hảo giữa vai trò của KTS- nhà QH đô thị với chủ đầu tư và vai trò quản lý nhà nước. Biểu hiện cụ thể ở công thức hợp trội 1+1>2. Nhà QH - KTS tự do, thỏa chí sáng tạo. Chủ đầu tư văn hóa cao, tôn trọng nghệ sỹ và có khả năng cảm thụ cái đẹp. Nhà nước tạo hành lang pháp lý, ban hành các luật lệ về đầu tư xây dựng, quản lý đô thị..., miễn sao cuộc sống đô thị diễn ra khoa học, thuận tiện và lãng mạn nhất, miễn sao ý tưởng của người sáng tạo có thể bộc lộ rõ ràng, trung thực nhất. Tóm lại từng yếu tố của họ đều là 1, hay nói cách khác chúng có khả năng tự hoàn chỉnh, chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cùng hướng đến đích chung. Ở ta tình hình ngược lại, sự manh mún, thiếu chuyên nghiệp, tầm nhìn hẹp, ngắn nên tất yếu 1+1<2.>2. Nhà QH - KTS tự do, thỏa chí sáng tạo. Chủ đầu tư văn hóa cao, tôn trọng nghệ sỹ và có khả năng cảm thụ cái đẹp. Nhà nước tạo hành lang pháp lý, ban hành các luật lệ về đầu tư xây dựng, quản lý đô thị..., miễn sao cuộc sống đô thị diễn ra khoa học, thuận tiện và lãng mạn nhất, miễn sao ý tưởng của người sáng tạo có thể bộc lộ rõ ràng, trung thực nhất. Tóm lại từng yếu tố của họ đều là 1, hay nói cách khác chúng có khả năng tự hoàn chỉnh, chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cùng hướng đến đích chung. Ở ta tình hình ngược lại, sự manh mún, thiếu chuyên nghiệp, tầm nhìn hẹp, ngắn nên tất yếu 1+1<2.>
Trước tiên, nhà nước phải cho ra đời KTS Đoàn theo thông lệ quốc tế, tương tự luật sư Đoàn. Hội KTS đã soạn thảo pháp lệnh hành nghề KTS và quy chế KTS Đoàn công phu từ nhiều năm, đã làm việc với Bộ XD và có kiến nghị áp dụng thí điểm tại TP Hồ Chí Minh. Pháp lệnh này nếu được thông qua sẽ chính thức công nhận quyền sáng tạo và tự chịu trách nhiệm trước xã hội của KTS, đồng thời giảm thiểu đáng kể sự can thiệp thô bạo của những chủ đầu tư thực dụng, thiếu văn hóa vào quá trình sinh thành tác phẩm.Kế tiếp cần phổ biến quy chế đấu thầu, thi tuyển thiết kế QH như thi tuyển công trình kiến trúc, tránh độc quyền nhà nước. Lâu nay, QH tất cả các đô thị đều do Viện QH - Bộ XD thực hiện với cùng một công nghệ lạc hậu và xơ cứng, thiếu chủ thuyết xuyên suốt. Hệ quả là hầu hết các đô thị đều na ná nhau, đơn điệu, không bản sắc. Việc cần làm là lập tức nghiên cứu, đổi mới công nghệ QH. Sao cho thích ứng với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Muốn vậy phải chọn lựa, xây dựng bằng được chủ thuyết dẫn đường.
Một điểm nữa là nếu Chính phủ sớm ra nghị định cấm UBND các tỉnh, quận xây dựng các công trình theo kiến trúc Pháp rởm thì hẳn dịch bệnh đã không bùng phát và lan nhanh đến vậy.Tóm lại, để nền KTQH lâm vào khủng hoảng kéo dài, trách nhiệm chính thuộc Bộ XD. Và liệu KTQH có ra khỏi khủng hoảng và phát triển được hay không, trách nhiệm phần lớn vẫn thuộc Bộ XD, chính xác là phụ thuộc vào những chính sách nhà nước mà Bộ XD là cơ quan tham mưu trực tiếp. Về phía KTS, bài học kinh nghiệm nào từ các KTS đương đại thế giới hữu ích cho Việt Nam? Những bậc thầy Hightech - siêu cấu trúc như Norman Foster, Gehry, Calatrava, Herzog De Meuron... chúng ta đành “kính nhi viễn chi”, hai - ba mươi năm nữa mới có khả năng tiếp cận. Tuy nhiên thế giới còn những đại biểu không kém phần ưu tú, những Tadao Ando, Mario Botta, Charles Correa, Glenn Murcutt... mà chúng ta có thể rút ra những bài học thiết thực. Ở những tác giả này đều có các điểm chung sau: họ làm chủ yếu công trình quy mô nhỏ và trung bình, tính kỹ thuật - công nghệ không quá phức tạp. Kiến trúc của họ đậm đặc tính địa phương đồng thời cái tính địa phương ấy lại toát ra cái toàn nhân loại. Ở Ando là những không gian riêng tư đối lập với không gian xã hội thông tin ầm ĩ bên ngoài. Botta khơi dậy nơi con người hiện đại “niềm thích thú biết ngạc nhiên”. Đặc trưng của Correa là các khu ở phổ quát cho người nghèo, người thu nhập thấp. Murcutt tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cái thần địa điểm, “kiến trúc chạm nhẹ vào đất”, tiết kiệm năng lượng.Vấn đề là giữa chúng ta với những KTS Ando, Botta, Correa, Murcutt khác nhau ở chỗ, chúng ta chưa thấu hiểu và làm chủ được quá trình cốt tử của sáng tạo kiến trúc như họ đã làm: đó là việc kiến tạo một ý niệm xuyên suốt trong tổ chức không gian và khả năng xử lý kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới tương ứng. Chúng ta chưa xây dựng được những điểm tựa tinh thần - có thể là một hình thái, một triết lý không gian của riêng Việt Nam - để từ đó chủ động khúc xạ và ứng dụng khoa học công nghệ phương Tây, chứ không chỉ bị động chạy theo để rồi luôn tụt hậu và lạc hậu. Nên chăng cần thức nhận lại khái niệm “không gian mở”, “không gian lớp”. Đã có mở tức có đóng, đã có lớp tức có cấu trúc các lớp, có sự giao thoa giữa các lớp... Và ở thời đại thế giới là ngôi làng lớn thì nhất thiết trong cái bản địa, cái rất riêng của mình phải ẩn chứa những mã thông điệp mang tính toàn cầu.Cuối cùng, thực tế kiến trúc xây dựng vô cùng sôi động. Chúng ta, những KTS - nhà quản lý - chủ đầu tư liệu có khả năng cộng sinh thoát ra khủng hoảng? Có khả năng hợp sức đặt những viên gạch đầu tiên cho sự khởi đầu của một truyền thống mới?Tôi tin vào sự thức nhận của các nhà quản lý trẻ, các KTS - nhà QH trẻ. Tin rằng “nhân loại chỉ đặt ra những vấn đề mà họ có khả năng giải quyết”. Song lưu ý, then chốt nằm chính ở tính trung thực của vấn đề được nêu.
Hoàng Thúc Hào (trích từ Tia Sáng,11:31:11 22/01/2008)
Kiến trúc Việt Nam(8):Kiến trúc cửa khẩu
Cửa khẩu chưa phát huy vai trò phát triển kinh tế, đô thị vùng biên
(Ths.KTS Lã Thị Kim Ngân
Phó Viện Trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn)
Cửa khẩu đóng vai trò quan trọng đối với một quốc gia, bởi đó là cổng vào của một nước. Theo quan niệm của người xa, nhà cao, cửa rộng sẽ khẳng định sự giàu có, thịnh vượng của một gia đình. Vì thế, cửa khẩu khang trang, có bản sắc sẽ khẳng định vị thế của một đất nước. Không những vậy, cửa khẩu còn có các vai trò khác nhau ở vùng biên: giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế vùng biên, tạo dựng đô thị ở vùng biên.
Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chưa quan tâm đến công tác thiết kế cửa khẩu. Hầu hết các cửa khẩu đều do các địa phương tại vùng biên triển khai. Trong khi điều kiện kinh tế tại các địa phương này còn nhiều khó khăn, trình độ còn hạn chế. Vì vậy, các cửa khẩu mới chỉ đảm bảo được chức năng về an ninh quốc phòng, kiểm tra, kiểm soát mà chưa quan tâm tới hình thức kiến trúc của cửa khẩu, chưa đưa quy hoạch cửa khẩu trở thành một vấn đề cần quan tâm để từ đó phát huy hết vai trò của cửa khẩu, góp phần tạo dựng kinh tế, đô thị tại vùng biên.
Các cửa khẩu tại nước ta thường nằm ở nhiều địa điểm rất khác nhau trải dài trên cả nước. Tuy nhiên, các đặc điểm của địa phương và nét văn hóa tại vùng, miền đó lại chưa được nghiên cứu để đưa vào trong kiến trúc, quy hoạch các cửa khẩu. Bởi vậy, các cửa khẩu ở ta vẫn na ná giống nhau, còn nhỏ về quy mô, nghèo nàn về hình thức thể hiện. Trong khi đó, tại các nước bạn như Lào, Campuchia, Trung Quốc, các cửa khẩu đã được quan tâm xây dựng không những khang trang, mà còn thể hiện rất rõ kiến trúc của bản địa, thậm chí, một người dân cũng có thể cảm nhận được ngay nét văn hóa của Lào, Campuchia, Trung Quốc khi bước chân qua cửa khẩu. Bên cạnh đó, các nước bạn đều có chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị khang trang, hiện đại, phát triển kinh tế bằng nhiều hoạt động thu hút du lịch, vui chơi, giải trí. Vì thế, vùng biên tại các nước bạn thường rất sôi động, song nhìn lại các địa phương vùng biên ở nước ta vẫn heo hút, chưa tạo được động lực để phát triển.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn sẽ nghiên cứu để thực hiện các quy hoạch tại các vùng kinh tế cửa khẩu, góp phần tạo dựng bộ mặt quốc gia trong quan hệ đối ngoại. Cùng với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu là cửa ngõ vào mỗi quốc gia, vì thế, Viện sẽ quan tâm nghiên cứu để đưa vào các cửa khẩu, vùng kinh tế cửa khẩu những phong cách của từng địa phương. Để làm được điều này, cần thiết tổ chức các cuộc thi về cửa khẩu, nhằm thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, người làm nghề về lĩnh vực này, cũng như tạo dựng được xu hướng kiến trúc cho các cửa khẩu. Mặt khác, Nhà nước, Bộ Xây dựng cũng nên cụ thể hóa các chủ trương để có thể triển khai sớm công tác này bằng những quy hoạch, kiến trúc, định hướng về tổ chức không gian, kiến trúc tại vùng biên, biện pháp quản lý về nguồn vốn…
Cổng Cửa khẩu phải là những " Nghi môn"
(TS. Trần Đức Anh Sơn
Trưởng khoa Việt Nam học, ĐH Phan Châu Trinh, Hội An)
Tôi có dịp đi qua Trung Hoa, Lào và Thái Lan bằng đường bộ và thật sự ấn tượng với các "Nghi Môn" của các quốc gia này. Có "Nghi Môn" rất lớn, có cái thì tầm vóc và kích thước khá khiêm tốn, nhưng tất cả đều có một điểm chung: đó là các "Nghi Môn" này đều mang những nét biểu trưng cho phong cách kiến trúc của các quốc gia đó. Chỉ cần nhìn qua, có thể nhận diện được ngay "Nghi Môn" ấy thuộc quốc gia nào, kể cả những "Nghi Môn" được thiết kế theo phong cách cách tân, hiện đại. Tôi thấy ngay các cửa kiểm soát vé trên các đường cao tốc hay đường vành đai ở ngoại ô thành phố cũng được kiến tạo phỏng theo các kiểu thức kiến trúc cổng - cửa trong Cố cung Bắc Kinh, từ phong cách, đến màu sắc, hoa văn trang trí và cả chất liệu (khung sườn thường bằng gỗ, lợp ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly...). Vì thế chúng trông rất bắt mắt và mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Hoa.
Còn ở nước mình thì không được như vậy. Mỗi cửa khẩu quốc gia có một kiểu thức "Nghi Môn" riêng, cái thì đồ sộ tốn kém, cái thì đơn giản đến tội nghiệp, nhưng tất cả đều có một điểm chung là chúng chẳng nói lên được gì cho kiến trúc của Việt Nam cả. Ai thích làm kiểu gì thì làm.
Kiến trúc truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ có kiểu thức cổng làng nổi tiếng, sao người ta không "lẩy" những nét biểu trưng của cái cổng làng ấy, rồi cách tân nó và tạo nên những "Nghi Môn quốc gia" mang "hồn vía" Việt Nam nhỉ? Hoặc cũng có thể tham khảo các kiểu thức "tam quan" trong kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Huế để xây dựng các "Nghi Môn quốc gia" thì hay hơn rất nhiều.
Cửa khẩu phải thể hiện được sự mến khách, khát vọng hòa bình, ý thức dân tộc
Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn (phía Trung Quốc)
(Nguyễn Thanh Bình
Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm tỉnh Gia Lai)
Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia nằm kề nhau trên bán đảo Đông Dương, có lịch sử cùng tồn tại và phát triển lâu đời. Trong suốt chiều dài lịch sử và đặc biệt trong những năm của thế kỷ 20, hai quốc gia đã kề vai sát cánh cùng nhau vượt qua những khó khăn gian khổ và cuối cùng đã giành được độc lập thống nhất cho dân tộc mình.
Hiện nay Chính phủ hai nước đang khẩn trương thực hiện phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị để cùng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Các khu kinh tế cửa khẩu ngày càng được nâng cấp và mở rộng để đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch...của nhân dân hai nước. Vì vậy, việc xây dựng "Quốc Môn" tại các cửa khẩu quốc tế, quốc gia là hết sức cần thiết. Hiện tại chưa có một chuẩn mực hay là những tiêu chí cơ bản trong việc thiết kế "Quốc Môn", các địa phương dọc tuyến biên giới cũng đang lúng túng khi triển khai công tác này. Do vậy cần có những trao đổi về chuyên môn để giúp cho công tác thiết kế "Quốc Môn" được tốt hơn.
"Quốc Môn" là cửa ngõ của đất nước, là nơi để lại dấu ấn đầu tiên cho du khách khi đến Việt Nam và cũng là nơi để lại cảm xúc sâu lắng của người Việt khi rời xa hay quay về đất Mẹ. Vì vậy kiến trúc "Quốc Môn" phải thể hiện được sự mến khách, khát vọng hòa bình, ý thức dân tộc của con người Việt Nam, bên cạnh đó cũng phải thể hiện được sự bảo vệ vững chắc chủ quyền của một quốc gia độc lập, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Để đạt được điều đó, thông qua ngôn ngữ kiến trúc cần khai thác tối đa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước, con người Việt Nam nói chung và mảnh đất, con người tại địa phương nơi đặt "Quốc Môn" nói riêng. Bởi vì chỉ có những giá trị văn hóa mới đảm bảo cho sự Trường tồn của một dân tộc, hấp dẫn du khách khi mới đặt chân đến và làm lưu luyến du khách khi rời xa và cũng chỉ có những giá trị văn hóa mới làm cho những người Việt xa xứ luôn hướng về Tổ quốc thân yêu của mình.
Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đi qua nhiều địa danh của các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam bộ, nơi thì núi rừng, nơi thì sông nước... mỗi địa danh đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng trong mái nhà chung văn hóa Việt Nam, cần có những nghiên cứu tích cực trong quá trình thiết kế kiến trúc "Quốc Môn" để đem lại những tác phẩm giá trị có nhiều sắc thái nhưng vẫn mang hồn Việt.
Từ cổng làng đến Quốc môn
(KTS Vũ An
Hội KTS Lạng Sơn)
Cổng làng từ ngàn xa đã gắn bó với quần cư người Việt, cũng gần gũi thân thương như lũy tre làng, mái đình cây đa - nơi mà bao thế hệ văn nghệ sĩ đã lấy làm nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác của mình.
Cổng cửa khẩu biên giới ngoài chức năng vốn có là công trình bảo vệ chủ quyền quốc gia còn là nơi nghênh đón tiễn đưa các đoàn ngoại giao, đón tiếp các hoạt động trao đổi kinh tế, văn hóa - xã hội với nước ngoài nên có thể gọi là "Quốc Môn". Với ý nghĩa đó, Quốc Môn phải truyền tải, giới thiệu được nét tinh hoa kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật của cả một dân tộc, tạo được ấn tượng tốt đẹp với khách quốc tế về một nền văn hóa dân tộc có truyền thống lịch sử lâu đời.
Những năm qua, trên các nẻo đường biên giới nhiều công trình cổng cửa khẩu đã được xây dựng giải quyết chức năng vốn có của nó là kiểm soát và bảo vệ kèm theo một vài ý tưởng kiến trúc, có cái thiên về trang trí đắp điếm, có cái được cách điệu "mạnh mẽ", có cái cổng dường như chẳng để làm gì. Nhìn chung ở ta vẫn quan niệm cổng là loại kiến trúc đơn giản, ít được quan tâm.
Đất nước đang trên đường hội nhập quốc tế, con đường mà chúng ta đang đi, khi đi ra khỏi biên giới quốc gia, ngoái nhìn lại ta lại thấy bóng dáng thân thương của cái cổng làng bé nhỏ năm xa trong công trình Quốc Môn hôm nay để rồi trong ký ức của mọi người Việt Nam đi chinh phục thế giới thêm tự hào về nền kiến trúc Việt Nam, chắp cánh cho ước mơ bay cao, bay xa.
Kiến trúc cửa khẩu không thể thống nhất, hay điển hình
(TS.KTS. Nguyễn Tiến Thuận
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội)
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của kiến trúc cửa khẩu, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đặt vấn đề lấy ý kiến của các chuyên gia, nhằm nâng cao chất lượng kiến trúc cửa khẩu Việt Nam hiện nay là rất cần thiết.
Việc làm (xây dựng) cửa khẩu giống nhau hay mỗi nơi một khác… đều có cách lý giải đúng cho mục đích đặt ra và đều có thể đạt tới "chất lượng kiến trúc" tốt.
Song, với tôi, nếu việc xây dựng "cửa khẩu là một loại kiến trúc thống nhất, điển hình" để nhằm "dễ nhận thấy nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc" thì đây sẽ là một việc làm với thành công thấp nhất nếu không nói rằng đây là cách làm trái với giá trị bản chất của kiến trúc, của nghệ thuật kiến trúc.
Điều cốt lõi của kiến trúc - bao giờ cũng có đất sống của nó. Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc. Trên chiều dài biên giới là nơi định cư của các dân tộc có chung dòng máu Việt. Song văn hóa của từng vùng lại có những đặc sắc khác nhau.
Thử xem, chúng ta sẽ chọn nét văn hóa của dân tộc nào đây, để được thiết kế "điển hình", để đại diện cho bản sắc Việt Nam! Việc di cư văn hóa kiến trúc là việc không nên làm. Việc cố gắng nhào trộn để tìm ra một hợp chất văn hóa chung, bản sắc chung… cũng là việc không cần thiết.
Hãy để cho kiến trúc có giá trị tự thân của nó. Hãy để cho mỗi cửa khẩu, ở mỗi nơi có nét đặc sắc riêng của nó. Điều này cần cho chính cả người Việt chúng ta và càng hấp dẫn hơn đối với du khách Quốc tế. Càng khẳng định hơn sự phong phú, rộng lớn về văn hóa truyền thống lâu đời của các dân tộc Việt.
Kiến trúc có rất nhiều thủ pháp nghệ thuật để đạt được mục đích. Có thể, có thêm một "kiến trúc ký hiệu" (điều này dành cho quan điểm, vẫn muốn có tính thống nhất). Đó là việc ở mỗi cửa khẩu đều có một Trụ biểu giống nhau - được xem đây là ký hiệu về nơi cửa khẩu của Việt Nam.
Theo tôi vấn đề kiến trúc cửa khẩu hiện nay, không phải là việc nên giống nhau hay khác nhau, mà chính là hiện tượng "chất lượng kiến trúc" chưa cao! Nếu tất cả đều đặc sắc thì chắc chắn còn rất ít việc phải bàn.
Cửa khẩu nên là kiến trúc hiện đại
(Ông Tô Anh Tuấn
Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội)
Cửa khẩu trước nhất phải là công trình thể hiện bộ mặt của mỗi quốc gia, do đó yêu cầu về kiến trúc và văn hóa là cần thiết, tính biểu tượng là một trong những yêu cầu cần đạt được. Ngoài tính biểu tượng quốc gia, kiến trúc cửa khẩu cần thể hiện sắc thái địa phương.
Xây dựng cửa khẩu cần tính đến chức năng sử dụng lâu dài. Xu hướng du lịch qua đường bộ, việc thông thương giao dịch kinh tế thương mại và buôn bán qua cửa khẩu sẽ ngày càng lớn. Kiến trúc cửa khẩu phải đảm bảo đủ các chức năng hoạt động về chính trị, văn hóa, du lịch, kinh tế. Những chức năng này cần phải được giải quyết tốt trong thiết kế cửa khẩu. Vì vậy, cửa khẩu không đơn thuần chỉ là một cái cửa mà nó phải là một tổ hợp nhiều công trình.
Đặc trưng của cửa khẩu là thường có mặt ở các vùng biên giới hẻo lánh nên kiến trúc cửa khẩu nên theo hướng hiện đại thì mới hàm chứa đầy đủ các yêu cầu của nó. Tuy nhiên không hiện đại một chiều mà cần đảm bảo tính văn hóa địa phương, quốc gia.
Quy hoạch khu vực cửa khẩu trước hết phải có đánh giá, phân loại I, II, III… hoặc cách phân loại nào đó theo tính chất quy mô, chức năng. Trên cơ sở đó, mỗi cửa khẩu có những trọng điểm riêng như: thương mại, du lịch hay cả hai. Tương ứng với mỗi phân loại ấy là chức năng, quy mô như thế nào, cần phải phân loại rõ những chức năng mà nó phải đảm nhận. Mỗi cửa khẩu cần có các dây chuyền hoạt động khác nhau, để đáp ứng với tính chất của từng cửa khẩu.
Đã là cửa khẩu thì phải đảm bảo an ninh quốc phòng và những lúc cần thiết nó phải trở thành điểm cố thủ về quân sự.
Áp đặt tính biểu trưng, kiến trúc cửa khẩu sẽ trở nên khiên cưỡng?
(KTS Nguyễn Luận
Hội Kiến trúc sư Việt Nam)
1. Cửa khẩu vốn được hình thành trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nó biểu hiện cho việc khẳng định ranh giới về địa lý, ranh giới thông thương và giao lưu của một đất nước. Vậy, nếu xuất phát từ quan điểm phát triển kinh tế toàn cầu hóa, việc xuất hiện những cái cổng cửa khẩu đối nhau giữa nước này với nước kia đến một lúc nào đó nó sẽ trở nên khiên cưỡng và bản thân kiến trúc cửa khẩu lúc này sẽ không có vai trò gì lớn. Lý do đơn giản là nhiều nước châu Âu hiện nay đã không còn cửa khẩu nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng không đánh giá thấp vấn đề đó mà cổng cửa khẩu có thể chỉ là một cái barie chứ không phải là tất cả những gì để bắt buộc kiến trúc phải quan tâm nhiều đến.
Về mặt kiến trúc, bản thân kiến trúc cửa khẩu của Trung Quốc cũng không có gì đặc biệt nhưng về mặt quy mô rõ ràng họ làm lớn hơn hẳn Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cho rằng kiến trúc cửa khẩu của Lào, Thái Lan, Cam phuchia… dễ nhận diện hơn ta và có tính chất đặc trưng hơn ta thì cũng chưa hoàn toàn đúng. Vì bản thân kiến trúc của các nước này vốn đều có điểm chung là thuộc vùng văn hoá cận ấn Độ nên dễ nhận diện được, trong khi Việt Nam cận Trung Quốc nhiều hơn. điều này cũng lý giải cho việc vì sao kiến trúc Việt Nam chưa có sự nhận diện rõ ràng.
2. Nếu kiến trúc cửa khẩu cần phải mang một nội hàm văn hóa hay mang tính biểu trưng của một chủ thể nào đó thì nên coi nó có ý nghĩa như một cái cổng làng xa. Cổng cửa khẩu của mỗi nước cũng giống như xa kia mỗi làng phải có cổng làng nên công trình đó không mang tính chiến lược, nhưng nếu nó hàm chứa bên trong một chút nghệ thuật và mang nội hàm văn hóa cũng là điều hay. Tuy nhiên, với thể loại công trình này nếu cứ áp đặt, đòi hỏi tìm tòi hay chế tác nhiều cũng dẫn đến sự khiên cưỡng. Hãy để cho các Kiến trúc sư tự do trong sáng tác sẽ dễ hơn nhiều. Kiến trúc không nên khiên cưỡng, không nên ép. Vì nội hàm văn hóa không thể tích động một sớm một chiều, có thể nó đầu thai ở người này, lúc xuất hiện ở người kia nhưng không phải cứ ép buộc mà ra. người Việt Nam vẫn còn chất phong kiến trong mình, họ cứ nghĩ cần một cái gì đó để khẳng định mình, nếu không mình sẽ bị tan thôi. Điều này dễ dẫn đến ta tự làm khó cho ta, khó cho các nhà kiến trúc, nhà lãnh đạo khi nhìn nhận, đánh giá về vấn đề này.
3. Tôi cho rằng khu kinh tế của khẩu mới là cái chúng ta cần quan tâm nhất, cả trên phương diện quy hoạch lẫn kiến trúc bởi đây mới là nơi thể hiện rất rõ về mặt đời sống, kinh tế, văn hóa của mỗi đất nước và dễ để lựa chọn những kiến trúc phù hợp với nó, đồng thời nó dễ biểu đạt được tính địa phương và không bị khiên cưỡng như kiến trúc cửa khẩu.
Phải thấy ngay đâu là kiến trúc Việt.
(KTS Ngô Huy Giao)
Kiến trúc cửa khẩu, không phải là hạng mục lớn tầm cỡ quốc gia, tuy nhiên ở vị trí cửa ngõ, giao tiếp với bầu bạn, nếu xếp hạng cũng phải thuộc loại 1, với những đặc thù: "Cửa khẩu". Nhiều năm qua, thông thường biên giới với các nước bạn, nhiều công trình cửa khẩu đã được thiết kế, xây dựng thận trọng, thường qua thi tuyển thiết kế. Điều dễ nhận thấy là tuy cũng hoành tráng, bề thế nhưng thường không gây ấn tượng bằng phía bên kia biên giới.
Công nghệ vận hành, lưu tuyến của công trình tuỳ thuộc điều kiện sử dụng, không phải là quá khó. Điều cần quan tâm nhiều là tính chất kiến trúc, nội hàm văn hoá.
Một cụm từ quen thuộc trong nhiều đầu bài thi tuyển kiến trúc: "Hài hoà cảnh quan, hiện đại, dân tộc". Nhóm KTS Cộng hoà Liên bang Đức đã 2 lần thành công ở Việt Nam qua 2 công trình lớn, đã 2 lần đặt câu hỏi đại ý: "Xin chỉ cho chúng tôi những đường nét dân tộc của kiến trúc Việt Nam để chúng tôi đưa vào chương trình". Để trả lời câu hỏi có phần "khô cứng" ấy, tôi đề nghị họ đi xem những công trình kiến trúc Việt Nam từ những thế kỉ trước. Và dừng lại ở những công trình người Pháp thiết kế từ những năm 20 - 30 thế kỉ trước. Sau quá trình thâm nhập văn hoá Việt Nam, người Pháp đã sáng tạo phong cách kiến trúc Đông Dương hiện đại trên cơ sở truyền thống. Dư luận quốc tế khen ngợi văn hoá Nhật Bản hiện đại trên cơ sở dân tộc. Kiến trúc Nhật Bản cũng vậy. Cảm nhận cái chất phương Đông - Nhật Bản toát lên từ mỗi không gian, mỗi đường nét của công trình. Thành công ấy phải là kết quả của quá trình tích luỹ, sáng tạo.
Vậy thì giải pháp? chưa thể sáng tạo ngay như Nhật Bản, không thể cóp nhặt cổ điển châu Âu. Cần có giải pháp đặc thù. Kiến trúc cửa khẩu phải đạt yêu cầu: từ bên kia biên giới nhìn sang đã thấy ngay là kiến trúc Việt Nam.
Kiến trúc Thái Lan, Lào, Campuchia rất rõ ở bộ mái. Việt Nam cũng có bộ mái với nhiều nét riêng. Tuy nhiên nhiều thiết kế chùa, công trình tưởng niệm của Việt Nam hiện nay cứ đúng nguyên kiểu chùa, đình cổ điển. Hoà thượng Thích Kiến Nguyệt, chủ đầu tý xây dựng nhiều thiền viện gần đây đã lí giải khác. Ông nói: Ngôi chùa tập trung nhiều người, hương khói cúng lễ, phải làm cao, rộng, không lệ thuộc vật liệu gỗ, gạch, sao lại cứ phải làm gian nhỏ, thấp. Bê tông cốt thép cho phép vượt khẩu độ lớn. Không làm đầu đao cong vút, chỉ xử lí bờ nóc, bờ chảy để tạo dáng uyển chuyển "nở hoa đao", nhưng đừng như Trung tâm triển lãm văn hoá Hoa Lư, bờ chảy nhô cả ra ngoài chỉ giới, chọc thẳng vào chính giữa Bộ Xây dựng. Các thành phần chi tiết có thể vận dụng giải pháp truyền thống. Ví như cửa bức bàn, (không trạm trổ cầu kì như cửa võng, diềm mái, ô cửa, hàng song, con tiện, hoa văn quen thuộc).
Tóm lại, với kiến trúc cửa khẩu nên từ cái nền Việt Nam truyền thống mà xử lí cho hợp với thẩm mĩ hiện đại. Vật liệu hiện đại vẫn có thể dùng, nhưng đừng quá lạm dụng, cả mặt chính đầy ắp kính màu, nhiều lời khuyên chỉ nên dùng kính 20, 30% diện tích mặt nhà. Gạch Bát Tràng mà lát nền, mà xây tường không trát thì tuyệt vời, nhưng đắt và khó kiếm, có thể dùng điểm xuyết.
Thiết kế là sáng tạo của KTS, bài viết chỉ có thể nói đôi điều suy nghĩ, gợi ý nhỏ. Mong ước những ai ngồi vào bàn thiết kế kiến trúc cửa khẩu hãy xoá bỏ lởn vởn trong đầu ý nghĩ: "cổ điển phương Tây" mà hãy luôn tâm niệm "truyền thống văn hoá Việt Nam".
Tính biểu trưng dân tộc hay kiến trúc dân tộc?
(KTS Trần Đức Hợp
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội)
Nói đến cửa khẩu, sự liên tưởng đầu tiên chính từ cái nhỏ nhất là cổng nhà rồi đến cổng làng. Đối với đô thị là các cửa ô, với mỗi quốc gia thì đó là cái cổng cửa khẩu. Tuy nhiên, cái cổng làng vẫn đem lại dấu ấn sâu đậm nhất.
Cửa khẩu không nhất thiết là phải to lớn, oai vệ. Nó phải mang tính biểu tượng hay ý tưởng nào đó của một quốc gia để người ta biết đó là của Việt Nam, bước qua đó là bước sang lãnh thổ Việt Nam.
Nếu đem tiêu chí hiện đại hay dân tộc gán cho cổng cửa khẩu là điều rất khó. Tính dân tộc trong kiến trúc ? Chúng ta loay hoay đi tìm mãi mà chưa ra. Mái đình, chùa chỉ là một dạng kiến trúc tôn giáo chứ không thể nói đó là đặc tính dân tộc mà nhiều năm qua nhiều người vẫn ngộ nhận.
Nếu kiến trúc cổng cửa khẩu là hiện đại thì hiện đại nhưng vẫn phải biểu hiện được tính dân tộc (chứ không phải là kiến trúc dân tộc). Tính dân tộc biểu hiện qua các hình tượng như trống đồng… hay ở những nét kiến trúc nhiệt đới của Việt Nam. Tính địa phương trong thể loại kiến trúc này cũng khá quan trọng, nhưng trong cái địa phương vẫn phải thấy được tính quốc gia ở đó và chính tính địa phương sẽ làm nên sự phong phú cho các cửa khẩu.
Không chỉ riêng cổng cửa khẩu, khu vực cửa khẩu phải là một khu vực được quan tâm thiết kế tổng thể, trong đó cổng cửa khẩu là thành phần chính tạo ra được dấu ấn dân tộc. Một cụm công trình cửa khẩu nhất thiết phải do một KTS giỏi thiết kế thì mới tạo nên một ngôn ngữ chung. Nếu cứ giải quyết theo kiểu kinh tế thị Trường, cho 5, 7 kiến trúc sư cùng nhảy vào thiết kế sẽ chỉ đem lại một sự hỗn độn mà thôi.
Kiến trúc vùng biên giới với mỗi khu vực cửa khẩu đều phải phù hợp với điều kiện khí hậu khác nhau của từng vùng. Không thể áp kiến trúc của vùng biên giới phía Bắc có khí hậu nhiệt đới với vùng phía Nam có khí hậu lạnh. Đồng thời, nhất thiết phải có hoạch định rõ về điểm nhấn với những công trình khách sạn, nhà làm việc, trung tâm thương mại…Nhà dân nên là nhà thấp tầng chứ không thể đem nhà ở chung cư cao tầng lên khu vực miền núi để rồi lại bị đào thải như đã từng xảy ra ở Hà Giang.
Kiến trúc cửa khẩu phải dễ nhận dạng
(Họa sĩ Phạm Bình Chương
Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội)
Cửa khẩu, hay kiến trúc cửa khẩu có một chức năng hết sức đặc biệt. Ngoài việc chính là kiểm soát sự đi lại qua biên giới, nó còn ẩn chứa một nhiệm vụ rất lớn, đó là thể hiện sự hiện diện của một quốc gia.
Cửa khẩu chính là cơ hội để một quốc gia thể hiện đặc thù văn hóa và thậm chí cả thể chế chính trị hay kinh tế để có sự khác biệt với quốc gia khác. Ví dụ cửa khẩu của Trung Quốc rất đồ sộ, trong khi cửa khẩu của Campuchia lại rất nhỏ. Vậy đặc điểm của thể loại kiến trúc này là phải dễ nhận dạng ngay cả khi nhìn từ rất xa (vì điều kiện không gian ở biên giới nói chung rất rộng). Khi nhìn từ xa, người ta chỉ thấy được hình chu vi chứ không thể thấy ngay được chi tiết. Do vậy, hình thức cửa khẩu phải cô đọng và biểu dương được yếu tố hình thể nổi bật trong không gian (mà phải là nét kiến trúc đặc trưng của quốc gia đó). Ngoài ra nó phải có chất liệu bền vững và không được lỗi mốt, vì không thể vài năm ta lại xây lại cho hợp thời.
Việt Nam có biên giới với 3 nước và có nhiều cửa khẩu. nhưng hình thức của loại hình này lộn xộn, mỗi nơi một kiểu và không rõ ràng về tiêu chí, chỉ có tính nhất thời. Mặc dù vẫn thấy rất cầu kỳ về hình thức nhưng có cố đoán cũng chẳng hiểu nó là kiến trúc kiểu gì, thuộc nước nào. Nên nhớ rằng với nhiệm vụ xây dựng cửa khẩu thì cái đẹp không phải là tiêu chí hàng đầu. Cái đẹp mang tính cá nhân lại càng sai lầm khi biểu hiện một biểu tượng dân tộc. Chẳng phải ta đang tự làm bất lợi cho mình hay sao trong khi nước Mỹ có muốn cũng không thể có nổi một cửa khẩu mang tính dân tộc.
Vậy kiến trúc cửa khẩu nên như thế nào? Hãy mô phỏng kiến trúc cổ. Mái cong vút lên kết hợp với điêu khắc rồng, phượng ở đầu đao các mái đình, chùa, tam quan là biểu tượng kiến trúc độc đáo của dân tộc Việt. Hình ảnh này đã đi vào thi ca như một biểu tượng văn hóa dân tộc, và dù có trải qua hàng nghìn năm, kiến trúc cổ Việt Nam vẫn không thay đổi. Vậy đừng lo lỗi mốt. Nhiều người đều khen cửa khẩu các nước láng giềng đẹp vì đơn giản là họ lấy những nét tiêu biểu trong kiến trúc của họ để thể hiện, còn ta đã không cho họ cơ hội biết được nét đặc sấc của mái đình, mái chùa của Việt Nam. Cầu kỳ, đồ sộ thì có kiến trúc cung đình Huế như: Ngọ môn, cửa Hiển Nhơn ( Thành Nội), Văn Miếu, đơn giản là các tam quan chùa như chùa Kim Liên, chùa Keo…Song khi chuyển sang kiến trúc cửa khẩu thì nên giản lược bớt chi tiết nhưng tỷ lệ là yếu tố quan trọng nhất, là cái hồn của tinh hoa dân tộc. Chất liệu và màu sắc cũng phải được cân nhắc vì tính bền vật liệu. Lúc này cái đẹp bỗng ở đâu ló ra mà ta không đâu phải dụng công nhiều.
Không nên coi nhẹ kiến trúc và quy hoạch vùng biên giới
(PGS.TS.KTS Tôn Đại)
Cửa khẩu là bộ mặt của Tổ Quốc, cửa khẩu gây ấn tượng ban đầu rất mạnh mẽ và sâu sắc cho người nước ngoài khi mới đến nước ta, nó lại là niềm kiêu hãnh, tự hào của đồng bào ta về Tổ quốc mình. Biên giới là một con sông, bên kia cầu là cửa khẩu nước bạn có kiến trúc hoành tráng đặc sắc, bên này cầu là cửa khẩu nước mình sơ sài tiêu điều thì tủi thân biết bao.
Theo tôi kiến trúc cửa khẩu gồm hai thành phần: cái cổng đi vào và không gian sau cổng (là một đô thị, một làng xóm…)
Cái cổng:
- Kiến trúc cổng nhất thiết phải mang bản sắc Việt Nam. Bản sắc này có thể là Việt Nam nói chung hay là bản sắc địa phương của một dân tộc ít người vùng biên giới có cửa khẩu đó.
- Quy mô không nhất thiết phải to lớn. Sự hoành tráng không nhất thiết phải có quy mô đồ sộ mà ở bố cục không gian với những khoảng cách hợp lý tôn được kiến trúc chủ thể lên.
- Phong cách kiến trúc có thể theo truyền thống cổ điển hoặc hiện đại nhưng không thể lầm lẫn với kiến trúc của nước khác.
Không gian sau cổng:
Không thể để không gian sau cổng cửa khẩu là một cảnh hoang vu xơ xác. Đây là phần hồn của cổng biên giới, là lời giới thiệu về đất nước týơi đẹp, thanh bình, cởi mở hữu nghị và giàu có. Muốn thể hiện được phần hồn này thì tối thiểu sau cổng phải là một đô thị nhỏ như một thị tứ, một thị trấn. ở đấy có chợ biên giới với hàng hóa phong phú của địa phương và nhiều tỉnh trong cả nước. Hoạt động của đô thị nhỏ này bước đầu giới thiệu đất nước ta với khách ngoại quốc, nó có tầm quan trọng lớn và mang đậm bản sắc địa phương nước ta.
Cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), ở sâu một chút sau cửa khẩu là công trình Hội chợ thương mại Quốc tế khá đồ sộ và đặc sắc với nhiều hàng hóa đại diện cho cả nước. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), khá sâu vào trong là chợ Đông Kinh 4 tầng to đẹp. Cửa khẩu Lào Cai có một công trình hiện đại nhưng ngay cạnh đấy có Đền Mẫu với tám mái cong kiểu chồng diêm khiến cho tính chất Việt Nam nổi bật lên rõ ràng, nó bổ xung cho công trình cổng biên giới hiện đại kia.
Tóm lại, cửa khẩu là cửa ngõ của ngôi nhà Việt Nam, không nên coi nhẹ mặt kiến trúc và quy hoạch vùng biên giới này.
Xu hướng Sử dụng vật liệu hiện đại cho cửa khẩu là tất yếu.
(KTS. trương Đình Quang
Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn tỉnh Đồng Tháp)
Cửa khẩu là nơi giao lưu hàng hóa, bộ mặt của quốc gia, điểm nhấn của đô thị vùng biên giới. Thông thường về quy hoạch, phía trước phảI là một không gian lớn ngoài Quốc Môn. Vị trí cổng của khẩu với tổ hợp trạm điều hành dẫn khách cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ và thể hiện được tính dân tộc hiện đại. nhưng sẽ là điều khó khăn cho các cửa khẩu khi đi tìm đường nét kiến trúc dân tộc. Bản thân chúng ta vẫn hay đi tìm đường nét kiến trúc dân tộc qua bộ mái kiến trúc cổ. Các kiến trúc sư miền Bắc cũng đã cố tìm tòi từ ý tưởng đó nhưng qua một số công trình đã hiện diện vẫn thấy một cái gì đó còn khiên cưỡng. Do đó cửa khẩu nên mang đường nét kiến trúc địa phương, hiện đại và hoành tráng. Xu hướng sử dụng vật liệu hiện đại cho cửa khẩu là xu hướng tất yếu và dễ thực hiện hơn.
Cần nâng cao chất lượng Kiến trúc Cửa khẩu biên giới Việt Nam
(TS.KTS. Nguyễn Song Tùng
Chủ tịch Hội KTS Nghệ An)
nước ta có hơn 100 Cửa khẩu quốc gia và quốc tế với các nước bạn Trung Quốc, Lào, Campuchia đã được xây dựng với nhiều loại hình kiến trúc cửa khẩu khác nhau. Nhìn chung, kiến trúc cửa khẩu biên giới cũng đã thể hiện được vị thế, chức năng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, chất lượng về kiến trúc cửa khẩu biên giới của ta hiện nay còn có nhiều hạn chế:
- Kiến trúc công trình còn nặng nề, một số công trình đã có những nghiên cứu tìm tòi tính biểu tượng dân tộc nhưng còn sơ sài, khó nhận thấy được những dấu ấn, nét điển hình của văn hoá dân tộc, bản địa.
- Mặt bằng công nghệ làm việc, vật liệu xây dựng trang trí, kỹ năng hoàn thiện công trình còn yếu, chưa thực sự hợp lý, thích hợp đã làm hạn chế đến sự trang trọng của công trình.
Chúng ta đều biết, Cửa khẩu là nơi giao lưu hàng hoá và giao lưu văn hoá của các dân tộc vùng biên giới. nhưng với Quốc gia, Cửa khẩu là Quốc Môn có vai trò quan trọng trong sự hội nhập và phát triển của đất nước.
Do đó, tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của Tạp chí kiến trúc Việt Nam về kiến trúc Cửa khẩu biên giới Việt Nam với các nước hiện nay, vấn đề đang được nhiều người quan tâm.
Vì chất lượng kiến trúc Cửa khẩu biên giới trong thời gian tới, sau khi tiếp nhận các ý kiến về vấn đề trên,Tạp chí kiến trúc cần phối hợp với các cơ quan chức năng có tiếng nói đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, cho chủ trương nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng kiến trúc Cửa khẩu biên giới Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế.
Rút kinh nghiệm từ một cửa khẩu
(KTS. Đinh Hoàng Ân
Hội KTS Tây Ninh)
Hội Kiến trúc sư Tây Ninh qua tham khảo nhiều ý kiến kể cả ý kiến của đơn vị trực tiếp quản lý Cổng cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia tại Mộc Bài, Bến Cầu - Tây Ninh, có một số ý sau:
- Việc bố trí công năng sử dụng chưa hợp lý.
- Mặt bằng sử dụng dư thừa, lãng phí.
- Bố trí phòng làm việc không thông thoáng.
- Bố trí phân luồng giao thông kém, gây ùn tắc mất trật tự.
- Về mặt hình thức kiến trúc chưa thể hiện được bản sắc dân tộc.
Từ những thiếu sót trên đưa đến tình trạng có những đơn vị quản lý công tác tại cửa khẩu phải bố trí nhân viên làm việc ngoài trời, dùng vải bạt để che nắng .
Cổng cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia tại Mộc Bài - Tây Ninh trước đây do Ban Quản lý xây dựng đường xuyên á làm chủ đầu tư, thiết kế cổng cửa khẩu này do một đơn vị thiết kế của Bộ Văn hoá - Thông tin (tên cũ) thực hiện.
Hiện công trình mới được đưa vào sử dụng khoảng 2 năm nhưng đã xuống cấp nhiều. Đơn vị quản lý cũng muốn cải tạo cổng biên giới quốc gia sao cho tốt hơn và mang bản sắc dân tộc hơn.
* Ý kiến:
Tôi chỉ xin có 2 ý kiến về:
- cửa khẩu: không phải cửa khẩu nào cũng cần phải "hoành tráng" như quý vị KTS mơ ước. Tôi nghĩ giàu như Hoa Kỳ mà chỉ có những chổ nào có vị trí quan trọng thì Mỹ mới xây to đẹp hơn chứ nghèo như VN thì ...không nên. Thử đi dọc biên giới Mỹ với Mexico và Canada xem có bao nhiêu cửa khẩu và cửa khẩu nào "hoành tráng"? VN tiếp giáp với TQ, Lào, KPC thì chỉ cần xây 3 cửa khẩu "hoành tráng" nhất ở 3 nơi tạm gọi là tiêu biểu nhất: ải Nam Quan(Hữu Nghị, Lạng Sơn giáp Trung Quốc), Mộc Bài(Tây Ninh, giáp với KPC),Lao Bảo (Quảng Trị, giáp với Lào). Các nơi khác chỉ cần làm sao coi cho được một chút, qua lại thông thoáng, tiện việc kiểm tra là đủ.
- Cửa khẩu QT Mộc Bài - Tây Ninh ngay biên giới Campuchia - Việt Nam: vì tôi đã đi qua nơi đó 2 lần và đã thất vọng vô cùng về kiến trúc lẫn thái độ quan liêu hách dịch của công an & hải quan VN ở cửa khẩu này. Có lẽ vì coi đây là "quốc môn" nên lối thiết kế hết sức xa xỉ, lãng phí và rất nhiều điều bất hợp lý mà cũng chẳng hợp tình chút nào. Tôi là 1 du khách mà cảm thấy như phía chính quyền đang muốn "hành" dân mỗi khi đi qua cửa ải này, không hề thoải mái, vui vẻ chút nào; nhất là giữa trưa hè nóng bức mà bị "hành" quá đáng thì làm sao không buồn bực. Bởi vậy, nói thật, "một đi, never trở lại !".
Phiá Campuchia cũng nhếch nhác, nhớp nhúa với các sòng bài tập trung ngay biên giới như một ...thùng rác(trash) chứ không phải là casino theo kiểu Las Vegas hay Macau nhưng cửa khẩu của KPC ít ra cũng thể hiện kiến trúc dân tộc và hợp lý hơn VN. Có 3 vấn đề đặt ra:
- Cửa khẩu vừa là trạm kiểm soát an ninh biên phòng, vừa là nơi chào đón khách nước ngoài đến với nước mình nên việc kiểm tra và thái độ của công an lẫn hải quan phải vừa có sự nghiêm khắc nhưng cũng phải lịch sự, nhã nhặn; nhất là phải trả lời cho câu hỏi là bảo đảm an ninh nhưng cũng phải tạo ra sự thoải mái. Họ giúp dân hay là để ...hành dân & du khách?
- Ai cũng biết với ngành kiến trúc có 3 yếu tố quan trọng: an toàn(safety) cho công chúng; thực hiện chức năng(functional) đầy đủ & hợp lý, hợp tình; thẩm mỹ: thể hiện tính dân tộc nhưng độc đáo, sáng tạo và đơn giản thì hay hơn là rườm rà, màu mè, lãng phí vô lý.
- Thử hỏi có bao nhiêu du khách quốc tế đàng hoàng nào chui vào các casino ở đây, hay vào mua hàng ở siêu thị "Duty Free" này không? Tại sao họ không muốn vào? Đừng nghĩ rằng đây là sự chỉ trích vô tội vạ, vô căn cứ mà hãy kiểm tra lại để xem nơi đây có thật sự là một "quốc môn" chào đón du khách đến nước mình hay chưa?
(http://www.kientrucvietnam.org.vn/Web/Content.aspx?distid=8486&lang=vi-VN)
Ứng dụng phong thuỷ vào thiết kế kiến trúc, quy hoạch, cảnh quan
Địa lý Phong Thuỷ xuất phát từ Trung Quốc cách đây hàng ngàn năm. Ảnh hưởng của Địa lý Phong Thuỷ có lúc bùng lên, có lúc lắng xuống. Hiện tại, giữa lúc khoa học kỹ thuật phát triển như bay vào vũ trụ, kỹ thuật computer, vẽ xong bản đồ gene của con người, etc... thì bên cạnh đó vẫn tồn tại việc nghiên cứu Địa lý Phong Thuỷ ở tất cả các nước có ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc và các nước Âu - Mỹ cũng lan rộng. VN hôm nay cũng mê phong thuỷ.
Phong thủy trong Kiến trúc và Quy hoạch Xây dựng: Mê tín hay khoa học ?Phong thủy lâu nay vẫn được coi là một lĩnh vực “nhạy cảm”, rộng lớn, liên quan đến nhiều vấn đề trong đời sống con người, vậy nên Viện Kiến Trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và Viện Kiến trúc Nhiệt đới
(Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) được coi là khá mạnh bạo khi lần đầu tiên tổ chức hội thảo “Phong thủy trong kiến trúc và quy hoạch xây dựng” (tại Đại Lải – Vĩnh Phúc); trong khi khoa Kiến trúc Đại học CPU Pomona, California đã có giáo sư Chen Ching ( từ Đại học Bắc Kinh) đến giảng dạy Ứng dụng phong thuỷ vào thiết kế kiến trúc và quy hoạch từ năm 1992.
Và cũng chính vì sự nhạy cảm của chủ đề mà Ban tổ chức đã đưa ra đầu bài: Hội thảo tập trung đề cập đến phần “dương trạch” quan hệ đến kiến trúc (KT) và quy hoạch xây dựng (QHXD)…
Khái niệm đa chiều
Có rất nhiều ý kiến định dạng phong thủy (PT) được đề cập tại hội thảo. Theo Ths.KTS Phan Đăng Trình, PT là một hiện tượng văn hóa có từ thời cổ đại, là thuật số đón lành, tránh dữ, phong tục dân gian lưu truyền sâu rộng, là quan niệm về mối quan hệ giữa con người với môi trường. PGS Lê Kiều thì “định nghĩa”: PT là địa thế, địa hình, là đất và nước quanh ta. PT là môi trường sống mà con người tồn tại trong đó. PT còn có nghĩa rộng là những hoạt động nghiên cứu về thiên văn, sao trời, vũ trụ trái đất, khí tượng, địa thế làm nhà, đặt mồ mả nên PT vừa gần gũi vừa xa lạ với con người…Còn KTS Lý Thái Sơn thì đưa ra nhận định: PT là nơi đan xen nhiều chiều (không chỉ về không gian địa lý, lịch sử, chủng tộc, dân tộc), phức tạp giữa các yếu tố khoa học tự nhiên và kỹ thuật (kiến trúc, xây dựng, quy hoạch đô thị - nông thôn, môi trường sinh thái, nghệ thuật tạo hình và tổ chức không gian) và khoa học xã hội nhân văn (tâm lý cư trú cá nhân, cộng đồng tín ngưỡng dân tộc, cách tư duy, kiểu sống) giữa vật thể và phi vật thể…Câu hỏi đặt ra là, vì sao lâu nay PT vẫn được coi là lĩnh vực nhạy cảm, không được nhìn nhận công khai? PGS.TS Doãn Minh Khôi cho biết: PT phân biệt thành hai loại dương trạch và âm trạch. Dương trạch nghiên cứu về thế giới “dương”, nơi con người sống và làm việc, đó là nhà ở, công sở, đô thị. Trong khi đó, âm trạch nghiên cứu về thế giới “âm”, nơi con người an nghỉ vĩnh viễn, đó là các công trình lăng mộ…Một lý do khác khiến PT càng trở nên “nhạy cảm” là vì “việc lãnh hội thi hành PT khó, nên lâu nay hình như ta chỉ nhìn nhận PT qua khía cạnh “pháp thuật” (ý kiến của ông Nguyễn Cảnh Mùi). Hay “Lý luận cơ bản của PT (kinh dịch, âm dương ngũ hành) thì rất trừu tượng, thuật ngữ sử dụng khác xa so với ngôn từ dùng hàng ngày… tạo ra một vẻ bí hiểm. Đọc và nghe về PT thấy một không khí sống chết đan xen, trời đất hòa hợp, rõ không ra rõ, mờ không ra mờ làm cho quần chúng có thể tin, có thể không tin nhưng cũng sợ (PGS Lê Kiều). Đơn giản hơn do “thiếu nghiên cứu, thiếu tư liệu, PT đã được xem như là một lĩnh vực huyền bí, siêu thực (GS.TS Nguyễn Bá Đang).
Sức hấp dẫn của phong thủy
Chính vì không được nhìn nhận một cách công khai nên trong các công trình xây dựng công cộng hay tư nhân, nếu có tham khảo PT thì cũng chỉ là tự phát, tùy tiện, dựa cách ngẫu nhiên vào lòng tin của chủ công trình với một thầy phong thủy nào đó mà không qua bất cứ hội đồng kiểm nghiệm, đánh giá nào.
Ông Nguyễn Văn Vịnh nêu một thực tế là giờ đây vào bất cứ nhà sách nào cũng có thể tìm thấy hàng loạt các cuốn sách viết về xây dựng, kiến trúc, sắp sếp nội thất, ngoại thất theo phong thủy… Nhiều sách đến mức những người iét kinh nghiệm chẳng biết mua sách nào cho phù hợp mục đích sử dụng. Theo ông Vịnh, tình hình này chứng tỏ hai vấn đề. Thứ nhất, PT được thừa nhận là cần thiết và có giá trị sử dụng. Thứ hai, xã hội thật sự có nhu cầu hiểu biết, ứng dụng thuật PT.
Còn theo ghi nhận của giới báo chí, hội thảo thu hút hàng trăm kiến trúc sư trong cả nước tham dự. 24 người đã gửi bài tham luận, trong đó có những bài tham luận dày cộm, thể hiện quá trình nghiên cứu công phu. Các diễn giả diễn thuyết say sưa, tranh luận đến cùng… Tất cả các yếu tố này cho thấy giới làm nghề kiến trúc đặc biệt hứng thú, quan tâm đến phong thủy.
Thái độ nào dành cho phong thủy?
Cho dù cách tiếp cận vè PT còn khác nhau, cách hiểu cũng chưa hẳn đồng nhất nhưng các ý kiến tại hội thảo có điểm có điểm chung là nghiên cứu, nhìn nhận PT theo hướng khoa học. TS.KTS Lê Đình Tri cho rằng: “Nếu nhìn trên khía cạnh khoa học, PT chính là quan hệ tự nhiên vốn có giữa từ trường trái đất, địa tầng và sức khỏe sinh lý con người”.
PGS.TS Nguyễn Minh Sơn thẳng thắn bày tỏ quan điểm: PT không thể là một bộ môn bí hiểm, thần kỳ, càng không phải là loại tri thức cao siêu thần bí từ các thầy địa lý nói ra. PT chỉ đơn giản là phương cách để chúng ta lựa chọn sắp đặt ngôi nhà của mình cho an toàn và tốt đẹp hơn. Ths. KTS Phan Đăng Trình đồng tình: “Lý luận PT về dương trạch có nhiều yếu tố hợp lý đáng để chúng ta tam khảo khi xây dựng, sửa chữa nhà ở”.
Đến đây, vấn đề mà các đại biểu quan tâm là có thể ứng dụng, tham khảo PT trong kiến trúc, quy hoạch xây dựng như thế nào? Ông Nguyễn Cảnh Mùi cho rằng: PT theo cách của kiến trúc hiện đại là phải đáp ứng những nguyên tắc như có cảnh quan tự nhiên đẹp, địa thế hài hòa, cao ráo, kết cấu vững chắc, ánh sáng đầy đủ, không khí trong lành, nguồn nước sạch sẽ, không có tiếng động, ồn ào, giao thông thuận lợi. Cảnh quan nhân văn thuận theo đạo lý tự nhiên…
TS Doãn Quốc Khoa thì bày tỏ quan điểm cá nhân: Ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa nói chung, những giá trị của PT có thể học tập, kế thừa trong QH xây dựng chủ yếu ở khía cạnh nhận thức và phương pháp. Cụ thể, đó là phương pháp tư duy tổng hợp; tính biện chứng trong nhận thức về cấu trúc của không gian xây dựng; giá trị nhận thức về mối quan hệ tác động con người – môi trường xây dựng, giá trị về vận dụng triết lý Phương Đông trong tổ chức không gian; giá trị về tính linh hoạt, không giáo điều trong vận dụng các nguyên tắc tổ chức không gian. Giá trị về tính hài hòa, cân bằng. Giá trị về kiến trúc – quy hoạch xây dựng nhiệt đới Việt Nam.
Phát biểu hội thảo, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn kết luận: PT là một loại hình văn hóa được xã hội, người dân Châu Á nghiên cứu, xem xét, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, PT cũng đã bắt đầu tràn sang các nước Châu Âu, bằng chứng là nhiều KTS Châu Âu đã đặt vấn đề nghiên cứu PT trong các dự án đô thị, nhà ở.
Các bài tham luận tại hội thảo đều cho rằng PT là khoa học, có giá trị ứng dụng trong thực tế cuộc sống, giúp con người có môi trường sống tốt hơn. Do vậy, nên chăng PT cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để nhận dạng bản chất khoa học và nếu thực sự PT là khoa học thì cũng nên chăng cần được nghiên cứu ứng dụng trong kiến trúc, quy hoạch xây dựng và đưa vào giáo.
Xin giới thiệu 1 bài viết về Phong Thuỷ của 1 KTS trong nước như 1 tài liệu tham khảo.
Nội dung lý luận của phong thuỷ là không giới hạn. Việc áp dụng các thuật phong thuỷ cho thiết kế cần nhuần nhuyễn vận dụng la bàn định hướng cuộc đất, áp dụng phi tinh sao vận khí, kết hợp với thuật bát trạch nhằm chiêu cát khí, tránh hung sát khí, đem lại sự hợp lý cho người cư trú.Những bước chính khi thực hiện một cuộc tư vấn ứng dụng phong thuỷ cho thiết kế nhà hoặc quy hoạch tổng mặt bằng.
1. Xem xét cuộc đất: Xem trên sơ đồ tìm hiểu cuộc đất tọa lạc ở đâu hoặc đến tận nơi để tiến hành khảo sát, ghi chép lại hoàn cảnh môi trường xem quanh cuộc đất, từ xa đến gần, về; Độ cao thấp của cuộc đất, đường giao thông đi lại, đường nước chảy tự nhiên, đường cấp nước dẫn đến hay tự cấp bằng giếng đào, đường cỗng rãnh thoát nước ra xung quanh chảy về hướng nào. Quy mô của nhà cửa xung quanh, các công trình hố hầm ngầm, đường điện cao thế, trạm biến thế, cột điện chiếu sáng, các cây cối quanh nhà v.v... và đo định hướng cuộc đất.
2. Đo hoặc xem hướng trên sơ đồ, bản vẽ là cách xem tương đối, không được chuẩn xác lắm theo cách làm của phong thuỷ.
Định cho được hướng bằng la kinh là phải đến tận nơi, trực tiếp đo vẽ để biết sơ đồ hướng cụ thể mới mong có được hướng cuộc đất chuẩn xác hơn. Việc đo độ chuẩn xác của thuật phong thuỷ là mẫu chốt, là yếu tố vô cùng quan trọng để định ra giải pháp cho thiết kế theo bát trạch, nhất là theo trường khí của sao sơn (sau nhà) và hướng (hướng phía trước nhà). Điểm nhà biết được hướng đất hướng nhà bằng độ số của nó là bao nhiêu thì phần lớn đối với các nhà thiết kế của chúng ta thường lơ mơ, đại khái.
3. Bước tính toán số liệu: ghi tên, tuổi (ngày, tháng, năm sinh) của chính chủ, và tất cả các thành viên trong gia đình. Nếu cho cơ quan đơn vị. Xí nghiệp Công ty thì lấy cung mạng của chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các giám đốc, các nhân vật chủ chốt các phòng ban có tổ chức tránh đóng góp vào sự phát triển, quyết định toàn bộ hay một bộ phận trọng yếu nào của đơn vị. Chỉnh lý lại cung mạng để tránh sai tuổi chọn sai cung (Bởi tất cả các tuổi âm lịch được tính từ thời điểm phút đầu tiên của ngày, giờ phút lập xuân trở về sau. Thời điểm đó ứng vào dương lịch thì gần như rơi vào ngày 4 tháng 2 dương lịch hàng năm là ngày lập xuân - Sinh trước thời khắc lập xuân 4/ tháng 2 dương lịch được tính vào tuổi âm năm sau bất kể âm lịch rơi vào sinh trước tết hay sau tết bao nhiêu ngày).
4. Vẽ sơ đồ 8 hướng với 8 cung chính của khu đất hoặc sơ đồ của căn nhà. Đưa cung mạng hợp khí hướng của từng thành viên ghi vào trong hướng vị sẽ biết được tất cả sự hợp khắc tốt xấu của từng cung với từng người. Từ đó định ra các giải pháp xử lý cho một cuộc thiết kế hoàn hảo.
5. Với hướng cuộc đất khi chỉ duy nhất được một hướng mở cổng và cửa chính cửa ngôi nhà hay nhà xưởng. Nếu được hướng khí hợp tốt với chính chủ thì giải pháp đơn giản, nếu hướng xung khắc cung mạng chính chủ hoặc khắc nặng một thành viên nào trong nhà thì việc lựa chọn giải pháp cách mở cổng, cửa chính phải cân nhắc thận trọng, mở lệch chếch, mở sang một bên và bên nào và bên nào để có được trường khí tốt, trách phận “ Cửu tinh ngũ hành”.
Phân định hướng nhà, chúng ta lấy cửa ra vào làm chính. Hướng nhà vào ngõ (Đại môn) có mối tương quan mật thiết. Xác định hướng nhà, nếu có ngõ thì phải xác định hướng ngõ. Mở ngõ phải hợp với bổn mạng trạch chủ, và nếu ngõ phạm sai lệch khắc sát, thì dẫu hướng nhà cóa tốt bao nhiêu cũng chỉ phí công vô ích.
Chọn ngõ ra vào có đến 24 sơn hướng, phân định theo kinh điển của thuyết 24 Môn lầu ngọc bối, ta thường gọi là cung phúc đức, chọn hướng vị mở cửa nhà cũng vậy. Tôi rút ngọn bảng phân định hướng theo 24 sơn hướng áp dụng chọn nhanh vị trí để mở cổng ngõ cho nhà thiết kế được tốt như sơ đồ sau:
6. Sau khi xác định xong hướng mở cổng và cửa nhà, cần xác định vị trí bếp, hướng bếp, hướng bàn thờ, hướng ngũ cửa chính chủ và từng người.
Về bếp có 3 vấn đề cập:
- Vị trí đặt nhà bếp, buồng bếp, được chọn tốt là bếp ở vùng khí tốt của chính chủ. Hai trong buồng bếp đã chọn, xác định vị trí đặt bếp nấu ( bếp ga, lò bếp, bếp điện) rơi vào cung xấu với cung mạng chính chủ, tốt nhất ở vị trí tĩnh của buồng bếp. Ba là chọn hướng cửa lò bếp hướng về hướng tốt cung mạng chính chủ. 3 vấn đề này thường chúng ta không biết để có thể làm cho đúng. Chọn hướng bàn thờ hết sức cẩn thận chọn vị trí đặt và hướng của bàn thờ phù hợp khí hướng tốt của chính chủ. Chọn hướng ngủ theo hướng cung mạng từng người, đặt giường ở phòng ngủ vào vị trí cung con cái, cung tình duyên, cung tài lộc, cung danh tiếng và gia đạo, tránh tối đa đặt ở cung trí thức. Sự nghiệp và quý nhân phù trợ.
-Sắp xếp các vị trí phòng khách, phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng học, đọc sách, phòng tập thể thao, phòng kho, khu vệ sinh... đều theo quy luật vận dụng 8 cung ( Bát khí) như phần cơ sở lý luận đã phân tích ở trên.
7. Chọn thuỷ pháp: Khi làm nhà cửa, mọi người thường nhắc đến long mạch, sợ làm đứt long mạch v.v... Vậy tại thành phố với nhà ở của ta liền sát nhau như vậy, khí thuỷ, lại thuỷ và phong thuỷ được xem như là khí long mạch đi nổi, nó đem lại vương khí cho ngôi nhà hoặc sát khí cho ngôi nhà; theo luật phong thuỷ dương trạch là hết sức quan trọng.
Việc quyết định đưa đường nước dẫn vào và đường nước thải ra với người thiết kế chúng ta thường không biết quy luật, bố trí sắp xếp rất tuỳ tiện. Trong dương cơ (nhà cửa) có câu: “Cư trạch đương thôi hướng thuỷ vi tối yếu” nhà cửa nên xem hướng đường nước là quan trọng nhất. Và đã có quy đọng chọn ra 28 hướng thuỷ pháp cho việc bố trí đường nước cấp vào nhà (lai thuỷ) và đường nước phải ra (phóng thuỷ). Thực tế vận dụng với 24 đường cấp thải nước theo 24 sơn hướng còn thêm 4 hướng kèm ( do độ hướng nhà mà có hướng kèm) tổng cộng 28 hướng thuỷ pháp cho bố trí căn nhà. (nếu có cơ hội tôi sẽ trình bày sau).
- Chọn vị trí đặt bể nước ngầm (nếu có) ở cung khí tốt của căn nhà; bể xí tự hoại (hầm cầu, bể phốt) ở cung khí xấu của căn nhà nhưng cần chú ý thật nghiêm ngặt tuân theo quy định của thuật phong thuỷ; là bể nước sạch ngầm. Bể phốt, không được đặt tại vị trí trung cung, tức ở khoảng chính giữa của căn nhà. Bởi trung cung giữa nhà thuộc thổ là điểm quy tụ của 8 phương (như rốn con người) cần vượng mạnh, không thích hợp suy tuyệt. Lại bể nước, bể phốt thuộc thuỷ; Thuỷ thổ tương khắc khi đặt giữa nhà tạo nên khí xung sát, nhiễu loạn. Đấy là thuỷ trong nhà, ngoài nhà thì sao?.
Chú ý: Những đường nước cống rãnh, đường thoát nước mặt bên ngoài nhà và công trình cũng làm tăng khí vượng cho nhà hay làm suy khí cho căn nhà; được xem xét ứng dụng như sau:
- Nước bên ngoài chảy từ phải - qua trái, thì mở cửa cổng hay cửa nhà chếch chút ít về bên phải, nghĩa là mép trụ cổng, mép cửa nhà lui thụt vào trong 5 đến 10cm. (Tim nhà hơi lệch nghiêng về phải).
- Nước bên ngoài chảy trái - qua phải, thì mở cổng hay của nhà chếch về phía bên trái từ 5 đến 10cm (Tim nhà hơi lệch về phía trái)
- Nước từ hai bên chảy lại chính nhà thì lấy hướng cửa cổng mở chính giữa.
8. Chọn giải pháp sắp đặt và thiết kế:
Khi thiết kế một công trình quy hoạch tổng thể lớn, hoặc công trình đơn thể, để đạt được hiệu quả chiêu cát tránh hung, đem lại hài hoà và hợp lý tốt cho sự tồn tại của công trình lâu dài, ngoài thách thức hướng độ, thuỷ pháp ra, người thiết kế cũng cần tìm hiểu và vận dụng thuật cửu cung trạch vận của Huyền không phù tinh; nó đánh dấu được khí hưng vượng suy bại của hướng cuộc và ngôi nhà theo từng thời điểm khi lập trạch (làm và lập trạch sử dụng) đến lâu dài sau này theo thời vận (thời gian và không gian của 180 năm Tam nguyên cửu vận và Đại tiểu vận). Qua cách lập hướng; Sơn hướng và hướng nhà ta có thể biết được vận khí cuộc đất và ngôi nhà, lựa chọn giải pháp bố trí sơn, núi non bộ, thuỷ, bể nước, Mộc các cây cối v.v... trong không gian quy hoạch ngoại thất cho phù hợp để tạo vượng vận liên tục cho căn nhà và người cư ngụ. Trấn và tránh sát khí bằng các thủ pháp của phong thuỷ.
Trên đây là những nội dung chính tôi đã vận dụng kiến thức của lý thuyết phong thuỷ, ứng dụng trong tước trạch (xem nhà cửa), tư vấn cho thiết kế và bản thân đang vận dụng để thiết kế những công trình có yêu cầu của các đối tác một cách có hiệu quả.
Còn chi tiết sắp xếp không gian bên trog các công trình thương mại - các công trình sản xuất, các văn phòng lớn nhỏ, các nhà khách sạn, các công sở và nhà ở phải vận dụng nhiều kiến thức của lý thuyết phong thuỷ hơn nữa mà trong hội nghị này tôi chưa trình bày.Trong dịp cho phép, tôi xin được trao đổi cùng tất cả quý vị.
KTS. Phùng Đạo Hợp (Tạp chí KTVN số 9 năm 2007)
* Xin được giới thiệu 1 số các tài liệu hữu ích để tham khảo, nghiên cứu về môn khoa học này:
1. Phong thuỷ và cuộc sống hôm nay Tác giả: Đoàn Văn Thông
2. Phong thuỷ học (2 tập) Tác giả: Trần Văn Hải
3. Dương trạch tam yếu Tác giả: Triệu Cửu Long
4. Nguyên lý chọn ngày theo lịch CAN CHI Tác giả: Hoàng Tuấn
5. Phong thuỷ thực hành Tác giả: Tống Thiều Quang
6. Quan niệm Phương Đông trong kiến trúc Phương Tây Ứng dụng Phong thuỷ và đời sống thiết kế nhà cửa và công việc Tác giả: Rosalyn Dexter - Hà Thiện Thuyên (biên dịch)
7. Phong thuỷ hiện đại Tác giả: Trần Di Khôi
8. Sử dụng La bàn Tác giả: Thanh Thuỷ
9. Thẩm thị Huyền không học Tác giả: Thẩm Trúc Nhưng
Hội thảo Phong thuỷ trong kiến trúc và quy hoạch xây dựng (13/09/2007)
Phong thuỷ lâu nay vẫn được coi là một lĩnh vực “nhạy cảm”, rộng lớn, liên quan đến nhiều vấn đề trong đời sống con người. Hội thảo “Phong thuỷ trong kiến trúc và quy hoạch xây dựng” do Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và Viện Kiến trúc Nhiệt đới (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) tổ chức tại Đại Lải - Vĩnh Phúc, ngày 18 - 19/8/2007 với đầu bài: Hội thảo tập trung đề cập đến phần “dương trạch” quan hệ đến kiến trúc (KT) và quy hoạch xây dựng (QHXD)...
Khái niệm đa chiềuCó rất nhiều ý kiến định dạng phong thuỷ (PT) được đề cập tại hội thảo. Theo Ths.KTS Phan Đăng Trình, PT là một hiện tượng văn hoá có từ thời cổ đại, là thuật số đón lành, tránh dữ, phong tục dân gian lưu truyền sâu rộng, là quan niệm về mối quan hệ giữa con người với môi trường. PGS Lê Kiều thì “định nghĩa”: PT là địa thế, địa hình, là đất và nước quanh ta. PT là môi trường sống mà con người tồn tại trong đó. PT còn có nghĩa rộng là những hoạt động nghiên cứu về thiên văn, sao trời, vũ trụ, trái đất, khí tượng, địa thế làm nhà, đặt mồ mả nên PT vừa gần gũi vừa xa lạ với con người... Còn KTS Lý Thái Sơn thì đưa ra nhận định: PT là nơi đan xen nhiều chiều (không chỉ về không gian địa lý, lịch sử, chủng tộc, dân tộc), phức tạp giữa các yếu tố khoa học tự nhiên và kỹ thuật (kiến trúc, xây dựng, quy hoạch đô thị - nông thôn, môi trường sinh thái, nghệ thuật tạo hình và tổ chức không gian) và khoa học xã hội và nhân văn (tâm lý cư trú cá nhân, cộng đồng, tín ngưỡng dân tộc, cách tư duy, kiểu sống) giữa vật thể và phi vật thể...Câu hỏi đặt ra là, vì sao lâu nay PT vẫn được coi là lĩnh vực nhạy cảm, không được nhìn nhận công khai? PGS.TS Doãn Minh Khôi cho biết: PT phân biệt thành hai loại dương trạch và âm trạch. Dương trạch nghiên cứu về thế giới “dương”, nơi con người sống và làm việc, đó là nhà ở, công sở, đô thị. Trong khi đó, âm trạch nghiên cứu về thế giới “âm”, nơi con người an nghỉ vĩnh viễn, đó là các công trình lăng mộ... Một lý do khác khiến PT càng trở nên “nhạy cảm” là vì “việc lãnh hội thi hành PT khó, nên lâu nay hình như ta chỉ nhìn nhận PT qua khía cạnh “pháp thuật” (ý kiến của ông Nguyễn Cảnh Mùi). Hay “Lý luận cơ bản của PT (kinh dịch, âm dương ngũ hành) thì rất trừu tượng, thuật ngữ sử dụng khác xa so với ngôn từ dùng hàng ngày… tạo ra một vẻ bí hiểm. Đọc và nghe về PT thấy một không khí sống, chết đan xen, trời đất hòa hợp, rõ không ra rõ, mờ không ra mờ làm cho quần chúng có thể tin, có thể không tin nhưng cũng sợ (PGS Lê Kiều). Đơn giản hơn do “thiếu nghiên cứu, thiếu tư liệu, PT đã được xem như là một lĩnh vực huyền bí, siêu thực (GS.TS Nguyễn Bá Đang). Sức hấp dẫn của phong thuỷChính vì không được nhìn nhận một cách công khai nên trong các công trình xây dựng công cộng hay tư nhân, nếu có tham khảo PT thì cũng chỉ là tự phát, tùy tiện, dựa cách ngẫu nhiên vào lòng tin của chủ công trình với một thầy phong thủy nào đó mà không qua bất cứ hội đồng kiểm nghiệm, đánh giá nào. Ông Nguyễn Văn Vịnh nêu một thực tế là giờ đây vào bất cứ nhà sách nào cũng có thể tìm thấy hàng loạt các cuốn sách viết về xây dựng, kiến trúc, sắp xếp nội thất, ngoại thất theo phong thủy… Nhiều sách đến mức những người ít kinh nghiệm chẳng biết mua sách nào cho phù hợp mục đích sử dụng. Theo ông Vịnh, tình trạng này chứng tỏ hai vấn đề. Thứ nhất, PT được thừa nhận là cần thiết và có giá trị ứng dụng. Thứ hai, xã hội thật sự có nhu cầu hiểu biết, ứng dụng thuật PT. Hội thảo thu hút hàng trăm kiến trúc sư trong cả nước tham dự. 24 người đã gửi bài tham luận, trong đó có những bài tham luận dày cộm, thể hiện quá trình nghiên cứu công phu. Các diễn giả diễn thuyết say sưa, tranh luận đến cùng… Tất cả các yếu tố này cho thấy giới làm nghề kiến trúc đặc biệt hứng thú, quan tâm đến PT. Thái độ nào dành cho phong thuỷ?Cho dù cách tiếp cận về PT còn khác nhau, cách hiểu cũng chưa hẳn đồng nhất nhưng các ý kiến tại hội thảo có điểm chung là nghiên cứu, nhìn nhận PT theo hướng khoa học. TS. KTS Lê Đình Tri cho rằng: “Nếu nhìn trên khía cạnh khoa học, PT chính là quan hệ tự nhiên vốn có giữa từ trường trái đất, địa tầng và sức khỏe, sinh lý con người”. PGS.TS Nguyễn Minh Sơn thẳng thắn bày tỏ quan điểm: PT không thể là một bộ môn bí hiểm, thần kỳ, càng không phải là loại tri thức cao siêu thần bí từ các thầy địa lý nói ra. PT chỉ đơn giản là phương cách để chúng ta lựa chọn sắp đặt ngôi nhà của mình cho an toàn và tốt đẹp hơn. Ths.KTS Phan Đăng Trình đồng tình: “Lý luận PT về dương trạch có nhiều yếu tố hợp lý đáng để chúng ta tham khảo khi xây dựng, sửa chữa nhà ở”.Đến đây, vấn đề mà các đại biểu quan tâm là có thể ứng dụng, tham khảo PT trong kiến trúc, quy hoạch xây dựng như thế nào? Ông Nguyễn Cảnh Mùi cho rằng: PT theo cách của kiến trúc hiện đại là phải đáp ứng những nguyên tắc như có cảnh quan tự nhiên đẹp, địa thế hài hoà, cao ráo, kết cấu vững chắc, ánh sáng đầy đủ, không khí trong lành, nguồn nước sạch sẽ, không có tiếng động, ồn ào, giao thông thuận lợi. Cảnh quan, nhân văn thuận theo đạo lý tự nhiên… TS Doãn Quốc Khoa thì bày tỏ quan điểm cá nhân: Ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa nói chung, những giá trị của PT có thể học tập, kế thừa trong QH xây dựng chủ yếu ở khía cạnh nhận thức và phương pháp. Cụ thể, đó là phương pháp tư duy tổng hợp; tính biện chứng trong nhận thức về cấu trúc của không gian xây dựng; giá trị nhận thức về mối quan hệ tác động con người - môi trường xây dựng, giá trị về vận dụng triết lý Phương Đông trong tổ chức không gian; giá trị về tính linh hoạt, không giáo điều trong vận dụng các nguyên tắc tổ chức không gian. Giá trị về tính hài hòa, cân bằng. Giá trị về kiến trúc - quy hoạch xây dựng nhiệt đới Việt Nam.Phát biểu hội thảo, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn kết luận: PT là một loại hình văn hóa được xã hội, người dân Châu á nghiên cứu, xem xét, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, PT cũng đã bắt đầu tràn sang các nước Châu Âu, bằng chứng là nhiều KTS Châu Âu đã đặt vấn đề nghiên cứu PT trong các dự án đô thị, nhà ở. Các bài tham luận tại hội thảo đều cho rằng PT là khoa học, có giá trị ứng dụng trong thực tế cuộc sống, giúp con người có môi trường sống tốt hơn. Do vậy, nên chăng PT cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để nhận dạng bản chất khoa học và nếu thực sự PT là khoa học thì cũng nên chăng cần được nghiên cứu ứng dụng trong kiến trúc, quy hoạch xây dựng và đưa vào giáo trình đào tạo kiến trúc sư./Ứng dụng của phong thuỷ trong dân gianThs.KTS Phan Thanh Hải: Ngay từ thời Chúa Nguyễn, PT đối với đô thị Huế là một nhân tố vô cùng quan trọng, góp phần quyết định trong việc định hình bộ khung đô thị. ý tưởng QH về đô thị dựa trên nguyên tắc của PT thời kỳ này đã được triều Nguyễn sau đó kế thừa trọn vẹn và nâng lên một tầm cao mới.Tại Huế, các thành tố KT cấu thành nên kinh đô triều Nguyễn bao gồm cả KT dương cơ và âm phần đều được đặt trong một không gian thống nhất trong tính đa dạng, giới hạn từ núi về biển, lấy sông Hương làm trục liên kết tự nhiên rất hoàn hảo.Mã Đình Hoàn: Người Tày, Nùng xây dựng các công trình chủ yếu dựa vào địa thế, lệ thuộc vào không gian. Nơi làm nhà, xây dựng các công trình tâm linh là điểm giao hoà của trời đất, khí lành. Họ chọn những khu đất để xây dựng nhà ở, công trình phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo theo nguyên tắc: Tiền án (mặt trước) sông nước, ruộng phải thấp, hậu chẩm (phía sau) phải có thế dựa vào núi, đồi. Thế núi sông phải thuận. Núi theo hướng chung Tây Bắc, Đông Nam. Núi quần tụ theo dải. Dựng nhà, dựng đình, miếu thế đẹp nhất là Tiền tam sơn, hậu ngũ nhạc (phía trước có ba ngọn núi, phía sau vừa có rặng núi với 5 khe suối), long mạch phải chạy dài chiều thuận từ phía sau ra phía trước, nghĩa là thấp dần ra khoảng rộng. Trục thần đạo (là đường thẳng định vị hướng của công trình, từ tiền án đến hậu chẩm) phải đi vào giữa công trình xây dựng. Núi, đồi hai bên phải có thế tay ngai vững trãi...GS.TS.KTS Nguyễn Bá Đang: Thuật PT vẫn tồn tại, lưu truyền không công khai trong xây dựng dân gian như xem tướng đất, hướng nhà, cổng ngõ tốt - xấu, hay những tục lệ trong việc xây cất nhà cửa như xem ngày động thổ, đào móng, cất nóc... Trong các trường đào tạo kiến trúc, thuật PT được đề cập một cách khái quát trong nhân tố văn hoá có ảnh hưởng đến sự hình thành bản sắc của kiến trúc truyền thống Việt Nam (môn Lịch sử KT Việt Nam).TS Nguyễn Tiến Đông: Đình làng chỉ quay về hướng có con sông. Theo đúng thuyết PT thì trước mặt của kiến trúc là trường lưu thuỷ và chắc chắn các cụ sẽ chọn thế đất để cất đình là bên tả có Thanh Long, bên hữu có Bạch Hổ, phía sau là Hắc Quy, trước có án (Châu Tước). Như vậy, khi xây cất đình làng, vấn đề không phải là hướng mà là thế đất có hợp PT không, có hội tụ các yếu tố đã nêu không. Theo GS Hà Văn Tấn thì: Nhiều người cho rằng đình là trung tâm của làng. Sự thật không phải bao giờ cũng như vậy. Vị trí của đình tuỳ thế đất dựng đình. Mà đất dựng đình thì được chọn theo quan niệm PT trong tín ngưỡng truyền thống.
Thiết kế cửa sổ theo phong thủy:Cửa sổ là mắt và miệng của nhà và là nơi làm việc (1 cửa kính vỡ là các vấn đề về mắt sẽ xảy ra). Cửa sổ là nơi dẫn khí phải được mở hết ra phía ngoài hay phía trong thay vì kéo lên trên hay xuống dưới. Tốt nhất là 1 cửa sổ nên mở ra phía ngoài để cho khí dẫn vào và lưu chuyển, tăng cường khí chomoị ngừơi trong nhà và mang đến dịp cơ may trong việc làm sinh sống. Cửa mở ra là sự hoà điệu tích cựcdương các khí của ngừơi nhà đó ra ngoài. Cửa sổ mở bên trong khiến người chủ thành nhút nhát có hại cho khí.Cửa sổ nâng lên hạ xuống không bao giờ nên mở nửa chừng vì chỉ hấp thụ được một nửa khí ra vào từ cửa sổ và lại người ngoài nhìn vào có ý tưởng không hay.Dù cho khí hậu và vị trí địa lý có khác biệt và với những nhu cầu đặc biệtcửa sổ mở ra hướng Tây làm hại cho khí của người nhà. Mặt trời hướng Tây chói chang gây nhức đầu, cáu gắt và làm việc không hiệu quả. Tốt hơn là treo trái thuỷ tinh cầu để biến ánh mặ trời thành sắc độ cầu vồng làm mạnh cho khí trong cả phòng và tạo sự năng động.Đầu cửa sổ phải cao hơn đầu người cao nhất trong nhà. Cưa só phải tương đối rộng. Cửa sổ mành chắn khí lưu chuyển, làm hẹp tầm mắt và những dịp may.
Độ xéo
Xà, đại sảnh, tường hay cửa ra vào báo trước điều bất ngờ, những điều lạ hay tai hoạ xảy ra. Sự thay đổi thình lình này của công việc có thể kề cận với tai họa. làm việc dưới cầu thang xoáy ốc thì thường hư việc vì độ dốc xuống sẽ đem công viêc đi theo.
Cách chữa: Có vài cách chữa được đưa ra để lập lại quân bình theo ý thích cá nhân. Trong trường hợp xà hay trần ngiêng, treo 1 quả tua đỏ, màu đỏ, xà gỗ để làm đều độ nghiêng hay xây 1 xà nghiêng phụ.
Cửa ra vào ở bức tường nghiêng thì rất xấu và đặc biệt nếu nó đi vào phòng ngủ hay phòng tắm, người trong nhà sẽ là nạn nhân cho những bệnh tặt lạ lùng bất ngờ hay biến cố nào đó. để ngăn ngừa tai họa, treo lên một trại thủy tinh cầu trên một bên cửa ra vào cách khoảng gần 1 thước tây tính từ ngạch cửa đó. Phòng lớn bị xiên lệch ta treo ba trái cầu thủy tinh theo chiều dài của nó.Nếu cả 1 vách tường bị xiên lệch, nguồn khí sẽ bị dồn trong 1 góc nhỏ hơn 90 độ.
Cách chữa: Đặt 1 cây cảnh nơi góc xiên để giúp khí lưu chuyển.
* Chọn chỗ đặt bếp theo phong thủy : Đặt bếp ở vị trí nào là điều mà hầu hết những người xây nhà đều rất lưu tâm. Theo quan niệm của người phương Đông, khu vực này vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của gia chủ chứ không chỉ đơn thuần là một nơi để nấu nướng.
Trong nhà bếp, các chuyên gia phong thủy cũng chú ý nhất đến vị trí của hỏa lò và chỗ chuẩn bị đồ nấu nướng. Một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên khi đặt bếp là phải có sự tương ứng với cửa và chiều cao của chủ nhà. Theo quan niệm của người Trung Quốc, đông bắc là hướng tốt nhất để đặt bếp. Kế tiếp là hướng nam, hướng chính tây. Các hướng khác đều không tốt. Hoả lò tối kỵ đặt ngoảnh lưng với hướng nhà. Ví dụ, nhà quay về hướng bắc mà mặt bếp lại xoay về hướng nam là không thuận. Cổ nhân khuyên nên để lò nấu "tọa hung hướng cát", có nghĩa là nằm ở hướng dữ nhưng nhìn về phương lành: "Cửa bếp là nơi đưa củi vào đáy nồi để đốt, phải đặt nó quay về hướng lành, như thế nhanh có phúc". Không nên bố trí bếp quá lộ liễu, khiến người ta có thể nhìn thấy ngay từ ngoài hoặc để đường từ cửa đâm thẳng vào bếp vì như vậy dễ bị hao tán tài sản. Bệ đặt hỏa lò, theo các chuyên gia phong thủy, nên tựa vào tường cho vững chãi. Họ cũng yêu cầu tránh để góc nhọn chiếu vào khu vực nấu vì điều đó có thể làm hại tới hòa khí trong nhà. Đừng để bếp dưới xà ngang: dưới xà có bếp, nữ chủ nhân sẽ bị tổn hao. Còn nếu bếp đặt đối diện với nhà vệ sinh hay cửa phòng ngủ, sức khỏe của các thành viên trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Phong thủy học truyền thống cho rằng làm nhà bếp phải cầu "tàng phong tụ khí". Vì thế bếp nấu nhìn thẳng ra cửa chính hoặc sau bếp có cửa sổ đều không lành vì sợ gió thổi làm tắt đi ngọn lửa đầm ấm mang lại sung túc cho gia đình. Mặt khác, bếp thuộc hỏa, kỵ nhất với khí mát lạnh của nước. Do vậy, thứ nhất nên kiêng để bếp quay về hướng bắc (hướng thủy vượng), thứ hai không đặt bàn nấu trên rãnh, mương, đường nước, và cuối cùng tránh để hỏa lò kẹt giữa hai đồ đạc có mang theo "thủy" như tủ lạnh, bồn rửa, máy giặt... Ngoài ra, vị trí của bếp phải kê trên nền cao ráo, không khí thoáng và ánh sáng đầy đủ. Chân bếp không được gập gềnh. Nghiêng lệch là điều tối kỵ khi đặt bếp. Mái nhà bếp không được để dột, có nước rơi vào. (Theo: Nhavui)
*Bài trí phòng ngủ trẻ theo phong thủy:Người bố người mẹ nào mà chẳng hi vọng có thể cho con mình một điều kiện tốt nhất, không gian ở thoải mái và có lợi cho sự trưởng thành của trẻ nhỏ. Bởi vì vậy mà gia đình nào người làm bố làm mẹ cũng cố hết sức mình để sắp xếp bài biện phòng con cho đẹp nhất à phù hợp nhất. Vậy có những điều gì cần chú ý trong khi bài trí đây?
Chức năng cơ bản của phòng trẻ em: Chức năng chính của phòng trẻ em, là tạo ra một thiên đường an toàn và tự do cho trẻ. Trẻ em ở trong thiên đường của mình được học tập, vui chơi, nghỉ ngơi một cách tự do và thoải mái. Phụ huynh trong quá trình bày biện bố trí phòng cho con, về phương diện phong thuỷ nhất thiết phải suy nghĩ đến chức yêu cầu chức năng này. Hơn nữa bạn có thể thông qua các kĩ năng bài trí, phong cách, ánh sáng, gia dụng, cửa sổ và vật trang trí, để tìm kiếm những biện pháp duy trì các nguồn năng lượng, tạo điều kiện cho con bạn học tập tiến bộ, trí tưởng tượng phong phú, hoạt bát năng động, có những giấc mộng êm đềm và bình yên.
Vị trí phòng của trẻ
Ở Việt Nam, trẻ em được coi là ánh nắng buổi sáng sớm 7, 8h. Gian phòng có thể đón năng lượng từ ánh sáng mặt trời buổi sớm là gian phòng dành cho trẻ lí tưởng nhất. Bởi vậy phòng trẻ nên nằm hướng Đông hoặc hướng Đông Nam của nhà. Chọn lựa 2 phương hướng này có thể kích thích sự phát triển ở trẻ, khiến cho bé càng ngày càng tiến bộ, hoạt bát đáng yêu, trưởng thành một cách ổn định. Nếu phòng ở hướng Tây ngũ hành thuộc kim, buổi chiều mới tiếp nhận ánh sáng, chỉ phù hợp cho việc ngủ chứ không phù hợp cho trẻ chơi đùa.
Phòng ngủ hướng Đông sẽ kích thích trí não của bé phát triển, năng động và thông minh hơn. Lưu ý: Đông Phương thuộc quẻ Chấn , đại diện cho Trưởng nam, Nam Phương thuộc quẻ Tốn, đại diện cho Trưởng nữ. Tuỳ theo trong nhà có trẻ trai hay gái mà lựa chọn hướng phòng khác nhau.
Bài trí trong phòng trẻ:Phòng của trẻ ngoài những đòi hỏi cần thiết như giường ngủ không được đặt dưới dầm ngang, không được để đầu giường quay về phía cửa sổ; ngoài ra phòng trẻ còn phải cách xa nhà vệ sinh, để tránh hơi độc từ đó bay vào, càng không nên để phòng có gió lùa phòng tránh việc trẻ bị cảm lạnh. Phòng trẻ cần có khoảng không gian, không nên bày biện quá phức tạp, đồ vật cũng không nên quá to làm chật căn phòng.Trẻ coi phòng của chúng là nơi chúng có được không gian riêng, là nơi chúng trưởng thành và trở nên độc lập, giảm dần tính ỷ lại. Bởi vậy trong phòng nên đặt 1 bộ bàn hoặc giá đựng đồ nho nhỏ..., bạn hãy để cho trẻ tự mình tổ chức và sắp đặt những đồ vật bày biện trên giá, xin đừng can thiệp.
Đồ dùng trong phòng trẻ nên vát cạnh tròn để tránh nguy hiểm: Ngoài ra cần phải chú ý, đồ vật trong phòng càng nhiều dạng tròn càng tốt, không nên dùng đồ bằng kính, để tránh vật nhọn và mảnh vợ gây nguy hiểm cho trẻ. Bên cạnh đó bạn nên dạy trẻ cách tự xếp lại đồ chơi, bồi dưỡng thói quen sống gọn gàng.
Nền nhà phòng của trẻ: Nền nhà cho phòng trẻ tốt nhất là bằng gỗ tự nhiên, vừa an toàn vừa sạch sẽ, cần tránh chất liệu bằng đá, 1 số loại đá chưa được kiểm chứng có mang tính phóng xạ. Cũng không nên lót thảm, mặc dù tính an toàn của thảm tương đối cao, không sợ trẻ bị trượt ngã, nhưng bên cạnh đó cũng có khuyết điểm là khả năng tích bụi khá cao, về lâu dài sẽ gây ra chứng viêm phế quản và bệnh về đường hô hấp.
Phòng trẻ nhỏ thường nhiều màu sắc và nên treo tranh với những hình vẽ tự nhiên
Màu sắc trong phòng trẻ: Màu sắc trong phòng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí của chúng. Đầu tiên, màu sắc phải nhẹ nhàng nhã nhặn, không được dùng màu nhức mắt như đỏ đậm tím đậm, cũng nên kị màu đen và trắng tinh. Màu xanh da trời làm điểm nhấn cho màu xanh cỏ, vàng nhạt, hồng phấn.. thì tương đối tốt, có thể đem lại hiệu quả hòa hợp.
Phòng trẻ nhỏ thường nhiều màu sắc và nên treo tranh với những hình vẽ tự nhiên: Thường thì trong phòng trẻ có treo tranh ảnh. Hình vẽ trên tường cần lấy tự nhiên làm chính, không nên treo những hình vẽ chiến sĩ áo giáp, những minh tinh trang điểm đậm.v.v. Bởi những bức tranh kiểu này ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ ngay từ khi trẻ còn đang nhỏ, tích cách già trước tuổi, không có lợi cho việc trưởng thành tự nhiên.Vị trí giường ngủTrong quá trình sắp đặt giường ngủ cho con, phụ huynh không những nên tham khảo những điều kiêng kị trong phòng của mình, mà còn cần chú ý những điều khác sau:Nếu trẻ là con một trong nhà, hướng giường của trẻ cần cùng hướng với giường của bố mẹ, điều này sẽ có lợi cho mối liên hệ tình cảm giữa bố mẹ và con cái. Nếu trong nhà có 2 đứa con cùng 1 phòng, thì 2 chiếc giường cũng cần cùng 1 hướng, để giảm bớt mâu thuẫn giữa cả 2.
Bố trí giường ngủ cùng hướng để giảm bớt mâu thuẫn giữa trẻ nhỏ: Đầu giường hướng về phía Đông hoặc Đông Nam tương đối tốt. Vì 2 hướng này ngũ hành thuộc Mộc, có lợi cho trưởng thành, chiều cao và sức khỏe của trẻ. Nhưng nếu như trẻ bị khó ngủ, thì cũng có thể chọn hướng yên bình như Tây hoặc Bắc. Còn giường trẻ hướng về phía Nam sẽ gây ra tính cách nóng nảy, hướng về phía Đông thì đểnh đoảng, Tây Nam thì nhút nhát rụt rè, Tây Bắc thì lớn trước tuổi.
Ánh sáng trong phòng :Trong phòng trẻ tốt nhất là dùng đèn tường có ánh sáng dịu thay cho đèn bàn và đèn sàn, vừa ấm áp vừa có thể tránh cho trẻ nghịch ngợm với dây điện hoặc giắc cắm. Nếu như sẻ đêm khó ngủ hoặc cứ về đêm là lại sợ sệt thì có thể lắp đặt 1 chiếc đèn nhỏ trên cao, khiến cho trẻ an tâm và cải thiện nỗi sợ bóng đêm.
1. Không được dùng giường người lớn thay cho giường trẻ, tránh nguy hiểm nếu như trẻ trong lúc ngủ lăn xuống dưới
2. Buổi tối cửa phòng trẻ cần phải đóng, cửa sổ phải kéo rèm, đến ban ngày mới kéo lên đón ánh sáng từ bên ngoài vào. Buổi tối thì phải kéo rèm xuống, tránh luồng ánh sáng và âm thanh ở bên ngoài, cho trẻ có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ. 3. Để giảm ảnh hưởng của luồng phóng xạ từ điện và nguy hiểm khi dùng điện, trong phòng trẻ tốt nhất không nên lắp đặt các loại đồ điện như tivi, đầu đĩa hay máy tính…
4. Phòng trẻ không nên đặt gương hoặc quá nhiều chuông gió, tránh cho trẻ phân tâm và thần kinh yếu.
5. Đồ chơi cho trẻ cần lấy đàn, xe hơi, xếp hình… những thứ phát huy sức sáng tạo của trẻ. Đồ chơi bằng gỗ là lí tưởng nhất ( trừ phi con bạn ngũ hành kị Mộc), bởi vì đồ gỗ vừa có lợi cho sự phát triển của trẻ, vừa là chất liệu từ thiên nhiên, chắc chắn và bền.
Bài: KTS Thùy Linh (Remak Architecture)
*Những điều kiêng kỵ và cách hóa giải khi đặt giường ngủ:Giấc ngủ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của con người, chính vì vậy phong thuỷ của giường ngủ cũng rất được quan tâm. Khi đặt giường ngủ có rất nhiều điều kiêng kỵ cần phải né tránh.
Đầu giường không nên để xà ngang ép đỉnh.Đầu giường có xà ngang ép đỉnh gọi là “huyền trâm sát” sẽ không có lợi cho sức khoẻ của gia chủ. Có ba biện pháp hoá giải như sau:
- Tránh: Đây là biện pháp tốt nhất bằng cách xê dịch đầu giường để tránh xà ngang, làm như vậy đã hóa giải được vị trí không gian ở đầu giường. Ngoài ra, ở đầu giường có thể đặt tủ, giá sách hay giá để dụng cụ để lấp vào, như vậy tránh cho đầu giường không trống trải hơn nữa có thể tiết kiệm được không gian.
- Che: Nếu diện tích căn phòng nhỏ hẹp hoặc vì nguyên nhân nào khác mà không “tránh” được thì có thể dùng phương pháp che bằng cách dùng tấm trần giả để che xà ngang. Làm như vậy sẽ bớt được áp lực về tâm lý.
- Ngăn: Nếu sử dụng biện pháp che mà gia chủ vẫn không an tâm thì có thể đổi giường thành giường hai tầng, tầng trên để chăn đệm còn tầng dưới để ngủ. Làm như vậy, chăn đệm ở tầng trên sẽ thay thế cho người chịu đựng những thiệt hại do xà ngang ép xuống.
Đầu giường không nên để đối diện với cửa phòng:Xét về Phong thuỷ học, đầu giường đối diện với cửa phòng là không tốt lành, bởi vì hiện tượng này sẽ dẫn tới sự suy sụp về sức khỏe và công danh của gia chủ. Trong trường này gia chủ nên xê dịch giường ngủ, không để giường ngủ và cửa phòng thành một đường thẳng. Nếu giường ngủ không thể xê dịch được thì hãy xoay lại để ngủ cũng là một cách hóa giải.
Đầu giường không nên kê quá sát vào cửa sổ.Nếu đầu giường kê quá sát vào cửa sổ thì sẽ không tốt. Không xét về Phong thủy học chỉ nói về môi trường sống, đầu giường kê sát vào cửa sổ khi nắng ánh mặt trời chiếu thẳng vào đầu giường, khi mưa nước mưa thẩm thấu qua cửa sổ sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của gia chủ. Để đảm bảo sức khỏe và gia cư an toàn, không nên kê đầu giường vào sát cửa sổ.
Đầu giường không nên chiếu thẳng vào gương.Trong Phong thủy, gương dùng để ngăn sát, tác dụng phản xạ trở lại sát khí xông thẳng vào cho nên (dù không phải là gương bát quái hay gương cửa) cũng không nên để chiếu trực tiếp vào giường ngủ. Nếu để gương chiếu trực tiếp vào đầu giường thường sẽ bị giật mình ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ dẫn tới hiện tượng mất ngủ, đau tim, tinh thần phân tán. Tốt nhất, nên treo gương ở phía trong cánh tủ quần áo để không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Đầu giường không nên kê sát nhà xí.Đầu giường không nên kê sát vào nhà xí vì nhà xí là nơi không sạch sẽ. Phương pháp hoá giải tốt nhất là kê đầu giường ra chỗ khác, không để đầu giường chiếu thẳng vào cửa phòng nhà xí.
Đầu giường không nên chiếu thẳng vào bếp đun.Trước phòng ngủ có bếp đun rất không có lợi cho sức khỏe vì lửa bếp cháy rừng rực, khói mỡ khi xào nấu xông vào rất không tốt với sức khỏe của con người, có thể sẽ sinh ra các chứng bệnh đau tim…Giường ngủ kiêng kê sát vào bếp đun.Bếp đun là nơi sinh hỏa nấu thức ăn, rất nóng bức vì thế mặc dù có tường, vách ngăn cách thì đầu giường cũng không nên kê sát vào bếp đun. Tốt nhất nên kê giường ra một chỗ khác của phòng ngủ, làm như thế có thể hóa giải được nhiều tai nạn và bệnh tật.Không nên để "lộ không" nơi đầu giường.
Đầu giường không nên “lộ không” điều đó có nghĩa là đầu giường không kê sát vào tường, không có chỗ dựa, không có chỗ che chở, vì thế hung nhiều cát ít. Nếu đầu giường không kê sát vào tường được thì cuối giường nên kê sát vào tường, còn nếu không có thể đặt kệ tủ sát đầu giường cạnh vách tường cũng là một cách hóa giải.
Giường ngủ kiêng chiếu thẳng vào ống khói.Phong thuỷ học cho rằng “ống khói làm cho chủ giường khó sinh nở”, vì thế giường ngủ không nên chiếu thẳng vào ống khói. Nếu xảy ra trường hợp trên thì phải kê giường ngủ ra chỗ khác để khi ngủ trên giường không nhìn thấy ống khói. Ngoài ra có thể dùng rèm để che cửa sổ để tránh nhìn thấy ống khói là được.
Giường ngủ kiêng cầu thang ép đỉnh.Giường ngủ đặt ở dưới chân cầu thang mặc dù là cầu thang ở bên ngoài phòng cũng không nên. Không xét về Phong thủy học, chỉ riêng tiếng bước chân đi lên xuống cầu thang cũng làm cho mất ngủ gây bất an.
*Cầu thang và phong thủy:Trong thiết kế nhà cửa, cầu thang luôn được coi là quan trọng nếu đã tính đến yếu tố phong thủy. Dưới đây là những nguyên tắc cơ bản trong thiết kế cầu thang.Cầu thang được xem là phương tiện "dẫn khí từ tầng này lên tầng kia nên thường phải được thiết kế sao cho rộng rãi, sáng sủa và không bị tù túng.Theo phong thủy, nếu cầu thang tối và thấp thì các luồng khí di chuyển trong nhà sẽ dễ bị chặn lại. Nếu gặp trường hợp này, bạn có thể treo một tấm gương lên trần để tăng cường chiếu sáng cũng như làm tăng nguồn khí, đồng thời tránh làm bậc thang trống dưới nền bậc vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc dẫn khí từ dưới lên trên.Nếu bậc thang nằm quá sát vách một bên vách thì bạn có thể treo một tấm gương trên tường để tượng trưng cho khoảng cách. Ngoài ra, để vừa tạo được sự thông thoáng vừa làm đẹp cho nhà, việc bố trí các chậu cây cảnh đặt dưới cầu thang cũng là cách giúp khí lưu chuyển từ dưới đất lên các tầng trên cùng.Theo nhiều chuyên gia về phong thủy, khi thiết kế nhà cần tránh đặt cầu thang chạy thẳng xuống cửa ra vào chính vì như vậy sẽ khiến cho khí (cũng như tiền của trong nhà) tuôn chảy mất. Để khắc phục khiếm khuyết này, bạn có thể treo một khánh nhạc hoặc quả cầu thủy tinh ở giữa bậc thang cuối với lối vào để làm nhẹ dòng khí lưu chuyển.Ở một góc độ khác, một cầu thang xoáy trôn ốc nhìn xuyên xuống như cái nút chai cũng làm nhiều gia chủ quan ngại. Cầu thang xoắn ốc không những hở bậc thang mà còn làm khí thoát ra giống như có một lỗ hổng trong nhà. Nếu kiêng kỵ và muốn khắc phục nhược điểm này, bạn có thể đặt một gói cây nhỏ hay vật gì xanh trên tay vịn rồi bố trí đèn trên trần chiếu xuống cầu thang từ đầu đến cuối để dẫn khí.
http://www.diaoconline.vn/web/chuyende/phongthuy/2007/11/28/114251/1326/
*Xem hướng cho nhà theo phong thủy:Phong thuỷ tốt xấu của một ngôi nhà là căn cứ trên nhiều loại yếu tố. Cụ thể như phương hướng, địa thế núi sông xung quanh, thời gian không gian hiện tại của ngôi nhà, và cũng tùy theo đại cuộc tốt xấu cuả sơn thủy mà suy đoán khu vực đại cát hay đại hung. Nếu là đại cát thì khu vực này sẽ đại thịnh, người dân sẽ giàu có, phát phúc hơn, còn nếu trong đại cuộc không tốt, thì khu vực này sẽ không thịnh vượng. Ngoài ra, cũng có thể có những căn nhà tốt hơn do là cách cuộc trung cát, bình cát. Chúng ta xem sự tốt xấu của phong thủy nhà ở, trước tiên là phải biết ngôi nhà này nằm ở hướng nào. Nếu dùng mắt thường để phán đoán phương hướng thì thường có sự sai lệch khá lớn, vì các mùa khác nhau có thể mặt trời sẽ mọc hoặc lặn hơi lệch hướng bình thường một chút. Thường trong phong thủy sử dụng la kinh để phán đoán, nếu không có la kinh, bạn có thể sử dụng la bàn thay thế để xác định phương hướng. Sử dụng la bàn, trước tiên phải xác định được hướng nào là hướng chính Bắc và hướng nào là hướng chính Nam. Với 360o Nam Bắc chia làm 8 phương vị bằng nhau, mỗi phương vị chiếm 45o, dùng hướng Bắc làm điểm trung tâm ở dưới. Bắc thiên (nghiêng về) đông 22.5o đều thuộc hướng Bắc, còn gọi là hướng “Khảm”. Từ hướng Bắc thuận theo chiều kim đồng hồ thì chia ra hướng Đông Bắc (Cấn), hướng Đông (Chấn), hướng Đông Nam (Tốn), hướng Nam (Ly), hướng Tây Nam (Khôn), hướng Tây (Đoài), hướng Tây Bắc (Càn). Tám phương hướng trên phân biệt ra dùng 1 đến 9 đại diện tham chiếu theo “Lạc thư cửu cung”.http://www.diaoconline.vn/web/chuyende/phongthuy/2007/11/07/044739/1234/
Khi dùng la bàn để đo phương hướng, là nhìn từ hướng chính diện bức tường nhà để quyết định vị trí ngôi nhà, nói một cách đơn giản, mặt cửa tòa cao ốc hướng ra đường lớn gọi là “hướng”, ngược lại mặt quay lưng với tường gọi là “tọa”. Ví dụ, đường của một ngôi nhà nằm ở hướng Bắc, nên gọi là tọa Ly (Nam) hướng Khảm (Bắc). Hoặc như đường của một ngôi nhà không cân bằng với nhà, nhưng vách tường ngôi nhà là nằm ở 20o Bắc thiên Đông, cũng cho là nằm trong phạm vi của hướng Đông Bắc, nên ngôi nhà này là tọa Khôn (Tây Nam) hướng Cấn (Đông Bắc).Phương hướng của các ngôi nhà khác cũng dùng phương pháp này để tính. Tuy nhiên, khi sử dụng la bàn để đo phương hướng cũng không hẳn chính xác hoàn toàn vì nhà thời nay thường dùng bêtông cốt thép, hoặc khối lượng sắt thép quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến từ tính trong la bàn. Vì vậy, nếu muốn biết vị trí chính xác của ngôi nhà thì nên ra bên ngoài cửa tòa nhà mà dùng la bàn để đo đạc ở nhiều địa điểm khác nhau. Khi đo đạc phương vị nhà ở, cũng cần chú ý đến phương vị của địa thế núi sông xung quanh. Ngọn núi cao hơn nhà mình ở gần đó là nằm ở hướng nào? Phương vị nhìn ra sông là hướng nào? Nếu như xung quanh ngôi nhà đều không nhìn thấy núi hay sông, thì những tòa lầu cao xung quanh có thể xem như núi, đường phố coi là sông, sau khi phán rõ Sơn và Thủy xung quanh ngôi nhà, thì bắt đầu phán đoán phong thủy ngôi nhà tốt hay xấu.
*Cách chọn nhà tránh sát cơ bản:Học phong thủy đại khái có thể chia làm hai bộ phận: một phần là “hình cách”, do môi trường địa lý của ngôi nhà, bố trí thiết kế nội thất tổ chức thành; phần thứ hai là “lý khí ” tính từ tọa hướng, thời gian không gian rồi tổng hợp hai bộ phận này lại để đoán định hung cát (tốt xấu) của ngôi nhà hay cát hung của phần mộ đó.Vị trí tốt cần nằm ở phương vị quan trọngThật ra thì lý luận cơ bản của “lý khí” không hề phức tạp, bốn mặt đông tây nam bắc có thể chia làm 3600 (người xưa thực tế chia làm 365.50 theo số ngày trái đất quay xung quanh mặt trời để chia, nhưng 5.5 độ muốn chia cho 4 phương rất khó chia, cho nên ước khoảng là 3600, 4 phương mỗi phương 900 ). Ngôi nhà trong một không gian thời gian, tọa hướng sẽ xuất hiện một hướng cát, một hướng hung cho nên nếu như hướng hung vừa đúng tọa độ ở các phương vị không quan trọng như nhà vệ sinh, còn vị trí tốt nằm ở cửa, phòng ngủ vị trí giường, vị trí bếp thì tự nhiên ngôi nhà sẽ có một phòng khách tốt, nếu như vị trí trong nhà lại ngược lại, thì đây sẽ trở thành ngôi nhà xấu.Trong một vòng 3600 có một số vị trí là phương hướng không tốt, những phương hướng này trong phong thủy chỉ thích hợp dùng xây chùa, xây đền, khi lựa chọn nhà ở phải cẩn thận, cần phải tránh hung, các hướng tốt còn lại sẽ dễ tìm hơn.Bốn hướng chính Nam, chính Bắc, chính Đông, chính Tây trong 3600 đều là phương vị đại hung.Ngoài bốn hướng chính ra, chính Đông Bắc, chính Đông Nam, chính Tây Nam, chính Tây Bắc cũng được gọi là “tứ ngung tạp sát”, cũng thuộc đại hung.Ngoài tứ chính và tứ ngung bát tạp sát ra, 3600 có thể chia làm 8 hướng, mỗi hướng 450, giữa 8 phương này, ví dụ vị trí bắc thiên nam 22.50 gọi là “bát quái không vong”, cũng thuộc không tốt.Ngoài ra mỗi phương hướng phối với bát quái, mỗi quái lại chia làm 3 phương hướng gọi là “tam sơn”, tổng cộng là 24 sơn. 24 sơn này lại có một số độ số gọi là phương vị “kiêm quái”, ngôi nhà tọa ở đây cũng xuất hiện hung ứng (hiệu ứng xấu) khác nhau.Những tọa hướng nêu trên, đều là lành ít dữ nhiều, các bạn khi chọn nhà có thể dùng để tham khảo, tránh mua lầm hung trạch, thì cát ứng (hiệu ứng tốt) tự nhiên sẽ đến.
http://www.diaoconline.vn/web/chuyende/phongthuy/2007/11/05/090748/1218/
* Phong thủy công ty và cơ sở kinh doanh:Từ xa xưa, người Trung Quốc đã rất tin tưởng và dành nhiều thời gian nghiên cứu thuật phong thủy. Không chỉ xem phong thủy khi xây nhà, các doanh nhân Trung Quốc thường thiết kế các tòa cao ốc của mình hoặc xây dựng văn phòng có hình dáng, cách bài trí phù hợp với phong thủy.Thực chất, phong thủy là bộ môn khoa học về môi trường sống và cách kết hợp các nhân tố tự nhiên như đất, nước... Trong kinh doanh, kiến thức phong thủy giúp doanh nhân xây dựng nhà xưởng, bố trí phòng ban, sắp xếp môi trường làm việc... một cách tốt nhất. Chính vì thế, ngày nay, rất nhiều doanh nhân chú trọng đến vấn đề này. Chúng tôi sẽ giúp bạn có được một căn phòng làm việc hấp thu linh khí trời đất, mang lại tài lộc. Vị trí phòng ốc Phòng làm việc của người quản lý hoặc chủ doanh nghiệp nên đặt ở trung tâm tòa nhà để tạo thế vững chắc. Nên xây theo hình vuông hoặc hình chữ nhật và đặt xa cửa ra vào. Riêng các phòng ban khác, bạn có thể bố trí như sau: - Phòng nghiên cứu ở hướng Đông - Bắc, tượng trưng cho kiến thức.
Phong thủy công ty và cơ sở kinh doanh
Từ xa xưa, người Trung Quốc đã rất tin tưởng và dành nhiều thời gian nghiên cứu thuật phong thủy. Không chỉ xem phong thủy khi xây nhà, các doanh nhân Trung Quốc thường thiết kế các tòa cao ốc của mình hoặc xây dựng văn phòng có hình dáng, cách bài trí phù hợp với phong thủy.Thực chất, phong thủy là bộ môn khoa học về môi trường sống và cách kết hợp các nhân tố tự nhiên như đất, nước... Trong kinh doanh, kiến thức phong thủy giúp doanh nhân xây dựng nhà xưởng, bố trí phòng ban, sắp xếp môi trường làm việc... một cách tốt nhất. Chính vì thế, ngày nay, rất nhiều doanh nhân chú trọng đến vấn đề này. Chúng tôi sẽ giúp bạn có được một căn phòng làm việc hấp thu linh khí trời đất, mang lại tài lộc. Vị trí phòng ốc Phòng làm việc của người quản lý hoặc chủ doanh nghiệp nên đặt ở trung tâm tòa nhà để tạo thế vững chắc. Nên xây theo hình vuông hoặc hình chữ nhật và đặt xa cửa ra vào. Riêng các phòng ban khác, bạn có thể bố trí như sau: - Phòng nghiên cứu ở hướng Đông - Bắc, tượng trưng cho kiến thức.
Phòng làm việc của người quản lý hoặc chủ doanh nghiệp nên đặt ở trung tâm tòa nhà để tạo thế vững chắc.
- Phòng tài vụ nên ở hướng Đông - Nam, trang trí thêm bể cá, tượng trưng cho tiền tài. - Phòng tiếp thị ở hướng Nam, tượng trưng cho danh vọng.
- Phòng Quản trị và Kế hoạch ở hướng Tây sẽ kích thích óc sáng tạo của nhân viên.
- Phòng Kinh doanh ở hướng Tây Bắc tạo nhiều thuận lợi cho việc mua bán. Sắp đặt nội thất.
-Bàn làm việc cũng quan trọng không kém trong việc chi phối hoạt động của doanh nhân. Bàn nên có hình bầu dục, tạo vẻ hài hòa. Vị trí ngồi làm việc không nên quay lưng ra cửa. Bạn hãy sắp xếp sao cho các chỗ ngồi có thể quan sát khắp phòng và kiểm soát được người ra vào.
- Sau lưng chỗ ngồi không nên có cửa sổ nhưng nên có vách tường hoặc bức họa núi non để tạo điểm tựa.
- Cửa sổ hướng ra khoảng không bao la, vườn cây xanh tốt... sẽ mang nhiều vận may cho việc kinh doanh.
- Xây hòn non bộ và hồ nước có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, tượng trưng cho sự thịnh vượng. Các dòng suối nhỏ nên chảy từ Bắc xuống Nam vì hướng Bắc liên kết với hành Thủy, tăng tài lộc.
- Không nên trang trí các vách tường với gương phản chiếu. Chúng sẽ tạo "sát khí" với ánh sáng chói lòa, làm mất cân bằng âm - dương. Ngoài ra, cầu thang không nên đặt ở hướng Tây Bắc hoặc đối diện với cửa ra vào.
*Phong thủy phòng sếp:Theo phong thủy học, việc đặt phòng làm việc đúng phương vị tốt lành sẽ giúp các sếp thêm đảm lược, trí tuệ, ảnh hưởng đến sự hưng suy trong quản lý, thành bại trong sự nghiệp.Vị trí bàn làm việcVị trí bàn làm việc đặt ở trung tâm nhiệm sở là tốt nhất. Nếu là nơi kinh doanh, bàn làm việc của người chủ phải đặt ở tầng một hoặc tầng hầm của lầu kinh doanh. Khi bố trí bàn làm việc như vậy, cần chú ý tới những điểm sau:Bàn làm việc không được kê đối thẳng với cửa ra vào để tránh không bị những tạp âm bên ngoài quấy nhiễu và người ngoài nhòm ngó. Làm như vậy để ngăn "sát khí" rất không lợi cho người ngồi điều hành.Sau lưng người ngồi phải có "chỗ dựa" như bức tường. Khoảng cách giữa lưng người ngồi với tường không được quá lớn. Phong thuỷ học cho rằng, làm như vậy sẽ tăng thêm tính tự tin cho người ngồi làm việc, tránh không có cảm giác trống trải.Trong trường hợp gian phòng làm việc có cửa sổ, thì cửa sổ không được đối diện với những biểu tượng không lành theo quan điểm của phong thủy, như ống khói, cột điện... Tốt nhất là nhìn qua cửa sổ thấy khoảng rộng bao la, vườn cây xanh tốt, cảnh núi non xanh biếc... Bên ngoài cửa sổ không nên có đường đi qua.Việc sắp đặt phòng làm việc lý tưởng nhất cho người lãnh đạo là: Sau bàn làm việc có tường chắc chắn, bên trái chỗ ngồi là cửa sổ, nhìn qua cửa sổ thấy một phong cảnh thiên nhiên đẹp, không khí thoáng đãng. Cửa ra vào ở góc bên phải phía trước bàn sẽ không bị tạp âm quấy nhiễu và không bị người ngoài nhìn ngó bất thường. Cửa ra vào mở ở phía bên trái bàn làm việc có thể thay đổi vị trí một chút, hiệu quả vẫn tốt.Những điều kỵKỵ bày đặt bàn viết đối diện với cửa và khi ngồi làm việc quay lưng ra cửa. Phong thủy cho rằng, cửa là khí khẩu vừa nạp sinh khí mà đồng thời cũng nạp sát khí. Ngồi quay lưng ra cửa thì sau lưng không có "chỗ dựa", thường xuyên thấy cột sống bị ớn lạnh vì sát khí. Cả tạp âm từ ngoài truyền vào sẽ kích thích sống lưng làm cho đại não không yên, người lãnh đạo ở vị trí này luôn ở trạng thái căng thẳng, tâm trí sẽ rối loạn, dễ mắc sai lầm khi ra quyết định.Kỵ ngồi cạnh cửa. Đặt bàn viết nên ở bên phải cửa ra vào, bàn làm việc với cửa ra vào hơi chếch với nhau và xa ra một khoảng cách. Nếu gần cửa ra vào quá, sẽ bị sát khí quấy nhiễu, sẽ giảm hiệu suất lãnh đạo, không những thế, phong thuỷ cho rằng sẽ gây bệnh.Kỵ sau chỗ ngồi có cửa sổ. Nếu kê bàn làm việc theo lối này, người ngồi sẽ ngăn đường đi của gió và ánh sáng, theo cách nói của phong thuỷ là chặn lại sự lưu thông của khí, biến sinh khí thành sát khí, người ngồi làm việc ở tư thế này, trước sau cũng bị suy vi.Kỵ gần cửa sổ có đường đi qua. Cửa sổ cũng là nơi nạp sinh khí và sát khí. Nếu gần đường qua lại, thường nạp vào phòng tiếng bước chân người đi, tiếng cười, tiếng nói, tiếng ta thán... chúng đều là sát khí theo cách nói của phong thủy, rất bất lợi cho việc điều hành và sự nghiệp của người làm việc tại đó. Nếu vì một lý do nào đó phải kê bàn làm việc ở đây, phải có rèm che kín. Nhưng tốt nhất là dời phòng làm việc đi nơi khác.Không kê bàn làm việc ở giữa phòng, vì sau lưng quá xa tường nhà, không có "chỗ dựa", người lãnh đạo trước sau sẽ bị cô lập.Đặt cột thuỷ tinh trên bàn làm việcPhong thủy học cho rằng, người ngồi làm việc phải được tiếp nhận sinh khí từ vũ trụ thì mới minh mẫn trong điều hành công việc. Để tăng khả năng tiếp nhận sinh khí từ vũ trụ, trên bàn làm việc phải đặt cột thuỷ tinh trong không màu, vật dụng này được phong thủy gọi là tháp văn xương. Nếu đặt 4 tháp văn xương trên 4 góc bàn làm việc, sẽ tăng thêm lòng hăng say công việc và sự minh mẫn cho người lãnh đạo.
* Trồng cây hài hòa phong thủy:“ Trước cau sau chuối” - quan niệm về cảnh quan cho nhà ởTrong Phong Thủy, cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam, thường có rất nhiều câu châm ngôn cửa miệng cha ông ta truyền lại nhằm đúc kết kinh nghiệm, giải pháp về phong thủy nơi ăn chốn ở sao cho dễ nhớ dễ thuộc. “Trước cau sau chuối” là một trong những kinh nghiệm về bố trí cảnh quan cho ngôi nhà. Ngôi nhà truyền thống đa phần đều quay về hướng Nam và lân cận Nam để đón gió mát và tránh nắng Tây cũng như gió Bắc lạnh. Vì thế phần trước của mỗi ngôi nhà nên trồng cau (hay nói chung là cây thân cột thẳng, lá đẹp như cau hoàng đế, thiên tuế, cọ, dừa cảnh, chuối rẽ quạt…) để vừa không ngăn cản nắng sớm và gió mát, ít rụng lá, vừa được dáng vươn cao thẳng đẹp như những hàng chào danh dự trước sân nhà.
Còn “sau chuối” là nên trồng những loại cây có lá to và dày, mọc nhanh và ken sát nhau (như chuối, bàng…) để những cây này ngăn gió lạnh hướng Bắc và Đông - Bắc, ngăn nắng gắt buổi chiều Tây - Bắc và giữ ấm cho phần sau nhà.
Khoa học tự nhiên và khoa học Phong Thủy đã chứng minh sự quan trọng của thực vật đối với không gian sống như cung cấp dưỡng khí, lọc giảm bức xạ và tiếng ồn, tạo cảm giác vui tươi sống động và thư giãn tinh thần… Đô thị ngày càng phát triển, khoảng không càng bị thu hẹp khiến mỗi người chủ nhà càng cần quan tâm hơn nữa đến việc bố trí cây xanh cho nội - ngoại thất sao cho Trường Khí ngôi nhà của mình được cải thiện tốt nhất.Cây không chỉ là vật trang tríCây cối luôn đóng vai trò liên kết giữa con người với thế giới tự nhiên. Do vậy, dùng cây cối trong nội thất chính là liệu pháp Tiếp Nối Khí một cách đơn giản và dễ điều chỉnh nhất. Một căn phòng làm việc có nhiều loại trang thiết bị, hãy thử đặt vài chậu kiểng, bình hoa trên bàn và giỏ lan trên bậu cửa sổ chảng hạn. Hiệu quả giảm stress sẽ đến rõ rệt nhờ việc hài hòa tính Âm Dương của các hành Mộc – Kim trong Ngũ hành.Cũng cần quan niệm nhà ở không phải là rừng hay vườn cây, việc trồng cây phải tương quan hài hòa với tỷ lệ không gian sống. Cây cối nhiều quá nếu không có hệ thống sắp xếp hợp lý sẽ dẫn đến ẩm thấp, tối tăm, vướng víu tầm mắt và dễ sinh hỏa hoạn (Mộc sinh Hỏa). Ta có thể thấy, dù là lâu đài phương Tây hay nhà vườn phương Đông, dù được diện tích đất rộng nằm giữa vườn cây thì phần chung quanh ngôi nhà vẫn phải là một khoảng trống thoáng đãng, chọn lọc các loại cây và tránh tình trạng cây cối luộm thuộm che chắn hay mọc bừa bãi sát nhà ở.Tình trạng của cây cối cũng là thước đo Sinh Khí cho mỗi ngôi nhà. Khi một loại cây trồng có dấu hiệu tàn úa, cần khắc phục ngay để duy trì Trường Khí. Gần thì điều chỉnh tại cây đó như xới đất, tưới nước hay tỉa cành, xa hơn là quan sát cả không gian chung quanh xem có bị nắng nóng hay để cây quá sâu trong nhà khiến thiếu dưỡng khí hay không. Tốt nhất là nên chọn các loại cây phù hợp với cấu trúc, hình khối và hướng của nhà (cây ưa nước, ưa nắng hay thích bóng râm, cây sậm lá hay nhiều hoa…).Những bộ cây truyền thống và các quan niệm về cây cảnh hài hòa Phong ThủyNhững bộ cây truyền thống được Phong Thủy xem là Cát Tường, mang lại Sinh Khí trong nhà ở, có thể sắp xếp tuơng ứng với các bộ sau:
a. Bộ Tứ Linh: Đa - Sung - Sanh - Si, vốn là những cây dáng lâu năm, dáng đẹp, rễ bám bền chắc và cành lá sum suê.
b. Bộ Tứ Quý: Tùng - Trúc - Cúc - Mai, tương ứng theo bốn mùa trong năm, trong đó Tùng và Trúc tượng trưng cho nam tử trượng phu, còn Cúc - Mai tương trưng cho nữ nhi hiền thục.c. Bộ Tam Đa: Sung sai quả tượng trưng cho Phúc, Lộc Vừng tượng tượng cho Lộc, Thiên Tuế hay Vạn Tuế tượng trưng cho Thọ.Các nghệ nhân cây cảnh thường tạo dáng cây theo các chủ đề truyền thống như Tam Cương Ngũ Thường, Tam Tòng Tứ Đức, Nhị Thập Tứ Hiếu… trong đó các phần Ngọn, Thân, Rễ tương đương với Thiên - Địa - Nhân, phải hài hòa không được xem nhẹ phần nào. Tiêu chuẩn cơ bản là Nhất Hình - Nhì Thế - Tam Chi - Tứ Diệp nhằm có được những dáng cây hài hòa, khỏe mạnh, vừa mang ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ truyền thống vừa tạo nên hình thế tươi đẹp cho người thưởng ngoạn và nơi ở.
http://www.diaoconline.vn/web/chuyende/phongthuy/2008/01/28/084536/1604/
Phong cách vườn Châu Á
Trong một không gian sống hiện đại, nhu cầu có một khu vườn ngày càng lớn. Có rất nhiều phong cách khác nhau trong trang trí sân vườn, tuỳ thuộc vào thế đất, vào nhà và đặc biệt vào sở thích của gia chủ.
Trong khu vườn của người Châu Á thường hay dùng mặt nước tĩnh với hòn non bộ, cây thế tạo cảm giác yên bình, tĩnh lặng. Greenscape sẽ lần lượt giới thiệu với độc giả các phong cách vườn giúp độc giả trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể tự trang trí vườn cho mình theo ý thích.
Phần I: Phong cách vườn Nhật Bản
Mối khu vườn ở Nhật Bản đều có một đặc trưng riêng tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên của từng vùng. Với người Nhật Bản, một ngôi nhà truyền thống ngoài kiểu kiến trúc đặc Có lẽ cũng vì thói quen mang tính truyền thống đó mà ở Nhật Bản, bất cứ nơi đâu người ta cũng bắt gặp những khu vườn kiểu như vậy. Mục đích của việc tạo những khu vườn này là để con người có thể nghỉ ngơi, thư giãn và hoà mình với thiên nhiên, với cây cỏ, hoa lá…
Sự kết hợp hài hoà của thiên nhiên trong khu vườn Nhật (Nguồn: Greenscape.vn) |
Vườn Nhật đơn giản mà sâu sắc vì đặc trưng của vườn Nhật mang đậm tính Thiền. Trong một vườn Nhật, đất là vật liệu làm nền cho cho những chất liệu căn bản như đá, nước và cây cối. Những chất liệu thiên nhiên này với những hình dạng khác nhau kết hợp lại làm nên khu vườn.Đá có ý nghĩa quan trọng trong vườn Nhật, nó như là bộ khung, là xương sống, là nền tảng của khu vườn. Nhiều chất liệu sử dụng trong vườn được thực hiện từ đá như đá giậm bước, móng cầu, tường, thạch đăng lung, thuỷ bồn. Đá được bố trí nằm riêng lẻ hay thành nhóm kết hợp với cây cỏ làm thành phông nền cho khu vườn.
Đá và sỏi là những vật không thể thiếu trong vườn Nhật (Nguồn: Greenscape.vn) |
Cũng giống như hàng rào, đá có chức năng phân chia những khu vực trong vườn thành những không gian thân mật, riêng tư. Tuy vậy, cần phải cẩn thận khi lựa chọn mỗi viên đá cho khu vườn của mình. Giá trị nhất là những tảng đá có hình dạng thanh nhã, màu sắc, kết cấu hấp dẫn, gân đẹp, có vẻ sần sùi già nua và hoàn toàn tự nhiên, nếu có bám rêu và địa y thì càng thêm giá trị.
Đá được sử dụng làm đường dạo (Nguồn: Greenscape.vn) |
Đi kèm với đá, nước là một chất liệu thống trị trong vườn Nhật. Nước có ý nghĩa thuần khiết, dù ở dạng này hay dạng khác, có thực hay là giả định thì nước vẫn là linh hồn của của vườn Nhật. Một hồ nước nhỏ đơn sơ cũng có thể thể hiện được sinh động nét lung linh, huyền ảo. Những lối đi quanh co cũng góp phần gắn kết khu vườn lại với nhau.Việc lựa chọn và trồng những cây thích hợp cả về chủng loại và kích cỡ là rất cần thiết. Đối với vườn Nhật thì thiết kế cây trồng có nghĩa bao gồm cả việc định dạng kích thước và hình dáng của từng cây trong khu vườn. Khu vườn càng nhỏ thì yêu cầu càng chặt chẽ.
Toàn cảnh khu vườn Nhật (Nguồn: Greenscape.vn) |
Giống như sự cân bằng, tính đồng nhất là trọng tâm của nghệ thuật kiến tạo vườn Nhật. Khu vườn phải tạo cho người ngắm một cảm giác đồng nhất, chan hoà và không tách biệt với thiên nhiên. Hình dáng kiến trúc của ngôi nhà và dáng vẻ tự nhiên của khu vườn như hoà quyện được vào nhau. Tính đồng nhất cũng góp phần bổ sung cho khu vườn những dáng vẻ mới, hấp dẫn thể hiện được khoảng trống không và chỗ kín đáo, dự phù du và vĩnh cửu, sự mềm mại và cứng rắn.
Chòi nghỉ kết hợp làm nơi thưởng thức Trà đạo trong khu vườn (Nguồn: Greenscape.vn) |
Ở Việt Nam, muốn làm kiểu vườn Nhật cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc như trên. Đối với đá, có rất nhiều chủng loại cho bạn lựa chọn như sỏi cuội to, đá granit, đá thấm thuỷ, đá hộc để trang trí cho khu vườn. Đẹp nhất là sỏi cuội to và đá granit. Ở khu vực nước nên dùng đá thấm thuỷ để tạo điều kiện mọc rêu làm tăng tính tự nhiên cho khu vườn. Cỏ Nhật được trồng làm nền cho khu vườn, tuy nhiên cần chú ý, cỏ Nhật chỉ thích hợp với diện tích rộng và không chịu bóng. Khu vực dưới các tán cây, bàn ghế, không nên trồng cỏ nhật vì dễ bị chết. Nên trồng thay bằng các loại cỏ tre, rau má, chua me đất…Cây bụi cắt xén có thể trồng các loại như mẫu đơn đỏ, hồng và hoặc hoa ngâu. Ngoài ra có thể điểm thêm các loại cây như hoa sưa, tường vi cho khu vườn thêm sinh động.
Ngôi nhà theo phong cách vườn Nhật (Nguồn: Greenscape.vn) |
Những ngôi nhà với đường nét kiến trúc đơn giản, hài hoà rất phù hợp với phong cách của vườn Nhật. Bản thân gia chủ cũng là người trọng sự giản dị, thanh cao và triết lý thì mới có thể yêu nét đẹp đơn sơ của vườn Nhật.Làm vườn Nhật không cần diện tích rộng nhưng muốn đẹp đòi hỏi phải có sự tư vấn của kiến trúc sư hoặc có bàn tay chuyên nghiệp của người làm vườn chứ không thể là của những người nghiệp dư.
Tiểu cảnh vườn Thiền được bố trí ngay trước sân nhà (Nguồn: Greenscape.vn) |
Cốt lõi mà kiến trúc sư của Greenscape muốn gửi gắm tới các bạn trong việc thiết kế vườn theo phong cách vườn Nhật chính là sự mô phỏng sống động vũ trụ, thiên nhiên trong đó có cả chính con người của mối chúng ta.
Người Trung Hoa xem vườn cảnh là một môn nghệ thuật không kém gì thư pháp và hội hoạ. Với mong muốn tái hiện vẻ đẹp sơn thuỷ vào nghệ thuật vườn, cho nên họ đã vận dụng nghệ thuật thi hoạ cổ truyền vào việc tạo dựng vườn cảnh nhằm mô phỏng cảnh đẹp thiên nhiên.
Phần II: Nghệ thuật vườn Trung Hoa chủ yếu nhấn mạnh việc mô phỏng tự nhiên và thay đổi tâm trạng cho người thưởng ngoạn bằng các thủ pháp chia cắt, đóng mở, rẽ ngoặt mang nhiều yếu tố sắp đặt. Đặc trưng của kiểu vườn Trung Hoa mà chúng ta dễ dàng nhận ra đó là lối kiến trúc gồm một nhà thuỷ tạ bên bờ nước, một nửa kiến trúc ở trên bờ, một nửa kiến trúc lấn ra hồ nước và đứng trên các cây cột. Ngoài ra, các lối đi thường lát gạch hay đá, những hình trang trí hay các bộ phận có kiến trúc vuông và tròn có ý nghĩa rất sâu sắc thể hiện “trời tròn đất vuông” cũng là những nét đặc trưng của kiểu vườn Trung Hoa.
(Nguồn: Greenscape.vn) |
Vườn Trung Hoa không chỉ thể hiện nguyên lý âm dương ngũ hành, mà còn là sự kết hợp giữa thiên nhiên, triết lý, văn hoá, nghệ thuật rất cao, rất sâu sắc thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật trong không gian ba chiều của tự nhiên trong đó có hoa cảnh, cây cỏ, hồ nước, núi non…nhằm thể hiện sự gắn bó của con người với thiên nhiên.
(Nguồn: Greenscape.vn) |
Có nhiều thủ pháp trong thiết kế vườn Trung Hoa từ bố cục, mặt bằng, cây cối để tạo ra một khung cảnh mô phỏng thiên nhiên. Tuy vậy, nên lưu ý, Trung Hoa là một nước khô và lạnh, còn Việt Nam là xứ sở của nóng ẩm, mưa nhiều do đó vận dụng phong cách vườn Trung Hoa phải chú ý đến bố cục, chọn lựa cây trồng cho phù hợp.
(Nguồn: Greenscape.vn) |
Trước hết, thiết kế vườn phải tuân theo địa thế tự nhiên, bố cục linh hoạt. Tốt nhất trong khu vườn nên có giả sơn, cây cảnh, hoa cỏ, hồ ao, thuỷ tạ, cầu bắc ngang dòng nước, lối đi quanh co thì mới thể hiện được hết phong cách của vườn Trung Hoa. Thiết kế vườn theo kiểu Trung Hoa phải có tính lưỡng nguyên (hay âm dương) có nghĩa là trong cái nhỏ ẩn tàng cái lớn, trong cái hư chất chứa cái thực. Ví dụ, có thể diện tích vườn của gia chủ tuy nhỏ nhưng phải tạo được nhiều lối đi quanh co, cầu bắc phải có nhiều nhịp đan xen với các cảnh giả sơn và ao hồ. Hết cảnh này thì mở ra cảnh mới khiến cho người dạo chơi có cảm giác như quang cảnh mênh mông. Đó chính là thủ pháp tạo sự ẩn hiện.
(Nguồn: Greenscape.vn) |
Khi thiết kế vườn chú ý nên tạo nhiều không gian, không gian được chia ra bởi tường vách, nhà cửa, khe nước, ao hồ…nhưng chúng phải tạo được cảm giác lưu thông, thoáng đãng. Khu vườn phải gợi được khung cảnh nên thơ, trữ tình kết hợp văn học với hội hoạ và thi pháp
(Nguồn: Greenscape.vn) |
Cây trồng trong khu vườn cũng cần đáp ứng được ý đồ, bố cục của khu vườn, tạo ảo giác về phối cảnh và hài hoà về tỷ lệ với công trình kiến trúc. Các cây ven hồ có thể lựa chọn loại cây có dáng mảnh khảnh như liễu, trúc đào vàng, tường vi…
Đặc trưng của kiểu vườn Trung Hoa (Nguồn: Greenscape.vn) |
Cây tạo phông nên chọn loại có lá nhỏ li ti để tạo phối cảnh sâu như me, muỗng, phượng. Cây cận cảnh có thể sử dụng cây bonsai hoặc loại có hoa đẹp như mẫu đơn, đỗ quyên, trà, nhài nhật. Cần chú ý đến mùa ra hoa để trồng đan xen cho khu vườn có hoa quanh năm, tạo vẻ sống động cho khu vườn.
*Ý kiến:
Giá như KTS. Phùng Đạo Hợp(tác giả) giải thích và chứng minh tính logic của Phong Thuỷ một cách rõ ràng, đầy đủ hơn qua một cuốn sách để thuyết phục bà con trong ngành kiến trúc được hiểu thêm; nhất là về việc ứng dụng lý thuyết Phong Thuỷ (Feng Shui philosophy) vào trong kiến trúc, xây dựng, trang trí nội thất như thế nào mà nhiều người Hoa từ TQ, ĐL, HK, VN... qua tới Mỹ, Canada, Âu Châu vẫn tin; cho dù thực tế không phải lúc nào cũng chính xác. Năm 1994, tôi được nghe ông Chao-Ching Fu (dạy kiến trúc Cheng Kung University, Taiwan) nói về ứng dụng Phong Thuỷ cùng với Ngũ Hành(Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ) vào trong kiến trúc Trung Hoa mà người Đài Loan rất tin tưởng. Bởi vậy, rất mong anh KTS. Phùng Đạo Hợp sẽ chia sẻ cho chúng ta biết thêm về Phong Thuỷ.
2 comments:
ÔI quê tôi hihi
HOT COMBO VIGLACERA
Mời ghé coi sản phẩm Inax nha:
INAXBM
Post a Comment